Các loại thuốc gây hại cho dạ dày
(Giúp bạn)Thuốc gây hại cho dạ dày thể hiện dưới nhiều mức độ tổn thương. Nguy hiểm nhất là gặp các tai biến nặng như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày...
Dạ dày bị tổn thương do dùng thuốc
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, viêm loét, xuất huyết dạ dày là tác dụng phụ rất hay gặp với các mức độ khác nhau: cảm giác đầy bụng, nóng rát vùng thượng vị, viêm loét dạ dày tá tràng; chảy máu, thủng dạ dày, hành tá tràng. Tác dụng phụ xuất hiện cả khi dùng đường uống hoặc đường tiêm.
Sở dĩ, tác dụng phụ này hay gặp nhất do một mặt thuốc gây tổn thương trực tiếp niêm mạc dạ dày, mặt khác nó làm giảm quá trình sản xuất chất nhầy tạo điều kiện cho acid và pepsin của dịch vị gây tổn thương niêm mạc.
Khi dùng đường uống, thuốc sẽ gây loét theo 2 cơ chế: kích ứng trực tiếp dạ dày và do giảm chất nhầy. Còn nếu dùng thuốc với các đường dùng khác, thuốc chỉ gây loét theo cơ chế làm giảm chất nhày hoặc gây tăng tiết dịch vị.
Dùng thuốc theo đường uống tác dụng gây loét sẽ tăng lên rất nhiều trong khi đuờng uống lại là đường dùng phổ biến.
Gây hại cho dạ dày là một trong những tác dụng phụ của thuốc.
Một số thuốc giảm đau gây hại cho dạ dày
+Aspirin: Đây là thuốc hay dùng nhất trong nhóm dẫn xuất của acid salicylic. Aspirin có tác dụng giảm đau tốt nên được nhiều người tín nhiệm để uống khi bị sốt cao, nhức đầu, đau răng, đau người, thấp khớp cấp và mạn.
Ngoài tác dụng hạ sốt và giảm đau, chống viêm còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, vì vậy thuốc làm giảm quá trình đông máu. Tuy nhiên, đây cũng là thuốc nguy cơ rất cao gây viêm loét dạ dày tá tràng. Lạm dụng thuốc có thể gây xuất huyết dạ dày, thậm chí thủng dạ dày.
+Ibuprofen: Có trong thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau như alaxan, antidol và thường được kết hợp với paracetamol (thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt) có thể giảm cơn đau nhanh chóng do ức chế sự tổng hợp hay phóng thích prostaglandin.
Tuy nhiên, thuốc thường gây ra tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Có tới 5 - 15% người bệnh dùng ibuprofen gặp hiện tượng: chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn, nặng hơn là loét dạ dày tiến triển, chảy máu dạ dày, ruột...
+Diclofenac (voltaren, diclofen): Là thuốc giảm đau, chống viêm thường dùng để điều trị các chứng viêm đa khớp, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, đau lưng... Đây cũng là một trong những thuốc gây loét dạ dày - tá tràng - ruột khá nguy hiểm nếu lạm dụng thuốc.
+Indomethacin: Có tác dụng chống viêm, giảm đau, dùng để điều trị đau lưng, viêm dây thần kinh, viêm khớp mạn tính... Lạm dụng thuốc có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng, ruột, rối loạn đông máu.
Các thuốc meloxicam (mobic, M-cam, camrox); pirocicam (fendene); tenocicam (ticoltil) được dùng trong điều trị viêm xương khớp, thoái hóa khớp, viêm cột sống cứng khớp. Tuy phản ứng có hại gây loét và xuất huyết đường tiêu hóa ít gặp hơn nhưng vẫn là nhóm thuốc có nguy cơ cao gây chảy máu đường tiêu hóa nếu bị lạm dụng, dùng liều cao kéo dài.
Một số thói quen gây hại cho dạ dày
Cổng thông tin bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, ngoài việc lạm dụng thuốc giảm đau, một số thói quen hàng ngày cũng gây hại cho dạ dày như:
+Ăn trước khi ngủ: Thành phần protein có trong thức phẩm sẽ kích thích quá trình tiết acid và dịch vị trong dạ dày. Ngay khi ăn xong đã vội đi ngủ, thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết sẽ phân hủy và lên men trong dạ dày, dẫn tới đầy bụng và đau dạ dày.
+Ăn không đúng bữa: Đến một giờ cố định, dạ dày theo thói quen sẽ tiết acid để tiêu hóa thức ăn. Nếu bạn không bổ sung thức ăn kịp thời, lượng acid sản sinh sẽ “phản lại” chính chủ nhân của nó, từ đó gây ra căn bệnh viêm loét dạ dày thường gặp.
+Hút thuốc quá nhiều: Chất nicotine trong thuốc lá có thể làm thu hẹp các mạch máu ở thành dạ dày, từ đó làm tổn thương lớp niêm mạc và làm giảm tính năng tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn của dạ dày.
+Ăn quá nhanh: Khi lượng thức ăn được “nạp” vào quá nhanh, não bộ chưa kịp nhận tín hiệu. Kết quả là dạ dày không kịp tiết dịch và co bóp để tiêu hóa thức ăn. Thói quen ăn nhanh lâu ngày có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.
Thuốc tham khảo: Thanh Vị Khang -Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng. -Làm giảm các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng. |
Thùy Linh
Theo GDVN