Bé khò khè khi bú sữa mẹ
(Giúp bạn)Nếu trước 2 tháng tuổi bé bú bình thường, gần đây có các dấu hiệu bú kém, khó thở, khò khè trong cổ họng thì chứng tỏ bé có vấn đề về đường hô hấp.
Con trai tôi 2 tháng tuổi, gần đây có biểu hiện bú kém. Tôi quan sát thấy khi bú cháu bị khó thở, lúc thì khò khè trong cổ họng như mắc nhiều đờm, lúc thì rít lên như tắc họng.
Cháu bú kém, cứ ngậm ti vào lại nhả ra khóc và hay bị sặc khi bú. Tình trạng này làm vợ chồng tôi rất lo lắng. Xin hỏi con tôi gặp vấn đề gì? Tôi muốn đưa cháu đi khám thì nên khám ở đâu vừa hiệu quả lại tiết kiệm thời gian (vì cháu còn bé quá)?
(Hoàng Anh - Hà Nội)
Bé khò khè khi bú sữa mẹ
Trả lời trên Vnexpress, Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi - Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, nếu trước 2 tháng tuổi bé bú bình thường, gần đây có các dấu hiệu bú kém, khó thở, khò khè trong cổ họng, lúc thì rít lên như tắc họng… làm ảnh hưởng đến việc bú mẹ, thì chứng tỏ bé có vấn đề về đường hô hấp.
Các bệnh thường hay xảy ra với bé có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản, ngạt mũi... làm bé không thở được khi bú, kết hợp khi sữa mẹ về nhiều bé bú không kịp nên càng bị sặc. Bên cạnh đó, bác sĩ khuyên chị Hoàng Anh nên kiểm tra lại xem bé có bị tưa miệng không, vì khi bị tưa bé cũng hay chán ăn.
Nếu bé khò khè với tiếng thở do tắc mũi vì cảm, ho, có thể làm thông thoáng mũi trẻ bằng cách nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý, sau đó nghe lại. Trẻ bị nghẹt mũi sẽ thở êm hơn sau khi được làm thông thoáng mũi.
Về cách chăm sóc dinh dưỡng: Cho con bú mẹ đúng cách như nâng đầu bé cao lên một chút, bế bé áp bụng vào bụng mẹ, bé ngậm sâu quầng đen núm vú. Trong khi cho bú, mẹ một tay ôm giữ lưng và mông con, một tay thì đỡ lấy bầu ti, hai ngón tay trỏ và giữa kẹp nhẹ phía trên quầng đen núm vú để chặn bớt sữa khi sữa phun tia làm bé dễ sặc.
Nếu bé vẫn không bú được, trong thời gian này, nên vắt sữa ra cốc rồi dùng thìa bón cho bé ít một, nhưng nhớ cho con bú ngay khi có thể để tránh hiện tượng bé bỏ bú mẹ.
Không nên tự ý sử dụng thuốc, kể cả thuốc kháng sinh, thuốc long đờm hay thuốc kháng viêm… vì có thể không đạt hiệu quả tốt mà có khi còn làm trẻ khò khè nhiều hơn, dẫn đến bệnh nặng hơn. Nên đưa bé đi khám chuyên khoa nhi và tai - mũi - họng sớm để xác định rõ nguyên nhân nhằm can thiệp kịp thời.
Cũng về vấn đề này trên Trang thông tin điện tử Bệnh viện Nhi đồng 2, Ths.Bs. Bùi Nguyễn Đoan Thư cho biết thêm, trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi thường hay bị triệu chứng nghẹt mũi sinh lý do lỗ mũi nhỏ và bị bít tắc bởi các vảy mũi.
Nếu thường nghe trẻ thở khụt khịt hay "khò khứ" nhưng lúc thức vẫn bú tốt và lên cân đều đặn thì chỉ cần vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý (nhỏ từ 6-10 giọt một lần, thậm chí rửa mũi để lấy sạch vảy mũi).
Tuy nhiên, khò khè cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản, bất thường khí phế quản, mềm sụn thanh quản, tim bẩm sinh... mà bác sĩ cần phải khám trực tiếp mới có thể chẩn đoán chính xác được vì việc chẩn đoán và tư vấn từ xa thường chỉ mang giá trị tham khảo.
Tham khảo thuốc: Cốm Trẻ Em Upkid - Trẻ biếng ăn, chậm phát triển, còi xương, suy dinh dưỡng. - Trẻ có sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh đường hô hấp. - Bổ sung Kẽm và Selen có nguồn gốc thực vật giúp tăng cảm nhận mùi vị,kích thích quá trình hấp thụ dinh dưỡng, hết biếng ăn ở trẻ, tăng cường hệ miễn dịch. |
Tr.Tuyển
Theo GDVN