Trẻ em không nên uống thuốc Chloramphenicol
(Giúp bạn)Chloramphenicol là thuốc được bán công khai và không cần kê đơn dẫn tới bị lạm dụng. Điều này có thể gây tàn tật hoặc thiếu máu bất sản.
Dược lý và cơ chế tác dụng của Cloramphenicol
Theo thông tin trên chuyên trang y học của Benh.vn, Cloramphenicol là kháng sinh, ban đầu được phân lập từ Strepxomyces venezuelae, nay được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp. Cloramphenicol thường có tác dụng kìm khuẩn, nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc đối với những vi khuẩn nhạy cảm cao.Cloramphenicol ức chế tổng hợp protein ở những vi khuẩn nhạy cảm bằng cách gắn vào tiểu thể 50S của ribosom.
Thuốc có cùng vị trí tác dụng với erythromycin, clindamycin, lincomycin, oleandomycin và troleandomycin. Cloramphenicol cũng ức chế tổng hợp protein ở những tế bào tăng sinh nhanh của động vật có vú; cloramphenicol có thể gây ức chế tủy xương và có thể không hồi phục được.
Cloramphenicol có hoạt tính ức chế miễn dịch nếu cho dùng toàn thân trước khi kháng nguyên kích thích cơ thể; tuy vậy, đáp ứng kháng thể có thể không bị ảnh hưởng đáng kể khi dùng cloramphenicol sau kháng nguyên.
Nhiều vi khuẩn có sự kháng thuốc cao với cloramphenicol ở Việt Nam; thuốc này gần như không có tác dụng đối với Escherichia coli, Shigella flexneri, Enterobacter spp., Staphylococcus aureus, Salmonella typhi, Strepxococcus pneumoniae và ít có tác dụng đối với Strepxococcus pyogenes. Cloramphenicol không có tác dụng đối với nấm.
Thuốc nhỏ mắt chloramphenicol có thể gây thiếu máu
Thuốc chống chỉ định cho trẻ sơ sinh đến dưới 6 tháng tuổi
Theo thông tin trên Kiến thức, thuốc được chống chỉ định cho trẻ sơ sinh đến dưới 6 tháng tuổi; phụ nữ có thai và cho con bú; bệnh gan, thận nặng; bệnh ở cơ quan tạo máu, người có dị ứng với Chloramphenicol; không dùng phối hợp với thuốc nhỏ mắt khác có kháng sinh hoặc sulfamid.
Các y văn trong nước và thế giới đều ghi nhận: Bằng đường dùng toàn thân, Chloramphenicol gây ra nhiều tác dụng phụ đáng kể như hội chứng xanh xám (nôn, nhịp thở nhanh, căng bụng, tím xanh, phân xanh, ngủ lịm tiến tới trụy mạch và tử vong); Viêm dây thần kinh thị giác, viêm thần kinh ngoại biên, mê sảng.
Trên hệ tiêu hóa, Chloramphenicol gây viêm lưỡi, có vị khó chịu, viêm miệng, buồn nôn. Thuốc còn gây dị ứng với các biểu hiện ban đỏ, mày đay, phù mạch và sốc phản vệ. Với trẻ nhỏ dưới 1 tháng tuổi, việc dùng Chloramphenicol đường toàn thân có thể gây ra hội chứng suy tuần hoàn cấp.
Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là gây thiếu máu không tái tạo, không phục hồi do suy tủy xương, thường gây tử vong.
Chính vì vậy, đã có cảnh báo người bệnh khi phải dùng Chloramphenicol nên được điều trị trong bệnh viện. Bác sĩ có thể theo dõi các xét nghiệm thích hợp và cần ngưng thuốc ngay nếu có hiện tượng giảm hồng cầu lưỡi, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
Thực tế, đã có báo cáo về các hiện tượng thiếu máu bất sản, giảm 3 dòng tế bào máu xảy ra ở một vài trường hợp khi điều trị Chloramphenicol nhỏ mắt và dẫn tới tử vong. Do đó, các nhà sản xuất khuyến cáo, nếu tình trạng mắt không cải thiện sau 1 tuần điều trị nên lựa chọn một biện pháp điều trị khác.
Điều đáng nói ở nước ta, người dân coi đây là loại thuốc thông thường về mắt mà không độc hại gì. Trong khi đó, nhãn của loại thuốc này thường không được các công ty dược liệu ghi đầy đủ thông tin, người sử dụng nếu bị dị ứng thuốc mà không chữa chạy kịp thời, có thể bị mang tật suốt đời.
Tiến Khê
Theo GDVN