Hỏi - đáp về bệnh lý dịch kính, võng mạc
(Giúp bạn)Các bệnh lý về dịch kính, võng mạc nói riêng và các bệnh về mắt nói chung không nên coi thường. Cần có những kiến thức về bệnh để biết cách điều trị, phòng ngừa.
Tôi có người anh 64 tuổi, bỗng dưng bị mờ 1 mắt, đi khám Bác sỹ soi đáy mắt nói bị xuất huyết võng mạc, có cho thuốc uống, nhưng bây giờ không nhìn thấy gì. Xin hỏi mắt anh của tôi có điều trị được không? Ơ đâu? Mắt còn lại có ảnh hưởng gì không? Nguyên nhân, cách phòng tránh và phát hiện sớm?
Xuất huyết võng mạc là 1 tình trạng máu không ở trong mạch máu mà thoát ra ngoài võng mạc, tùy theo số lượng và vị trí của xuất huyết mà bệnh nhân mờ nhiều hay ít. Người ta chia ra:
- Xuất huyết trước võng mạc: thường ở vùng điểm vàng, hình tròn, tiến triển và tiên lượng tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết nhiều hay ít.
- Xuất huyết trong võng mạc: xuất huyết nông có hình ngọn nến, xuất huyết sâu dưới dạng những mảng lớn
- Xuất huyết sau mõng mạc: xuất huyết ở phía sau võng mạc.
Nguyên nhân: thường do các bệnh lý về mạch máu của võng mạc như bị cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thoái hóa hòang điểm tuổi già, bệnh Eales, chấn thương mắt,…
Trường hợp anh của anh chị, chị nên đưa người nhà đi khám, Bác sỹ sẽ khám mắt bị xuất huyết võng mạc để quyết định có điều trị được không? Tìm nguyên nhân gây ra xuất huyết võng mạc và hướng dẫn cách phòng ngừa mắt còn lại.
(BS.CKII.Trần Huy Hoàng)
Chớ nên coi thường bệnh lý về dịch kính, võng mạc
Tôi bị chứng ruồi bay ở cả hai mắt hơi nhẹ từ năm 1988, sau đó đến năm 2003 đi khám mắt biết là bị đục thủy tinh thể bao sau ở cả hai mắt, mắt trái nhẹ hơn mắt phải. Ngày 22/2/2005 tôi đi mổ mắt phải ở 1 bệnh viện tại TP.HCM và đến nay nhìn rất tốt, thị lực có tăng rất nhiều, khoảng 40%. Tuy nhiên, hội chứng ruồi bay vẫn còn như cũ. Khi đi tái khám có hỏi Bác sỹ điều trị cho biết hội chứng ruồi bay không thể chữa khỏi. Xin Bác sỹ giải đáp dùm.
Bình thường, thủy tinh thể và pha lê thể là những môi trường trong suốt cho phép ánh sáng đi vào võng mạc.
Ruồi bay là 1 trong những triệu chứng thường gặp của đục pha lê thể. Trong 1 số trường hợp có thể thấy hình ảnh giống như con muỗi hoặc mạng nhện.
Nguyên nhân thường gặp nhất của đục pha lê thể đơn thuần là do thoái hóa pha lê thể. Tuổi càng cao thì qúa trình thoái hóa càng nặng, làm cho pha lê thể có thể bị đục nhiều hơn nhưng hiếm khi gây giảm thị lực.
Đục thủy tinh thể (còn gọi là bệnh cườm khô hay cườm đá) ở người già cũng là 1 bệnh lý của qúa trình lão hóa của thủy tinh thể do tia cực tím hoặc do tình trạng dinh dưỡng không đầy đủ. Khi thủy tinh thể bị đục nhiều, người bệnh sẽ không còn thấy ruồi bay nữa vì thủy tinh thể đục ngăn không cho ánh sáng đi vào võng mạc. Phẫu thuật mổ cườm nhằm lấy đi thủy tinh thể bị đục, sau đó thay thế bằng kính nội nhãn, và không can thiệp vào khoang pha lê thể, vì vậy sau mổ bệnh nhân vẫn còn nhìn thấy hiện tượng ruồi bay.
