10 hố khổng lồ kỳ lạ nhất thế giới

00:32 12/02/2014

(Giúp bạn)Phần lớn những chiếc hố này do con người tạo thành, như hố lửa bốc cháy suốt 40 năm ở Turkmenistan hay mỏ kim cương Kimberley lớn nhất thế giới ở Nam Phi.

  • 1

    Cánh cửa tới địa ngục

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-1


    Nằm ở trung tâm sa mạc Karakum, Turkmenistan, hố gas Darvaza (hay có tên gọi cánh cửa tới địa ngục) có đường kính 60m, sâu 20m không ngừng bốc cháy trong suốt 40 năm qua. Vào ban đêm, hố có thể được nhìn thấy ở khoảng cách vài km. Hố này được hình thành khi các nhà địa chất Liên Xô thăm dò khí gas dưới lòng đất và khiến đất đá sụp xuống trong năm 1971. Sau đó, các nhà khoa học châm lửa đốt để tiêu hủy hết số khí độc. Tuy nhiên, kể từ đó, hố vẫn bốc cháy và chưa có dấu hiệu tắt. Mặc dù tháng 4/2010, Tổng thống Turkmenistan, Gurbanguly Berdimuhamedow, đến thăm hố và ra lệnh đóng cửa nhưng điều này vẫn chưa được thực hiện.

  • 2

    Mỏ kim cương Kimberley

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-2


    Mỏ kim cương Kimberley ở Nam Phi (còn được gọi với cái tên Big Hole) đang nắm giữ danh hiệu hố nhân tạo lớn nhất thế giới. Từ năm 1866 đến 1914, khoảng 50.000 thợ mỏ đào hố bằng công cụ thô sơ như cuốc, xẻng để khai thác khoảng 2.722 kg kim cương. Hố có diện tích bề mặt 17 ha và rộng 463m, được khai thác ở độ sâu 240m, nhưng sau khi bị đất đá rơi xuống, hố chỉ còn sâu 215m. Hiện hố ngập nước đến độ sâu 40m. Giới chức địa phương đang nỗ lực đăng ký để đưa hố Kimberley trở thành di sản thế giới.

  • 3

    Đập Monticello

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-3


    Đập Monticello nằm ở Hạt Napa, bang California, Mỹ được xây từ năm 1953 đến 1957. Trong đập có một hố thoát nước hình tròn với chiều cao 93m, được xây từ 249.000 mét khối bê tông. Đập có nhiệm vụ ngăn nước sông Putah và hình thành hồ Berryessa (hồ lớn thứ 2 ở bang California). Sức chứa của đập nước là 1.976.000 đêcamet khối. Nước từ trong đập cung cấp chủ yếu cho khu vực North Bay, San Francisco.

  • 4

    Mỏ Bingham

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-4


    Mỏ khai thác đồng Bingham nằm ở vùng núi Oquirrh, bang Utah, Mỹ. Mỏ có độ sâu 1,2km, rộng 4km và được xem là một trong những mỏ khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới. Mỏ đi vào khai thác từ năm 1906 và tạo ra một hố lớn có diện tích 7,7km2. Đến năm 2004, các công nhân đã khai thác hơn 17 triệu tấn đồng, 23 triệu ounce vàng, 190 triệu ounce bạc, 385 tấn molypden.

  • 5

    Hố Great Blue

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-5


    Great Blue là hố ngầm dưới biển, cách bờ biển Belize khoảng 70km. Nó nằm gần trung tâm của đảo san hô Lighthouse. Hố này sâu 124m, có miệng hình tròn với đường kính 300m. Great Blue là một phần của khu bảo tồn san hô Belize Barrier, khu vực được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của nhân loại. Hố Great Blue là một điểm đến đáng mơ ước của các thợ lặn khắp thế giới. Tại đây, họ có cơ hội gặp những loài cá quý hiếm như cá mú, cá mập san hô Caribe hay cá mập đầu đen.

  • 6

    Mỏ Mirny

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-6


    Mỏ kim cương Mirny sâu 252m và có đường kính 1.200m. Đây là một trong những mỏ khai thác kim cương lớn nhất và đầu tiên ở Liên Xô. Khu mỏ sâu và rộng đến mức xe tải phải mất 2 tiếng để đi từ đỉnh đến đáy mỏ. Từ những năm 1970, công ty khai thác bắt đầu tìm kiếm kim cương sâu dưới lòng đất, do nhận thấy việc khai thác trên bề mặt không còn hiệu quả. Trong những năm 1960, mỏ Mirny đã sản xuất được 10 triệu carat kim cương (2.000 kg) mỗi năm. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, vào những năm 1990, mỏ Mirny nằm dưới sự quản lý của công ty kim cương Sakha và mang lại lợi nhuận hàng năm lên tới hơn 600 triệu USD. Hiện nay, Alrosa, công ty khai thác kim cương lớn nhất Nga, đang quản lý mỏ và thuê 3.600 công nhân khai thác.

  • 7

    Mỏ Diavik

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-7


    Mỏ Diavik nằm ở vùng Tây Bắc Canada. Mỏ bắt đầu hoạt động từ năm 2003 và khai thác 8 triệu carat kim cương mỗi năm. Mỏ nằm trên một hòn đảo có tên gọi East Island rộng 20km2. Khu mỏ thuộc sở hữu của một liên doanh giữa Tập đoàn Kim cương Harry Winston và Công ty Mỏ Kim cương Diavik, công ty con của Tập đoàn Rio Tinto. Tuổi thọ của mỏ dự kiến kéo dài từ 16 đến 22 năm tới.

  • 8

    Hố sụp Guatemala

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-8


    Tháng 2/2007, mặt đất bất ngờ sụp xuống và tạo thành một chiếc hố sâu 100m ở Đông Bắc Guatemala, đồng thời khiến 3 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán. Các nhà khoa học cho hay, những cơn mưa lớn liên tiếp và một đường chảy nước thải ngầm là nguyên nhân gây đất đá sụp xuống và tạo ra hố. Giới chức sau đó hạn chế người dân xây dựng và đề ra một số kế hoạch nhằm giảm nguy cơ trong khu vực quanh hố.

  • 9

     Mỏ Udachnaya

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-9


    Mỏ Udachnaya là khu khai thác kim cương ở Nga. Năm 2010, những người chủ có kế hoạch chấm dứt hoạt động trên bề mặt để chuyển sang khai thác ngầm. Khu mỏ được phát hiện năm 1955 và có độ sâu 600m. Việc khai thác khu mỏ khổng lồ đã tạo ra một khu dân cư gần đó, được đặt theo tên khu mỏ là Udachny. Từ năm 2004, mỏ Udachnaya do công ty kim cương Alrosa của Nga quản lý.

  • 10

     Mỏ Chuquicamata

    10-ho-khong-lo-ky-la-nhat-the-gioi-10

     
    Mặc dù không phải là mỏ có trữ lượng lớn nhất, nhưng Chuquicamata hay “Chuqui” là mỏ đồng có tổng sản lượng lớn nhất thế giới. Mỏ có độ sâu khoảng 850m. Đồng được khai thác ở Chuquicamata nhiều thế kỷ qua. Đặc biệt hơn, năm 1898, tại đây các nhà khoa học từng phát hiện một xác ước từ khoảng năm 550 trước Công nguyên, mắc kẹt trong một hầm mỏ cổ đại.

  • 11
     

Comments