Bí mật về tình địch của Võ Tắc Thiên

00:13 12/02/2014

(Giúp bạn)Nếu như Võ Tắc Thiên là nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử thì kẻ tâm phúc của vị nữ hoàng này Thượng Quan Uyển Nhi cũng là “nữ thủ tướng” đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng ít ai biết rằng họ lại là tình địch của nhau

  • 1

    Từ cô “thư ký” tài năng

    Cho đến nay, người ta vẫn còn tranh cãi rất nhiều về mỹ nhân mang họ Thượng Quan này. Có người nói, Thượng Quan Uyển Nhi có một vẻ đẹp trời phú, lại là cô gái thông minh, thông tuệ về học thức và tài năng về chính trị. Những người khác lại nói, cô ta là kẻ phóng đãng, ỷ vào một chút tài năng trời cho của mình mà đùa giỡn với đàn ông.

     Nhưng dẫu là tích cực hay tiêu cực thì người ta cũng không thể phủ nhận rằng, bên cạnh Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Uyển Nhi là một trong những phụ nữ xuất sắc và giàu quyền lực nhất của lịch sử Trung Quốc thời kỳ này. Thế nhưng cũng giống như những người từng leo lên đến đỉnh cao của quyền lực khác, mỹ nhân họ Thượng Quan cũng từng trải qua một hành trình đầy những khó khăn trắc trở.

    Dòng họ Thượng Quan vốn là một danh gia vọng tộc có tiếng lâu đời. Tổ tiên vốn là người Thiểm Châu (nay thuộc tỉnh Hà Nam), song đã nhiều đời làm quan ở kinh thành. Đến đời ông nội của Uyển Nhi là Thượng Quan Nghi làm đến chức tể tướng, chức vị cao nhất trong triều đình dưới thời vua Đường Cao Tông còn trị vì. Tuy nhiên, khi đó, Cao Tông bạc nhược, không điều khiển nổi triều đình nên bị Võ Tắc Thiên tiếm quyền, nắm hết mọi quyền hành.

    Thấy trước hậu họa của việc hậu cung tham dự vào việc triều chính, thân là tể tướng, Thượng Quan Nghi đã viết sớ bí mật dâng lên cho Cao Tông đề nghị phế bỏ Võ hậu để trừ hậu họa về sau. Nhưng khi ấy, Cao Tông nào có quản đến việc triều đình nữa. Bản sớ bí mật của Thượng Quan Nghi rơi vào tay Võ hậu. Và đương nhiên, một khi đã chọc giận bà hậu lắm uy quyền đang lăm le thay đổi cả lịch sử này thì dù là người giữ chức vị quan trọng bậc nhất của triều đình lúc bấy giờ như Thượng Quan Nghi cũng không tránh khỏi họa sát thân.

    Lấy cớ Thượng Quan Nghi sàm tấu, xúc phạm Hoàng hậu, năm 664, Võ hậu xử chết cả gia đình Thượng Quan Nghi. Người duy nhất trong gia đình Thượng Quan Nghi còn sống sót sau đòn thù tàn nhẫn của Võ hậu chính là Trịnh thị, vợ của Thượng Quan Đình Chi, con trai của Thượng Quan Nghi. Khi Thượng Quan Nghi và Thượng Quan Đình Chi bị đưa ra pháp trường thì Trịnh thị mới mang thai Uyển Nhi được vài tháng. Nhưng Trịnh thị không phải được tha vì lý do ấy.

    May mắn chính là em trai của bà, Trịnh Hưu Viễn đang giữ chức Thái Thường Thiếu Khanh, một chức vụ trọng yếu trong triều đình, nên theo luật, Trịnh thị được miễn tội chết nhưng phải vào nội cung làm thân nô bộc. Và chính trong hậu cung này, cô gái sau này trở thành trợ thủ đắc lực và cũng là cô tình địch lừng danh của Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Uyển Nhi chào đời.

    Mặc dù mẹ con Thượng Quan Uyển Nhi bảo toàn được tính mạng nhưng từ chỗ là phu nhân, tiểu thư của danh gia vọng tộc, giờ lại phải làm nô bộc bị người khác khinh miệt rẻ rúng khiến mẹ con Uyển Nhi vô cùng tủi hổ. Nhưng chẳng vì thế mà người phụ nữ họ Trịnh nản lòng.

