Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm mũi xoang cấp

15:29 14/04/2015

(Giúp bạn)Viêm mũi xoang cấp có đặc điểm là thời gian mắc bệnh ngắn, nước mũi chảy nhiều, đau đầu, phát sốt, khứu giác bị suy giảm, thường thuộc nhiệt chứng, thực chứng. Nguyên nhân thường là cảm nhiễm phong nhiệt, cảm nhiễm thấp nhiệt gây nên.

Sử dụng thuốc điều trị viêm mũi xoang cấp

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, viêm mũi xoang cấp là một bệnh thường gặp với các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C, ho nhiều về đêm, sổ mũi, mũi có mủ vàng hay xanh, đau họng, có thể kèm theo viêm tai giữa cấp... Khi có các triệu chứng trên cần đi khám để được dùng đúng thuốc.

Dùng thuốc kháng sinh

Kháng sinh thường dùng là amoxicillin. Đây là kháng sinh có tác dụng tốt điều trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm xoang, viêm tai giữa… Nhưng khi dùng thuốc này cần lưu ý, thuốc có thể gây ngoại ban (thường xuất hiện chậm sau 7 ngày điều trị); buồn nôn, nôn, tiêu chảy (ở trẻ em dưới 8 tháng tuổi thường có biểu hiện đi phân lỏng).

Một số tác dụng phụ ít gặp hơn nhưng cũng trầm trọng và nguy hiểm hơn như ban đỏ, ban dát sần và mày đay, đặc biệt là hội chứng Stevens - Johnson.

Những phản ứng không mong muốn của amoxicilin ở đường tiêu hóa thường mất đi khi ngừng điều trị. Đối với mày đay, các dạng ban khác nếu xảy ra, phải ngừng dùng amoxicillin, trừ khi có ý kiến của thầy thuốc trong những trường hợp đặc biệt, nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ có amoxicilin mới giải quyết được.

Nếu phản ứng dị ứng xảy ra như ban đỏ, phù Quincke, sốc phản vệ, hội chứng Stevens - Johnson, phải ngừng dùng thuốc và phải được điều trị cấp cứu kịp thời.

Trường hợp bệnh nhân dị ứng với amoxicillin có thể dùng erythromycin để thay thế. Đối với viên nén bao phim nên uống lúc đói, nhưng nếu bị kích ứng tiêu hóa thì nên uống cùng với thức ăn. Viên bao tan trong ruột erythromycin có thể uống bất cứ lúc nào.

Khi dùng thuốc này hiếm khi có các phản ứng không mong muốn nặng. Các tác dụng phụ xảy ra phổ biến nhất là các vấn đề tiêu hóa, đặc biệt với liều cao và sự kích ứng tại chỗ. Thường gặp như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; ngoại ban…

Lưu ý, các dung dịch tiêm có chứa cồn benzylic làm chất bảo quản gây độc cho hệ thần kinh, nên không được dùng cho trẻ nhỏ.

Bactrim cũng là một thuốc kháng sinh có thể thay thế khi dị ứng với amoxicillin. Tuy nhiên không nên sử dụng bactrim nếu bị dị ứng sulfamethoxazol hoặc trimethoprim (hai thành phần có trong thuốc này).

Trước khi sử dụng bactrim, hãy nói cho bác sĩ nếu bệnh nhân có bệnh thận hoặc bệnh gan, thiếu hụt axit folic, hen suyễn hoặc dị ứng nặng, rối loạn tuyến giáp, HIV hoặc AIDS, rối loạn chuyển hóa porphyrin, thiếu hụt G6PD, hoặc nếu bị suy dinh dưỡng…

Cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, các triệu chứng của bệnh có thể cải thiện trước khi nhiễm trùng đã được xóa bỏ hoàn toàn. Bactrim không thể điều trị nhiễm virut như cảm lạnh thông thường hoặc cúm.

-1

Chống sung huyết, nghẹt mũi

Việc dùng thuốc chống sung huyết mũi, nghẹt mũi sẽ giúp sự dẫn lưu xoang tốt hơn. Thuốc hay dùng là nhóm co mạch như oxymethazolin 0,05% vì ít tai biến, ở trẻ chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày.

Thuốc có tác dụng làm giảm tạm thời sung huyết mũi trong các trường hợp do cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang, hoặc dị ứng đường hô hấp trên; Giảm sung huyết ở xoang… Nhưng không được dùng thuốc cho những bệnh nhân mẫn cảm với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Không dùng thuốc nhỏ mũi oxymetazolin hydroclorid 0,05% cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Dùng oxymetazolin quá liều, kéo dài hoặc quá thường xuyên có thể kích ứng niêm mạc mũi, đặc biệt ở trẻ em; có thể gây tác dụng phụ toàn thân như tăng huyết áp, hồi hộp lo lắng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, đánh trống ngực hoặc nhịp tim chậm phản xạ.

