Tác dụng chữa bệnh của quả kha tử
(Giúp bạn)
Quả kha tử còn được gọi là chiêu liêu, kha lê, tên khoa học là Terminalia Chebula Retz, họ bàng (Combreataceae). Cây kha tử là một cây gỗ cao 15-20m. Lá mọc đối, cuống ngắn. Hoa màu trắng, có mùi thơm, mọc thành bông ở đầu cành hoặc kẽ lá. Quả với lớp vỏ màu nâu nhạt, hình trứng (đường kính 2,5- 3cm), có 5 cạnh dọc, nhọn ở 2 đầu, trong chứa một hạt nhỏ cứng. Quả chín vào khoảng tháng 9, 10, 11, lấy đem sấy khô dùng làm thuốc.
Biệt dược chữa ho
Dân gian thường lấy quả kha tử đã sấy khô, chặt thành miếng nhỏ, bỏ hạt, vỏ giã dập rồi ngậm để chữa chứng đau cổ họng, khản tiếng. Ngậm trong 2-3 ngày bệnh sẽ khỏi. Cách khác là với 8g kha tử kết hợp với 6g cam thảo, 10g cát cánh, đem sắc lấy nước uống hàng ngày.
Những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói như: ca sĩ, giáo viên... có thể dùng kha tử tán nhỏ nhào với mật ong rồi ngậm, tiếng sẽ thanh và hiện tượng khô cổ họng cũng sẽ hết. bởi trong kha tử có chứa chất vitamin chebutin, terchebin...Hàm lượng tamin chiếm tới 51,3 %. Trong tamin gồm có các acid như: galic, egalic, luteolic, chebulinic. Khi các chất này kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo thành một thức kháng sinh diệt khuẩn mạnh hơn nhiều so với các chiết xuất riêng rẽ. Đồng thời, chất chebuin, terchebin rong kha tử còn có tác dụng trợ tim, chống ho, chống co thắt dạ dày...
Ngoài ra, theo Đông y, quả kha tử còn được sử dụng trong những trường hợp sau:
Tiêu chảy mạn tính
Dùng khoảng 5g kha tử (dạng bột), hoà với 10ml rượu và 100ml siro. Mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần một thìa canh. Với trẻ em dùng khoảng 1/3 liều lượng của người lớn. Hoặc có thể lấy kha tử đem nướng chín, tách bỏ hạt, phần thịt đem xay (giã) thành bột mịn. Lấy bột khai tử (lượng 6g) hoà với nước cơm, uống ngày hai lần cho đến khi khỏi hẳn thì thôi.
Kiết lỵ kinh niên
Lấy 30g kha tử, 100g hoàng liên, 20 hạt nhục đậu khấu đã bo vỏ đem tán nhỏ thành bột mịn, trộn với hồ nặn thành viên nhỏ. Mỗi ngày uống 30 viên, chia làm hai lần. Hoặc kết hợp kha tử (6g) với đẳng sâm, bạch truật, đương quy (mỗi thứ 12g) và cam thảo, gừng, mộc hương (mỗi thứ 6g). Tất cả đem sắc với 400ml nước, uống làm hai lần mỗi ngày.
Ngộ độc thức ăn
Khi thức ăn nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc, ta có thể dùng bài thuốc từ kha tử nướng chín bỏ hạt 8g, hoàng liên 5g, đem tán thành bột mịn. Hoà hỗn hợp này với nước đun sôi để nguội dùng uống ngày ba lần sẽ khỏi
Lưu ý: Những người bị ho do phế có thực nhiệt, hay tiêu chảy do cảm lạnh không nên dùng kha tử.
Còn có tên Cây chiêu liêu, Myrobolan de commerce.
1. Tên dược: Frutus chebulae.
2. Tên thực vật: 1. terminalia chebula retz.
2. terminalia chebula retz var tomentella kurt.
3, Tên thường gọi: kha tử.
