Mặt trái của thuốc dạng sủi
(Giúp bạn)Thuốc dạng sủi có ưu điểm là dễ uống và dễ sử dụng. Tuy nhiên nó lại có một số mặt trái mà có thể bạn chưa biết.
Thuốc dạng sủi có thể gây mòn răng
Theo Sức khỏe và Đời sống, viên sủi là tên để chỉ các loại thuốc sủi bọt. Ở nước ta, loại thuốc này cũng đã xuất hiện khá phổ biến như các viên UP.SA-C mà người tiêu dùng thường gọi với cái tên dân giã là “C sủi”, hay plusssz, laroscorbine, efferalgan...
Tuy nhiên, phải thận trong khi sử dụng các dạng viên sủi chứa các vitamin nhất là vitamin C và calcium, vì gần đây theo nghiên cứu của Trường đại học Helsinki, răng được ngâm trong đồ uống chứa tới 8 vitamin dạng sủi sau 100 giờ; tất cả các vitamin này kể cả viên sủi chứa calcium đã gây tình trạng khử khoáng.
Gây hại nghiêm trọng nhất là loại C sủi làm cho lớp men răng bị mòn nhanh chóng, gây nguy hiểm cho răng. Hay những nghiên cứu ở Trường Nha khoa Baltimore cho biết rằng, chất acid citric, một thành phần quan trọng ở nhiều loại vitamin sủi bọt đã gây ra sự xói mòn răng, mặc dù sự xói mòn thấp hơn so với các đồ uống có đường nhưng xảy ra vẫn rõ rệt.
Sự xói mòn men răng xảy ra bởi sự hòa tan acid, vì độ pH của men răng là 5,5 do vậy với bất kỳ một hợp chất nào có nồng độ pH thấp hơn đều có thể gây xói mòn, nhất là thời gian tiếp xúc kéo dài. Chỉ cần tiếp xúc liền trong 4 giờ nếu dùng các đồ uống chứa acid như viên sủi, người ta đã thấy sự xói mòn của răng xuất hiện.
Dùng thuốc giảm đau dạng sủi có nguy cơ đột quỵ
Vnexpress dẫn tin theo Telegraph cho biết, những người có thói quen uống thuốc giảm đau dạng sủi như aspirin, paracetamol có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ và tử vong do các thuốc này có hàm lượng muối quá cao.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Dundee (Anh) đã khảo sát hơn 1 triệu người và kết luận những người sử dụng nhiều thuốc giảm đau dạng viên sủi hòa tan dễ bị đột quỵ hơn 22%, bị cao huyết áp cao gấp 7 lần và 28% có khả năng chết sớm do mọi nguyên nhân so với những người dùng các loại thuốc tương tự nhưng không chứa muối.
Các nhà khoa học đã kiểm tra tác động của hàng chục loại thuốc dạng sủi như paracetamol, aspirin, ibuprofen, vitamin C, canxi và kẽm. Đây là những loại thuốc được kê đơn cho bệnh nhân nhưng cũng có thể mua bên ngoài.
Những bệnh nhân thường uống thuốc hòa tan vì gặp khó khăn khi nuốt viên thuốc, và uống thuốc này cảm thấy dễ chịu do có tác dụng nhanh hơn. Nhưng các bác sĩ cho biết, một người trưởng thành uống 8 viên paracetamol hòa tan mỗi ngày sẽ vượt quá số lượng muối hàng ngày được phép, đó là chưa tính đến lượng muối có trong các bữa ăn.
Tiến sĩ George, phụ trách nghiên cứu này khuyến cáo, hàm lượng muối trong các loại thuốc như vậy phải được dán nhãn, ghi rõ và chú thích cẩn thận. Người tiêu dùng đặc biệt lưu ý khi mua những loại thuốc giảm đau sủi bọt hòa tan.
Tiến sĩ Madina Kara, nghiên cứu về thần kinh tại Hiệp hội Đột quỵ, phân tích thêm: "Điều quan trọng là phải nhận thức được lượng muối trong thuốc. Muối dư thừa trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến huyết áp cao, đó là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh đột quỵ. Mọi người nên có chế độ ăn ít muối và chất béo, nên tập thể dục và kiểm tra huyết áp thường xuyên để hạn chế khả năng đột quỵ".
Thùy Linh
Thuốc tham khảo: Redoxon Dự phòng và điều trị thiếu hụt vitamin C và kẽm trong tình trạng và điều kiện gia tăng nhu cầu hoặc tăng nguy cơ sự thiếu hụt. |
Theo GDVN