    Thương con và cũng hy vọng đứa con của mình sẽ là cơ hội duy nhất để khôi phục lại gia nghiệp đã mất, Trịnh thị đã chẳng ngại khó ngại khổ, nhẫn nhục nuôi đứa con thơ khôn lớn. Là thân nô bộc nhưng vốn xuất thân từ một gia đình danh giá, nên ngay từ khi Uyển Nhi còn rất nhỏ, Trịnh thị đã tìm mọi cách để cô con gái được giáo dục một cách đầy đủ và chính thống nhất, coi đó như là cái vốn để cô có thể ân thân lập phận sau này. Cô con gái Uyển Nhi cũng chẳng phụ lòng mẹ, tỏ ra là một cô học trò ham học và rất thông minh.

    Thế nên, mới bốn năm tuổi, cô bé họ Thượng Quan đã biết ngâm nga làm những vần thơ đầu tiên, báo hiệu cho sự xuất hiện của một mỹ nhân tài sắc vẹn toàn sau này.

    bi-mat-ve-tinh-dich-cua-vo-tac-thien-1

    Võ Tắc Thiên

    Cuối cùng thì Võ Tắc Thiên cũng cho những người cuối cùng của họ Thượng Quan một cơ hội thay đổi cuộc đời, giải phóng khỏi thân phận nô bộc. Khi nghe nói về Thượng Quan Uyển Nhi, cô cháu gái của tể tướng đã phản đối mình Thượng Quan Nghi nay đang làm công việc giặt giũ quần áo nơi hậu cung nổi tiếng với tài năng thơ văn khó ai bì kịp.

     Võ Tắc Thiên cảm thấy thú vị, bèn cho mời cả hai mẹ con Uyển Nhi vào gặp để trực tiếp thử tài. Kết quả, vị nữ hoàng tương lai bị tài năng của cô bé 14 tuổi cuốn hút. Ngay sau đó, Võ Tắc Thiên đã quyết định giải phóng cả hai mẹ con Thượng Quan khỏi thân phận nô bộc, đồng thời giữ Uyển Nhi ở lại bên mình để lo việc thảo chỉ dụ chiếu thư.

    Từ cô nhóc làm công việc giặt giũ quần áo trong hậu cung, Thượng Quan Uyển Nhi một bước lên mây, trở thành “nữ thư ký riêng” của Hoàng hậu họ Võ, người hiện đang nắm giữ quyền sinh quyền sát trong triều đình nhà Đường lúc bấy giờ. Thành ra, dù mới chỉ 14 tuổi, nhưng với quyền lực và uy danh của Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Uyển Nhi cô cũng biết thân phận “nữ thư ký” của mình được đám quần thần nể sợ tới mức nào. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đi đầu tiên của mỹ nhân họ Thượng Quan để tiến sâu vào trung tâm quyền lực của những kẻ thống trị thiên hạ thời bấy giờ.

  • 2

    Đến một tình địch đáng gờm

    Nhiều người vẫn thường đặt câu hỏi rằng, vì sao là cháu gái của Thượng Quan Nghi, kẻ bị chính Võ Tắc Thiên nhẫn tâm giết hại, Thượng Quan Uyển Nhi lại không hề có chút lòng căm hận nào dành cho Võ Tắc Thiên, ngược lại còn trở thành một kẻ hầu hạ thân cận giúp Võ Tắc Thiên chiếm đoạt ngai vàng của nhà Đường? Tuy nhiên, người ta thường nói, những kẻ có cùng tài năng và tham vọng sẽ rất dễ đồng cảm với nhau.

     Cũng giống như Võ Tắc Thiên, một người phụ nữ đầy tham vọng quyền lực, Thượng Quan Uyển Nhi ngay từ khi mới lọt lòng đã được mẹ truyền cho ngọn lửa sôi sục của khát vọng thay đổi thân phận, khôi phục lại gia nghiệp. Chính tham vọng cũng như quyền lực mà Võ  Tắc Thiên đang sở hữu đã khiến bà trở thành một hình mẫu lý tưởng của cô gái họ Thượng Quan.

