Ca sĩ Duy Quang và giấc mơ hạnh phúc

07:53 12/02/2014

(Giúp bạn)Duy Quang từng tâm sự, lúc nhỏ gia đình vẫn mong anh học hành chăm chỉ, đỗ đạt để sau này trở thành người có chức phận trong xã hội, có một tương lai vững chắc mà mục tiêu là trở thành một kỹ sư hay bác sĩ chứ không phải là một… ca sĩ như sau này

  • 1

    Khởi nghiệp ca hát từ năm 17 tuổi

    Ca sĩ Duy Quang tên thật là Phạm Duy Quang, sinh ngày 4/11/1950 tại Bạch Mai, Hà Nội, trong đại gia đình họ Phạm thuộc vào hàng danh giá đất Hà Thành. Ông nội Duy Quang là nhà văn Phạm Duy Tốn, hai bác là học giả Phạm Duy Khiêm (1908 – 1974), nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng. Thân phụ ca sĩ Duy Quang là Phạm Duy Cẩn, tức nhạc sĩ Phạm Duy, mẹ anh là danh ca Thái Hằng, dì là danh ca Thái Thanh, cậu là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Đình Chương. Ca sĩ Duy Quang là con trai cả của nhạc sĩ Phạm Duy, sau đó là những người em cũng đều là ca sĩ, nhạc sĩ như: Duy Hùng, Duy Minh, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo, Thái Hạnh…

    Duy Quang có “gen” nghệ sĩ của đại gia đình họ Phạm nên từ lúc 5-8 tuổi đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc và 17 tuổi đã bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Nhưng trước đó, gia đình đã định hướng cho Duy Quang theo lĩnh vực khác chứ không phải hoạt động nghệ thuật.

    Duy Quang từng tâm sự, lúc nhỏ gia đình vẫn mong anh học hành chăm chỉ, đỗ đạt để sau này trở thành người có chức phận trong xã hội, có một tương lai vững chắc mà mục tiêu là trở thành một kỹ sư hay bác sĩ chứ không phải là một… ca sĩ như sau này. Bởi hơn ai hết, thân phụ và thân mẫu anh là nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng, dù rất nổi tiếng trên lĩnh vực nghệ thuật nhưng đều không ủng hộ cho con cái nối nghiệp mình, vì ca hát lúc đó không phải là một nghề được trọng vọng hay có thể kiếm sống. Nhưng Duy Quang đã có máu nghệ sĩ bẩm sinh nên lúc nhỏ anh đã đam mê âm nhạc, không được gia đình ủng hộ, Duy đã lén đến nhà bạn để nghe những đĩa hát của các ban nhạc nổi tiếng nước ngoài thịnh hành của thập niên 60-70.

    ca-si-duy-quang-va-giac-mo-hanh-phuc-1 

    Ca sĩ Duy Quang

    Và khi lên bậc Trung học phổ thông, Duy Quang đã sử dụng thành thạo một số nhạc cụ để có thể vừa đi học ban ngày, còn ban đêm anh đi đánh đàn để kiếm tiền tự lo, bản thân không phải xin tiền gia đình. Năm 17 tuổi, Duy Quang đã bước vào lĩnh vực ca hát chuyên nghiệp với việc anh cùng những người em như Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền… thành lập một ban nhạc trẻ lấy tên là The Dreamers (Những người mơ mộng) và bước vào hoạt động ca nhạc chuyên nghiệp rồi nhanh chóng nổi đình nổi đám trong giới trẻ là học sinh, sinh viên lẫn người hâm mộ của Sài Gòn.

