Điều trị dị ứng giả do Aspirin như thế nào?

15:29 14/04/2015

(Giúp bạn)Dị ứng giả do aspirin là những phản ứng dị ứng không theo cơ chế miễn dịch.

Dị ứng giả do aspirin: Nguyên nhân và điều trị

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, dị ứng giả do aspirin thường xuất hiện sau 2-3 giờ dùng thuốc và có biểu hiện lâm sàng như viêm mũi và hen, mày đay và phù mạch, phản ứng kiểu phản vệ, điển hình là hen phế quản do aspirin.

Cơ chế hen phế quản và các phản ứng dị ứng giả do aspirin chưa được giải thích rõ ràng, liên quan tới nhiều yếu tố, nhất là sự mất cân bằng chuyển hoá axit arachidonic, tăng giải phóng các mediatores từ mastocyte phế quản, các mediatores tiền viêm, prostaglandin và leucotrien.

Hen phế quản do aspirin thường xảy ra ở những người bệnh có tiền sử viêm mũi quanh năm, xuất hiện đợt cấp khi sử dụng aspirin. Hen do aspirin thường kết hợp với viêm mũi xoang, polyp mũi, tăng bạch cầu ái toan, đợt cấp có thể nặng, kéo dài và thậm chí có thể gây tử vong.

Để điều trị dị ứng giả do aspirin cần:

- Tránh tất cả các thuốc có chứa aspirin và các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid.

- Tránh các thực phẩm nhuộm màu bằng tartrazine vì chất này hay gây tác dụng phụ trên người bệnh nhạy cảm với aspirin.

- Có thể dùng corticoid tại chỗ để kiểm soát hen, viêm mũi, cắt polyp, chữa viêm xoang, dùng kháng histamin toàn thân.

- Phát hiện sớm, điều trị kịp thời tiên lượng sẽ tốt.

-1

Thông tin thêm về aspirin

Báo điện tử Bình Định cho hay, aspirin được chỉ định trong đau nhức đầu, nhức nửa đầu (hội chứng Migraine), đau dây thần kinh, đau lưng, đau răng, nhức mỏi toàn thân do sốt, cảm cúm và nhiễm khuẩn nhẹ, điều trị các chứng thấp khớp. Gần đây, Aspirin được nghiên cứu trong nhóm bệnh lý tim mạch.

Aspirin chống chỉ định tuyệt đối với bệnh: viêm loét dạ dày, tá tràng, các bệnh ưa chảy máu hoặc đang chảy máu, các mẫn cảm với Salicylate. Đồng thời, thận trọng sử dụng trong bệnh nhân có suy thận, hen suyễn; không sử dụng cho bệnh nhân thống phong (bệnh gút); đặc biệt với chị em phụ nữ có rong kinh, tuyệt đối không dùng trong thời kỳ mang thai 3 tháng cuối.

Tổ chức Y tế Thế giới đã có thông báo khuyến cáo “thận trọng khi sử dụng Aspirin cho trẻ em dưới 12 tuổi, trừ trường hợp có chỉ định đặc biệt tại bệnh viện”.

Tác dụng phụ của Aspirin gồm: ù tai, cảm giác giảm thính lực, đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa; các hội chứng chảy máu; chảy máu cam, chân răng, nướu lợi. Khuyến cáo với bệnh nhân, không nên chủ quan, tự ý sử dụng thuốc tân dược, nhất là đối với các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt nói chung và Aspirin nói riêng.

Với bất kỳ một dấu hiệu cảm sốt nào, người bệnh cũng không nên ở nhà tự mua thuốc, mà nên đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị.

Thuốc tham khảo: Aspirin Stada 81mg

Aspirin STADA® 81 mg được dùng để phòng ngừa thứ phát sau nhồi máu cơ tim và trên bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ gồm các cơn thoáng qua ở não.

Thùy Linh

Nên đọc
-2 Mặt trái của thuốc giảm đau Aspirin
-3 Cách giảm tác dụng phụ khi sử dụng aspirin
-4 Làm gì khi bị dị ứng thuốc kháng sinh?
-5 Những lưu ý để dùng thuốc kháng sinh hiệu quả

Theo GDVN

Comments