Nguyên nhân gây bệnh phong
(Giúp bạn)Bệnh phong là bệnh có từ lâu ở Việt Nam, tên thường gọi là bệnh hủi, bệnh cùi, bệnh phung; và gần đây, để tránh thành kiến sai lầm, còn gọi là bệnh Hansen.
Theo Dân trí, bệnh phong trước đây còn gọi là bệnh cùi, bệnh hủi. Ngày nay khoa học đã chứng minh bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ra bởi vi trùng phong. Bệnh phong không phải là bệnh di truyền, không gây chết người, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những tàn tật, di chứng trầm trọng. Chính những tàn tật này làm cho người ta sợ hãi và quan niệm sai lầm về bện phong.
Nguyên nhân gây ra bệnh phong là do trực khuẩn phong, có tên khoa học là Mycobacterium Leprae, hay người ta còn gọi là vi trùng Hansen.
Đặc điểm lây lan của bệnh phong
Từ thực tiễn điều trị bệnh phong trong gần 30 năm qua, có thể tóm tắt những đặc điểm về lây lan của bệnh như sau:
- Bệnh phong ít lây: tỷ lệ lây lan giữa những cặp vợ chồng, trong đó 1 trong 2 người bị bệnh phong chỉ chiếm 3-6%. Đó là một thuận lợi lớn cho việc khống chế và thanh toán bệnh phong.
- Bệnh phong lây chậm: Chu kỳ tái sinh của trực khuẩn Hansen là 12-13 ngày. Như vậy, trực khuẩn Hansen sau khi xâm nhập vào người lành phải mất một thời gian dài mới có thể nhân lên đủ số lượng gây được bệnh. Trong thực tế, thời gian ủ bệnh của bệnh phong rất dài, trung bình 2-3 năm, có trường hợp đến 20-32 năm.
- Bệnh phong khó lây: Tỷ lệ các thể phong lây (L và B) ở Việt Nam khoảng 30%. Trực khuẩn Hansen sau khi được bài xuất ra ngoài thường chỉ sống thêm 1 ngày, đôi khi 2 ngày và hãn hữu 1 tuần, nghĩa là trong khoảng thời gian đó, phải gặp được 1 chỗ da bị lở loét, xây xát của một người lành mới có thể xâm nhập và gây bệnh.
Trong lịch sử y học, các nhân viên y tế được phân công chăm sóc bệnh nhân phong, chưa một ai bị lây bệnh mặc dù không cần và không có thuốc gì phòng bệnh, ngoài cách duy nhất là giữ vệ sinh thân thể thông thường.
Phân loại bệnh phong dựa vào các biểu hiện lâm sàng của bệnh. Bệnh phong được chia thành 2 thể và 2 nhóm như sau:
- Thể phong u (viết tắt là thể L): dát, lan tỏa, thâm nhiễm, u, thần kinh đơn thuần.
- Thể phong củ (viết tắt là thể T): dát, củ nhỏ, củ to, thần kinh đơn thuần.- Nhóm bất định (viết tắt là I): dát, thần kinh đơn thuần.
- Nhóm trung gian hay lưỡng dạng: thâm nhiễm, các tổn thương khác.
Nguyên nhân gây bệnh phong
Phong cũng thường được gọi là bệnh Hansen, vì vi khuẩn gây bệnh được bác sĩ người Na Uy Gerhart Henrick Armauer Hansen tìm ra vào năm 1873 qua kính hiển vi. Đây cũng là khám phá đầu tiên về vi sinh vật gây bệnh ở loài người. Nhờ khám phá này mà phong được cởi bỏ gán ghép là một thứ tội lỗi, một trừng phạt hoặc lây lan do di truyền.
Vi khuẩn Hansen hầu như chỉ có ở loài người. Chúng chỉ sống được trong lòng tế bào cơ thể. Vì thế vi khuẩn không nuôi cấy được ở trong phòng thí nghiệm nhưng có thể sinh sản ở bàn chân ẩm ướt của loài chuột.
Mới đây, các khoa học gia khám phá ra rằng, một số thú vật tên là armadillos, có nhiều ở Texas và Louisiana, Hoa Kỳ, cũng chứa vi khuẩn này trong gan, dạ dày, ruột. Họ chưa biết chúng có truyền bệnh sang người hay không. Thú vật này không có ở châu Phi, Đông Nam Á, Ấn Độ, nơi mà bệnh phong có nhiều. Một vài loại khỉ cũng chứa vi khuẩn Hansen. Đôi khi vi khuẩn này cũng nằm lẫn trong đất cát.
Khoa học cũng chưa biết rõ bằng cách nào mà bệnh có thể lây lan giữa người với người. Trước đây người ta tin tưởng rằng bệnh rất hay lây và chỉ đụng vào người bệnh đã có thể bị nhiễm bệnh rồi. Nhưng thực ra không phải vậy. Kinh nghiệm cũng như khoa học cho hay bệnh có thể lây nhưng không dễ lan truyền. Vì quá trình lây lan, phải một thời gian tiếp xúc trực tiếp và lâu dài giữa người lành với người bệnh. Ngay cả những người chăm sóc bệnh nhân phong cũng ít khi bị nhiễm bệnh.
Hơn nữa, khoa học còn cho hay, chỉ 5% loài người có thể bị nhiễm vi khuẩn này và bệnh phong và 95% dân chúng có tính miễn dịch với vi khuẩn này mặc dù có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Đó là nhờ hệ miễn dịch của cơ thể có khả năng tiêu diệt vi khuẩn này.
Tham khảo thuốc: Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. |
Trà Mi
Theo GDVN