Đối với tình trạng đục pha lê thể đơn thuần do thoái hóa thì không cần điều trị phẫu thuật. Chỉ can thiệp phẫu thuật cắt pha lê thể khi pha lê thể đục nhiều (do chảy máu trong pha lê thể, do viêm nhiễm,...) làm giảm thị lực. 1 số loại thuốc chống lão hóa, tăng cường dinh dưỡng có thể làm chậm qúa trình này.
(BS.CKII. Nguyễn Thị Hồng Phụng)
Xin hỏi bác sĩ "vẩn đục dịch kính mắt" có chữa được không? Chữa thế nào? Bệnh nay có gây mù không?Bệnh nhân 52 tuổi, 1 tháng nay có triệu chứng mắt như có ruồi bay trước mắt nguy hiểm như thế nào?Rất mong nhận được tư vấn của bác sĩ sớm. Xin cám ơn.
Vẩn đục dịch kính do tình trạng lão hóa hay hậu quả của một số bệnh lý dịch kính. Nếu là hậu quả của bệnh, với một số trường hợp có thể điều trị. Riêng nguyên nhân lão hóa (đa số) thường không có chỉ định điều trị. Với bệnh nhân 52 tuổi, có triệu chứng ruồi bay trong một tháng, nhiều khả năng do lão hóa. Nếu đốm đen (ruồi bay) tăng kích thước nhanh, hoặc kèm lóe sáng trong mắt, bạn nên đến Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh để kiểm tra.
(BS.CKII.Hà Tư Nguyên)
Anh tôi 53 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, đến nay đôi mắt gần như đã mù. Bệnh võng mạc do tiểu đường có điều trị được không? Xin được hướng dẫn để điều trị?
Bệnh võng mạc tiểu đường (VMTĐ) là một bệnh nặng, có thể chữa được với điều kiện người bệnh phải hợp tác tốt với bác sĩ chuyên khoa tiểu đường và bác sĩ chuyên khoa võng mạc. Quá trình theo dõi và điều trị là một quá trình kéo dài suốt đời. Nếu thực hiện được điều này, thị giác của bệnh bệnh nhân sẽ được bảo tồn.
Hiện nay, tại các nước phát triển, bệnh VMTĐ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù, bệnh này đang có chiều hướng gia tăng tại các nước đang phát triển. Bệnh có nhiều giai đoạn, ở những giai doạn nặng võng mạc bị tổn thương rất trầm trọng và là nguyên nhân gây mù, rất khó chữa trị, đôi khi không chữa trị được. Thời gian mắc bệnh tiểu đường càng lâu thì khả năng bị bệnh ở võng mạc càng cao. Do đó, điều quan trọng là phòng ngừa bằng cách điều trị thật ổn định bệnh tiểu đường và khám mắt định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa. Khi bệnh ở giai đoạn nhẹ thì chủ yếu là theo dõi, đến những giai đoạn nặng hơn thì điều trị bằng laser võng mạc, nếu có những biến chứng nặng như xuất huyết trong mắt, bong võng mạc thì phải phẫu thuật.
Trường hợp anh của bạn, chúng tôi không có được thông tin cụ thể nên không thể nói được là bệnh nặng đến mức nào và có thể chữa được hay không. Xin đưa người bệnh đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn cụ thể. Để càng lâu, bệnh sẽ càng thêm nặng.
Thân mến!
(BS.CKII.Phạm Văn Hoàng)
Tham khảo thuốc: Natriclorid: Dùng nhỏ rửa mắt, rửa mũi. Bụi bẩn do đi xe máy nhiều, ghèn rỉ mắt. Ngứa mắt, mỏi mắt, khô rát mắt. Phòng ngừa bệnh dịch về mắt. Trị sổ mũi, nghẹt mũi. |
Trà Mi
Theo GDVN