    Hơn nưa, từ khi trở thành kẻ thân cận của Võ hậu, Thượng Quan Uyển Nhi biết rằng, nếu muốn lập nên sự nghiệp, người duy nhất cô có thể nương nhờ lúc đó, không ai khác chính là Võ Tắc Thiên. Đó là còn chưa kể đến việc, chính Võ Tắc Thiên là người đã mang lại cho cô và mẹ mình cơ hội thoát khỏi thân phận thấp hèn của những kẻ nô bộc.

    Việc này, dù muốn dù không, Thượng Quan Uyển Nhi vẫn phải mang ơn Võ hậu. Đó có lẽ là lý do khiến Thượng Quan Uyển Nhi không những không căm hận hay chống đối mà ngược lại, cô gái trẻ trở thành kẻ hầu cận tin cẩn của Võ Tắc Thiên và giúp bà ta rất nhiều trong cuộc hành trình trở thành nữ Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử.

    Tuy nhiên, dù tham vọng đến thế nào thì cả Võ Tắc Thiên lẫn Thượng Quan Uyển Nhi đều là con người mà cụ thể là những người đàn bà. Cũng có nghĩa là họ cũng có những phần bản năng rất thường tình giống như những người đàn bà khác. Và chính điều này đã gây nên mối bất hòa lớn khi cả hai người phụ nữ tham vọng cùng muốn chiếm đoạt một người đàn ông cho riêng mình.

    Thời bấy giờ, vua Cao Tông đã mất, một mình Võ Tắc Thiên thao túng triều đình. Nhưng ũng vì thế người đầy quyền lực ngày càng cảm thấy cô đơn. Và để làm giảm bớt nỗi cô đơn ấy, Võ hậu đã tìm kiếm cho mình những sủng nam mà bà thấy bắt mắt và ưa nhìn. Một trong số rất nhiều những sủng nam của Võ Tắc Thiên chính là Trương Xương Tông.

     Trương Xương Tông là người được Võ Tắc Thiên vô cùng sủng ái và trong một thời gian dài, ngày nào cũng xuất hiện bên Võ Tắc Thiên. Điều trớ trêu chính là “cô nữ thư ký” Uyển Nhi khi đó cũng đang ở độ tuổi mới lớn lại cũng để ý đến chàng trai khôi ngô tuấn tú thường hay xuất hiện bên cạnh Võ hậu mà cô chẳng biết từ đâu tới chỉ biết rằng chàng ta có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được.

    Và cũng chính vì không thể cưỡng lại được sự quyến rũ ấy của Trương Xương Tông, Thượng Quan Uyển Nhi đã bất chấp tất cả bắt đầu mối quan hệ bí mật với người tình rất được sủng ái của Võ Tắc Thiên. Xét về mặt chính trị thì đây là một hành vi cực kỳ thiếu khôn ngoan, đặc biệt là với một người đầy tham vọng như Thượng Quan Uyển Nhi.

     Tuy nhiên, khi đó, cô gái mới 15-16 tuổi nào còn biết gì là tham vọng, là thay đổi thân phận hay khôi phục gia nghiệp nữa. Cái cô biết chỉ còn là người đàn ông khôi ngô tuấn tú đang đứng trước mặt với những lời lẽ nhẹ nhàng và bay bướm. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là sai lầm lớn nhất của mỹ nhân họ Thượng Quan.

    Mối quan hệ bí mật của Thượng Quan Uyển Nhi và Trương Xương Tông vốn dĩ không thể qua mắt được Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên, với võ Tắc Thiên, dù Trương Xương Tông có là người tình được sủng ái vô cùng thì hắn rốt cuộc cũng chỉ là món đồ chơi của bà ta. Chính vì vậy, mối quan hệ bí mật ấy cũng chẳng làm Võ Tắc Thiên may may cảm thấy mất mát gì.

     Hơn nữa, Võ hậu tuổi tác đã cao, cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của Trương Xương Tông, nên bà cũng đành nhắm mắt làm ngơ cho cuộc tình bí mật ấy. Tuy nhiên, nói rằng Võ Tắc Thiên không hề bực bội vì chuyện ấy thì cũng không phải. Cái khiến Võ Tắc Thiên bực bội nhất chính là cảm giác bị phản bội và sự ghen tức với tuổi trẻ và sự xinh đẹp của Thượng Quan Uyển Nhi. Đáng tiếc, Thượng Quan Uyển Nhi đã không biết được điều này.

