Viêm tai giữa và những lưu ý khi dùng thuốc

15:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Viêm tai giữa thường được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Thầy thuốc sẽ xác định giai đoạn của viêm tai giữa để chỉ định thuốc điều trị.

Chia sẻ trên Báo Tuổi trẻ OnlineThạc sĩ bác sĩ Hoàng Ngọc Đức - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM) cho biết, dựa theo thời gian mắc bệnh, nguyên nhân, triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ chia viêm tai giữa thành hai loại: viêm tai giữa cấp tính (bệnh kéo dài dưới một tháng) và viêm tai giữa mãn tính (bệnh kéo dài trên ba tháng).

Viêm tai giữa cấp thường xảy ra sau khi bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh nhân đột ngột sốt, đau tai, chảy mủ tai, nghe kém. Ngoài ra, còn xuất hiện các dấu hiệu khác như chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, tiêu chảy.

Khi khám tai, bác sĩ thấy màng nhĩ bệnh nhân phồng, đỏ, có bóng khí hoặc có dịch sau hòm nhĩ, màng nhĩ còn có thể bị thủng. Với viêm tai giữa cấp, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm tại chỗ hay toàn thân.

-1

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm tai giữa

Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, viêm tai giữa thường được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ:

- Viêm tai giữa ở giai đoạn xung huyết chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân kết hợp với các thuốc chống viêm, chống phù nề, hạ sốt, giảm đau, đồng thời kết hợp với điều trị mũi họng.

- Nếu viêm tai giữa chuyển sang giai đoạn ứ mủ thì việc trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ được cân nhắc sử dụng đồng thời với các thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn xung huyết.

- Khi viêm tai giữa đi qua hai giai đoạn này, dịch mủ ứ đọng trong tai giữa sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ chảy ra ngoài qua ống tai ngoài. Lúc này màng nhĩ bị thủng. Giai đoạn này việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn.

+ Thuốc điều trị toàn thân:

- Sử dụng kháng sinh đường uống hoặc tiêm:

Nhóm bêta - lactam (ampicillin, cephalosporin thế hệ II, III), nhóm macrolid, nhóm quinolon là lựa chọn hàng đầu để điều trị viêm tai giữa. Lưu ý hạn chế sử dụng nhóm kháng sinh aminoglycosid (gentamycin, kanamycin...) đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi, là độ tuổi đang tập nói, trong khi đó nhóm kháng sinh này có khả năng gây độc ốc tai cho trẻ. Nếu dùng trẻ có thể sẽ bị câm điếc do thuốc.

- Thuốc chống viêm corticoid ngắn ngày (7 - 10 ngày) hoặc thuốc kháng viêm non-steroid, thuốc chống viêm giảm phù nề nhằm ngăn chặn tiến triển viêm, để phục hồi cấu trúc của mô bị tổn thương, đồng thời hỗ trợ kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây viêm.

- Thuốc hạ sốt, giảm đau: thông dụng và an toàn nhất là paracetamol, dùng liều lượng tùy theo cân nặng của trẻ, người lớn dùng theo hướng dẫn sử dụng đính kèm thuốc.

-2

+ Thuốc điều trị tại chỗ:

- Thuốc nhỏ mũi: dùng thuốc chống sung huyết, co mạch, giảm phù nề, chống viêm) được sử dụng với mục đích là làm sạch hốc mũi và trả lại sự thông thoáng tai giữa và mũi họng, điều này giúp cho việc phục hồi niêm mạc viêm trong tai giữa dễ dàng hơn và dẫn lưu dịch mủ từ tai giữa ra ngoài qua đường vòi tai. Thuốc hay sử dụng là otrivin 0,05%, sunfarin, collydexa, naphtazoline, xylomethazoline,...

- Với thuốc nhỏ tai cần lưu ý: Thuốc nhỏ tai được chia làm hai loại tùy theo thành phần cơ bản của thuốc là thuốc nhỏ cho những trường hợp viêm tai không thủng màng nhĩ và thuốc dùng cho viêm tai có thủng màng nhĩ.

Nếu viêm tai không thủng màng nhĩ: Giai đoạn sung huyết dùng thuốc nhỏ tai kết hợp giữa kháng sinh và kháng viêm: cortiphenicol, polydexa... Thuốc nhỏ tai có tính sát khuẩn và giảm đau: cồn boric ấm, otipax...

Trường hợp viêm tai có bị thủng màng nhĩ: Dùng những thuốc nhỏ tai được bào chế bằng những kháng sinh có tính an toàn cao cho ốc tai như rifamycin, effexin...

Việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa phải được thực hiện bởi thầy thuốc chuyên khoa tai-mũi-họng. Người bệnh không tự ý dùng thuốc dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm, không hồi phục, nguy hiểm nhất là điếc dẫn đến câm ở trẻ nhỏ...

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Cà gai leo hỗ trợ điều trị các bệnh về gan
-4 Bệnh "da mùa xuân" ở trẻ không thể coi thường
-5 Công dụng và một số món ăn chữa bệnh từ khoai sọ
-6 Bệnh tim mạch là gánh nặng cho phụ nữ mang thai

Theo GDVN

Comments