Tìm hiểu về bệnh bạch tạng ở trẻ

02:53 19/09/2015

(Giúp bạn) - Trẻ em bị bệnh bạch tạng có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến ung thư da và rối loạn thị giác.

Bênh bạch tạng là gì?

Ảnh minh họa


Để hiểu về bệnh bạch tạng, đầu tiên bạn cần biết về melanin. Melanin là những sắc tố quy định màu sắc trên da, tóc và mắt trên cơ thể người. Melanin trong da được sản xuất bởi melanocytes, được tìm thấy trong lớp đáy của biểu bì mang tính chất di truyền, đó chính là lý do vì sao người châu Âu có nước da trắng, người châu Á có nước da vàng và người châu phi có nước da đen. Đôi khi một đứa trẻ sinh ra có rất ít hoặc không có melanin trong cơ thể, được gọi là bệnh bạch tạng.

Nguyên nhân gây bệnh

Cơ thể con người được cấu tạo nên từ hàng tỉ tế bào. Bên trong các tế bào là nhiễm sắc thể, trong đó có chứa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các gen. Gen tạo nên sự khác biệt ở mỗi người. Gen được thừa hưởng mang tính chọn lọc từ những thế hệ trước và mang yếu tố di truyền. Một nửa số gen của bạn là từ cha và một nửa là từ mẹ. Đôi khi, người mẹ hay người cha có thể mang "gen bạch tạng" nhưng không cho thấy bất kỳ dấu hiệu của bạch tạng vì ngoài gen bạch tạng đó ra họ còn có “gen sắc tố bình thường”. Vậy là trẻ bị bệnh khi được nhận cả 2 gen từ bố và mẹ đều là “gen bạch tạng”.

Nhận biết trẻ bị bạch tạng

Ảnh minh họa

Bệnh bạch tạng có nhiều loại và mức độ bạch biến khác nhau. Một số trẻ em bị bạch tạng có thể có làn da nhợt nhạt hay có tóc và mi màu trắng. Một số loại bạch tạng khác có thể chỉ ảnh hưởng đến mắt, trẻ sẽ có vẻ ngoài bình thường nhưng lại bị những tổn thương thị giác. Hầu hết trẻ em bị bạch tạng có đôi mắt màu xanh hoặc có màu mắt nhạt hơn so với những người cùng huyết thống. Trong một số trường hợp bị bạch tạng, đôi mắt của một đứa trẻ có thể xuất hiện màu hồng hoặc đỏ do các mạch máu bên trong mắt (trên võng mạc) hiển thị thông qua mống mắt.

Ảnh hưởng của bệnh

Ảnh minh họa


Ngoài việc quyết định màu mắt và màu tóc, melanin còn giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh nắng mặt trời. Tế bào hắc tố sản xuất ra melanin (một sắc tố màu đen) tạo nên màu da. Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các tế bào hắc tố tạo ra nhiều melanin hơn làm cho da đen sạm. Vì vậy, nếu không đủ melanin, làn da của bé sẽ không có khả năng tự bảo vệ. Trẻ em bị bạch tạng có thể bị cháy nắng rất dễ dàng dẫn đến nguy cơ ung thư da cao. Tuy trẻ có thể đi đến bãi biển và dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động ở ngoài trời khác nhưng trẻ cần thường xuyên sử dụng kem chống nắng và cha me cần để ý khoảng thời gian bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Cách tốt nhất là cha mẹ trẻ bị bệnh cần nói chuyện và trao đổi cụ thể với bác sĩ để tìm hiểu và quyết định khoảng thời gian hợp lý cho con.

Một vấn đề khác với trẻ bị bạch tạng là đôi mắt của trẻ có thể rất nhạy cảm với ánh sáng. Mống mắt thường giúp kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt và tác động lên võng mạc của bé. Khi bị bạch tạng, mống mắt của bé không có đủ màu sắc và không thể che chắn đúng võng mạc từ ánh sáng dẫn đến rối loạn thị giác. Vì vậy, trẻ em bị bạch tạng thường có tật nheo mắt và khó chịu với ánh sáng chói. Đeo kính râm hoặc kính áp tròng màu có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái và nhìn rõ hơn.

Tác động của bệnh đối với trẻ không chỉ thiệt thòi về thể chất, sức khỏe mà còn gây tổn thương cho bé về mặt tâm hồn. Hầu hết trẻ bị bệnh luôn cảm thấy tự ti, buồn bã và cô độc vì ngoại hình khác biệt của mình thường bị người khác soi mói, kì thị và xa lánh. Vì thế, cần giữ cho trẻ tinh thần lạc quan, vui vẻ; cha mẹ bé cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để có cách chăm sóc, bảo vệ cơ thể bé đặc biệt là phần da và mắt tốt nhất.

Nguồn bài: kidshealth.org

Comments