Một số bệnh dễ gây vô sinh ở nữ
(Giúp bạn)Hiếm muộn và vô sinh dường như đang tăng lên từng ngày.
- 1
Vô kinh
Khi trưởng thành mà không có kinh nguyệt thì được gọi là vô kinh.
Vô kinh có thể là nguyên phát (từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ thấy kinh) hay thứ phát (đã từng có kinh nhưng sau đó không có kinh nữa hay là kinh rất thưa trên 6 tháng mới có kinh một lần).
Vô kinh có thể do rất nhiều lý do như: dị tật bẩm sinh đường sinh dục (không có tử cung, không có âm đạo), không rụng trứng, suy buồng trứng sớm ở phụ nữ còn trẻ nguyên phát hay sau điều trị có mổ cắt buồng trứng hay hóa trị xạ trị do ung thư.
Nếu vô kinh do không rụng trứng có thể kích thích buồng trứng để có con. Nếu do suy buồng trứng thì phải xin trứng của người khác.
- 2
Buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra ở khoảng 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nghĩa là có những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang nhưng vẫn có con bình thường vì ở những người này, có rất nhiều trứng nhưng trứng không chịu rụng.
Còn theo tiêu chuẩn chẩn đoán mới được thống nhất trên toàn thế giới, hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán khi bệnh nhân có 2 trong 3 nhóm triệu chứng sau đây:
- Triệu chứng lâm sàng: Rối loạn kinh nguyệt (kinh thưa, hay vô kinh), béo phì, rậm lông.
- Triệu chứng nội tiết: tăng nội tiết tố nam và LH.
- Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
Nếu bị hội chứng buồng trứng đa nang và không có con nên đến cơ sở điều trị hiếm muộn để được điều trị bằng cách sử dụng các thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng.
Cơ chế bệnh sinh của hội chứng này chưa được tìm ra nên không có cách phòng tránh bệnh này. Tuy nhiên, trong hội chứng buồng trứng đa nang, trên 50% bệnh nhân có tình trạng béo phì và béo phì cũng làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Do đó, chị em nên có chế độ ăn uống và thể dục để tránh béo phì gây khó khăn trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang.
- 3
Bệnh phụ khoa
Hiện tượng ra dịch đục có lẫn máu từ âm đạo có thể là triệu chứng của một bệnh lý phụ khoa, có thể liên quan hoặc không liên quan đến khả năng thụ thai. Vì vậy, bạn cần đi khám phụ khoa tại các cơ sở y tế có khoa sản để được chẩn đoán và điều trị.
- 4
Suy buồng trứng, rối loạn phóng noãn
Kinh nguyệt không đều đặn và dần tắt hẳn có thể là dấu hiệu của bệnh tử cung nhi hóa. Có thể uống thuốc nội tiết tố để có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, giữ cho tử cung bình thường. Còn khi lập gia đình thì phải đến ngay cơ sở điều trị hiếm muộn để được khám, chẩn đoán và điều trị
Rối loạn phóng noãn thường gây khó có thai và việc điều trị phải sử dụng các loại thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng. Thông thường tỷ lệ có thai đạt được sau mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng khoảng 30%. Kích thích buồng trứng thường không làm quá nhiều lần trên một bệnh nhân nên không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và cũng không gây ảnh hưởng lên sức khỏe thai nhi.
Ở trường hợp cắt một bên buồng trứng thì vẫn có sinh con bình thường.
- 5
Thiếu nội tiết tố nữ
Nếu đến tuổi trưởng thành mà ngực lép như đàn ông, núm vú cũng nhỏ thì đó có thể là dấu hiệu của buồng trứng không hoạt động.
Để xác định chính xác, cần đến cơ sở chuyên khoa để xét nghiệm nội tiết: FSH, Estradiol và được khám phụ khoa đề chẩn đoán.