    Một lần, trong lúc Võ Tắc Thiên đang ngồi ăn sáng với hai anh em Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông, Thượng Quan Uyển Nhi vốn là người thân cận cũng được bà cho ngồi cạnh ăn cùng. Thế nhưng, trong lúc ăn, Thượng Quan Uyển Nhi đã không kìm được lòng mình đưa mắt liếc nhìn Trương Xương Tông. Chàng trai đa tình này cũng không thể thờ ơ trước ánh mắt của người tình, đành phải lén lút liếc nhìn lại Thượng Quan Uyển Nhi một cái. Không may mắn cho cả hai, tất cả những việc ấy không qua được mắt của Võ Tắc Thiên.

    Điều đó khiến vị nữ hoàng bực bội. Trước đây, bà nhắm mắt làm ngơ vì nghĩ rằng cô ta lén lút, vụng trộm tức là còn có ý sợ mình, còn lo rằng mình phát hiện ra sự phản bội của cô ta. Nay ngay trước mặt mình, chúng lại dám liếc mắt đưa tình cho nhau, rõ là cô ta muốn công khai chống đối mình. Nghĩ vậy, ngay lập tức Võ Tắc Thiên rút con dao sắc nhọn trên bàn ăn kề lên trán Thượng Quan Uyển Nhi mà quát rằng: “Người dám động đến đồ của ta, tội ngươi đáng xử chết”. Thượng Quan Uyển Nhi vội đưa tay che mặt rồi quỳ xuống xin Võ Tắc Thiên thương xót mà tha tội.

    Lúc đó, Trương Xương Tôn phải quỳ xuống cầu khẩn, Võ Tắc Thiên mới tha tội chết cho Thượng Quan Uyển Nhi và hô người giam Thượng Quan Uyển Nhi vào ngục chờ định tội.

    Lúc này, trong lòng Võ Tắc Thiên cũng vô cùng mâu thuẫn.. Rõ ràng, cái liếc mắt trong bữa ăn kia giữa hai người là một hành động công khai sự phản bội mà bà vốn đã muốn nhắm mắt làm ngơ. Không giết được cô ả tình địch này thì làm sao hả được cơn giận trong lòng bà bấy lâu nay? Nhưng Uyển Nhi cũng là một nữ cận thần làm việc rất tốt và không bao giờ khiến bà phải lo lắng.

    Cuối cùng, Võ Tắc Thiên nghĩ ra một kế vẹn toàn, vừa có thể trừng phạt Thượng Quan Uyển Nhi khiến cô không bao giờ có thể có cơ hội quyến rũ những người đàn ông khác của mình, lại vừa giữ lại mạng sống của cô để tiếp tục phục vụ cho mình, đó chính là hủy dung nhan của Thượng Quan Uyển Nhi.

    Võ Tắc Thiên ra lệnh cho bọn cận thần thích lên trán Thượng Quan Uyển Nhi một dấu đen chuyên dùng để khắc lên trán tội phạm. Tiếng là để cô ghi nhớ không bao giờ dám tái phạm tội lỗi của mình, nhưng thực chất là Võ Tắc Thiên muốn hủy hoại dung nhan của Thượng Quan Uyển Nhi.

     Bởi vì với một cô gái xinh đẹp, thì một cái dấu đen xuất hiện trên trán mà lại là dấu chuyên dùng cho bọn phạm nhân thì còn tệ hại hơn là xử cô ta phải lăng trì. Thế nhưng, Thượng Quan Uyển Nhi không vì cái dấu tội phạm ấy mà tự sát. Và may mắn cho cô gái họ Thượng Quan, cái dấu tội phạm ấy không những không hủy hoại dung nhan của cô mà lại còn khiến cô trở nên xinh đẹp hơn.

     Ít lâu sau khi bị thích dấu lên trán, Thượng Quan Uyển Nhi tìm một thợ vẽ giỏi trong kinh thành, nhờ ông ta khắc lên trán mình hình một bông hoa mai màu đỏ để che lấp cái dấu tội phạm trước đó.