Các phản ứng bất lợi thường không phổ biến. Tuy nhiên, nói chung không nên dùng thuốc quá 1 tuần, vì dùng thuốc dài ngày có thể gây viêm mũi do thuốc. Cần ngừng thuốc nếu có phản ứng phụ xảy ra.

Chống phù nề trong mũi

Mục đích của chống phù nề để giúp cho sự dẫn lưu xoang và hoạt động của lông chuyển tốt hơn, nên dùng corticoid tại chỗ vì ít tác dụng phụ hơn đường uống.

Khi dùng các corticoid tại chỗ (dạng nhỏ hoặc dạng xịt) cần lưu ý: Đối với dạng dung dịch nhỏ, tính liều theo giọt (như các dung dịch nhỏ mũi). Dùng hai ngón tay kẹp nhẹ, cho thuốc chảy ra theo giọt, chứ không dùng cả tay hay nhiều ngón bóp mạnh làm thuốc chảy thành dòng, không đếm được, sẽ dẫn đến quá liều. Trẻ dưới 12 tuổi khó thực hiện đúng kỹ thuật nói trên dù rất đơn giản vì vậy cần sự trợ giúp của người lớn.

Dùng không đúng kỹ thuật sẽ không đảm bảo được liều dùng hoặc quá liều, khó đạt hiệu quả, dễ bị ngộ độc. Đối với dạng xịt, liều được tính theo nhát xịt. Không đưa đầu ống xịt vào sâu trong mũi mà chỉ đặt đầu ống xịt ngay đầu mũi để xịt thuốc (dạng giọt, hay phun sương) vào đúng niêm mạc mũi.

Ngoài ra, cần hút mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% để tránh tình trạng ứ đọng trong mũi giúp mũi thông thoáng. Việc tránh sự lan rộng của dịch tiết cũng có tác dụng hỗ trợ tốt trong điều trị bệnh.

Dinh dưỡng cho người bệnh viêm mũi xoang cấp

VnExpress cho biết, viêm mũi xoang cấp tính có đặc điểm là thời gian mắc bệnh ngắn, nước mũi chảy nhiều, đau đầu, phát sốt, khứu giác bị suy giảm, thường thuộc nhiệt chứng, thực chứng. Nguyên nhân thường là cảm nhiễm phong nhiệt, cảm nhiễm thấp nhiệt gây nên.

Ngoài ra, do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, cũng là yếu tố gây ra viêm xoang mũi, số người mắc bệnh viêm xoang mũi ngày càng tăng.

Viêm xoang mũi cấp tính được chia thành 3 thể bệnh phong nhiệt, nhiệt thịnh và thấp nhiệt.

Thể phong nhiệt

Các triệu chứng thường gặp là mũi nghẹt, chảy nhiều nước mũi có màu trắng nhầy hoặc vàng, đau đầu, sốt, sợ lạnh, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng. Nên dùng các thực phẩm có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, thông mũi, như rau húng dũi, húng quế, bạc hà, sắn dây, hoa cúc, lá dâu tằm…

Thể nhiệt thịnh

Các triệu chứng thường gặp là mũi nghẹt, nước mũi đặc, có màu vàng, mùi hôi, niêm mạc mũi sưng đỏ, giảm khứu giác, đau đầu nhiều, sốt, miệng khô đắng, người nóng bứt rứt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.

Nên dùng những thực phẩm có tác dụng trừ nhiệt, lợi thủy, thông mũi như atisô, mướp đắng, bí đao, cà chua, cải ngọt, mã đề, rau má, rau đắng, rau diếp quăn, cải xoong, đậu xanh, hoa cúc, bông súng, rau nhút, sương sâm, sương sáo, rau câu.

Thể thấp nhiệt

Các triệu chứng thường gặp là mũi chảy nhiều nước mũi vàng đục, nghẹt mũi kéo dài, niêm mạc mũi sưng đỏ, giảm khứu giác, nặng đầu, ngực tức, bụng đầy, chán ăn, nước tiểu vàng, cơ thể mệt mỏi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhầy.

Nên dùng những thực phẩm có tác dụng trừ nhiệt, trừ thấp, lợi thủy, thông mũi như rau diếp cá, đậu ván, sắn dây, râu bắp, bắp, rễ tranh, mã đề, bông súng, củ sen, cải bẹ xanh, cải bông, rau mồng tơi, rau bù ngót, rau sam, rau cần tây, trái su su, trái thơm.

Thuốc tham khảo: Pharmaniaga Cetirizine

Cetirizine được chỉ định trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng dai dẳng, viêm mũi dị ứng theo mùa, mày đay mạn tính vô căn ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi và viêm mũi dị ứng theo mùa ở trẻ em trên 12 tuổi, viêm kết mạc dị ứng.

Thùy Linh

Nên đọc
-2 Bệnh viêm mũi xoang
-3 Cách phòng tránh viêm mũi dị ứng
-4 Phòng bệnh viêm mũi khi trời lạnh
-5 Những bài thuốc hỗ trợ chữa viêm mũi dị ứng

Theo GDVN

Comments