Tạo tâm lý thoải mái trước các kỳ thi
(Giúp bạn)Bước vào tháng 12, học sinh các trường phổ thông bắt đầu thi học kỳ. Nhiều thầy cô giáo “mách kế” nhằm giúp học sinh vừa có thể thi tốt nhưng vẫn tránh được căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- 1
Cha mẹ đừng gây áp lực
Đối với bậc tiểu học, nhiều giáo viên cho rằng, kiến thức của bậc học này không quá nặng nề, thường ngày học sinh (HS) đã được ôn tại lớp. “Đối với khối lớp 4, 5 có phức tạp hơn vì có liên quan tới công thức toán học. Nếu phụ huynh quan tâm, có thể dò bài giúp con. Thi học kỳ 1 thường nhẹ nhàng, và điểm số chưa hẳn đã quyết định kết quả của cả năm học. Vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng, làm cho trẻ bị áp lực tâm lý theo, ảnh hưởng đến thi cử”, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) cho biết. Bà Hà giải thích thêm: “Thi học kỳ 1 thường là để xác định những mặt mạnh - yếu của HS, hoặc có thể từ đó phát hiện lỗ hổng kiến thức mà các em đang gặp phải, nhằm bồi dưỡng thêm trong học kỳ 2”.
Tạo điều kiện vui chơi trước và trong kỳ thi cũng là cách giúp HS giải tỏa áp lực bài vở - Ảnh: M.LÔng Nguyễn Ngọc Tài, nghiên cứu viên chính (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết: “Ở bậc học nào đi chăng nữa, phụ huynh cũng nên tạo thói quen cho con học tập hằng ngày, chứ đừng chờ đến kỳ thi rồi la hét, hối thúc các em ôn tập. Chính việc thúc này càng dễ dẫn đến chuyện các em bị stress. Mà khi đã bị stress thì khó lòng tiếp thu được kiến thức”.
Theo các chuyên gia tâm lý, trước khi bước vào kỳ thi, cha mẹ nên tạo điều kiện để con được vui chơi giải trí, nhằm giải tỏa áp lực bài vở và giúp em có được trạng thái thoải mái. “Khi vui vẻ, hưng phấn, các em sẽ tiếp thu bài rất nhanh”, thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, chuyên gia tư vấn tâm lý tại TP.HCM khuyên.
Còn bà Lê Thị Thúy Hồng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM), tư vấn: “HS bậc THCS, THPT nên lắng nghe thầy cô dặn dò, ôn bài, cái nào là trọng tâm, điều nào cần đi sâu… Nên chia đều thời gian ra để học. Các em nên lập bản đồ tư duy để ôn bài, nhằm nắm ý chính từng bài học. Cách học này xem ra hiệu quả hơn nhiều so với lối học vẹt”.
- 2
Chú ý đến sức khỏe
Bà Lê Thị Thúy Hồng cũng lưu ý: “Mỗi tối, HS nên ôn bài không quá 11 giờ. Vì qua thời gian đó, các em rất khó tiếp thu được kiến thức. Nếu siêng năng, có thể dậy lúc 4 giờ 30 sáng để ôn thêm”. Bà Hồng cũng lưu ý một hiện tượng phổ biến hiện nay là rất nhiều HS THPT có dấu hiệu sa sút về sức khỏe, liên tục đau bao tử, đau bụng, nhức đầu...
Lý giải nguyên nhân, bà Hồng cho rằng: “Hiện nay các em có thói quen nhịn ăn sáng vì sợ mập”. Thầy Nguyễn Ngọc Tài cho rằng, chế độ dinh dưỡng trong kỳ thi là rất quan trọng. Nếu HS lơ là, không chú ý đến sức khỏe, để đến ngày thi ngã bệnh thì khó mà đạt được kết quả tốt. Đó là chưa nói đến việc, nếu bệnh nặng, các em sẽ bỏ thi.