4. Bộ phận dùng và phương pháp chế biến: quả chín thu hái từ tháng 6 đến tháng 8, phơi nắng cho khô.
5. Tính vị: vị đắng, cay, se và tính ôn.
6. Qui kinh: phế và đại tràng.
7. Công năng: làm se ruột, làm se phế
8. Chỉ định và phối hợp:
-Ỉa chảy mạn tính, lỵ mạn tính và sa hậu môn (trĩ)
a/ Hội chứng nhiệt: Dùng phối hợp kha tử với hoàng liên và mộc hương dưới dạng kha tử tán.
b/ Hội chứng suy yếu và hàn: Dùng phối hợp kha tử với can khương và anh túc xác.
- Ho và hen do phế hư hoặc ho mạn tính kèm khàn giọng: Dùng phối hợp chi tử với cát cánh, cam thảo và hạnh nhân.
9. Liều dùng: 3-10 g (dạng sống để chữa khàn giọng, dạng nướng dùng trị ỉa chảy).
10. Thận trọng và chống chỉ định: không dùng kha tử cho các trường hợp mắc hội chứng ngoại cảnh và trong khi tích tụ nhiệt thấp ở trong cơ thể.
Kha tử phòng và trị bệnh viêm họng
Quả Kha tử
Hỏi: Đọc bài viêm họng đỏ của quý báo, tôi cảm thấy rất lo sợ cho bệnh của tôi. Số là hàng năm cứ vào độ thu sang khoảng rằm trung thu trở đi), tôi thường xuyên bị viêm họng. Thoạt đầu, sáng ngủ dậy cảm thấy cồm cộm trong cổ họng, nuốt khó, hơi đau rồi càng ngày càng đau, ho có đờm rồi sau đó sốt nóng... Đi bác sĩ thường cho kháng sinh hạng nặng, penicillin hàng triệu đơn vị mà có khi không hết phải chuyển sang kháng sinh khác.
Bác sĩ có khi chẩn đoán là viêm họng cấp tính, nói nếu không trị kịp thời sẽ di chuyển vô tim là tàn đời. Có khi bác sĩ chẩn đoán là viêm họng hạt, có khi nói là viêm họng mãn tính, viêm họng đỏ... Có năm tôi bị viêm họng tái đi tái lại 5 - 7 lần thật là khổ thân và khổ cho gia đình vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm vì tiền thầy, tiền thuốc. Rất mong báo Thuốc & Sức Khỏe có một lời khuyên. Triệu M. C. - Hà Giang
Đáp: Viêm họng nói chung là một triệu chứng nhiễm trùng ở vùng họng hầu. Đó có thể là dấu hiệu báo trước của cảm cúm, hoặc là hậu quả của nhiễm trùng họng hầu. Có hàng chục loài vi khuẩn, hàng chục siêu vi và nấm mốc có thể gây viêm họng. Vi khuẩn gây viêm họng dẫn tới thấp khớp cấp và thấp tim là Liên cầu khuẩn (Streptococcus).
Điều đáng quan tâm nhất là rất nhiều mầm bệnh, kể cả Liên cầu khuẩn, lại có thể nằm sẵn ở hầu họng của bạn mà chưa gây bệnh. Khi nào sức đề kháng của bạn kém đi thì chúng mới sinh sôi nẩy nở và gây bệnh.
Sức đề kháng bị suy yếu khi ta lao lực quá mức, khi ăn uống thiếu dưỡng chất cần thiết, khi bị bệnh khác hoặc chỉ đơn giản khi bị lạnh, nhất là lạnh ở cổ, ngực lúc trời lạnh nhất (4 - 5 giờ sáng). Vi khuẩn và siêu vi hay nấm mốc ở họng hầu thường không phát triển được ở thân nhiệt bình thường (37oC). Nhưng khi bạn bị ướt lạnh hoặc đêm khuya, áo hoặc chăn mền bị tụt ra gây lạnh làm nhiệt độ ở cổ họng sụt xuống dưới 37oC thì mầm bệnh có sẵn ở đó sẽ phát triển, kích thích sinh đàm nhớt và viêm họng...
