Hướng dẫn cách dạy bé tính hào phóng
(Giúp bạn)Đối với trẻ 2 tuổi, hào phóng có nghĩa là chia sẻ - điều mà bé không muốn làm nhất. Một em bé ở tuổi tập đi (từ 1 đến 3 tuổi) có thể tập chia sẻ ngay từ rất sớm, điều đó chỉ có nghĩa là bé sẽ để các bạn nhìn và sờ vào một thứ quý báu của bé, và vẫn nắm chắc trong tay chứ không đưa cho người khác. Mặc dù bé không nhường đồ chơi, nhưng bạn cần khen ngợi và thừa nhận khi bé vui lòng khoe đồ chơi với bạn bè. Bạn có thể làm gì ?
- 1
Biểu lộ tính hào phóng
Dạy bé bằng cách nêu gương để bé noi theo là cách hiệu quả nhất. Trong bữa ăn trưa, bạn hãy bảo con: “Con có muốn cắn một miếng bánh của mẹ không? Để mẹ chia nó cho con nhé”.
- 2
Việc chia sẻ một hoạt động vui vẻ cũng gây ấn tượng
“Mẹ sắp tưới vườn, hãy đến đây cùng lắp ống nước với mẹ”. Bạn hãy dùng nhiều lần cụm từ “chia sẻ”, chẳng bao lâu bé sẽ hiểu được ý nghĩa của cụm từ đó.
- 3
Nói về mong muốn và nhu cầu của người khác
Bạn hãy giúp con hòa nhập vào xã hội để tự bé thấy một thế giới lớn hơn. Khi con bạn muốn một hộp sữa chocolate ở cửa hàng tạp hóa, bạn có thể trả lời: “Được thôi, đó là thứ mà con thích. Nào, con nghĩ bố con thích gì? Chúng ta sẽ mang cái gì về để chiêu đãi bố con nào?”.
- 4
Khen ngợi bé nhiều
Bất cứ khi nào con bạn chia sẻ, hãy nói với bé rằng điều đó làm bạn vui như thế nào: “Con rất tuyệt khi con cho mẹ cùng chơi chiếc ô tô tải mới của con” hoặc: “Mẹ rất vui khi con cho em bé chơi cùng búp bê. Em bé cũng vui lắm”. Bé sẽ tự hào vì đã làm bạn hài lòng và cách cư xử hào phóng sẽ đến với bé tự nhiên hơn.
- 5
Để riêng một số đồ chơi
Chia sẻ mọi thứ quả là không dễ dàng. Xét cho cùng, bạn cũng không muốn hàng xóm của bạn lái chiếc xe mới của bạn. Con bạn có thể học cách chia sẻ dễ dàng hơn nếu biết rằng một số thứ bé yêu thích là chỉ dành riêng cho bé. Nếu bạn bè đến và bé đặc biệt thích con gấu mới, hãy sẵn sàng để bé giấu nó đi. Nên bảo với con rằng bé không phải chia sẻ con gấu đó bởi vì nó đặc biệt, nhưng cần giải thích rằng tất cả các đồ chơi khác thì để cả hai bạn cùng chơi.
- 6
Tránh trừng phạt bé
Đừng trừng phạt khi bé không chia sẻ đồ chơi bởi vì sở hữu đồ chơi là điều hoàn toàn bình thường với bé 2 tuổi. Chỉ cần nhẹ nhàng cho bé hiểu rằng điều đó làm bạn thất vọng: “Con không cho bạn cùng chơi chiếc xe tải, đó là điều rất xấu. Lần sau, con hãy chia sẻ với bạn nhé”. Bạn hãy cẩn thận tránh đôi co với cách cư xử của bé.
- 7
Hãy để con bạn học từ bạn bè
Để bạn bè của bé làm gương là cách học chia sẻ đồ chơi tốt nhất. Cố gắng đừng dính dáng đến mọi cuộc tranh giành đồ chơi. Cuối cùng thì bé sẽ học được cách dàn xếp khi nhận thấy rằng cách cư xử ích kỷ sẽ xua đuổi các bạn cùng chơi.
- 8
Tìm hiểu nguyên nhân ẩn đằng sau tính keo kiệt của bé
Nếu chia sẻ vẫn là một điều khó khăn đối với con bạn, hãy kiểm tra các vấn đề khác trong cuộc sống của bé. Có phải gia đình bạn vừa mới chuyển đến chỗ ở mới? Có phải bé mới bắt đầu đi mẫu giáo hoặc có phải con thú cưng của bé mới chết?
Đôi khi, bé sẽ phản ứng với sự thay đổi bằng cách giữ chặt vật sở hữu yêu thích hơn. Trong trường hợp này, bé cầm một thứ nào đó bởi vì bé cần một lớp vỏ an toàn hơn. Bạn đừng thất vọng. Hãy để cho bé có thời gian ổn định và để dành bài học chia sẻ.