Chăm sóc sức khỏe cho bà bầu đau dạ dày
(Giúp bạn)Phụ nữ mang thai do ốm nghén hoặc do suy nghĩ lo lắng, căng thẳng quá cũng là nguyên nhân khiến bệnh đau dạ dày phát triển nặng hơn. Dưới đây là một số lời khuyên cho bà bầu và chế độ ăn uống hợp lý là cách tốt nhất chống lại bệnh dạ dày khi mang thai để cả mẹ và bé đều được khỏe mạnh.
- 1
Nguyên nhân và lời khuyên sử dụng thuốc cho bà bầu bị đau dạ dày
Ở người mới có thai bị đau dạ dày, tần suất đau nhiều hơn do nôn mửa (dạ dày phải co bóp mạnh, ngược chiều để đẩy thức ăn ra). Khi hết nghén, nhu động cơ dạ dày và ruột do thai nghén giảm, đồng thời vị trí dạ dày bị thay đổi do tử cung to lên chèn ép khiến thức ăn chậm tiêu, dễ ứ đọng dịch vị, làm nặng thêm thương tổn trong niêm mạc dạ dày.
Người có thai khi muốn dùng thuốc để chữa chứng đau dạ dày, thì nhất thiết phải có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tiêu hóa. Bệnh nhân cần thông báo tình trạng thai nghén để bác sĩ lựa chọn thuốc thích hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Ngoài ra, để chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh, thầy thuốc có thể chỉ định soi hoặc chụp X quang dạ dày. Những việc này chỉ nên tiến hành khi thật sự cần thiết, còn nếu có thể trì hoãn được đến sau sinh thì nên chờ đợi.
- 2
Chế độ ăn uống cho bà bầu bị đau dạ dày
- Bà bầu bị dạ dày nên ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn mỗi ngày. Một bữa ăn quá no có thể làm căng phồng dạ dày, gây áp lực lên vùng ngực.
- Bạn tuyệt đối nên tránh xa rượu, đồ uống chứa caffein, hạn chế chocolate, kiểm soát thức ăn giàu gia vị… Bởi vì chúng làm tăng tiết dịch axit trong dạ dày, gây nên những cơn co thắt trong dạ dày.
- Bạn nên nghỉ ngơi ngay sau mỗi bữa ăn. Điều này khiến thức ăn được chuyển hóa tốt trong dạ dày và ruột; tránh được hiện tượng trào ngược thức ăn lên thực quản.
- Bạn nên tránh vận động hoặc luyện tập ngay sau khi ăn. Khoảng 2-3 giờ đồng hồ sau khi ăn, bạn mới nên bắt đầu vận động.
- Bạn cũng nên phòng tránh căng thẳng, stress. Nghỉ ngơi, vận động, hít thở sâu hợp lý sẽ giúp bạn tránh được dấu hiệu thừa axit trong dạ dày.