    Cũng cần nói thêm, giai đoạn 1966-1975 là giai đoạn lạm phát của nhạc Việt ở miền Nam mà một số thành phố lớn như Sài Gòn, Biên Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ là mảnh đất màu mỡ để nhạc trẻ phát triển với xu hướng du nhập của nhạc trẻ nước ngoài vào Việt Nam mà “thần tượng” là các ban nhạc lững lẫy như: The Beatles, The Rolling Stones, The Shadows… Theo phong cách rock, phục trang hippy, tóc dài, nhiều ban nhạc “trẻ” như: CBC, The Uptight, The Hammers, The Enterprise, The Peanuts, trong đó có The Dreamers của “anh em nhà Phạm Duy” đã làm mưa, làm gió trên thị trường ca nhạc lúc bấy giờ. Riêng ban nhạc The Dreamers của ca sĩ Duy Quang thường xuyên được mời trình diễn tại các căn cứ đóng quân của Mỹ, các night club ở Biên Hòa, Long Bình… và các vũ trường cỡ lớn như: Tự Do, Ritz, Queen Bee. Và trở thành một “hiện tượng” trong thế giới giải trí và xu thế thưởng ngoạn âm nhạc của dân Sài Gòn.

    Điểm đặc biệt của ban nhạc The Dreamers không chỉ có “anh em nhà Phạm Duy” mà có cả “bố già Phạm Duy” tham gia vào thời kỳ đầu để ủng hộ cho các con của mình nên nổi đình, nổi đám. Ông thường theo các con đi hát và cũng chính ông vào năm 1966, nhân dịp được mời sang Mỹ, đã dành hết thời gian rảnh rỗi, tranh thủ mua sắm các nhạc cụ cho The Dreamers ngày chuẩn bị thành lập.

    Theo nhạc sĩ Phạm Duy, cũng chính vì thường xuyên theo các con đi hát, ông đã tiếp xúc với nhạc rock và mạnh dạn đưa nhạc ngữ mới mẻ này vào sáng tác những ca khúc mới mang chủ đề tình yêu, chiến tranh và hòa bình đang là nhu cầu thưởng thức của giới trẻ và người dân thành phố. Thời kỳ này, cũng mọc ra nhiều hãng băng nhạc và họ đã nắm bắt được nhu cầu của người thưởng ngoạn nên đã đặt nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt cho những ca khúc nổi tiếng của Pháp, Mỹ được giới trẻ ưa chuộng như: If You Go Away, Listen To The Music, Love Story, Bang Bang… không chỉ dành riêng cho Ban nhạc trẻ The Dreamers của “anh em nhà Phạm Duy” mà còn cho Thanh Lan, cô ca sĩ xuất thân từ Ban Việt Nhi của lò đào tạo Nguyễn Đức. Thanh Lan cũng đã trở thành một “hiện tượng” trong làng ca nhạc với những ca khúc nước ngoài được viết lại lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy.

    Sau năm 1975, khi ca sĩ Duy Quang tới Pháp rồi sang Mỹ định cư cùng gia đình, ban The Dreamers đã một lần tái hợp, tiếp tục trình diễn ở hải ngoại, tạo được chỗ đứng vững vàng nhờ tên tuổi trước đó khi còn ở Sài Gòn. Nhưng sau một thời gian, mỗi thành viên đã tách ra hoạt động độc lập theo sở trường của mình, như Duy Cường có phòng thu và chủ yếu hòa âm, phối khí, trở thành một “thương hiệu” ở hải ngoại. Tuy nhiên, khi nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Duy Quang trở về Việt Nam sinh sống, ban The Dreamers lại thêm một lần tái hợp tại Sài Gòn. Đêm tái hợp này được tổ chức tại phòng trà Duy Tân ở số 6B đường Phạm Ngọc Thạch Q1, với sự tham gia của ca sĩ Ý Lan, con của danh ca Thái Thanh. Trong đêm tái hợp 20/2/1911 tại phòng trà Duy Tân, họ đã làm sống lại vùng trời ký ức, đầy ắp kỷ niệm của một thời mà ban The Dreamers đã thành danh với những tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và những bản nhạc lừng danh của The Beatles, Jamers Taylor, Carpenters…

