Mẩn ngứa ở trẻ nhỏ và cách chữa
(Giúp bạn)Sau lũ lụt, các bệnh mẩn ngứa sẽ tấn công trẻ nhỏ - đối tượng sở hữu làn da mỏng và nhạy cảm. Một số bí quyết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ loại bỏ chứng bệnh khó chịu này cho con mình.
- 1
Trẻ sơ sinh - đối tượng chính
Mẩn ngứa ở trẻ nhỏ là một bệnh viêm da thường thấy, do rất nhiều nguyên nhân phức tạp gây nên, trong đó có thời tiết. Gần đây, người ta nhận thấy những trẻ béo, có cơ địa dị ứng và những trẻ sinh ra trong gia đình có người thường xuyên bị viêm da… là những đối tượng có nguy cơ cao nhất.
Thường thì những trẻ 1-2 tháng tuổi đã bắt đầu có biểu hiện mẩn ngứa. Một số trẻ sẽ tự “thải loại” căn bệnh này khi dần lớn lên, khoảng 2 tuổi trở lên. Thường thì bộ phận “giở chứng” đầu tiên là hai má: Trẻ bị ngứa ở vùng da này, khiến trẻ thường xuyên phải lắc cọ đầu hoặc dùng hai tay gãi thật lực.
Sau một thời gian, trên má trẻ nổi những nốt mẩn như hạt gạo, sau đó hình thành những mọng nước. Rồi những mọng nước này vỡ ra, chảy nhiều nước vàng, và đóng vảy. Suốt quá trình này, trẻ rất ngứa, thường xuyên quấy khóc, không ăn không ngủ được, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thể lực.
- 2
Tập những thói quen có lợi
Theo Đông y, mẩn ngứa là tình trạng xảy ra do hiện tượng bị nóng từ bên trong cơ thể; cũng có thể do ngoại cảnh tác động như hít phải gió độc, ẩm, từ đó bệnh tật xâm nhập vào cơ da mà thành (trong đó “ẩm” là nhân tố chủ yếu).
Ở một số trẻ, bệnh diễn biến trở thành mãn tính thường do không có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nóng ẩm lưu đậu trong cơ thể, dẫn tới huyết hư thương tổn âm, hóa khô sinh phong, gió khô nóng ẩm uất kết, da mất nuôi dưỡng. Sự phát sinh của mẩn ướt có liên quan đến ăn uống, cho nên bệnh kéo dài, cần điều dưỡng dài ngày. Vì thế, phương pháp chữa trị mẩn ngứa bằng ăn uống là rất quan trọng.
Đối với những trẻ có cơ địa dị ứng, các bậc cha mẹ phải luôn đảm bảo vệ sinh da cho con sao cho lúc nào cũng sạch sẽ; không để cơ thể trẻ bị nắng, gió tấn công. Không để trẻ gãi lên những vùng da bị tổn thương. Quần áo của các bé phải rộng rãi và làm bằng chất liệu mềm mại.
Những nhân tố gây dị ứng trong thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm biển như tôm, sò, cua… hoặc những thức ăn tanh chính là nhân tố có thể tấn công trẻ bất kỳ lúc nào, nhất là khi có sự hỗ trợ tích cực của thời tiết.
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều, và những người mẹ đang cho con bú cũng cần kiêng ăn những loại thức ăn này cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi mẩn ngứa. Khi trẻ đã bị mẩn ngứa thì nên ăn chế độ nhạt để không tích lũy quá nhiều nước và natri trong cơ thể. Chỉ nên dùng dầu thực vật vì có thể tăng thêm axit béo không bão hoà, giảm bớt phát sinh mẩn ngứa.
- 3
Một vài cách chữa trị
Khi trẻ bị mẩn ngứa, một vài món ăn sau có thể góp phần cải thiện tình hình: Mướp 30g, rửa sạch thêm chút muối, nấu chín ăn cả bã, nước; Rau sam, rau muống, mỗi thứ 30g cùng nấu canh dùng uống; Rau muống 30g, râu ngô 15g, mã thầy 10g, nấu canh ăn; Đậu xanh, bách hợp, mỗi thứ 30g, nấu cháo ăn; Cá trạch tươi luộc bỏ bã ăn canh; Gạo nếp 50g, rau câu 30g, nấu cháo ăn; Sinh ý dĩ nhân, bột mã thầy, mỗi thứ 30g, cùng nghiền bột mịn nấu cháo; Xích đậu, bí xanh lấy vỏ, mỗi thứ 30g, sắc uống thay trà, có thể uống thường xuyên; Nước chè xanh, nước quả tươi hoặc nước cà chua uống thường xuyên. Cũng có thể cho trẻ ăn cháo đậu xanh.
Một số thói quen cần tránh, đó là: Tránh dùng xà phòng rửa da vì sẽ làm mẩn ngứa nặng thêm. Nếu vẩy hơi dầy có thể dùng dầu gai bôi lên cho mềm da; Không đắp chăn quá dày vì sẽ gây ngứa, không nên dùng chăn len hoặc không nên mặc áo len; Không nên dùng loại kháng sinh có tác dụng phụ gây dị ứng, nên thử cẩn thận trước khi tiêm, hết sức thận trọng khi dùng đường uống.