Vậy để đề phòng viêm họng và các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, bạn nên:
+ ăn uống cân bằng dinh dưỡng đặc biệt để bảo vệ niêm mạc họng hầu và đường hô hấp cần nhiều rau quả tươi (sinh tố C và các sinh tố khác), rau lá lục đậm (tiền sinh tố A), dầu mỡ, đậu mè các loại nghêu sò ốc hến (kẽm và các acid béo thiết yếu).
+ Giữ ấm cơ thể, không để bị lạnh về đêm, nhất là ngực, cổ (ở nơi lạnh nên mặc áo ấm có cổ cao)
+ Khi vừa cảm thấy nuốt khó hoặc hơi đau ở họng khi nuốt thì phải trị ngay bằng cách: ngậm nguyên 1 quả kha tử, nuốt nước từ từ cho đến khi hết chất chát. Vài giờ sau nếu chưa cảm thấy hết khó chịu thì ngậm 1 quả nữa. Có thể gọt một miếng củ nghệ tươi bằng đầu ngón tay cái để ngậm như kha tử.
Kha tử, là quả của cây chiêu liêu, còn gọi là xàng, tiếu (Terminalia chebula Retz.) mọc hoang nhiều ở rừng bán thay lá đến cao độ 1.000m từ Qui Nhơn, Đaklak, Phan Rang, đến Châu Đốc. Đại mộc, cao khoảng 20m, lá 7 x 20cm, mặt dưới có lông mịn, quả dài 3 - 4cm, có 5 rãnh, với nhân cứng, trong chứa 1 hột ăn được.
Quả chiêu liêu già phơi thật khô là một đơn vị thuốc không cần chế biến gì cả, cứ để vậy có thể giữ được 10 năm không hư, vì quả bì chứa 30 - 40% tanin (chất chát) tự bảo quản được quả. Chính đây là điều thuận lợi, bạn có thể mua độ 10 quả kha tử (ở tiệm thuốc Nam, thuốc Bắc) cho vào lọ có nắp kín hoặc bao nilông bọc kín để dành, đi xa thì mang theo. Quả rất cứng, nhưng cứ ngậm nguyên quả từ từ nước bọt thấm sẽ làm mềm và tiết chất chát ra ta cứ nuốt nước dần, vài ba giờ sau mới hết một quả. Thường nếu bạn ngậm ngay khi cảm thấy nuốt khó thì chỉ cần 1 quả kha tử đã hết viêm họng. Nếu dùng thuốc trễ thì mỗi ngày 3 quả, 2 - 3 ngày thì viêm họng, ho khan tiếng, tắt tiếng đều khỏi. Các ca sĩ, diễn viên nên thủ mấy quả trong ví sẽ giữ được thanh quản của mình khỏi bị mất tiếng.
Kha tử chứa tanin, acid luteoic, chebulinic, chebulic, chebulin, terchebin... có tính kháng sinh, kháng nấm kháng siêu vi cảm cúm. Dùng trị ho, viêm họng, cảm cúm, tiêu chảy, sình bụng nhức răng, viêm lợi bằng cách ngậm như trên.
Kha tử còn có tên là Kha lê lặc, Kha lê là quả chín phơi hay sấy khô của cây Kha tử ( cây Chiêu liêu), tên thực vật là Terminalia chebula Retz hoặc cây Dung mao Kha tử T.Chebula Retz var Tomentella Kurt thuộc họ Bàng ( Combretaceae). Kha tử dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo với nguyên tên Kha lê lặc.
Cây Kha tử hay Chiêu liêu ( Myrobolan de commerce) mọc ở miền Nam, Campuchia ( còn gọi là Sramar), Lào, Aán độ, Miến điện, Thái lan và miền Nam Trung quốc. Vào tháng 9, 10, 11 quả chín hái về phơi khô làm thuốc.
