Ba người phụ nữ trong cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Hà
(Giúp bạn)Trong ngôi nhà nhỏ xinh của cô con gái - nữ thẩm phán Hoàng Yến, Hoàng Hà - người nhạc sĩ của Trường Sơn không ngần ngại sẻ chia hạnh phúc bình yên bên những người phụ nữ trong cuộc đời mình.
Thơ Trường Sơn chỉ có Duật, nhạc Trường Sơn chỉ có Hoàng Hà
Nhạc sĩ Hoàng Hà còn có bút danh khác là Cẩm La, tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh năm 1929, tại làng Yên Phụ, Hồ Tây, Hà Nội. Ông là cha đẻ của những ca khúc cách mạng nổi tiếng như “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Đất nước trọn niềm vui”...
Ngay từ thuở nhỏ, chàng trai Hà Nội này đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật đa tài. Trước khi là một nhạc sĩ nổi tiếng, ông từng là họa sĩ, chơi đàn ghi ta, đàn Măngđôlin, từng là một diễn viên trong bộ phim Quê nhà, Sau cơn bão.
Hoàng Hà đam mê âm nhạc từ thưở thiếu thời, nhờ sự dìu dắt của những lớp đàn anh đi trước, tài năng âm nhạc của ông sớm được khẳng định.
Mẹ nhạc sỹ Hoàng Hà
Ngay từ năm 1946, ông đã hăng hái tham gia cách mạng, cùng với nhiều nghệ sĩ trẻ bấy giờ, ông đi khắp nơi đàn ca, phục vụ văn nghệ cho quần chúng nhân dân từ thành thị tới núi rừng Việt Bắc.
Cũng trong thời kì ấy, Hoàng Hà bắt đầu viết một số ca khúc đầu tay như “Căm hờn”, “Nhớ mái chùa yên ấm”... Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người phát hiện và dìu dắt tài năng trẻ Hoàng Hà.
Năm 1962, khi Hoàng Hà bắt đầu có vị trí trong giới âm nhạc với một số bài hát nổi tiếng lúc bấy giờ như: “Ánh đèn trên cầu Việt Trì”, “Hoa huệ”, “Buổi sớm trên đồng”... Ông trở về Hà Nội và theo học trường Âm nhạc Việt Nam.
Khi học đến năm thứ tư, do nhu cầu của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông về làm việc tại Ban âm nhạc và trở thành cánh tay phải của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Vì công việc bận rộn nên mãi đến năm 1999, ông mới “trả nợ” xong môn thi tốt nghiệp tại trường âm nhạc.
Những năm 1980, ông là một trong những người đầu tiên có công cho phong trào tiếng hát “Hoa phượng đỏ” trong việc tìm ra những tài năng âm nhạc nhí của nước nhà. Không biết bởi sự vô tình hay hữu ý mà thẻ hội viên âm nhạc của Hoàng Hà mang số 01.
Phải chăng điều ấy đã nói lên vị thế của Hoàng Hà trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam: “Thơ Trường Sơn chỉ có Phạm Tiến Duật, nhạc Trường Sơn chỉ có Hoàng Hà” .
Nhạc của Hoàng Hà ra đời trong những hoàn cảnh thúc bách của sự thăng hoa từ chính đam mê nghệ thuật của người nhạc sĩ. Không như những nhạc sĩ cùng thời, thay đổi phong cách âm nhạc mới cho phù hợp với thời đại thì Hoàng Hà vẫn cố gắng sáng tác theo nếp cũ.
Nhạc sĩ Hoàng Hà, bên mẹ và vợ trong lễ cưới.
Hoàng Hà nhận mình là người nghệ sĩ “bất tài” khi không bắt kịp với thời cuộc, không tự thay đổi mình với thời cuộc. Bởi với ông, dòng nhạc cách mạng trữ tình đã ăn sâu vào máu thịt, có sức hút ghê gớm với mình.
Có người nói ông là kẻ không biết thức thời nhưng với Hoàng Hà, âm nhạc là “cái gì đó thiêng liêng mà tôi không thể tự cho mình quyền được cẩu thả với nghệ thuật”
Nhạc sĩ tài hoa và những người phụ nữ trong cuộc đời
Bước sang cái tuổi 84, cuộc đời người nhạc sĩ ấy đã trải qua biết bao thăng trầm, bao ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống thế nhưng ông luôn nhận mình là người may mắn.
