Bài thuốc chữa bệnh từ lá dâu
(Giúp bạn) - Lá dâu không mùi, vị nhạt, ngọt đắng, tính mát vào hai kinh can, phế. Lá dâu có tác dụng chữa một số loại bệnh như thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, nôn ra máu...
Lá dâu hay còn gọi là tang diệp có tên khoa học là Folium Mori. Theo Đông y, lá dâu không mùi, vị nhạt, ngọt đắng, tính mát vào hai kinh can, phế. Một số thực nghiệm lâm sàng cho thấy ăn lá dâu hằng ngày (canh lá dâu, canh hến lá dâu hoặc xào với trứng) hoặc nước hãm lá dâu có khả năng ổn định huyết áp, nhịp tim, đường huyết, làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ ở nhóm người tăng huyết áp và biến chứng ở người tiểu đường.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá dâu
Chữa chảy máu cam: Lấy lá dâu non, vò nhẹ và vo thành cái nút, nhét vào lỗ mũi chảy máu, máu cam sẽ ngưng chảy rất nhanh.
Chữa nôn ra máu: Lấy 12-16g lá dâu và 7-9 ngọn cỏ nhọ nồi (cỏ mực) sao vàng hạ thổ, đổ 400/ml nước sắc còn 200/ml chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa trẻ em đổ mồ hôi trộm: Dùng 7-9 lá dâu non, 8gam hạt sen, 6gam Hoàng kì; nấu nước, pha thêm chút đường kính, cho bé uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 1/3 li cà phê nhỏ.
Giúp da tươi sáng, mịn màng: Lá dâu và mè đen đồng lượng trộn đều (9 lần đồ, 9 lần phơi), thục địa 1kg, liên nhục 200g, tất cả tán nhỏ, trộn với mật ong hoàn viên to bằng hạt ngô, ngày uống 5g, chia làm 2 lần sáng - tối.
Hỗ trợ điều trị các bệnh về phổi, phế quản, ổn định huyết áp, cải thiện các triệu trứng hội chứng mãn kinh: Lá dâu non hoặc bánh tẻ nấu canh hoặc nấu chung với hến, nghêu, cá diếc hoặc hãm nước uống hằng ngày
Thanh nhiệt giải thử, tán phong nhiệt, thích hợp cho những người say nắng, âm hư nội nhiệt: Lá dâu 100g, lá đậu ván 100g, lá sen tươi 100g. Tất cả rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm chút muối ăn, khuấy đều rồi uống.
Giải độc, kháng viêm, giảm đau: Búp dâu non 1 nắm, giã nhỏ đắp vào chỗ sưng đau, bên ngoài lấy giấy thấm nước đắp, khi khô lại thay
Chữa cảm mạo, trừ đờm, làm sáng mắt: Ngày dùng 6-18g lá dâu bánh tẻ, sắc lấy nước uống.