Sử dụng thuốc chữa viêm da cơ địa
(Giúp bạn)Sử dụng các thuốc chữa viêm da cơ địa phải phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Cổng thông tin điện tử Bệnh viện da liễu Trung Ương cho biết, bệnh viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis-AD) hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier, Liken đơn dạng mạn tính…. Viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính.
Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý “Ngứa-Gãi” làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.
Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. Có tới 35% trẻ viêm da cơ địa có biểu hiện hen trong cuộc đời. Chẩn đoán bệnh không khó khăn, dựa trên các triệu chứng lâm sàng, nồng độ IgE trong máu thường tăng cao.
Viêm da cơ địa thường hay tái phát.
Sử dụng thuốc chữa bệnh viêm da cơ địa
Theo Cổng thông tin điện tử bệnh viện Hồng Ngọc, các thuốc điều trị phải phù hợp với từng giai đoạn bệnh:
+Giai đoạn cấp tính: tổn thương da là các mụn nước, sẩn, tiết dịch nhiều làm tổn thương luôn ẩm ướt, có chỗ chảy nước, có chỗ đóng vảy tiết vàng, nền da ở dưới phù nề, đỏ. Đôi khi có thể kèm theo mụn mủ do nhiễm trùng bồi phụ.
Không nên bôi các thuốc dạng mỡ vì sẽ làm da tấy thêm. Trong giai đoạn cấp tính sử dụng các thuốc dung dịch có tác dụng hút dịch làm khô tổn thương (arish, dalibour, nước muối sinh lý… )
Nếu chảy nước nhiều thì thấm đẫm một trong các dung dịch trên vào gạc gấp 4 lớp, đắp ướt liên tục trong 10 phút, làm 2 – 3 lần/ngày. Đắp như vậy trong 3 ngày đầu để tổn thương da khô hơn.
Sau đó bôi các thuốc dạng kem lên. Nên sử dụng các thuốc dạng kem chứa corticoid kết hợp với kháng sinh như fucicort, gentrison, caditrigel… Bôi ngày 2 lần trong 2 – 3 tuần.
+Giai đoạn bán cấp: Tổn thương da khô hơn với các sẩn nổi cao hơn mặt da, sắp xếp thành đám trên nền da đỏ, phù nề nhẹ. Có thể kèm theo nhiều vết xước, tiết dịch do bệnh nhân gãi.
Vài ngày đầu có thể bôi các loại thuốc như hồ nước, hồ tetrapred để làm dịu da, mềm da. Bôi ngày 2 lần. Vài ngày sau bôi các thuốc dạng kem giống như ở giai đoạn cấp tính.
+Giai đoạn mạn tính: Tổn thương da hoàn toàn khô với các biểu hiện là một đám dày da, sần sùi, nền da thâm đen hoặc đỏ thẫm.
Trên một mảng sẩn dày sừng có các khía lõm xuống trông như hằn cổ trâu do mắc bệnh lâu ngày kèm theo bệnh nhân chà xát, gãi nhiều. Có thể kết hợp biểu hiện da bàn tay, bàn chân bị khô, bong da, dày sừng, nứt nẻ kiểu á sừng.
Ta có thể sử dụng các loại thuốc bôi dạng kem hoặc mỡ như diproson, temproson, betacylic.Bôi ngày 2 lần trong 2 – 3 tuần. Nếu da dày sừng nhiều thì có thể bôi thêm mỡ salicylic 5%. Da khô bong vảy thì bôi thêm các loại kem làm mềm da, ẩm da như cream vitamin E, baby care, lacticare...
Trong khi bôi thuốc không được gãi, không cạo, không chà xát trước khi bôi. Không xát xà phòng vào chỗ da bị viêm.
Nếu tổn thương da có dấu hiệu nhiễm trùng bồi phụ thì phải điều trị kháng sinh như cephalexin, cefixim hoặc clarithromycin trong 5-10 ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Nếu bệnh nhân ngứa nhiều thì uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin, fexofenadin. Ngày uống 1 lần trong 10 – 20 ngày.
Chăm sóc da: Tắm hoặc rửa ngày 1 lần, không chà mạnh, không dùng đá kỳ hoặc bàn chải. Có thể tắm bằng nước chanh hoà loãng, lá kinh giới vò nát hoặc các loại sữa tắm cho da bị viêm như safforel, cetaphil…
Thuốc tham khảo: Gentri-sone 10g Chỉ định: -Viêm da & dị ứng da: chàm cấp tính & mạn tính, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, viêm da tăng tiết bã nhờn, liken phẳng mạn tính, viêm da bong vẩy, mề -Rụng tóc từng vùng, bỏng nhẹ, vết đốt côn trùng, viêm da bội nhiễm, nấm da. |
Thùy Linh
Theo GDVN