  • 2

    Hơn nửa đời lận đận vì tình duyên

    ca-si-duy-quang-va-giac-mo-hanh-phuc-2

    Ca sĩ Duy Quang xuất thân trong một gia đình danh giá làm nghệ thuật, nhưng lúc nhỏ anh rất nghèo, không có tiền mua nổi cái máy hát để nghe nhạc, làm nghề phải nghe ké của bạn bè. Bây giờ, ca sĩ Duy Quang đã là một “ngôi sao” thuộc hạng “lão làng” trong giới ca nhạc ở trong nước lẫn hải ngoại, có thể nói danh vọng và tiền bạc anh không thiếu nhưng… một mái ấm gia đình riêng thì Duy Quang không có, bởi hơn nửa đời anh đã từng lận đận với những cuộc tình duyên không có đoạn kết. Chính Duy Quang đã từng tâm sự, anh là một người đàn ông bất hạnh.

    Năm 1975, khi Sài Gòn được giải phóng, ba mẹ anh là nhạc sĩ Phạm Duy, danh ca Thái Hằng và 4 em nhỏ của Duy Quang đi nước ngoài trước, chỉ còn Duy Quang và 3 em trai ở lại. Trong giai đoạn mới sau giải phóng, mọi điều kiện xã hội còn rất khó khăn, Duy Quang lại là anh cả nên đã thay cha mẹ mình nuôi các em. Duy Quang đã phải làm việc cật lực để vượt qua giai đoạn khó khăn chung và khó khăn riêng của gia đình, không chỉ về vật chất mà còn về cả tinh thần với một áp lực rất lớn mà theo anh cho biết, trong đó có cả sự nghi kỵ. Nhưng rồi mọi việc đều trôi qua cho đến ngày đại gia đình của anh đoàn tụ bên Mỹ. Nhưng về gia đình riêng thì anh hoàn toàn bất hạnh, không có một người phụ nữ nào sống với anh cho đến lúc phát hiện ra bệnh nan y và về cõi vĩnh hằng. Nghĩa là cho đến cuối đời, từ giã nghiệp cầm ca, con người nghệ sĩ Duy Quang vẫn sống lẻ loi, cô độc để bước qua “thế giới bên kia”. Dù rằng trong hơn nửa đời người, anh đã từng yêu và được yêu ít nhất là 3 người phụ nữ mà cả 3 đều rất nổi tiếng trên lĩnh vực nghệ thuật.

    Đầu tiên là ca sĩ Julie, cô gái lai Ấn Độ thường được biết với cái tên Julie Quang, là tên ghép giữa cô ca sĩ Julie và tên Quang của anh. Ca sĩ Duy Quang yêu Julie năm 17 tuổi, cô cùng tuổi với anh và là một thành viên sau này của Ban nhạc The Dreamers. Chính Duy Quang đã thổ lộ, anh đã xách đàn, bỏ nhà theo Julie năm 17 tuổi tới Nha Trang để hát chung với Julie trong ban nhạc The Free Ones. Đó là giai đoạn từ năm 1968-1970. Cũng theo Duy Quang, Julie là mối tình đầu của anh và anh yêu cô từ giọng hát liêu trai. Hai người đã nếm trải vị ngọt của tình yêu đầu tiên, sau đó sống với nhau như vợ chồng, từng là đôi song ca rất “hoàn hảo” trên sân khấu, Duy Quang và Julie là kết hợp của hai giọng hát trữ tình, đằm thắm, sâu lắng và huyền hoặc liêu trai nên càng mê hoặc người nghe.  

    Chính giọng hát huyền ảo, liêu trai, đôi lúc xử lý kiểu “ma quái” của Julie sau này kết hợp với phần hòa âm phối khí của ban nhạc có dàn âm thanh điện tử mà phần bass đệm chuyển cung chromatique tối tân hơn đã khiến giọng hát Julie càng thăng hoa, hấp dẫn và cô đã rất thành công với những ca khúc mà nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy đã soạn theo style nhạc rock như: “Nước mắt mùa thu”, “Thu ca điệu ru cô đơn”, “Tưởng như còn người yêu”… Julie với nhạc Phạm Duy, được sự hỗ trợ của tay đàn Duy Quang lúc song ca, lúc bè đã nâng tiếng hát Julie thành một “hiện tượng” khi còn ở Việt Nam cũng như khi tái hợp ở nước ngoài, tưởng đâu sẽ là một cặp song ca hoàn hảo. Nhưng rồi, Julie đã chia tay với Duy Quang một cách bất ngờ mà theo Duy Quang tâm sự: “Do khi ấy chúng tôi còn quá trẻ, chẳng có kinh nghiệm trong đời, huống gì tính đến chuyện trăm năm”.

