Cách phòng bệnh đường ruột dịp Tết

23:13 10/02/2014

(Giúp bạn)Trong dịp Tết, nhịp sống thường ngày của chúng ta bị đảo lộn, lại là lúc có nhiều thay đổi về thời tiết, vui chơi và ăn uống thiếu điều độ khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa. Vì vậy, chúng ta cần nắm được cách xử trí khi đường tiêu hóa bỗng dưng trở chứng.

  • 1

    Chướng bụng, đầy hơi

    Đây có lẽ là rối loạn thường gặp nhất của các bệnh lý về đường tiêu hóa với triệu chứng no hơi, nặng bụng, khó chịu. Nguyên nhân chủ yếu doăn uống thất thường, ăn quá nhiều các chất đạm; lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích dẫn đến tiêu hóa không tốt, thức ăn ứ đọng ở dạ dày.

    Gặp trường hợp này, chúng ta có thể xử trí bằng cách dùng gừng giã nhỏ, vắt lấy nước hòa với nước ấm rồi uống hoặc chườm lên vùng bụng. Nếu không đỡ thì có thể dùng các thuốc trị khó tiêu, đầy bụng như thuốc chống đầy hơi, thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày, thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày – ruột hoặc sử dụng các loại men tiêu hóa. Nên dùng từ 3 - 5 ngày, nếu không đỡ thì phải đến bác sĩ để khám.

  • 2

    Ngộ độc thực phẩm

    Dùng thức ăn kém vệ sinh hoặc ôi thiu, dị ứng hoặc ăn cùng lúc những món kỵ nhau... sẽ dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Biểu hiện chủ yếu là nôn ói và tiêu chảy, đôi khi sốt. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói hay tiêu chảy nhiều hơn. Lúc này, cơ thể cần bổ sung orezol (có bán ở tất cả các hiệu thuốc) để bù lại lượng nước và muối đã mất.
     

    cach-phong-benh-duong-ruot-dip-tet-1
    Tại một quầy hàng rau quả. Để tránh các bệnh đường ruột ngày Tết, cần ăn đầy đủ rau xanh, trái cây tươi
    Tuy không điều trị được nguyên nhân nhưng bổ sung orezol là biện pháp căn bản để tránh các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra. Có thể thay thế orezol bằng viên Hydrit, mỗi lần uống 1 viên pha vào 200 ml nước.

    Cần chú ý pha thuốc đúng tỉ lệ, nếu quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết, quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải. Ngoài ra, có thể dùng một số thuốc có tác dụng hấp thu, thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc các chất kháng tiết ở ruột non. Lưu ý là nếu sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc cầm tiêu chảy thì chỉ sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.
  • 3

    Viêm dạ dày cấp

    Trong ngày Tết, nhiều người dễ bị viêm dạ dày cấp do uống rượu, bia quá độ, sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt… Biểu hiện chủ yếu của bệnh là đau bụng cồn cào, nóng rát vùng thượng vị kèm theo ợ hơi, ợ chua, cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Trường hợp nặng, có thể có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa là nôn ra máu và đại tiện phân đen. Bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được điều trị hợp lý.

    Ngoài các biện pháp trên, để bảo đảm sức khỏe đường ruột ngày Tết, chúng ta cần ăn đầy đủ rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm dạng hạt, đặc biệt nên bổ sung một số thực phẩm có tác dụng chống đầy hơi như tỏi, nấm hương, mộc nhĩ…

    Nên uống nhiều nước, hạn chế tối đa việc sử dụng rượu, thức uống có cồn, đồ ngọt (bánh, kẹo, mứt)…, có thể sử dụng các loại trà thảo dược. Nên có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Chỉ cần những giấc ngủ ngắn cũng sẽ giúp chúng ta nhanh chóng lấy lại sức khỏe, tránh rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi; đồng thời hỗ trợ cơ quan tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn

Comments