Do Lương Sơn - nơi xây dựng Càn Lăng - có địa thế rất giống với bộ ngực của người phụ nữ nên người dân địa phương nơi đây còn gọi núi Lương Sơn là Nãi Đầu Sơn. Ngọn núi này nhìn gần thì rất kỳ vĩ nhưng nhìn xa lại rất thấp. Viên Thiên Canh cho rằng, nơi đây âm khí nặng hơn, vì vậy nếu như không tính toán cẩn thận thì long mạch nhà họ Lý sẽ bị một người phụ nữ làm cho tổn hại.
Lý do mà Viên Thiên Canh đưa ra dường như rất hợp lý. Ngọn Lương Sơn nằm ở phía Tây của núi Cửu Tông, trong khi đó, long mạch của nhà Đường thì nằm ở phía Đông Cửu Tông. Vì vậy, Viên cho rằng, Chiêu Lăng - nơi chôn cất Lý Thế Dân - chính là phần đầu của long mạch triều Đường. Theo quan niệm truyền thống về phong thủy thì vị trí xây dựng lăng mộ cho Lý Trị phải nằm dưới phần đầu rồng này.
Như vậy, vị trí mộ lý tưởng nhất phải thuộc các dãy núi Kim Túc, Ta Nga, Nghiêu Sơn… Tuy nhiên, nay lại có một người phụ nữ ngồi ở trên đầu của những người đàn ông dòng họ Lý.
Xét về địa thế thì cả hai mặt Lương Sơn đều có nước vây quanh, là nơi tàng phong tụ khí, đích thực là một vị trí đắc địa về phong thủy. Các nhà phong thủy đương thời đều thừa nhận điều này. Người ta nói rằng, dãy Lương Sơn vốn là phần dư âm của long mạch từ thời Chu, vì vậy những người dân bình thường chọn đất này làm nơi mai táng thì có thể đảm bảo ba đời giàu sang, phú quý.
Tuy nhiên, đối với triều đại nhà Đường, ba đời e là quá ngắn ngủi. Hơn nữa, đại thế phong thủy của Lương Sơn lại không hô ứng với phong thủy của Chiêu Lăng vốn đã được Lý Thế Dân lựa chọn. Sự không hô ứng này khiến vương khí bị đứt đoạn, e là chỉ sau ba đời sẽ bị cản trở.
Trưởng Tôn Vô Kỵ và Lý Thuần Phong đều nói đây là mảnh đất tốt, ngàn năm có một, trong khi đó Viên Thiên Canh thì lại kiên quyết khẳng định rằng nơi này không thích hợp. Đứng trước hai ý kiến hoàn toàn trái ngược, Lý Trị lúc bấy giờ cũng không biết quyết định ra sao. Khi đó, Võ Tắc Thiên mới là Chiêu nghi, nghe được chuyện này mừng lắm. Viên Thiên Canh từng dự đoán rằng, triều đại nhà Đường sẽ bị một người phụ nữ họ Võ xâm phạm.
Lý Thế Dân cũng vì lý do này mà giết không ít người họ Võ. Hơn nữa, khi trước, họ Viên khi xem tướng mạo của Võ Tắc Thiên đã nói rằng: “Nếu như không phải là nữ giới thì nhất định sẽ là chủ thiên hạ”. Như vậy, địa thế phong thủy của Lương Sơn chẳng phải là ứng với những gì Viên Thiên Canh đã dự đoán hay sao? Nghĩ vậy, Võ Tắc Thiên đã tìm mọi cách khuyên Lý Trị không nên do dự, nghe theo lời của cậu là Trưởng Tôn Vô Kỵ.
Lý Trị vốn là người nhu nhược nên chẳng mấy chốc đã bị Võ Tắc Thiên thuyết phục, việc lựa chọn vị trí xây dựng Càn Lăng được quyết định. Người ta nói rằng, Viên Thiên Canh sau khi biết chuyện đã thở dài mà than rằng: “Người thay nhà Đường không ai khác chính là Võ Chiêu nghi”. Lời nói của Viên sau này quả nhiên ứng nghiệm.