May mắn vì vẫn còn minh mẫn ở cái tuổi xưa nay hiếm, may mắn vì cuộc đời ông vẫn còn những người thân yêu bên mình mà trong đó ông không thể không nhắc tới 3 người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mình: Ấy là mẹ, người vợ và cô con gái Hoàng Yến của ông.
Hoàng Hà vốn mang 3 dòng máu khác nhau, mẹ ông, bà Nguyễn Thị Sâm là con gái của người lính viễn chinh Tuynidi gốc Pháp.
Bà vốn là một thợ may, cha ông là thầy Kí. Mẹ ông 12 lần sinh thì chỉ nuôi được hai người con là Hoàng Hà và em trai Hoàng Phi Hùng. Khi ông lên 9, cha mất, mẹ ông quyết ở vậy nuôi 2 con trưởng thành và tích cực tham gia hoạt động cách mạng.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn tình cảm của cha nên ông sớm hiểu biết và già dặn. Mọi tình cảm ông đều dành cho mẹ và em trai. Thương mẹ vất vả, Hoàng Hà đã đi làm công nhân trong nhà máy in khi mới 13 tuổi để có thêm tiền đỡ đần giúp mẹ.
Khi mẹ bị ốm đau, mọi công việc chăm sóc từ chuyện ăn uống, tắm giặt,… đều tự tay ông đảm nhận thì ông mới yên tâm. Có lần bà Sâm bị ngã gẫy chân, nhạc sĩ gầy rộc đi trông thấy, mỗi khi thấy mẹ đau, ông đều không cầm lòng được.
Ông chẳng nề hà khi bên cạnh nói chuyện hàng giờ đồng hồ cho mẹ vui hay giúp mẹ tập đi cho chóng khỏi…
Vì vậy, giữa nhạc sĩ và mẹ có một sợi dây tình cảm vô cùng đặc biệt. Sự hy sinh lớn lao của người mẹ khiến Hoàng Hà luôn yêu kính, hiếu thảo với người thân sinh nuôi dưỡng ra mình như một vị thánh.
Mẹ ông chính là hình mẫu về người phụ nữ Việt Nam thương yêu con cái hết mực nhưng cũng thật kiên nghị trong cuộc sống. Hoàng Hà không phủ nhận những ảnh hưởng lớn lao của người mẹ thân sinh tới tính cách và sự nghiệp của ông.
So với bạn trang lứa, Hoàng Hà là người có sự nghiệp không mấy suôn sẻ dù những ca khúc của ông lại được tất cả người dân Việt Nam biết tới, dù ông là kẻ đa tài nhưng cuộc sống của ông vô cùng vất vả.
Năm 1985, khi ấy nhạc sĩ Hoàng Hà đã gần 60 tuổi nhưng vẫn quyết định dẫn người con trai cả là nhạc sĩ Hoàng Lương vào Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp nhưng lí do trước nhất vẫn là tìm nơi có khí hậu tốt đưa mẹ vào để dưỡng già sau này.
Ngày ông đi, mẹ ông đã ra chợ mua cho con trai một đôi dép mới thay cho đôi dép cao su đã sờn rách, với hàm ý mong con trai đi chân cứng đá mềm. Thế nhưng chân ướt chân ráo vào vùng đất mới, hai cha con chưa tìm được công việc thích hợp thì ở Hà Nội, vợ ông đánh điện vào báo mẹ ông mất.
Như sét đánh ngang tai, lòng người con nóng như lửa đốt và đầy day dứt chỉ muốn bay nhanh về nhà. Nhưng khi đó cả hai cha con ông túi tiền đã cạn, phương tiện giao thông khó khăn, giá tàu hoả tăng lên những 20 lần làm sao có thể về kịp cho đặng.
Rồi ông quyết định cùng con trai cầm cây đàn ghi ta đi tới đâu “du ca” tới đó để có thêm lộ phí đi về. Hai cha con cuối cũng về tới Hà Nội nhưng người con ấy không được kịp nhìn thấy mẹ phút lâm chung.