Tính vị qui kinh:
Vị đắng, sáp, tính bình, qui kinh Phế, Đại tràng.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Dược tính bản thảo: vị đắng ngọt.
- Sách Tân tu bản thảo: vị đắng ôn, không độc.
- Sách Hải dược bản thảo: vị chua sáp ôn, không độc.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 5 kinh Phế Can Tỳ Thận Đại tràng.
- Sách Bản thảo cầu chân: nhập Đại tràng, Vị kinh.
Thành phần chủ yếu:
Kha tử có hàm lượng Tanin 20 - 40%, quả thật khô có thể đến 51,3% gồm acidelagic, acidgalic và acidluteolic, acidchebulinic ( 3 - 4%). Trong nhân còn có 36,7% dầu vàng nhạt, trong.
Tác dụng dược lý:
- Do thành phần chất Tanin cao thuốc có tác dụng thu liễm, cầm tiêu chảy.
Chế phẩm Kha tử có tác dụng ức chế in vitro một số vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch hầu, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi, tụ cầu vàng và liên cầu khuẩn tán huyết.
Ngoài chất Tanin ra, thuốc còn có thành phần gây tiêu chảy ( laxative) như Đại hoàng trước gây tiêu chảy, tiếp theo lại có tác dụng thu liễm.
Chiết xuất cồn của thuốc có tác dụng chống co thắt ( antispasmodic) tương tự như papaverine.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị tiêu chảy trẻ em: Tác giả Chu vĩnh Hậu dùng Kha tử, Phòng phong, Trần bì, Mạch nha đều 5 - 10g, Cát căn, Sơn tra đều 5 - 20g. Thương thực do ăn, bú cho thêm Kê nội kim 5 - 10g, Mộc hương 3 - 5g; thấp nhiệt nặng gia Hoàng cầm, Trần bì đều 5 - 10g; Tỳ hư gia Ô dược 5 - 10g, Túc xác 3 - 5g. Trị 230 ca khỏi 227 ca, không kết quả 3 ca ( Báo Trung y dược Cát lâm 1983,1:25).
2.Trị tiêu chảy, lî mạn tính:
- Kha lê lặc tán: Kha tử lượng vừa đủ, nướng giòn tán bột mịn, mỗi lần uống 4 - 6g, ngày 2 lần với nước cơm.
Kha tử tán: Kha tử 10g, Hoàng liên, Mộc hương đều 5g làm thuốc tán, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 3 lần với nước sôi nguội.
Kha tử bì tán: Kha tử, Quất bì đều 10g, Cù túc xác 6g, Can khương 5g, làm thuốc bột mỗi lần uống 5 - 10g, ngày uống 3 lần với nước sôi nguội. Trị chứng tả lî thiên hàn.
Kha tử 12 quả, 6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt sao vàng tán nhỏ. Nếu lî ra máu dùng nước sắc Cam thảo uống thuốc; nếu lî ra mũi dùng uống với nước Chích thảo.
3.Trị ho lâu ngày mất tiếng:
- Kha tử thanh ẩm thang: Kha tử, Cát cánh đều 10g, Cam thảo 6g sắc uống.
Kha tử, Đảng sâm đều 4g sắc với 400ml nước cô đặc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Kha tử còn kết hợp với Nhân sâm, Ngũ vị, Cáp giới để trị chứng ho suyễn lâu ngày do phế hư; trường hợp kèm mất tiếng dùng Kha tử phối hợp với Cát cánh, Sinh Cam thảo, Sơn đậu căn sắc uống.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều 3 - 10g cho uống thuốc thang hoặc thuốc tán.
Trường hợp dùng để trị tiêu chảy nên dùng Kha tử nướng, trường hợp ho mất tiếng nên dùng Kha tử sống, nếu là quả Kha tử xanh tác dụng càng hay.
Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng thấp nhiệt tích trệ không nên dùng độc vị Kha tử.
(st)