Bí kíp điểm huyệt trong công phu võ thuật
(Giúp bạn)Trong truyện kiếm hiệp, phép điểm huyệt được mô tả như là một thủ pháp làm cho địch thủ toàn thân tê cứng không nhúc nhích được. Thực hư môn công phu huyền thoại này là thế nào?
- 1
Điểm huyệt và giải huyệt
Có một điều phải nói rõ từ đầu rằng điểm huyệt cũng chỉ là một môn trong rừng võ với rất nhiều hoa thơm cỏ lạ của các nhà các phái. Sở dĩ nó hiện lên lung linh huyền ảo trong suy nghĩ của quần chúng là do bị ảnh hưởng bởi truyện và phim kiếm hiệp.
Võ thuật là một phần của văn hóa, là phương tiện hun đúc ý chí tinh thần của một dân tộc. Tuy nhiên, nó kém may mắn hơn các thành phần khác như văn học, thơ ca, lịch sử… ở chỗ không được biên chép vào sử sách một cách chi tiết. Thêm vào đó, các môn các phái thường giữ bí mật một vài tuyệt kỹ, chỉ truyền miệng từ thày cho trò mà không phổ biến rộng rãi. Bởi những lý do như thế nên rất nhiều môn võ hiện nay không thể biết đích xác ai là người sáng tạo và có từ bao giờ. Phép điểm huyệt cũng trong tình trạng như vậy.
Võ sư Hồ Tường khi viết cuốn Tìm hiểu võ thuật Việt Nam đã dẫn ra vài ba quan điểm về nguồn gốc của môn điểm huyệt. Theo đó có người cho môn này là do Bồ Đề Đạt Ma mang từ Ấn Độ sang. Có người lại nói rằng nó vốn đã có từ thời thượng cổ ở Trung Quốc vì sách Hoàng Đế nội kinh từ 2000 năm trước Công nguyên đã có vẽ đồ hình 108 huyệt trên cơ thể con người. Trong khi đó, võ sư Hàng Thanh cho rằng môn điểm huyệt chỉ ra đời từ lúc các võ gia kết hợp được võ thuật với môn châm cứu trong y học.Dù lai lịch còn nhiều điều bàn cãi nhưng các sách thuộc các môn các phái khác nhau đều thống nhất về con số 108 là số lượng các huyệt đạo trên cơ thể con người. Huyệt đạo theo định nghĩa của võ thuật và y học phương Đông, là những điểm nhỏ li ti trên thân thể con người. Nó là giao điểm của các đường kinh mạch trong cơ thể, có liên quan trực tiếp đến các cơ quan trong cơ thể. Do vậy, bất cứ một sự tác động nào vào các huyệt đạo đều gây ra phản ứng tức thì trên hệ thần kinh.
Trong số 108 huyệt đạo thì người ta chia ra thành 3 loại: Tử huyệt, Ma huyệt, Sinh huyệt. Tử huyệt là những vị trí yếu hại trên cơ thể người, khi đánh vào đó thì gây phản ứng tức khắc, có thể dẫn đến tử vong. Ma huyệt là những huyệt khi bị đả hoặc điểm trúng thì đau đớn, tê bại, hoặc bất tỉnh nhân sự nhưng không chết. Còn sinh huyệt là những huyệt cứu sống hay cứu tỉnh khi bị đả hay điểm trúng tử huyệt hay ma huyệt.
Qua phim ảnh, quần chúng chỉ biết đến phép điểm huyệt với hình ảnh dùng một ngón tay điểm lên cơ thể con người. Tuy nhiên, lý luận võ học về môn điểm huyệt phong phú hơn nhiều. Theo võ sư Hồ Tường, thuật điểm huyệt gồm các kỹ thuật: Điểm huyệt, đả huyệt, nã huyệt, bế huyệt và giải huyệt.
Điểm huyệt là dùng những bộ phận có diện tích tiếp xúc nhỏ của cơ thể con người như đầu ngón tay, đầu ngón chân… đã được luyện tập cho cứng rắn, điểm chính xác vào vị trí của huyệt đạo với một tốc độ và cường lực đủ để bế tắc huyệt đạo đó, gây đau đớn tê bại tạm thời hoặc thậm chí làm tật nguyền, thiệt mạng kẻ bị điểm tùy vào vị trí huyệt bị điểm.