    Ở Mỹ, chia tay với ca sĩ Julie một thời gian mà anh đã có với cô một đứa con gái tên là Phạm Ly Lan. Năm 1984, Duy Quang chính thức lập gia đình với một cô gái khác, đó là một mỹ nhân nổi tiếng, hoa hậu Oregon, Washington DC mà theo Duy Quang, lúc đó nhiều người đã phải ghen tị với anh. Bởi không chỉ có vợ đẹp, có một gia đình hạnh phúc, ấm cúng mà họ đã sống với nhau 17 năm, sinh được 2 cô con gái xinh xắn. Nhưng rồi hạnh phúc mà Duy Quang tưởng chừng không có một mãnh lực nào làm tan vỡ ấy, bởi 2 người lấy nhau không phải vì tiền nhưng cuối cùng phải chia tay vì tiền, khi Duy Quang phát hiện vợ mình lâm vào nạn cờ bạc, đỏ đen, làm tiêu tan cả sản nghiệp. 2 người li dị năm 2002, Mỹ Hà ra đi, để lại 2 con gái tên Phạm Mỹ An 18 tuổi và Phạm Mỹ Kim 11 tuổi cho Duy Quang nuôi, anh lại trở thành gà trống nuôi con, tiếp tục nghiệp cầm ca trên chính nỗi đau mất mát của mình, chứ không chỉ qua những bài hát yêu thương trắc trở mà hằng đêm anh hát trên sân khấu. Đó là những: “Kiếp đam mê”, “Hai năm tình lận đận”… Duy Quang đã kết luận về người vợ hoa khôi của mình bằng một câu: “Đó là một cánh hoa hồng có gai”. Mỹ Hà trước khi sang Mỹ định cư, cô ở Phú Nhuận, gần cư xá Chu Mạnh Trinh, nơi gia đình Duy Quang cư ngụ và Duy Quang là thần tượng của người đẹp Mỹ Hà mà sau này 2 người mới gặp nhau ở Mỹ.

    ca-si-duy-quang-va-giac-mo-hanh-phuc-3 

    Khi 2 cô con gái đã lớn, Duy Quang trở về Việt Nam ca hát và kinh doanh vào năm 2004. Đầu tiên là Duy Quang nhận lời mời về hát trong chương trình ca nhạc “Duyên dáng Việt Nam” của báo Thanh Niên. Giọng ca của anh vẫn được khán giả nhiều thế hệ ủng hộ nồng nhiệt. Điều này đã khiến Duy Quang lấy lại tinh thần sau những mất mát trong tình cảm và anh tự hỏi sao mình không trở về quê hương ca hát và thử kinh doanh trên lĩnh vực nghệ thuật? Đầu tiên anh đầu tư vào phòng trà Văn Nghệ nằm trên đường Lam Sơn, quận Bình Thạnh mà chủ cũ là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch. Ca sĩ Duy Quang khai thác phòng trà này với vài người bạn, về mặt doanh thu thì thành công nhưng đã sớm tan vỡ trong chuyện hùn hạp, làm ăn chung. Sau đó, ca sĩ Duy Quang lại kết hợp với mấy người bạn khác, cảm thông nhau hơn để mở phòng trà “Tình Ca” ở Phú Nhuận, một địa điểm không thuận tiện lắm để thu hút khách tới thưởng thức văn nghệ. Nhưng nhờ tên tuổi của nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Duy Quang, những người bạn chân tình và những ca sĩ “hàng sao” hải ngoại trở về trình diễn ở sân khấu “Tình Ca” nên Duy Quang khá thành công. Và rồi 3 năm sau, ca sĩ Duy Quang lại lập gia đình với ca sĩ Yến Xuân.

