Tác dụng chữa bệnh của quả cà

10:06 10/03/2014

(Giúp bạn)

 

Trong cả Đông y và Tây y, quả cà đều là một vị thuốc. Cà có tác dụng chữa các bệnh táo bón, ho, bệnh ngoài da và nhiều bệnh khác. Một hoạt chất trong cà có tác dụng hạn chế sự phát triển của bệnh ung thư.


 

 

Theo Đông y, cà vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, chỉ thống, nhuận tràng, lợi tiểu, trị thũng thấp độc, trừ hòn cục trong bụng, ho lao. Theo sách Thực kinh, cà có công dụng làm đầy da thịt, ích khí lực, chữa cước khí...

 

 

Theo y học hiện đại, cà là nhóm rau quả đứng hàng đầu về hàm lượng vitamin P (làm vững chắc thành mạch, chống xuất huyết), vitamin E (chống lão hóa). Các chất khoáng trong cà thường cao hơn các rau quả khác. Đặc biệt, cà chứa Nightshade soda, một chất có tác dụng chống ung thư, ức chế tăng sinh khối u trong bộ máy tiêu hóa. Các chuyên gia Nhật Bản tìm thấy trong nước ép cà tím nhiều hoạt chất có khả năng ngăn ngừa ung thư, nhất là ung thư dạ dày. Có ý kiến khuyên dùng nước ép cà tím khi xạ trị và sau phẫu thuật ung thư.

Nhóm chuyên gia Đại học Graz ở Áo đã chứng minh tác dụng khử chất béo của cà tím, nhất là khi dùng cà tím với các thức ăn động vật. Cà tím còn có tác dụng chống ứ đọng cholesterol và urê huyết, rất có lợi trong việc điều trị các bệnh tim mạch, huyết áp cao, béo phì, tiểu đường, gut. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, ăn cà là biện pháp hàng đầu để giảm cholesterol trong máu".

Ngoài ra, cà tím cũng có tác dụng lợi tiểu, chống phù nề, đàm thấp, hỗ trợ trong điều trị bệnh thận. Các thực nghiệm trên súc vật cho thấy, nước ép cà tím giúp ngăn chặn bệnh động kinh. Do đó, người dễ bị kích động tâm thần nên uống 1 ly nhỏ nước ép cà tím mỗi khi thấy thần kinh căng thẳng.

Một số bài thuốc từ cà

- Đại, tiểu tiện gây chảy máu: Cà pháo già sao vàng, tán mịn. Mỗi lần dùng 8 g, hòa với nước, dấm loãng để uống, ngày 3 lần.

- Phụ nữ huyết hư, da vàng: Cà pháo già bổ ra, phơi trong bóng râm cho khô, tán mịn. Mỗi lần uống 8 g với ít rượu hâm nóng, ngày 2 lần, uống dài ngày.

- Đàm nhiệt, viêm phế quản cấp, táo bón: Cà tím 500 g, gừng tươi 4 lát, tỏi 3 củ. Cà thái dọc, tỏi và gừng nghiền nhuyễn. Tất cả trộn với nước tương, dầu, muối, đường, chưng cách thủy để ăn.

- Ho lâu năm không khỏi: Cà pháo tươi 30-60 g nấu chín, cho mật ong vừa đủ, nấu lại. Ngày ăn 2 lần. Bài thuốc này được in trong sách Ẩm thực phương Đông trị bệnh của Hồng Minh Viễn (Trung Quốc), trái ngược với thành kiến của người Việt Nam: Khi ho kiêng ăn cà.

- Vàng da do viêm gan: Cà tím trộn gạo, nấu cơm ăn trong 5-7 ngày.

Ngoài ra, để chữa các bệnh ngoài da và niêm mạc như bầm máu, lở loét ở da, chảy máu chân răng, ngón tay chân bị chín mé, nứt đầu vú, có thể lấy cà pháo đốt thành than, bôi tại chỗ.


Tác dụng chữa bệnh của cà tím


 

 

Theo Đông y cà tím đã được ghi trong bản thảo cương mục và các y văn cổ có tính năng cực hàn, thanh can, giáng hoả, lợi tiểu, nhuận tràng, chỉ huyết, hoá đàm, thanh nhiệt, giải độc.

tac-dung-chua-benh-cua-qua-ca-1

Cà tím có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh.