Giở cho tôi những bức ảnh về mẹ ngày xưa, đôi mắt nhăn nheo của người đàn ông 84 tuổi không khỏi ngấn lệ bởi sự day dứt bao nhiêu năm trôi qua…
Mặc dù chỉ là người “phụ nữ thứ hai” trong cuộc đời nhưng nhạc sĩ Hoàng Hà luôn yêu thương và trân trọng người vợ hiền, đảm của mình, bà tên là Minh Phúc, một cô gái gốc Hà Thành. Ông bà yêu nhau và đến với nhau bằng tình yêu sôi nổi tuổi 20 nhưng cũng thật dịu dàng, thanh cao.
Tình yêu của ông dành cho người bạn đời của mình thật nhẹ nhàng như chính lời ca khúc “Hoa huệ” mà ông viết tặng bà ngày mới lấy nhau.
“Sương đêm long lanh trên hoa trắng thanh thanh, mặt hồ đầy trăng im biêng biếc xanh xanh, gió cuốn bát ngát nghiêng cành lá rung thành tiếng hát, hoa say mê nghe câu tình ca…” - những giai điệu ngọt ngào mà ông cất lên tặng cho cô dâu xinh đẹp đúng trong ngày cưới của mình.
Như một sự trùng hợp, bà Minh Phúc giống ở người mẹ chồng của mình chính là đức hy sinh, sự dịu dàng nhưng đầy kiên nghị. Ngày yêu nhau, dù biết gia cảnh ông nghèo, chỉ “mẹ goá con côi” nhưng cô Minh Phúc vẫn một lòng yêu thương về làm vợ ông.
Cho tới khi ông làm ở Ty Văn hoá Phúc Yên, bà ở Hà Nội, một nách nuôi 5 con, phụng dưỡng mẹ chồng như mẹ đẻ. Hai người phụ nữ một đã mất chồng, một xa chồng lại là hai người đồng chí hoạt động cách mạng đối xử với nhau bằng một tình thân đặc biệt hơn cả máu mủ.
Biết chồng luôn yêu kính mẹ hết mực nên bà Minh Phúc luôn cố gắng trọn vẹn trong cuộc sống, chưa bao giờ để chồng vào tình cảnh khó xử giữa hai người phụ nữ mà mình yêu thương.
Dù không được nhờ “lộc” chồng như nhiều phu nhân các nhạc sĩ nổi tiếng khác nhưng bà luôn yêu kính và khâm phục cái tính ngay thẳng của chồng, cùng sát cánh với ông trong những lúc sướng khổ, thăng trầm nhất.
Hoàng Hà tự nhận mình là người sống tình cảm, ông không chỉ là người chồng yêu vợ, người con hiếu thảo mà còn là người cha thương con hết mực.
Gia đình là thứ quý giá nhất với nhạc sĩ Hoàng Hà, “nếu không có tình yêu với trẻ nhỏ có lẽ sẽ không có “Con mèo ra bờ sông”, “Hoa lá chào xuân”, “Chú bộ đội”, “Cùng múa hát mừng xuân”.,... mà ông viết tặng cho các con của mình khi còn thơ bé.
Trong 5 người con của ông, trừ người con cả là nhạc sĩ Hoàng Lương là tiếp nghiệp cha thì 3 người con trai và cô con gái lại theo nghiệp khác. Riêng cô con gái duy nhất Hoàng Yến thì rất đặc biệt. Từ bé, chị đã là một cô bé có cá tính bản lĩnh nhưng lại say mê văn chương và âm nhạc.
Khi hơn 10 tuổi, chị đã “ngấu nghiến” tất cả những cuốn sách của cha mình. Riêng thói quen nhật kí của chị ảnh hưởng từ bà nội, từ cha mẹ mình. Vì vậy mỗi khi đọc xong cuốn sách nào hay, chị đều viết những suy nghĩ cảm nhận của mình trong nhật kí.
Tuy nhiên, duyên nghiệp lại đưa chị với một ngành nghề hoàn toàn trái ngược với văn chương để trở thành một nữ thẩm phán tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.
Niềm vui cho những năm tháng cuối đời của ông là chăm sóc những chú cún, chú mèo nhỏ, hay dành thời gian để nghiên cứu kinh dịch, phật học…
Giờ đây, giữa lòng Hà Nội tấp nập, ông như sống lại cái tuổi 20 thuở nào khi ông ngân nga lại cho chúng tôi nghe những âm điệu ngọt ngào trong ca khúc “Hoa huệ” mà nửa thế kỉ trước ông đã hát tặng cho người vợ yêu dấu của mình.