Rối loạn nhịp tim: Nguyên nhân và những dạng rối loạn nhịp tim
(Giúp bạn)Rối loạn nhịp tim là bệnh lý thường gặp ở nhiều người, tùy theo nhẹ hay nặng có thể gây nhiều biểu hiện khác nhau như chóng mặt, đánh trống ngực.
Rối loạn nhịp tim
Theo VTV, một người bình thường có trái tim khỏe mạnh đôi khi vẫn có thể bị rối loạn nhịp tim và không cần phải áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào. Tuy nhiên, có những trường hợp sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, làm giảm sút hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống.
Thậm chí một số người bệnh còn phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm và nguy cơ đột tử. Rối loạn nhịp tim là bệnh lý phức tạp trong chuyên khoa tim mạch, tại nước ta cho tới nay nhiều người còn khá xa lạ với kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh lý này.
Tim có khả năng hoạt động đều đặn và thứ tự là nhờ các tế nào dẫn điện đặc biệt nằm trong cơ tim. Rối loạn nhịp tim là rối loạn hệ thống nhịp sinh học của tim. Nhịp tim của một người trưởng thành dao động từ 60 – 100 nhịp/phút, tình trạng loạn nhịp xảy ra khi nhịp tim không còn nằm trong giới hạn này.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Sỹ, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Trung bình đối với thanh niên khỏe mạnh, thường nhịp tim trung bình khoảng 60 – 70 lần/phút. Nếu nhịp tim vượt quá 100 lần/phút được xem là nhịp tim nhanh, nếu nhịp tim dưới 60 lần/phút được xem là nhịp tim chậm.
Tuy nhiên, một số trường hợp có nhịp tim chậm nhưng chỉ là nhịp tim chậm sinh lý không phải là bệnh lý như trường hợp của những vận động viên thể thao, những người lao động nặng, người lớn tuổi… Đối với những trường hợp này, nhịp tim dưới 60 lần/ phút vẫn được đánh giá là bình thường.
Đánh giá về tần số, nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm cũng là rối loạn nhịp tim. Đối với phương diện nhịp tim, trường hợp nhịp tim được theo dõi đập không đều (mặc dù giới hạn tần số bình thường từ 60 – 100 lần/phút) vẫn được xem là rối loạn nhịp tim.
Như vậy, để xác định được rối loạn nhịp tim, bệnh nhân cần được đánh giá về hai phương diện nhịp tim tần số là bao nhiêu và nhịp tim đó đều hay không đều".
Nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim
Mọi người đều từng trải qua cảm giác tim của mình đập rối loạn trong một khoảnh khắc nào đó, tuy nhiên sự xuất hiện đó qua đi và không ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng cũng có những rối loạn nhịp tim tồn tại, ảnh hưởng hoặc gây nguy hiểm đến cuộc sống do đó cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể chia ra là nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải:
Nguyên nhân bẩm sinh: Biểu hiện bệnh có thể từ nhỏ hoặc xuất hiện trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống.
Nguyên nhân mắc phải: bệnh lý cơ tim, van tim và một số nguyên nhân khác tác động tới hệ thần kinh tim, dẫn tới các hoạt động bất thường của hệ thần kinh tim.
Một số rối loạn nhịp tim hay gặp
Rối loạn nhịp nhanh trên thất, có thể gặp các biểu hiện như:
Nhịp nhanh nhĩ: Xuất hiện một ổ phát nhịp khác với nút xoang ở tâm nhĩ, nó phát ra các xung động lấn át xung động từ nút xoang làm tim đập rất nhanh, không đều.
Rung nhĩ: Tâm nhĩ co bóp loạn xạ và rất nhanh lên đến trên 350 nhịp/phút, đồng thời làm cho tâm thất co bóp nhanh và không đều. Loạn nhịp này dễ dẫn đến các rối loạn nhịp khác. Rung nhĩ gây biểu hiện mệt mỏi mạn tính, suy tim ứ máu và nguy cơ đột quỵ cao hơn 5 lần so với người không bị rung nhĩ.
Cuồng nhĩ: Là tình trạng tâm nhĩ đập rất nhanh, thậm chí lên đến 300 nhịp/phút và hậu quả là tim đập rất nhanh và không đều.
Nhịp xoang nhanh: Nhịp xoang nhanh thường gặp trong lúc lo lắng hay tập luyện, khi nghỉ ngơi thì nhịp sẽ trở lại bình thường. Trong một số bệnh như sốt cao, thiếu máu hay cường tuyến giáp cũng có nhịp nhanh xoang và khi bệnh được điều trị nhịp tim cũng sẽ trở lại bình thường.
Nhịp nhanh thất do rung thất.
Rối loạn nhịp nhanh thất
Nhịp nhanh thất tự phát: Do một nhóm tế bào tại tâm thất phát ra xung động kích thích tâm thất co bóp, làm tâm thất co bóp không đều với tâm nhĩ.
Nhịp nhanh thất do bệnh tim thiếu máu cục bộ: Vùng cơ tim bị thiếu máu trong bệnh mạch vành gây ra vết sẹo, vết sẹo này tạo nên những đường dẫn truyền xung động bất thường trong tâm thất, kích thích tâm thất co bóp mà không cần xung động từ tâm nhĩ chuyển xuống.
Với hai tổn thương trên, tâm thất đều co bóp khi chưa chứa đủ máu, do đó tim đập rất nhanh mà máu vẫn không được bơm đủ ra hệ tuần hoàn. Bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, thở nhanh. Nếu không điều trị kịp thời dễ xuất hiện rung thất.
Rối loạn nhịp chậm
Khi nhịp tim chậm xuống dưới 60 nhịp/phút, có nguy cơ không cung cấp đủ máu ra hệ tuần hoàn, tuy nhiên với những người thường xuyên hoạt động thể thao, nhịp tim của họ có thể thấp dưới 60 nhịp/phút.
Rối loạn nhịp chậm có thể không gây biểu hiện gì rõ rệt, có thể xuất hiện những biểu hiện sau: mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, đau đầu, thở nông, hoặc ngất.
Rối loạn nhịp chậm chia ra hai loại chính:
- Suy yếu nút xoang: Suy yếu nút xoang không phải là một bệnh đặc trưng, nó thể hiện bằng một nhóm các triệu chứng thể hiện nút xoang không duy trì hoạt động bình thường. Nhịp tim có thể chuyển luân phiên từ rối loạn nhịp chậm sang nhịp nhanh.
- Blốc nhĩ thất: Blốc nhĩ thất là hiện tượng xung động bị cản trở khi đi từ tâm nhĩ xuống tâm thất.
Về điều trị: Tùy theo từng nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim mà có cách điều trị như: dùng thuốc, can thiệp tim mạch hay phẫu thuật. Dù là phương pháp điều trị nào thì bệnh nhân cũng phải thực hiện các thói quen tốt trong cuộc sống như: tập luyện, không hút thuốc lá, chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Tú Liên
Theo GDVN