Dùng thuốc nhỏ mũi liên tục có sao không?
(Giúp bạn)Nếu dùng thuốc nhỏ mũi nhiều lần hoặc kéo dài cho dù mỗi ngày vài lần thì sau nhiều tuần dùng liên tục, thuốc sẽ giảm hiệu quả.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống chính vì nghĩ rằng thuốc nhỏ mũi chỉ cho tác dụng tại chỗ mà có sự lạm dụng đưa đến bị tai biến không chỉ ở trẻ con mà còn ở người lớn.
Thuốc có 2 loại: loại cho tác dụng toàn thân như thuốc viên uống sẽ hấp thu vào máu để cho tác dụng và loại cho tác dụng tại chỗ hay còn gọi thuốc dùng ngoài không hấp thu vào máu. Thuốc nhỏ mũi được xem cho tác dụng tại chỗ vì khi nhỏ (hay xịt) thuốc vào hai lỗ mũi, dược chất không hoặc rất ít hấp thu vào máu để cho tác dụng toàn thân mà cho tác dụng tại chỗ trị rối loạn tại vùng mũi xoang.
Thuốc nhỏ mũi đầu tiên cần phải kể và được cho là nên dùng ở mọi đối tượng kể cả trẻ con nhỏ tháng và phụ nữ có thai, đó là dung dịch natri clorid (NaCl) 0,9%, còn gọi là dung dịch “ nước muối sinh lý” dùng để nhỏ mũi và nhỏ cả mắt.
Khi mới bị sổ mũi, nghẹt mũi hãy dùng dung dịch natri clorid 0,9% (hỏi mua tại nhà thuốc) để làm thông mũi, làm dễ hỉ mũi. Xin nhấn mạnh, trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai hoặc người lớn cần nhỏ mũi thường xuyên nên dùng dung dịch natri clorid 0,9% để nhỏ.
Người bệnh không nên tùy tiện sử dụng thuốc nhỏ mũi liên tục
Báo điện tử Sức khỏe cộn đồng cho hay, các loại thuốc nhỏ mũi thông thường như Ephedrin, Phinol, Naphazolin, xymetazolin, Otrivin... có tác dụng làm co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm xung huyết làm cho mũi thông thoáng, dễ thở. Ban đầu sử dụng hiệu quả được khoảng 6 đến 10 giờ, sau đó, tác dụng của thuốc giảm dần, bệnh nhân thường dùng tăng liều hoặc thay bằng thuốc mạnh hơn.
Thuốc co mạch nhỏ xịt vào mũi có hiệu quả trong trường hợp mũi bị viêm do lạnh, nhiễm siêu vi... niêm mạc mũi bị xung huyết, dãn mạch, phù nề và mũi sưng to. Tuy nhiên, các loại thuốc Naphazolin, Otrivin, Coldi-B... chỉ là loại thuốc dùng tạm thời để chữa triệu chứng khó chịu, không phải là thuốc trị bệnh.
Do vậy chỉ được dùng thuốc trong 5-7 ngày, nếu dùng thuốc nhiều lần hoặc kéo dài cho dù mỗi ngày vài lần thì sau nhiều tuần dùng liên tục, thuốc sẽ giảm hiệu quả.
Tai hại hơn là thuốc sẽ gây hiệu ứng ngược lại, khiến tình trạng nghẹt mũi càng nặng, trở thành bệnh viêm mũi, điều trị rất khó khăn. Ngoài ra, việc dùng thuốc nhỏ mũi lâu ngày còn có thể gây viêm teo mũi, thủng vách ngăn...
Khi trẻ bị ngạt mũi mà chưa xác định được nguyên nhân, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc co mạch để nhỏ cho bé. Tốt nhất dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để nhỏ, rửa mũi hàng ngày. Nó có tác dụng rửa mũi, làm cho dịch mũi loãng ra và giúp niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường.
Có thể nhỏ 4 - 5 giọt vào một bên mũi rồi hút sạch, ngày làm 2 - 4 lần. Ngoài ra có thể dùng các loại xịt dạng nước biển phun sương cũng có tác dụng làm cho niêm mạc mũi trở lại bình thường; có nhiều nguyên tố vi lượng như bạc, kẽm (giúp kháng viêm), đồng, mangan (chống dị ứng).
Dạng phun sương nên có tác dụng làm sạch các rỉ mũi, tăng cường dẫn lưu dịch, loại bỏ các vảy ở trong mũi... Tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng để các thầy thuốc tìm nguyên nhân gây bệnh, sử dụng đúng thuốc điều trị mới có kết quả.
Người bệnh không nên tự ý mua thuốc về nhà tự điều trị, nếu người bệnh thường xuyên lạm dụng thuốc nhỏ mũi như vậy sẽ gây hậu quả đáng tiếc như bệnh nhân lệ thuộc vào thuốc, phát hiện bệnh muộn, phải phẫu thuật ngoại khoa, mất khả năng cảm nhận mùi vị, 1 bên mũi, chảy máu, nghẹt tai, đau, mất khứu giác, sưng mặt, chảy nước mũi trong 1 bên.
Người bệnh lúc nào cũng cảm thấy nghẹt mũi, chứ không phải chỉ khi “trái gió trở trời”. Y học gọi tình trạng này là viêm mũi do dùng thuốc.
Đến giai đoạn này, bác sĩ không những phải điều trị viêm mũi dị ứng mà còn phải giúp người bệnh cai thuốc nhỏ mũi. Có bệnh nhân có thể dừng ngay việc sử dụng thuốc nhỏ hay xịt mũi, nhưng có bệnh nhân không thể bỏ hoàn toàn nên phải giảm dần số lần nhỏ hay xịt mũi.
Việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với điều trị viêm mũi dị ứng các dạng thông thường. Vì vậy, để bệnh không trở nên phiền phức hơn, người bị viêm mũi dị ứng không nên tự ý dùng thuốc khi chưa hiểu rõ tác dụng của thuốc. Đừng để bạn và người thân vô tình trở thành nạn nhân hay nô lệ của dược phẩm chỉ vì thiếu hiểu biết.
Do các triệu chứng khá giống với cảm, cùng là hắt hơi, chảy mũi, ngạt mũi nên bệnh nhân viêm mũi dị ứng thường tự dùng các loại thuốc cảm giúp giảm đau, hạ sốt. Thông tin của bệnh nhân về những biểu hiện tương đồng giữa hai căn bệnh này đôi khi khiến các bác sĩ và dược sĩ cũng không thể kê toa điều trị đúng.
Tóm lại, thuốc nhỏ mũi tương đối vô hại là dung dịch NaCl 0,9%. Còn thuốc nhỏ mũi gây co mạch, chống sung huyết, tuyệt đối không dùng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi. Người lớn cũng dùng thuốc nhỏ mũi gây co mạch, chống sung huyết trong thời gian ngắn, không quá 5 ngày.
Nếu sổ mũi nghẹt mũi tiếp tục nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị. Nên lưu ý, rối loạn về mũi không chỉ là triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh mà là khởi đầu của viêm mũi dị ứng, viêm xoang… rất cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị tốt ngay từ đầu để không bị bất lợi về sau.
Thuốc tham khảo: Natriclorid Trị sổ mũi, nghẹt mũi. |
Thùy Linh
Theo GDVN