Đả huyệt là dùng bộ phận có diện tích tiếp xúc lớn của con người như nắm đấm, cạnh bàn tay, đầu gối… đã được luyện tập cứng rắn để đánh vào các huyệt đạo. So với điểm huyệt thì đả huyệt dễ thực hiện hơn. Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều khi người ta đã ngộ sát một người nào đó vì vô tình đánh trúng tử huyệt của họ. Những trường hợp đó chính là đã vô tình sử dụng phép đả huyệt này.
Ngoài ra còn có nã huyệt là dùng các ngón tay bấu vào các huyệt đạo gây đau đớn buộc đối phương phải dừng chiến. Thường ngày nếu ai đó khỏe mạnh bóp vào cổ tay hoặc dùng ngón trỏ và ngón cái mà bấu vào chỗ hổ khẩu thì chúng ta cũng thấy đau đớn lắm rồi. Đây chính là phép nã huyệt.
Bế huyệt là tấn công vào huyệt đạo gây sự tắc nghẽn lưu thông khí huyết, tạo tình huống mất ý thức, mất khả năng chiến đấu. Cuối cùng là giải huyệt, dùng các thủ pháp như bấm, xoa, day… trên vùng huyệt đạo bị tổn thương, tạo sự hồi phục bình thường. Theo như lý thuyết trên thì có lẽ những người làm nghề tẩm quất đang sử dụng một phần kỹ thuật giải huyệt nhằm làm cho khí huyết lưu thông tuần hoàn, giúp người được tẩm quất cảm thấy sảng khoái hơn.
- 2
Điểm huyệt hại người có dễ?
Cứ theo như những gì trình bày ở trên thì thuật điểm huyệt quả là một môn võ vô cùng lợi hại. Chỉ cần chạm được tới người địch thủ là làm chủ được trận đấu. Tuy nhiên, trong thực tế, sử dụng được thủ pháp này không phải dễ.
Không nói tới việc các đối tượng luôn luôn di động trong một trận đấu võ, rất khó để tiếp cận mà điểm huyệt thì bản thân người sử dụng thuật này gặp phải ít nhất 2 rào cản rất lớn. Trước hết, muốn điểm được huyệt thì các bộ phận dùng để điểm phải được luyện tập cho thật cứng rắn. Muốn dùng ngón tay điểm huyệt thì ngón tay phải được luyện tập cho cứng như cái dùi sắt mới có thể dùng được.
Rào cản thứ hai là khả năng nhận biết huyệt của người sử dụng thuật điểm huyệt. Một võ gia muốn điểm được huyệt người khác thì trước hết phải làu thông vị trí huyệt đạo. Trước tiên phải học về huyệt đạo rồi tích cực vẽ đồ hình cơ thể và chấm chính xác vị trí các huyệt đạo lên đó. Sau đó phải nhìn qua là chỉ đúng vị trí huyệt đạo trên cơ thể người đứng đối diện thì mới coi là đạt yêu cầu.
Mặc dù vậy trong thực tế chiến đấu, đối phương luôn luôn vận động di chuyển nên rất khó để nhận biết chính xác. Mặc khác theo quan niệm phương Đông, huyệt đạo trong cơ thể người có quan hệ với sự vận động thời tiết của vũ trụ. Nội trong 1 ngày thì sự lưu chuyển khí lực trong cơ thể con người cũng đã thay đổi liên tục. Các huyệt mở đóng tùy từng thời điểm khác nhau. Do vậy có khi có điểm trúng cũng không gây được hiệu quả mong muốn.Vì những điều đó, trong cuốn Tự luyện nội công Thiếu Lâm tự, võ sư Hàng Thanh đã viết: “Huyệt không nhất thiết nằm gần trên da, có khi ẩn sâu dưới da trong gân thịt, muốn chạm đến để gây phản ứng phải hội đủ điều kiện về vận tốc và sức nặng trên diện tích để đủ sức làm rung động. Do đó học huyệt thì dễ mà học điểm huyệt hại người không dễ”. Giả như có người luyện được thuật điểm huyệt thì cũng nên khéo giữ gìn phẩm hạnh để khỏi lỡ tay hại người mà tổn âm đức.