Hướng dẫn những trò vui kéo bé ra khỏi chiếc TV

21:53 10/02/2014

(Giúp bạn)Theo một số nghiên cứu, xem TV quá nhiều làm hạn chế khả năng tưởng tượng và nhận thức của trẻ. Trong khi đó những chương trình TV lại quá hấp dẫn, nhất là trước bữa tối, khi bạn phải hì hụi trong bếp mà không thể chơi cùng con được

Những trò vui dưới đây sẽ lôi bé vào bếp cùng bạn. Bạn không phải lo lắng nếu bếp nhà mình quá hẹp bởi những hoạt động này có thể diễn ra ở bất kỳ lúc nào và ở đâu.

  • 1

    Đóng vai:

    Bạn thử đề xướng trò chơi "giả vờ" với bé. Trò chơi này không chỉ giúp bé phát huy trí tưởng tượng mà theo một nghiên cứu những bé chơi trò này sống vui vẻ hơn các trẻ khác. Chẳng hạn, giả vờ bạn đang ở một nhà hàng yêu thích mà bé là chủ nhân hay đầu bếp chính. Bạn hãy mặc cho bé một chiếc tạp dề và để con xếp bàn ghế cho những chú thú bông của mình ngồi. Hay, giả vờ hai mẹ con chuẩn bị đi picnic: Bạn có thể mang chăn, giỏ đựng đồ và hỏi con xem bé sẽ gói những thứ đồ ăn nào để mang theo.

  • 2

    Thi nấu ăn:

    Đặt chiếc bàn nhỏ cho bé ở góc bếp với một ít dụng cụ nấu nướng (một chiếc nồi be bé, thớt, dao..) và vài nguyên liệu bạn dùng để nấu bữa tối. Con bạn có thể bắt chước mẹ để giả vờ nấu nướng. "Khi trẻ bắt chước bố mẹ, chúng thấy mình như người lớn và sẽ có cảm giác tự tin hơn", các chuyên gia giáo dục trẻ em cho biết. Nếu bé có các đồ chơi nấu nướng ở phòng mình, bạn có thể chuyển chúng vào gian bếp để hai mẹ con có thể thi nấu cạnh nhau.

  • 3

    Tiêu khiển với ống phễu vui nhộn:

    Đặt bé ngồi ở ghế gần chỗ bạn đun nấu, mang đến cho bé ít hạt đậu hay gạo có màu và một cái phễu, vài cái thìa và chỉ cho bé cách đổ hạt đậu và gạo vào rồi đổ ra. Bạn hãy nhớ để mắt tới bé bởi có những trẻ hiếu kỳ thử cho hạt đậu hay gạo vào mũi và tai mình.

  • 4

    Sáng tạo với bột:

    Các bé rất thích chơi trò dùng bột để tự làm bánh ngọt, bánh quy... Bạn có thể tạo ra một hỗn hợp bột có màu bằng cách: Trộn hai chén bột trắng, nửa cốc muối, hai cốc nước, 2 thìa dầu ăn, 1/4 cốc kem và vài giọt màu thực phẩm vào trong một cái nồi rồi nhào cho đến khi bột mịn và để bé tha hồ sáng tạo với chúng. Bạn có thể giữ lại một ít trong tủ lạnh cho lần chơi sau.

  • 5

    Trổ tài trang trí:

    Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trò chơi này còn lôi cuốn bé hơn cả những chương trình TV vốn rất hấp dẫn. Mang chiếc bàn thủ công của bé vào bếp, hoặc trải chiếc khăn trải bàn lên bàn ăn rồi để bé trang trí với keo, pháo sáng, giấy vẽ, kéo, hạt đậu, vài loại mỳ sợi chưa nấu. Bé có thể sáng tạo ra những chiếc khăn kê bát đầy màu sắc cho các thành viên trong gia đình và trang trí các đường viền bằng hạt đậu và sợi mỳ.

  • 6

    Pizza ngộ nghĩnh:

    Bạn mua một bánh pizza làm sẵn (nhưng chưa nướng) và đưa cho bé một chiếc bát đựng sốt cà chua để quyết lên vỏ bánh. Sau đó, để bé trang trí nó với những miếng phó mát nạo, xúc xích bỏ lò, quả oliu, vài lát cà chua và hạt tiêu hay bất kể thứ gì con thích lên pizza. Nhiều bé thích làm thành mặt cười hay những hoa văn ngộ nghĩnh. Sau khi bạn đã nướng bánh pizza, chỉ cho bé thấy các nguyên liệu trông khác như thế nào so với lúc chưa nấu (nấm co lại, phó mát tan chảy, các màu đậm thêm...)

  • 7

    Các câu chuyện tưởng tưởng:

    Đưa con vào trong bếp và kể cho bé nghe những câu chuyện thú vị. Mẹ có thể sử dụng các đồ dùng nhà bếp để sáng tạo ra nội dung câu chuyện, ví dụ, những sợi mỳ nhúng vào nước sôi có thể đại diện cho chàng thợ lặn trong một nhiệm vụ táo bạo... Mẹ hãy khuyến khích bé thêm vào các tình tiết hay tự nghĩ ra một chuyện mới. Đây là một cách tuyệt vời giúp bé phát triển ngôn ngữ bởi khi kể chuyện bé không chỉ biết cách sắp xếp nghĩ của mình, tìm cách diễn đạt đúng mà còn học nhiều từ mới, từ đó, khích lệ khả năng giao tiếp và sự tự tin của bé.

  • 8

    Phân loại:

    Lấy một số đồ khác nhau gồm trái cây, thìa, đũa, cốc... lên bàn và đề nghị bé phân loại chúng thành những nhóm khác nhau. Trong khi bé tập trung hoàn thành nhiệm vụ, bạn có thể nói với con về các đồ vật, chẳng hạn như màu sắc của chúng ra sao, chúng dùng để làm gì... Điều này không chỉ giúp con bạn vui mà bé còn học được những thuộc tính của các vật. Ngoài ra, phân loại còn là một cách giúp các em nhỏ khám phá thế giới.

Comments