Cà tím trị tăng huyết áp

Cà tím còn có tên cà dái dê, cà tím dài, cà dê. Không lẫn cà pháo cà dừa, cà bát vỏ tím. Tên Hán gọi cà với tên chung là Nuy qua. Tên khoa học: Solanum melongema, họ cà.

Trong các loại cà đặc biệt là cà tím dài là thực phẩm có từ 2000 năm trước Công nguyên ở nhiều vùng nhiệt đới Á Phi, nó được ưa chuộng vì chứa nhiều vitamin và ít calo. Cà có thể bung, luộc, nướng, xào, nấu, trộn… chung với các thứ khác mà không hề bị giảm chất lượng thực phẩm của nó.

Cà tím được dùng làm thức ăn phòng chữa bệnh nếu là quả chín tới.

Một số bài thuốc chữa bệnh có dùng cà tím:

Cà tím xào mã đề: Cà tím 200g, mã đề 15g, hành 10g, gừng 5g, tỏi 10, dầu mè, nước tương (xì dầu) một lượng thích hợp. Cà rửa sạch, cắt miếng, mã đề làm sạch; hành cắt khúc, gừng cắt lát; tỏi bỏ vỏ, cắt khô. Để chảo nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi thơm; rồi bỏ cà, mã đề vào trộn đều, bỏ muối và một ít nước vào xào chín là được. Mỗi ngày ăn một lần. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạ áp huyết.

Canh gà, cà tím: Gà giò 1 con, cà tím 200g, sơn tra 15g, gừng 5g, hành 10g, dầu, muối một lượng thích hợp. Gà làm sạch, bỏ nội tạng; cà tím rửa sạch, cắt miếng, gừng cắt lát; hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm bỏ gà vào xào sơ. Tiếp đó, đổ nước vào, bỏ cà, sơn tra, muối vào, nấu sôi bằng lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm chừng 30 phút là được. Mỗi ngày ăn một lần, dùng thay thức ăn. Có tác dụng tiêu thực tan ứ, giảm mỡ, hạ huyết áp.

Giảm huyết áp bằng các món chay: Nhiều món chay dùng cà tím. Ví dụ: Cà tím nhồi om – cà tím dài 3 quả nhỏ. Nhân thịt chay 300g, sốt cà chua 15ml, dầu vừng 2 thìa, gia vị. Cà thái dọc làm 2 nửa bỏ ruột, ngâm nước muối, vớt ra vắt nhẹ cho ráo. Nhồi nhân thịt chay đã trộn gia vị, rán vàng phía nhồi nhân, xếp vào xoong. Tiếp đó xào hành, bột mì và sốt cà chua để om.

Giúp bỏ thuốc lá: Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Michigan (Mỹ) đã phát hiện trong cà tím cũng có nicotin và thấy trong thí nghiệm ăn 10g cà tím có hiệu quả tương tự như hút thuốc suốt 3 giờ. Vậy có lời khuyên khi thèm thuốc lá hãy ăn các món cà tím ngon lành mát bổ lại tránh được độc hại.

Phòng chữa xuất huyết đường tiêu hoá, hô hấp, tiết niệu: Ăn cà tím có nhiều vitamin P, C giúp làm vững chắc thành mạch chống chảy máu nói chung. Nếu được phối hợp với chanh, ngó sen, rau cần thì hiệu quả tăng cao, mạnh và nhanh hơn.

Chữa đái ra máu: Sắc quả cà tím cả cuống để uống.

Phòng chống ban tía ở người già: Ở tuổi 60 – 70 người già thường bị trên mặt, tay có tình trạng ứ huyết nổi ban tía hay từng chấm, có khi phải nhìn kỹ mới thấy. Để khắc phục bệnh lý này nên ăn cà tím. Cà tím lại mềm nên người già dễ ăn, dễ tiêu.

Viêm phế quản cấp: Cà tím 500g, gừng tươi 4 lát, tỏi 3 củ. Cà cắt dọc dài. Gừng thái lát, tỏi nghiền trộn nước tương, dầu, muối, đường. Chưng cách thuỷ. Có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm nhiệt.

Viêm gan vàng da: Dùng mấy quả cà tím thái nhỏ trộn với gạo nấu thành món cơm – cà, ăn liên tục nhiều ngày.