    Và điều kỳ lạ là hình bông hoa mai màu đỏ càng khiến Thượng Quan Uyển Nhi đẹp rực rỡ hơn bao giờ hết. Đến mức, ngay chính tình địch của cô, nữ hoàng Võ Tắc Thiên cũng phải sửng sốt thốt lên rằng: “Uyển Nhi, trông ngươi không giống bị thích dấu chút nào mà ngược lại càng xinh đẹp hơn! Xem ra ông trời đã bảo vệ cho ngươi!”.

     Người ta nói rằng, hình bông hoa mai trên trán của Thượng Quan Uyển Nhi sau đó đã trở thành một mốt trang điểm cho toàn bộ các phi tần cũng như cung nữ trong hậu cung. Thế nhưng, đó cũng là lần cuối cùng mỹ nhân họ Thượng Quan dám công khai đối địch với nữ hoàng họ Võ trên tình trường. Có lẽ cũng vì nếu như bị Võ hậu phát hiện một lần nữa, Thượng Quan Uyển Nhi sẽ chẳng biết có còn cơ hội để khắc thêm một bông hoa mai đỏ nữa hay không.

    bi-mat-ve-tinh-dich-cua-vo-tac-thien-2

    Thượng Quan Uyển Nhi

  • 3

    Và mối tình tay ba rối rắm có một không hai

    Đòn ghen ác nghiệt của Võ hậu đã để lại cho cô gái trẻ một bài học nhớ đời. Bởi ngay sau đó, cô gái họ Thượng Quan dù mới 18 đã biết đến ý nghĩa quan trọng của việc sử dụng sắc đẹp như một cách “đầu tư chính trị”. Đó cũng là thời điểm cô ngã vào lòng Hoàng thái tử Lý Hiển.

    Vào thời bấy giờ, dưới Võ hậu, người có quyền lực và tương lai bậc nhất không ai khác chính là Thái tử Lý Hiển, người sau này sẽ trở thành Hoàng đế. Vì vậy, việc chọn Lý Hiển để “đầu tư” rõ ràng là một cái nhìn cực kỳ sáng suốt của Thượng Quan Uyển Nhi. Tuy nhiên, lần này, mỹ nhân họ Thượng Quan vẫn thất bại ê chề. Chỉ ít lâu sau khi mối quan hệ giữa hai người bắt đầu, Lý Hiển bị phế ngôi vị thái tử, đày ra nơi biên ải.

    Thất bại trong lần “đầu tư” đầu tiên song cái nhan sắc trời phú vẫn đem lại cho Thượng Quan Uyển Nhi một số “vốn” dồi dào. Cô gái đầy tham vọng bắt đầu mối quan hệ tình cảm với người đàn ông thứ 3 trong cuộc đời mình: Võ Tam Tư, cháu họ của nữ hoàng họ Võ.

    Lúc bấy giờ, nhờ vào người cô quyền lực của mình, Võ Tam Tư ngày càng giữ có nhiều quyền lực trong triều đình. Thậm chí, khi thái tử Lý Hiển bị phế, Võ Tam Tư đã tìm mọi cách để vận động Võ Tắc Thiên lập mình làm thái tử. Và có vẻ như lần đầu tư này đã đem lại cho Thượng Quan Uyển Nhi không ít thành công.

    Thời thế luân chuyển, dưới áp lực của nhiều đại thần trung thành với nhà Đường, Võ Tắc Thiên đã phải cho gọi Lý Hiển về Lạc Dương, một lần nữa phong làm Thái tử.

     Đến năm 705, nhân thời gian Võ Tắc Thiên mắc bệnh nặng, các vị đại thần đã thực hiện một cuộc chính biến, đưa Lý Hiển lên ngôi, giành lại ngôi báu cho nhà Đường, kết thúc triều đại nhà Chu ngắn ngủi. Sau khi Lý Hiển lên ngôi, vì muốn giữa lại thế lực nhà họ Võ làm đối trọng với thế lực những vị đại thần có công đưa mình trở lại ngai báu nên đã không diệt trừ thế lực của Võ Tam Tư, ngược lại còn kết làm thông gia với y. Nhưng đó cũng là lúc một câu chuyện tình tay ba có một không hai trong lịch sử bắt đầu.

