Dùng thuốc hỗ trợ trong bệnh đau thắt lưng
(Giúp bạn)Khi bị đau thắt lưng, bệnh nhân có thể dùng các phương pháp vật lí trị liệu, túi chườm nóng hoặc các loại thuốc giảm đau, kháng viêm.
Theo Báo mới, đau thắt lưng là một bệnh phổ biến nhất trong những bệnh lý cơ xương khớp. Hầu hết mọi người đều có thể bị đau thắt lưng. Tuy nhiên, có rất nhiều phương pháp điều trị đau thắt lưng hiệu quả.
Nếu bạn bị đau lưng sau khi nâng vật nặng hoặc tập thể dục quá mạnh, có thể bạn bị đau do căng cơ. Nhưng đôi khi, đau thắt lưng có thể do phình đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm.
Thêm vào đó, đĩa đệm bị tổn thương có thể chèn vào thần kinh tọa, khiến bạn bị đau từ thắt lưng lan xuống mông và chân.
Triệu chứng của bệnh đau thắt lưng
Triệu chứng thường gặp là đau âm ỉ hoặc đau nhói ở một hoặc hai bên thắt lưng. Cơn đau khiến bạn khó khăn khi di chuyển hoặc đứng thẳng. Đau thắt lưng cấp xảy ra đột ngột, thường sau chấn thương do chơi thể thao, mang vác vật nặng.
Đau thắt lưng kéo dài trên 3 tháng được coi là đau thắt lưng mạn tính. Ngoài ra, nếu cơn đau cấp của bạn không giảm dần sau 72h, bạn cần khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nếu bị đau thắt lưng dữ dội sau khi chấn thương, bạn cần khám bác sĩ ngay lập tức. Hoặc khi bị đau lưng kèm theo một trong số các triệu chứng: tiểu tiện không tự chủ, yếu chân, đau tăng khi ho, hắt hơi, tê bì vùng sinh dục, bạn cần khám bác sĩ để được can thiệp ngoại khoa kịp thời. Nếu không, bạn có thể bị ảnh hưởng đến chức năng sinh dục.
Nguyên nhân thường gặp của bệnh đau thắt lưng
- Do công việc thường xuyên phải nâng, kéo vật nặng. Thậm chí, những công việc khiến bạn phải ngồi cả ngày trước bàn làm việc, hoặc ghế ngồi không phù hợp cũng khiến bạn bị đau lưng.
- Đeo túi xách và ba lô thường xuyên ở một bên vai.
- Tập thể dục hoặc chơi thể thao quá mức. Đặc biệt, nếu cả tuần bạn không chơi thể thao và chỉ chơi vào cuối tuần.
- Tư thế đứng gù, vẹo. Đứng thẳng là cách tốt nhất để giảm trọng lực đè nén lên cột sống thắt lưng. Bạn nên đứng thẳng, ngực hơi ưỡn về phía trước, vai hơi ngả ra sau, thì toàn bộ trọng lượng của bạn sẽ được phân đều lên hai bàn chân.
- Thoát vị đĩa đệm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thắt lưng ở người trẻ. Đĩa đệm bị thoái hóa, rách bao xơ ngoài, khiến nhân nhầy của đĩa đệm bị thoát ra ngoài, chèn vào các rễ và dây thần kinh cột sống, gây đau đớn với các mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ thoát vị đĩa đệm.
- Một số bệnh mạn tính cũng có thể khiến bạn bị đau thắt lưng như: hẹp ống sống gây chèn ép lên các dây thần kinh cột sống, viêm cột sống dính khớp (một bệnh có tính chất di truyền, chỉ gặp ở nam giới), lao cột sống, viêm khớp dạng thấp…
Điều trị cơn đau thắt lưng cấp tính
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, trong cơn đau bạn có thể dùng phương pháp vật lý trị liệu là chiếu đèn hồng ngoại để giảm bớt tình trạng đau lưng. Nếu không có đèn hồng ngoại, bạn có thể dùng túi chườm nóng cũng có tác dụng tương tự. Cũng cần lưu ý túi chườm cũng có thể gây phỏng da nếu dùng nước quá nóng.
Sử dụng thuốc hỗ trợ trong bệnh đau thắt lưng
Trong những trường hợp cần hỗ trợ thêm thuốc, bác sĩ có thể cho bạn dùng các thuốc giảm đau, hạ nhiệt nhưng không gây hại cho dạ dày như: paracetamol.
Nếu dùng được dạng viên suổi bọt tan trong nước thì tác dụng nhanh hơn như Efferalgan 500mg, dạng có kèm theo codein là Efferalgan codein thì tác dụng giảm đau sẽ mạnh hơn.
Ngoài ra, thuốc kháng viêm, giảm đau như: Alaxan, Felden, Neo-pyrazon, voltaren, Nor-amidopyrin, Ibuprofen, Profenid...) cũng được khuyên nên sử dụng trong các trường hợp đau thắt lưng. Tuy nhiên, phần lớn các thuốc này đều gây ảnh hưởng trên dạ dày, vì vậy bạn không nên dùng nếu có triệu chứng viêm, loét dạ dày.
Một số thuốc mới ít có tác dụng gây hại trên dạ dày hơn như: Mobic, Nimesulide... Khi bị dị ứng thuốc hay viêm loét dạ dày cũng không nên dùng mobic. Các thuốc này khi dùng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Thùy Linh
Theo GDVN