Bảo vệ răng chắc, sạch, chống hôi miệng: Chế kem cà tím: Muối trộn cà tím với tỷ lệ 5 cà – 1 muối ngâm trong ít nhất 3 ngày với nước nóng xấp mặt, ép vỉ tre, để chỗ tối. Lấy cà ra để ráo nước phơi trong mát cho khô, bỏ vào chảo rang cháy, tán thành bột. Cất để dùng dần. Mỗi lần dùng lấy bàn chải nhúng ướt, dùng thìa sạch múc bột cà đổ lên bàn chải để đánh răng (kinh nghiệm của dân gian Nhật).

Người Mỹ dùng hỗn hợp cà muối chữa có hiệu quả các bệnh sâu răng, lợi viêm có mủ, bằng cách lấy tay sạch hoặc que bông tẩm bột chấm xát vào chỗ tổn thương. Để chữa bệnh này còn có thể chỉ dùng cuống của quả cà đốt tồn tính để chấm vào răng.

Bí đái: Dùng hạt sắc uống để lợi tiểu.

Táo bón: Dùng quả cà tím, hàng ngày lấy khoảng 100 – 200g nấu các món ăn đơn giản để ăn cùng cơm.

Kiêng kỵ: Theo sách cổ cà tím tính rất lạnh, không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Người tạng hàn, hay đi ngoài lỏng khi cần dùng nên thận trọng hơn. Không nên dùng khi quả cà dập nát! Ăn càng tươi càng tốt.


Cà tím không hẳn là một món ăn quá hấp dẫn song nó chứa nhiều chất xơ, vitamin B, cung cấp rất nhiều loại năng lượng bạn cần.

Màu tím đậm của cà là bằng chứng cho thấy nó chứa nhiều chất chống ô xy hóa mạnh để bảo vệ các tế bào não và kiểm soát hàm lượng chất béo lipid. Cà tím còn có nhiều công dụng khác như sau, theo báo The Times of India dẫn nguồn từ các chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ:

Giảm nguy cơ ung thư

Khi được sử dụng đúng cách, cà tím có thể cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cả việc góp phần điều trị và phòng ngừa ung thư. Cà tím đã được chứng minh là đặc biệt hữu ích trong việc điều trị ung thư đại tràng nhờ chứa hàm lượng cao chất xơ.

Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị ung thư đại tràng vì nó là một dưỡng chất tương đối xốp, và vì điều này, khi di chuyển qua đường tiêu hóa, nó có xu hướng hấp thụ độc tố và hóa chất có thể gây ra bệnh ung thư ruột kết.

Để có kết quả tốt nhất, những ai muốn giảm nguy cơ phát bệnh ung thư đại tràng nên ăn cả lớp vỏ cà tím. Nghiên cứu phát hiện ra rằng lớp vỏ cà tím có thể chứa nhiều chất xơ hơn bản thân trái cà.

Giảm cân

Chất xơ trong cà tím còn có công dụng khác là giảm cân. Chất xơ là thực phẩm tương đối “cồng kềnh”, tức nó chiếm nhiều chỗ trong dạ dày. Do đó, khai vị bằng món cà tím, những người ăn kiêng có thể có cảm giác no bụng và thường nạp ít calo hơn.

Ngoài ra, chất xơ là chất chậm tiêu hóa và mất nhiều thời gian để di chuyển từ dạ dày đến đường tiêu hóa. Chính vì điều này, cà tím giữ cho người ăn kiêng cảm thấy no lâu và không có nhu cầu ăn vặt giữa các bữa ăn, từ đó giúp giảm cân.

Duy trì làn da đẹp

Cà tím chứa nhiều nước. Nước đóng nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động của cơ thể, nhưng đặc biệt quan trọng trong việc duy trì làn da và mái tóc khỏe mạnh. Những ai bị mất nước thường dễ có mái tóc mỏng, khô và bị chẻ trong khi da thì bị khô ráp, nhăn nheo. Do đó, bổ sung đủ nước thông qua uống nước hoặc ăn các thực phẩm như cà tím không chỉ cải thiện tóc và da, mà còn tốt cho hoạt động chung của cơ thể.

 










(st)



 

 


 

 

Comments