Bí quyết chăm sóc bàn chân khi bị tiểu đường
(Giúp bạn)Chăm sóc đôi bàn chân rất quan trọng ở bệnh nhân tiểu đường để phòng ngừa biến chứng có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.
- 1
Kiểm tra cả 2 bàn chân mỗi ngày:
Kiểm tra cẩn thận 2 bàn chân mỗi ngày, nhớ kiểm tra khoảng giữa các ngón vì nhiễm trùng có thể bắt đầu từ đây.
- 2
Rửa chân bằng nước ấm:
Rửa 2 bàn chân với nước ấm mỗi ngày, sau đó lau khô bàn chân và khoảng giữa các kẽ ngón chân.
- 3
Đi giày vừa với chân:
Khi mang giày dép chật, giày làm từ nguyên liệu cứng hoặc mang dép kẹp, chân bạn dễ bị đè ép, trầy xước, đỏ lên, bị kích thích, sưng nề, nhiễm trùng, đặc biệt là nặng hơn sau mỗi bước đi, do đó hãy lưu ý chọn giày vừa vặn với chân và làm từ chất liệu mềm.
- 4
Không đi chân trần:
Người bị bệnh tiểu đường không nên đi chân trần. Nhớ mang vớ trước khi mang giày vì những vật liệu làm giày có thể gây kích thích lên da chân. Mang vớ còn giúp làm êm ái hơn những vùng sẹo hoặc chai ở bàn chân.
- 5
Đến bác sĩ ngay khi có bất thường ở chân:
Hãy báo ngay cho bác sĩ của bạn khi thấy có bất kỳ thay đổi nào hay bất kỳ dấu hiệu nào, thí dụ: bạn cảm thấy đau, ngứa ran, sưng đỏ, viêm tấy, tê bì, cảm giác như kim chích... Đừng vì những dấu hiệu nhỏ như thế mà cuối cùng phải đoạn chi.
- 6
Giữ cho bàn chân mềm mại và không khô nứt:
Bàn chân của bạn có thể bị khô và nứt do đường huyết cao, vết nứt khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng. Bạn có thể sử dụng một ít kem dưỡng da để làm mềm da, giữ cho da mềm mại và không khô căng, nứt nẻ.
- 7
Giữ kỹ chân khi tập thể dục:
Tập thể dục là điều không thể thiếu đối với người bệnh tiểu đường, với các môn được ưa chuộng như: bơi lội, đạp xe đạp, tập dưỡng sinh, đi bộ… Dù là môn nào, bạn cũng nên cố gắng không để ảnh hưởng tối thiểu đến bàn chân. Để an toàn, bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình về chương trình tập thể dục.
- 8
Thường xuyên cắt móng chân:
Cần đặc biệt chú ý vùng khóe móng chân, vì ở đây móng chân dễ đâm vào thịt gây ra tổn thương. Khi có tổn thương ở bàn chân, cần đến bác sĩ chữa trị ngay.
- 9
Tham khảo ý kiến chuyên gia về chân:
Hãy đến gặp các chuyên gia về bàn chân, họ có thể cho bạn lời khuyên về cách chọn giày để nâng đỡ bàn chân.
- 10
Kiểm soát lượng đường trong máu:
Vấn đề cốt yếu nhất của điều trị bệnh tiểu đường là kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Các nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường của Mỹ cho thấy kiểm soát đường huyết tốt sẽ giảm được 64% các biến chứng như: đau đớn, ngứa, tê bì, cảm giác như kim chích…