Viêm màng ngoài tim co thắt chữa được không?
(Giúp bạn)Viêm màng ngoài tim co thắt là hậu quả của tình trạng viêm xơ hóa, vôi hóa làm dày lên, dính màng tim.
Viêm màng ngoài tim co thắt có phải xuất phát từ viêm màng ngoài tim? Biểu hiện của bệnh ra sao và hiện có điều trị được không?
Bs.CkII. Đặng Minh Trí trả lời trên Tiền phong:
Viêm màng ngoài tim co thắt là hậu quả của tình trạng viêm xơ hóa, vôi hóa làm dày lên, dính màng tim. Điều này gây ra hạn chế máu trở về tim và làm giảm thể tích tống máu. Màng ngoài tim lúc này cứng nhắc bao lấy trái tim là hạn chế tim giãn ra trong thời kỳ tâm trương và làm tăng áp lực trong buồng tim. Nguyên nhân gây ra thể bệnh này: nhiễm trùng, chấn thương, xạ trị… Bệnh lý màng ngoài tim có rất nhiều thể và chung qui lại là tình trạng viêm màng ngoài tim. Tùy theo nguyên nhân gây ra viêm màng ngoài tim mà người ta phân chia ra các nhóm: viêm màng ngoài tim do nhiễm trùng (virút, vi khuẩn, nấm), viêm màng ngoài tim không do nhiễm trùng (ung thư, nhồi máu cơ tim, tăng urê máu, chấn thương, sau xạ trị…), viêm màng ngoài tim do miễn dịch (thấp tim, bệnh mô liên kết…).
Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt là hậu quả của quá trình xơ hoá
Người ta cũng có thể dựa vào thời gian để chia viêm màng ngoài tim cấp tính (dưới 6 tuần), viêm màng ngoài tim bán cấp, viêm màng ngoài tim mãn tính (trên 6 tháng).
Biểu hiện ở những bệnh nhân viêm màng ngoài tim co thắt là ngất xỉu, mệt và khả năng gắng sức kém. Sau đó, khi suy tim trái sẽ có khó thở khi gắng sức và khó thở về đêm.
Khám sẽ phát hiện tăng áp tĩnh mạch gây gan to, cổ trướng, phù ngoại biên, nghe tiếng tim mờ… để xác định ngoài việc cho làm điện tim, X-quang, thông tim thì làm siêu âm là điều quan trọng.
Đây là một thể bệnh có tiên lượng nặng và việc điều trị bằng ngoại khoa là cơ bản. Người ta phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim (hơn 90% có cải thiện triệu chứng sau mổ).
Hiện tại dù hồi sức rất tốt nhưng tỉ lệ tử vong trong và sau mổ còn khá cao (có khi lên đến 20%). Tất nhiên song song đó là điều trị nội khoa bằng thuốc để giảm áp lực tĩnh mạch ngoại vi và tĩnh mạch phổi.
ThS. Nguyễn Mạnh Hà cho biết trên Sức khỏe & đời sống, điều trị nội khoa bệnh nhân ở giai đoạn đầu có thể điều trị bảo tồn bằng lợi tiểu và chế độ ăn hạn chế muối. Ngoài ra điều trị nội khoa cũng được chỉ định ở các bệnh nhân quá nặng không còn chỉ định mổ hay không chấp nhận nguy cơ của cuộc mổ.
Phẫu thuật cắt màng ngoài tim là phẫu thuật được lựa chọn. Trên 90% các trường hợp có cải thiện triệu chứng đáng kể sau phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong trong và ngay sau mổ từ 5 - 20% nên cần thận trọng cân nhắc. Việc mổ sớm cho các bệnh nhân là tốt hơn chứ không đợi đến khi thể trạng bệnh nhân đã bị suy sụp do bệnh diễn biến kéo dài.
Phòng bệnh cần chẩn đoán và điều trị sớm, dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn như lao, viêm nhiễm do vi khuẩn, virut, nấm và ký sinh trùng, các bệnh thấp tim, lupus ban đỏ, sarcoidose, ung thư vú, ung thư phổi, u sắc tố…
Tham khảo thuốc: Paracetamol: Là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. |
TM
Theo GDVN