Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung

11:42 21/02/2014

(Giúp bạn)BS. Hoa Hồng tư vấn:

Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em, nặng nề nhất là dẫn đến vô sinh. Vì vậy, việc phòng bệnh từ sớm là hết sức cần thiết.

Chào bác sĩ, tôi năm nay 28 tuổi, chưa kết hôn và không có ý định kết hôn. Tôi chưa từng quan hệ tình dục với ai và có cuộc sống lành mạnh (không hút thuốc, uống bia rượu, không dùng chất kích thích, chăm tập thể dục…). Nói chung, tôi cảm thấy vui vẻ với cuộc sống hiện tại của mình.

Tuy nhiên, gần đây, tôi nghe nhiều người nói phụ nữ nếu không có quan hệ tình dục, có con thì rất dễ bị bệnh phụ khoa và các bệnh ở cơ quan sinh sản, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Tôi rất lo lắng về điều này. Nếu sự thực là vậy thì tương lai có thể tôi sẽ bị ung thư cổ tử cung hay không? Mong bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi để có thể phòng bệnh một cách tốt nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Thanh Hà)

Bạn Thanh Hà thân mến,

Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư phụ khoa phổ biến hàng đầu ở phụ nữ. Bệnh có thể gặp ở bất kì ai và là nỗi lo của nhiều chị em, đặc biệt những người đang làm vợ, làm mẹ. Nhưng ít ai biết rằng ung thư cổ tử cung lại là một loại ung thư có thể phòng ngừa, và chị em hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ mình khỏi căn bệnh này.

Ung thư cổ tử cung do nhiễm vi rút HPV, một loại virus gây u nhú ở người có tỉ lệ lây nhiễm rất cao qua đường tình dục gây ra. Không có cơ sở khoa học nào chứng tỏ những người không lấy chồng, không có quan hệ tình dục và sinh con thì sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn chị em khác. Thậm chí, những người đã từng sinh con, do kết cấu ở cổ tử cung có thể thay đổi nên có khả năng mắc bệnh cao hơn.

 nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua-benh-ung-thu-co-tu-cung-1
Chủng ngừa vắc xin HPV và xét nghiệm PAP smear là cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Ảnh minh họa

Ung thư cổ tử cung thường phát triển chậm. Trước khi phát triển thành tế bào ung thư ở cổ tử cung, các mô ở cổ tử cung trải qua những thay đổi trong đó các tế bào bất thường bắt đầu xuất hiện (hiện tượng loạn sản). Những tế bào ung thư này thường được phát hiện nhờ việc làm phiến đồ âm đạo (xét nghiệm Pap). Muộn hơn, Tế bào ung thư bắt đầu phát triển và lan sâu thêm vào cổ tử cung và những vùng xung quanh.

Cũng như bất kì bệnh ung thư phụ khoa nào, ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em, nặng nề nhất là dẫn đến vô sinh.

Có 2 cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung: chủng ngừa vắc xin HPV và khám tầm soát định kỳ bằng xét nghiệm PAP smear.

- Chủng ngừa HPV: Cách này giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách ngăn ngừa nhiễm các chủng vi rút HPV gây ung thư phổ biến nhất. Cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin trong vòng 6 tháng. Nữ giới trong độ tuổi 9-10 đến 25-26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm ngừa.

Việc chủng ngừa nên được thực hiện càng sớm càng tốt để giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút HPV. Những bạn gái đã chủng ngừa, khi bắt đầu có quan hệ tình dục vẫn cần đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm PAP smear định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản phụ khoa.

- Xét nghiệm PAP smear: Xét nghiệm này giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường sớm để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ các bất thường này tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này dành cho người đã có quan hệ tình dục và cần thực hiện thường qui mỗi năm 1 lần.

Kết hợp cả hai cách phòng ngừa này chính là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Bạn đã 28 tuổi, nếu bây giờ bạn tiến hành chủng ngừa bằng cách tiêm phòng HPV thì hiệu quả có thể không cao. Vậy nên, để phòng bệnh tốt nhất, bạn nên đi khám phụ khoa định kì, đồng thời tiết hành thực hiện xét nghiệm pap smear theo chỉ định của bác sĩ. Bằng cách này, bạn có thể kiểm soát sức khỏe của mình một cách tốt nhất.

Chúc bạn vui, khỏe!

Nguồn: Internet

Comments