Những lưu ý khi cho trẻ ăn rau mầm
(Giúp bạn)Khi sử dụng rau mầm để cho trẻ ăn cũng phải rất cẩn trọng với những mặt trái của nó đối với sức khỏe khi sử dụng không đúng cách.
Giá trị dinh dưỡng của rau mầm
Theo tin tổng hợp Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, rau mầm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần so với các loại rau thường, hơn nữa, rau mầm không chứa mầm bệnh và vi sinh vật gây hại cho sức khỏe của con người.
Người ta so sánh lượng chất dinh dưỡng có trong rau mầm tương đương với lượng dinh dưỡng có chứa trong một quả trứng vịt lộn. Chỉ cần 50g loại rau này sẽ tương đương với lượng dinh dưỡng trong 200g rau bình thường.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, rau mầm có chứa nhiều loại vitamin, axit amin, chất xơ và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao. Ví dụ trong rau mầm cải củ, hàm lượng vitamin C cao gấp 29 lần trong sữa, vitamin A cao gấp 4 lần và hàm lượng can xi cao gấp 10 lần trong khoai tây. Ngoài ra, loại mầm này còn là một nguồn cung cấp dồi dào carotene, chlorophyl, đạm dễ tiêu.
Các nhà khoa học Mỹ còn phát hiện ra rau mầm còn rất thích hợp cho các chế độ ăn kiêng lành mạnh, chứa các chất chống ôxy hoá giúp làm chậm quá trình lão hoá và ngăn ngừa các nguy cơ về ung thư.
Nghiên cứu ở Australia cho thấy, hầu như tất cả các loại rau thuộc họ hoa thập tự (Brassicaceae) đều có chứa chất glucosinonates (GSL), khi nhai chất này sẽ biến thành chất isothiocyanates (ITC) giúp cơ thể chống lại sự phát triển tế bào ung thư. Tuy nhiên chất GSL có nhiều nhất trong hạt và mầm của suplơ xanh, củ cải trắng, … và ít dần khi cây lớn.
Nên cho trẻ ăn rau mầm như thế nào?
Tin tổng hợp Báo điện tử Kiến thức cho biết, khi sử dụng loại thực phẩm này trong bữa ăn cũng phải rất cẩn trọng vì những mặt trái của nó đối với sức khỏe khi sử dụng không đúng cách. Nếu như bảo quản không đúng cách, loại rau này có thể gây hại cho sức khỏe vì nó dễ bị nhiễm khuẩn khi phân bón và hóa chất bón quá liều lượng.
Khi mua rau mầm về nhà, mẹ rửa thật sạch, nhiều lần dưới vòi nước đang chảy. Mẹ phải hết sức nhẹ tay để rau không bị dập nát. Nên ngâm muối trước khi chế biến thức ăn cho bé. Lượng muối ngâm cũng phải vừa đủ, khoảng 1 thìa cà phê muối cho 3 lít nước ngâm trong vòng 10 – 15 phút.
Không được để rau mầm quá 1 ngày, nếu mẹ quá bận rộn mua nhiều để ăn dần, hãy bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5°C và dùng trong 3-4 ngày không hơn.
Không nên cho bé ăn loại rau này sống vì hệ miễn dịch của bé vẫn còn kém sẽ không đối kháng được độc tố có trong nó. Cách tốt nhất là mẹ nên xay cùng cháo cho trẻ ăn dặm và nấu chín cho trẻ đã lớn hơn.
Để đảm bảo có rau sạch cho bé ăn hàng ngày các mẹ nên tự trồng rau mầm cho bé vì trồng rau mầm rất đơn giản, chỉ sau 5 ngày cả bé và gia đình đã có một mẻ rau mầm sạch ngon.
Lưu ý vì trẻ không ăn rau mầm vị cay cho nên chỉ sử dụng mầm rau muống, rau mầm hướng dương, rau mầm đậu hà lan, rau mầm giá đỗ, rau mầm cải ngọt để chế biến. Rau mầm như củ cải trắng và củ cải đỏ có vị hơi cay nồng trẻ sẽ khó ăn hơn.
Thuốc tham khảo: Pediakid 22 Vitamin và khoáng chất Bổ sung hàng ngày các Vitamin và các nguyên tố vi lượng giúp đạt hiệu quả tối ưu cho sự phát triển và tạo lập cân bằng, lâu dài bền vững trong suốt quá trình phát triển của trẻ. |
Thùy Linh
Theo GDVN