Bổ sung chất béo trong bữa ăn của con như thế nào?

15:13 14/04/2015

(Giúp bạn)Các mẹ cần linh hoạt sử dụng chất béo một cách đầy đủ, đa dạng và hợp lý vừa giúp bữa ăn của trẻ ngon miệng hơn, vừa cung cấp đủ năng lượng để trẻ phát triển trí tuệ, thể chất ngay trong những năm đầu đời

Cách bổ sung chất béo trong bữa ăn của trẻ

Vnexpress cho biết, trong thực đơn của trẻ khi bắt đầu ăn dặm bên cạnh các nhóm chất bột đường, đạm, vitamin và trái cây thì nhóm không thể thiếu là chất béo. Thông thường, 1g chất béo cho năng lượng gấp 2 lần 1g chất bột đường.

Chia sẻ trên trang, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Hương - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, chất béo cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể trẻ, là thành phần của màng tế bào và mô não. Chất béo là dung môi giúp các vitamin A, D, E, K hòa tan, hấp thu vào cơ thể. Đây là lý do vì sao nhiều viên vitamin bổ sung thường có mang theo tinh dầu.

Theo bác sĩ Hương, trong 6 tháng đầu, trẻ nhận được nguồn chất béo dồi dào từ sữa mẹ. Từ 6 tháng, khi bước sang lứa tuổi ăn dặm, trẻ cần được bổ sung chất béo trực tiếp trong khẩu phần ăn hàng ngày. Năng lượng do chất béo cung cấp trong tổng năng lượng khẩu phần của trẻ dưới 6 tháng tuổi là 45-50%, trẻ 7-11 tháng tuổi cần 40%, trẻ 1-3 tuổi là 35-40%.

-1

Bác sĩ nhấn mạnh, tỷ lệ cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật ở trẻ thường được khuyến nghị khoảng 30% và 70%.

Một số phụ huynh có tâm lý khi dùng dầu thực vật mắc tiền sẽ dùng ít lại. Đây là điều không nên, dù dầu gì thì cũng phải dùng đủ để đảm bảo năng lượng cho trẻ. Với trẻ ở tuổi ăn dặm, trong mỗi chén bột hoặc chén cháo cần có 5-10g dầu tinh luyện, tương đương với một muỗng lớn hoặc 2 muỗng nhỏ.

Nếu trẻ đã ăn cơm thì sử dụng chất béo uyển chuyển trong các món chiên, xào hằng ngày. Cần linh hoạt sử dụng chất béo một cách đầy đủ, đa dạng và hợp lý vừa giúp bữa ăn của trẻ ngon miệng hơn, vừa cung cấp đủ năng lượng để trẻ phát triển trí tuệ, thể chất ngay trong những năm đầu đời, bác sĩ chia sẻ.

Khi lựa chọn dầu ăn cho trẻ cần xem kỹ hướng dẫn sử dụng, xem rõ dầu nào có thể dùng để ăn sống, dầu nào cần phải nấu chín...

Bác sĩ khuyến cáo, nếu sử dụng loại dầu tinh luyện thì cần tắt bếp trước khi cho vào chén thức ăn vì acid béo không no khi đun sôi sẽ biến thành acid béo no, không tốt cho sức khỏe của trẻ. Dùng loại dầu nấu ăn bình thường để chế biến bữa ăn cho trẻ thì cần đun sôi cùng với cháo hoặc bột.

Bổ sung chất béo cho con đúng cách

Theo Báo điện tử Kiến thức, chất béo đóng vai trò quan trọng với cơ thể bé. Mẹ cần chú ý những điều sau để bổ sung lượng đủ chất béo cho con.

Nhiều người, nhất là phụ nữ mới sinh con thường rất ngại ăn đồ ăn có chứa chất béo. Trong 6 tháng đầu đời, bé nhận được tất cả các chất béo cơ thể cần từ sữa mẹ. Sữa mẹ có chứa chất béo thông qua chế độ ăn uống của mẹ. Nhưng chính vì sự kiêng cữ này mà nhiều em bé bị thiếu vitamin K do không có chất béo để chuyển hóa vitamin này từ thức ăn cung cấp cho cơ thể.

Sau 6 tháng, khi trẻ ăn dặm cần sử dụng phối hợp cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật trong bữa ăn cho trẻ. Theo nhiều chuyên gia về dinh dưỡng, tỷ lệ cân đối giữa chất béo động vật với chất béo thực vật nên là 70% và 30%.

-2

Với trẻ dưới 1 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp phải trên 40%. Khi trẻ quá 2 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp khoảng 30-35% tổng năng lượng khẩu phần. Bạn có thể dần dần bắt đầu giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống của bé.

Đây cũng là lúc nên cho bé chuyển sang uống sữa ít béo. Bạn có thể tìm các sản phẩm ít béo từ sữa như sữa chua và các chế phẩm từ sữa.

Mẹ cố gắng hạn chế các loại thức ăn chứa các chất béo không tốt trong bữa ăn gia đình như chất béo trong thịt, bơ, các loại thực phẩm chiên, bánh ngọt và bánh quy...

Thay vào đó, bạn nên sử dụng các loại thức ăn chứa nhiều chất béo tốt như thịt nạc, sữa ít chất béo, bơ thực vật được làm từ các chất béo không bão hòa đa hoặc không bão hòa đơn, các loại hạt, trái cây tươi và rau quả.

Trong quá trình chế biến chất béo cần lưu ý: Không nên đung nóng nhiệt độ quá 102 độ C. Khi đun lâu ở nhiệt độ cao các axit béo không no sẽ bị ôxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể của các axit này, đồng thời các liên kết kép trong cấu trúc của chúng nhanh chóng bị bẻ gãy tạo thành các sản phẩm trung gian như là peroxit, aldehyt... có hại đối với cơ thể.

Do vậy, để đảm bảo sức khỏe của bé, mẹ không nên sử dụng dầu, mỡ thừa đã rán qua ở nhiệt độ cao. Không cho bé ăn các thức ăn rán, quay bán sẵn khi thấy chảo dầu, mỡ dùng cho việc chế biến không còn trong, đã được sử dụng nhiều lần và có màu đen cháy.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Chất béo đối với sự phát triển của trẻ
-4 Bổ sung vitamin cho xương chắc khỏe
-5 Trẻ thiếu vitamin A: Cách điều trị và phòng ngừa
-6 Trẻ thiếu vitamin A dễ bị mù

Theo GDVN

Comments