Nguyên nhân và cách điều trị bệnh ra nhiều mồ hôi
(Giúp bạn)Ra mồ hôi là phản ứng bình thường giúp cơ thể giảm nhiệt khi nhiệt độ cao, tuy nhiên ra mồ hôi quá nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh tật. Dưới đây là những hỏi đáp liên quan đến việc đổ mồ hôi, mời các bạn cùng tham khảo.
Hỏi
Tôi 47 tuổi, gần một năm nay bị chứng bệnh ra mồ hôi. Dù tôi làm việc nhẹ như tập thể dục buổi sáng rồi đi tắm nhưng mồ hôi vẫn ra rất nhiều. Tôi nên dùng thuốc gì để điều trị?
Trả lời
Trên trang Victoriavn, Thạc sỹ - Bác sĩ Nguyễn Ảnh Đạt, khoa Nội thần kinh, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ, trả lời về vấn đề này như sau:
Có hai trường hợp ra mồ hôi nhiều cần được phân biệt:
Tăng tiết mồ hôi khu trú (lòng bàn tay, lòng bàn chân, dưới cánh tay, nách, háng): rối loạn mang tính di truyền, điều trị bằng cách tiêm hoạt chất botulinum hay phẫu thuật làm liệt hạch giao cảm gây giảm tiết mồ hôi.
Nguyên nhân và cách điều trị bệnh ra nhiều mồ hôi.
Tăng tiết mồ hôi toàn thân: thường thứ phát do rối loạn chức năng tuyến giáp hay tuyến yên, đái tháo
đường, u bướu, bệnh gout hay nhiễm độc thủy ngân.
Do đó, khi có hiện tượng ra nhiều mồ hôi, cần đi khám chuyên khoa phẫu thuật thần kinh hoặc chỉnh hình để xác định nguyên nhân và điều trị.
Thạc sỹ - Bác sĩ Nguyễn Ảnh Đạt, khoa Nội thần kinh,
Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ
Câu hỏi
Tôi năm nay 24 tuổi, và bị ra mồ hôi tay chân. Trước đây khi đi học thì nó ít ảnh hưởng tới sinh hoạt. Từ khi đi làm thì rất phiền phức và ảnh hưởng nhiều tới công việc. Bác sỹ cho tôi hỏi có cách nào trị khỏi không và cách nào có hiệu quả tốt nhất. Tôi xin cảm ơn rất nhiều.
Trả lời:
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế chia sẻ trên trang songkhoe.vn, có rất nhiều nguyên nhân gây ra mồ hôi tay, chân (tăng tiết mồ hôi) như: bệnh về thần kinh giao cảm, cảm xúc, do vị giác, do phụ nữ có thai, mãn kinh, khối u di căn chèn ép hoàn toàn thần kinh tủy sống, hạ đường huyết, uống thuốc hạ nhiệt salicylat quá liều... Ngoài ra, yếu tố môi trường, thời tiết khí hậu nhiệt đới là điều kiện thuận lợi cho tăng tiết mồ hôi trầm trọng hơn.
Bạn nên đi khám bác sĩ da liễu hoặc nội tiết, tìm nguyên nhân gây ra mồ hôi tay chân và có hướng điều trị phù hợp cho lứa tuổi của bạn.
Hiện nay, y học có rất nhiều phương pháp điều trị tăng tiết ra mồ hôi tay chân, bạn có thể tham khảo các phương pháp điều trị dưới đây.
Điều trị tại chỗ, bôi aluminum chloride 20% vào các buổi tối, tác dụng rất tốt.
Điện chuyển ion: đưa các hạt điện tích của thuốc qua da vào sâu dưới da.
Tiêm botox vào mỗi bàn chân, tay hoặc nách tác dụng giảm tiết mồ hôi rất tốt. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là gây yếu cơ khi cầm nắm, nên khuyên bệnh nhân khi làm việc phải thận trọng. Phương pháp này có tác dụng trong 5 tháng sau khi tiêm nhưng giá thành cao. Ở điều kiện nước ta, chỉ cần tiêm một lần vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè.
Liệu pháp uống thuốc kháng cholinergic như pro-banthine hoặc glycopyrrolate có tác dụng giảm tiết mồ hôi toàn thân, trong 4-6 giờ sau uống thuốc.
Phẫu thuật: khi tất cả các phương pháp trên thất bại thì phương pháp phẫu thuật được áp dụng: cắt bỏ hạch giao cảm ngực để điều trị tăng tiết mồ hôi bàn tay. Phương pháp diệt hạch giao cảm có tác dụng nhanh, ngừng tiết mồ hôi hoàn toàn 2 bàn tay, nhưng da có thể trở nên khô ráp, rất khó chịu.
Tiêm huyết thanh nóng để diệt hạch giao cảm ngực thay cho phẫu thuật cũng đạt hiệu quả cao.
Sử dụng lát lốt để trị chứng đổ mồ hôi tay, chân. Dùng thân, lá và rễ lá lốt rang vàng, hạ thổ, sắc uống trong 7 ngày liền, nghỉ 4-5 ngày sau đó tiếp tục sử dụng bài thuốc thêm 1 tuần. Nếu không uống được nước lá lốt thì nấu nước lá lốt, cho thêm chút muối tinh, ngâm tay trong nước ấm, áp dụng ít nhất 1 lần/ngày hoặc chế biến lá lốt thành những món ăn như chả lá lốt, thịt rang lá lốt, ăn thơm ngon, vừa miệng và có tác dụng chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế
Theo GDVN