Cách phòng tránh sốt xuất huyết cho bé
(Giúp bạn) - Theo bộ Y tế, sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát thành dịch ở nhiều nơi. Sốt xuất huyết là một bệnh nhiệt đới gây ra bởi một loại virus và lây truyển do muỗi. Trẻ bị bệnh có thể sốt cao, đau đầu, phát ban, đau đớn khắp cơ thể. Hầu hết các ca bệnh sốt xuất huyết thường nhẹ và tự khỏi sau khoảng một tuần nhưng nếu không chú ý theo dõi sẽ dẫn tới những biến chứng vô cùng nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cho trẻ.
Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Loại muỗi vằn này thường ở trong nhà, trong các góc tối tăm và các nơi ẩm thấp, thường hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm.
Ảnh minh họa |
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường gặp bao gồm:
- Sốt cao, có thể cao đến 105 °F (= 40 °C)
- Đau mắt và đau nhức ở các khớp xương, cơ bắp, đau đầu dữ dội
- Phát ban trên hầu hết cơ thể
- Chảy máu mũi hay chảy máu chân răng nhẹ
- Bầm tím
Các triệu chứng thường nhẹ ở trẻ em và những người bị nhiễm bệnh lần đầu tiên. Trẻ lớn hơn, người lớn, và những người đã bị nhiễm trùng trước đó có thể có triệu chứng từ vừa phải đến mức độ nghiêm trọng hơn.
Ảnh minh họa |
Những người bị sốt xuất huyết sẽ có các triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết trong 2-7 ngày. Ở trẻ nhũ nhi có thế kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Sau khi hạ sốt, các triệu chứng khác của người bệnh thường trở nên tồi tệ và có thể gây chảy máu nghiêm trọng hơn; xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, ói mửa, hoặc đau bụng nặng và các vấn đề về đường hô hấp như khó thở. Mất nước, chảy máu nặng, và giảm nhanh huyết áp (sốc) có thể xảy ra nếu như người mắc bệnh không được điều trị sốt xuất huyết kịp thời. Khi có những triệu chứng đe dọa đến tính mạng cần đưa người bệnh đến bệnh viện để chăm sóc y tế ngay lập tức.
Điều trị:
Không có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết. Những trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng cách bổ sung nhiều nước để tránh mất nước. Ngoài ra, việc dùng thuốc giảm đau acetaminophen có thể giảm bớt những cơn đau đầu và đau nhức do bệnh sốt xuất huyết. Tuy vậy, thuốc giảm đau aspirin hoặc ibuprofen nên tránh sử dụng vì có thể gây nguy hiểm cho người bệnh do gây ra tình trạng xuất huyết trầm trọng.
Ảnh minh họa |
Hầu hết các ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tự khỏi trong vòng một hoặc hai tuần và sẽ không gây ra biến chứng nguy hiểm về sau. Nếu trẻ có những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn trong những ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai sau khi hạ sốt thì các bậc phụ huynh nên đem trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Thông thường, để điều trị cho các trường hợp bị nặng của bệnh sốt xuất huyết (có tình trạng thất thoát nước từ máu trong cơ thể) tại một bệnh viện, các bác sĩ sẽ truyền dịch để cung cấp nước và cân bằng các chất điện giải để bù lại các chất lỏng bị mất do nôn mửa hoặc tiêu chảy. Truyền dịch thường là đủ để điều trị căn bệnh này hiệu quả, miễn là việc truyền dịch bắt đầu sớm. Trong những trường hợp nặng hơn, các bác sĩ có thể phải thực hiện truyền dịch thay thế huyết tương. Trong tất cả các trường hợp nhiễm bệnh sốt xuất huyết, bất kể mức độ nghiêm trọng thế nào cần nỗ lực để giữ cho người bệnh khỏi bị muỗi đốt. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa việc lây lan bệnh cho người khác.
Biện pháp phòng ngừa:
Ảnh minh họa - Sử dụng màn che trên cửa ra vào và cửa sổ, kịp thời sửa chữa nếu màn bị hỏng hoặc rách. - Cho trẻ mặc áo dài tay, quần dài, giày, vớ khi đi ra ngoài và sử dụng mắc màn chống muỗi trên giường của bé vào ban đêm. - Sử dụng thuốc chống côn trùng cho con theo chỉ dẫn. Sử dụng nhang muỗi, thuốc xịt muỗi hoặc tinh dầu bạch đàn chanh. - Hạn chế thời gian trẻ em chơi bên ngoài vào ban ngày, đặc biệt là lúc bình minh và hoàng hôn - khoảng thời gian muỗi hoạt động mạnh nhất. - Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng không cho muỗi nơi để sinh sản. Muỗi đẻ trứng trong nước, do đó loại bỏ nước đọng trong những thứ như lốp xe bỏ đi, vỏ lon hộp rỗng, bát đựng thức ăn cho chó mèo và tiến hành thay nước bình hoa ít nhất một lần một tuần. |
Nguồn bài: kidshealth