    Lý Hiển lên ngôi được ít lâu bèn cho gọi Thượng Quan Uyển Nhi vào cung phong làm Chiêu Dung. Theo cách nói ngày nay thì Chiêu Dung chính là vợ lẽ của Hoàng đế. Trong cách sắp xếp thứ hạng thời đó thì Chiêu Dung đứng thứ 2 trong Cửu tần, chỉ xếp sau một hoàng hậu và 3 quý phi.

    Dù đã quay trở lại với người tình cũ và rất được sủng ái, nhưng Thượng Quan Uyển Nhi vẫn chưa cảm thấy yên ổn. Để giành được trọn vẹn sự sủng ái của Lý Hiển, Thượng Quan Uyển Nhi đã đem thế chấp ở chỗ Vi Hoàng hậu, vợ cả của Lý Hiển một “vật báu” để “làm tin”.

    Vật báu đó, không phải ai khác chính là Võ Tam Tự. Chính nhờ sự “mai mối” và dẫn dắt của Thượng Quan Uyển Nhi, người tình một thời của cô ta, Võ Tam Tư đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của Vi Hoàng hậu, người phụ nữ đang nắm quyền chi phối mọi quyết định của Lý Hiển lúc bấy giờ. Được Lý Hiển sủng á lại về phe với Vi hậu và Võ Tam Tư để thống trị cả triều đình, quyền lực của Uyển Nhi cũng ngày một lớn. Cả Uyển Nhi và Vi hậu vẫn duy trì cuộc tình tay ba với Võ Tam Tư.

    Trong khi cuộc tình tay ba giữa có một không hai nói trên làm chướng tai gai mắt cả triều đình thì Lý Hiển vẫn làm thinh. Với vị vua bạc nhược này, nguyên tắc trị nước chỉ có một, đó là làm sao để những người vợ của mình được vui vẻ. Thành ra, Vi Hoàng hậu ngày càng coi thường Hoàng đế, có ý định phế bỏ Lý Hiển, tự mình lên làm Hoàng đế, noi gương Võ Tắc Thiên, lập nên một triều đại mới.

    Sau khi Lý Hiển bị đầu độc chết, Vi Hậu muốn tự mình lên làm Hoàng đế, song Thượng Quan Uyển Nhi giả di chiếu của Lý Hiển, phong cho con thứ tư của một phi tần là Lý Trọng Mậu làm Hoàng đế kế vị. Nhưng do Hoàng đế vẫn còn nhỏ tuổi nên Vi Hoàng hậu là người nắm giữ triều chính với tư cách là Hoàng Thái hậu nhiếp chính.

    Âm mưu muốn tự lập làm Hoàng đế của Vi Hậu khiến cả triều đình phẫn nộ. Khi đó một thân vương là Lý Long Cơ, cháu của Lý Hiển đã ngấm ngầm tập hợp binh mã, mua chuộc các vị đại thần chờ cơ hội chính biến. Kết quả, vào năm 710, trong cuộc chính biến do Lý Long Cơ đứng đầu, Vi Hoàng hậu lẫn Thượng Quan Uyển Nhi đều đã bỏ mạng. Năm đó, Thượng Quan Uyển Nhi vừa tròn 47 tuổi.

    Cuộc đời của Thượng Quan Uyển Nhi, theo các sử gia Nho giáo là ví dụ nổi trội cho một hình mẫu phụ nữ tài năng nhưng phóng đãng. Mối quan hệ phức tạp của Thượng Quan Nhân với Võ Tam Tư (người tình), Vi Hậu (đồng minh và tình địch), Lý Hiển (Hoàng đế và chồng) luôn bị người đời coi là trái luân thường đạo lý, đồng thời đem ra chỉ trích. Tuy nhiên, cũng cần đề cập tới một thực tế là, mọi việc có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu Vi Hoàng hậu bắt đầu một triều đại mới kiểu “gia đình trị’’ của những người họ Vi mà không có sự can thiệp của nhiều thế lực khác, trong đó có Thượng Quan Uyển Nhi.

Comments