Mặc dù không nghe theo lời của Viên Thiên Canh, tuy nhiên những ý kiến của một bậc đại sư như Viên cũng khiến Trưởng Tôn Vô Kỵ và Lý Trị cảm thấy lo lắng. Vì vậy, sau khi lăng mộ được xây xong, Lý Trị muốn tìm một cái tên thật cẩn thận để lấy lại cân bằng với những khuyết điểm trong địa thế phong thủy của lăng mộ.
Lúc bấy giờ, có vị đại thần kiến nghị đặt tên lăng là “Thừa Lăng”, lấy ý kế thừa long mạch của Chiêu Lăng. Tuy nhiên, Trưởng Tôn Vô Kỵ lại căn cứ theo vị trí của Lương Sơn là nằm về phía Tây Bắc, theo Dịch lý thì nó thuộc cung Càn, vì vậy kiến nghị đặt tên là Càn Lăng.
Viên Thiên Canh chẳng nói là Lương Sơn âm khí quá nặng hay sao? Như vậy, đặt tên là Càn Lăng càng hợp lý vì Càn chính là thuộc dương, ở trên, Khôn ở dưới, thuộc âm, cả hai kết hợp lại là “Âm dương tương hợp định càn khôn”. Lý Trị nghe Trưởng Tôn Vô Kỵ giải thích vô cùng xuôi tai, vì vậy quyết định đặt tên lăng là Càn Lăng.
Tuy nhiên, việc đặt một cái tên đầy dương khí cho lăng mộ cũng không giúp Lý Trị và triều đại nhà Đường thoát khỏi lời nguyền. Đúng như dự đoán, sau khi Lý Trị qua đời, Võ Tắc Thiên bắt đầu từng bước thâu tóm quyền lực trong triều đình.
Tới tháng 9 năm 690, Võ Tắc Thiên chính thức lên ngôi hoàng đế, trở thành Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Trung Quốc. Các nhà phong thủy cho rằng, chính địa thế phong thủy của Càn Lăng đã giúp Võ Tắc Thiên làm nên sự nghiệp lẫy lừng như vậy và chính vì thế nên đến cuối đời, Võ Tắc Thiên đã quyết định được chôn cất tại Càn Lăng chứ không phải vì muốn hợp táng với Đường Cao Tông Lý Trị.
Có rất nhiều bí ấn xung quanh mộ của Võ Tắc Thiên, như những bức tượng không đầu; việc NASA nhìn thấy khu lăng mộ họ Võ từ vũ trụ; bia mộ không khắc chữ cùng với những bí ẩn về vật liệu xây dưng.
Việc lăng mộ được nhìn thấy từ không gian là điều khiến cả thế giới kinh ngạc: ngày 26/7/1971, trên con tàu Apolo nhìn xuống trái đất, nhà du hành vũ trụ Mỹ - Ednin đã nhìn thấy Kim tự tháp châu Phi, Trường thành Trung Quốc và đột nhiên ông phát hiện tại Trung Quốc, ở 107.38 độ kinh đông và 34 độ vĩ bắc, có 9 đốm đen nhỏ dàn hàng ngang theo hình chữ nhất (-) đốm đen cuối cùng ở phía tây là rõ nhất, đây chính là Càn Lăng.
Bọn trộm mộ thường nhòm ngó đào bới của cải của những lăng mộ; những triều đại mới nổi lên, muốn trả thù triệt “long mạch” của triều đại cũ; các nhà khảo cổ khai quật để nghiên cứu... Thế nhưng lăng mộ của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên thì người ta đào không nổi.
Khi qua đời, thế hệ sau của Võ Tắc Thiên có rất nhiều nữ nhi làm khuynh đảo các triều đại, mang trong mình ý muốn làm hoàng đế như Thái Bình công chúa con gái bà, Thượng Quan Uyển Nhi, và người đàn bà đã khép lại trang sử của chế độ phong kiến Trung Quốc là Từ Hy Thái Hậu. Nhiều người cho rằng khi được chôn tại Càn Lăng, vị hoàng hậu họ Võ này vẫn tiếp tục thao túng và điều hành đất nước theo cách nào đó.