Trẻ em không nên uống thuốc Aspirin

15:24 14/04/2015

(Giúp bạn)Aspirin là thuốc có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau rất thông dụng. Tuy nhiên, do thuốc có những tác dụng không mong muốn đáng ngại nên cần thận trọng dùng, đặc biệt là trẻ em.

Những quan ngại khi dùng cho trẻ

Theo Kiến thức, Aspirin có nhiều tác dụng phụ liên quan đến dạ dày, chẳng hạn như gây đau hay gây xuất huyết tiêu hóa ở cơ quan này. Với trẻ em, aspirin có thể gây hội chứng Reye - một biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, không bao giờ được dùng aspirin cho trẻ. Bạn phải chắc chắn rằng các loại thuốc chuẩn bị cho con mình không chứa aspirin (bằng cách đọc kỹ thành phần).

Aspirin gây viêm loét dạ dày: Trẻ em (đặc biệt là trẻ nhỏ) niêm mạc dạ dày chưa trưởng thành, sinh lý bình thường có sự phân tiết acid thấp. Trong khi đó, aspirin là acid acetyl salicylic, có tính acid sẽ trực tiếp làm tăng acid dạ dày, gây cồn cào khó chịu, hủy hoại các tế bào biểu mô.

Aspirin gây rối loạn cân bằng đông máu - chảy máu: Do aspirin ức chế COX-1 mà làm giảm throboxanA2 nên làm giảm tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Điều này có lợi cho người bị bệnh tim mạch để ngăn ngừa sự đông máu, nhưng lại có hại cho người đang bị chảy máu hay có nguy cơ chảy máu, làm giảm sự vững bền của mao mạch, gây xuất huyết, kéo dài thời gian chảy máu.

Với trẻ bình thường, dùng aspirin không có lợi (vì dùng lặp lại nhiều lần sẽ gây rối loạn cân bằng đông máu - chảy máu). Với trẻ em bị chảy máu (do tổn thương), bị ban xuất huyết dưới da hay bị sốt xuất huyết thì dùng aspirin càng nguy hiểm.

Aspirin gây dị ứng: Trẻ em đặc biệt là trẻ có cơ địa dị ứng thường hay bị dị ứng nhưng khả năng  chống dị ứng lại thấp. Aspirin là tác nhân hay gây dị ứng có khi nhẹ (nổi mày đay, ban xuất huyết) nhưng có khi rất nặng (sốc phản vệ).

Aspirin gây ra các triệu chứng về hô hấp: Bộ máy hô hấp của trẻ rất nhạy cảm, aspirin có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của trẻ (với trẻ sơ sinh và nhỏ tuổi có thể làm cho trẻ giảm hoặc suy hô hấp, đặc biệt gây co thắt phế quản làm nặng thêm bệnh hen cho những trẻ bị mắc bệnh này.

Aspirin làm tăng huyết áp: Bệnh tăng huyết áp vô căn thường có ở người lớn tuổi. Nhưng do các yếu tố nguy cơ nào đó trẻ có thể bị tăng huyết áp ngay ở tuổi thiếu niên (ví dụ trẻ bị béo phì). Do ức chế COX-1 aspirin làm giảm PG-I2, tăng giải phóng rennin nên sẽ gây tăng huyết áp. Điều này sẽ không lợi cho các em đang bị tăng huyết áp.

Aspirin gây hại thận: Trẻ em nhất là trẻ sơ sinh thì chức năng lọc của cầu thận và thải trừ thuốc qua ống thận kém. Trong khi đó, aspirin thải trừ chủ yếu qua thận, nên khi dùng cho trẻ thì sự thải trừ aspirin sẽ chậm, dễ gây độc.

Thận trọng khi dùng Aspirin

Bị thấp do liên cầu khuẩn: Theo Dược sĩ Bùi Văn Uy, nếu không được điều trị thì trẻ bị viêm nhiều cơ quan đặc biệt có thể gây tổn thường các cơ vân tim để lại di chứng hẹp hở van tim. Do đó, ngoài việc dùng thuốc kháng liên cầu khuẩn (penicilin tiêm liều cao) người ta còn dùng aspirin kháng viêm.

Bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên: Đây là dạng viêm khớp mạn thường gặp ở trẻ dưới 16 tuổi đi kèm với sốt, mệt, sụt cân. Cần dùng aspirin kháng viêm, giảm đau, hạ sốt.

Bị bệnh tim liên quan đến huyết khối: Trẻ bị bệnh cơ tim giãn nở sẽ có nguy cơ bị huyết khối - nghẽn mạch gây ra các biến chứng tim mạch thứ cấp khác. Cần dùng aspirin để ngăn sự hình thành huyết khối - nghẽn mạch.

Bị hội chứng Kawasaki: Hội chứng này xảy ra ở mạch máu nhỏ và trung bình, gây dị ứng nặng ở mạch vành. Dùng aspirin để giảm tổn thương mạch vành (vì tổn thương ở mạch vành sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho tim).

Những trường hợp dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi (nói trên) phải do thầy thuốc chỉ định. Trong quá trình dùng cần theo dõi chặt chẽ những tác dụng không mong muốn của thuốc. Trường hợp đang dùng thuốc, trẻ gặp bất kỳ một trường hợp nào có liên quan đến chống chỉ định của aspirin (như nhiễm virut, chảy máu, lên cơn hen, dị ứng...) cần ngừng dùng thuốc và báo ngay cho thầy thuốc để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tham khảo thuốc: Aspirin pH8 500mg

Giảm các cơn đau nhẹ, vừa như: đau cơ, đau răng, đau bụng kinh và giảm sốt. Chứng viêm cấp và mãn như: viêm khớp dạng thấp, viêm (thoái hóa) xương khớp và viêm đốt sống dạng thấp.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Tác dụng và tác hại của việc ăn táo
-2 Bệnh viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy
-3 Trẻ hay bị sổ mũi, phải làm thế nào?
-4 Những dấu hiệu bất thường của trẻ sơ sinh

Theo GDVN

Comments