    Yến Xuân nhỏ hơn Duy Quang 20 tuổi. Trước khi là ca sĩ hát cho những phòng trà lớn, trong đó có phòng trà “Tình Ca” của Duy Quang, Yến Xuân là diễn viên múa, sống với nghề múa. Cô là diễn viên múa của Nhà hát Nhạc giao hưởng vũ kịch TP. Hồ Chí Minh, từng có những thành tích nhất định như đoạt giải 3 tài năng trẻ toàn quốc năm 1997, giải nhất Liên hoan ca múa nhạc mùa thu với vai Mỹ Châu trong vở ba lê “Ngọc Trai đỏ”. Yến Xuân bỏ múa vì lí do sức khỏe để bước sang lĩnh vực ca hát từ năm 2000 và khá thành công với những ca khúc nhạc Jazz.

    Yến Xuân quen biết Duy Quang từ khi cô về hát ở phòng trà “Tình Ca” của Duy Quang. Sau một thời gian làm việc chung, hai người phát sinh tình cảm riêng rồi yêu nhau, nếu tính từ khi yêu nhau và quyết định tiến tới hôn nhân thì chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn: 1 tháng! Nhưng theo Duy Quang và Yến Xuân thì cuộc hôn nhân này hoàn toàn không vội vã mà có suy nghĩ chín chắn, bởi hai người yêu nhau chân thật và riêng Yến Xuân thì không có trở ngại gì về tuổi tác mà cô còn cho đây là một điều hay vì Duy Quang không chỉ là một ca sĩ nổi tiếng mà còn là một người đàn ông rất tế nhị, sâu sắc, điều này giúp giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình tốt hơn mà Yến Xuân rất tin tưởng.

    Đám cưới của Duy Quang và Yến Xuân được tổ chức vào ngày Thứ Hai, 23/7/2007, tại khách sạn Continental Q1 TP. Hồ Chí Minh. Một đám cưới của 2 người nổi tiếng, nhưng lại được tổ chức gọn nhẹ mà khách mời chỉ là những người thân trong gia đình. Sau đám cưới, họ có một mái ấm gia đình và hạnh phúc mà theo Duy Quang thì “tuần trăng mật” sẽ kéo dài… đến bất tận. Duy Quang đã dành nhiều lời tốt đẹp để ca ngợi người vợ trẻ của mình. Anh cho rằng Yến Xuân là người phụ nữ đẹp nhất mà anh gặp trong cuộc đời. Và Yến Xuân là một “bà mẹ ghẻ tốt nhất” đối với 2 con gái của Duy Quang, bởi họ gần gũi, thân thích, quyến luyến nhau như… 3 mẹ con ruột thịt. Điều này đã khiến Duy Quang hạnh phúc nhất, vui nhất và tin tưởng rằng, sau bao nhiêu lần thất bại trong hôn nhân với những người vợ trước, lần này anh đã chọn được một người phụ nữ đích thực mà cuộc đời anh rất cần. Và Duy Quang rất hài lòng khi tâm sự với nhiều bạn bè thân thiết của anh.

    Nhưng rồi chỉ 2 năm sau ngày cưới, Duy Quang và Yến Xuân lại chia tay nhau do không… phù hợp trong cuộc sống lẫn cách hai người nhìn về nhau. Lại thêm một lần nữa trong cuộc đời người đàn ông ở ngưỡng 60 tuổi, Duy Quang lại kết thúc cuộc hôn nhân không có đoạn kết tốt đẹp như anh mong muốn. Ở tuổi này, người đàn ông bình thường đã gần hết quỹ thời gian, một ca sĩ sống với nghiệp cầm ca đã không còn đủ hơi sức để đứng trên sân khấu. Ai ở trong hoàn cảnh này mới hiểu được nỗi buồn của một người đã đánh mất thứ tài sản quý nhất của đời mình: hạnh phúc và giọng hát đã làm nên tên tuổi của một danh ca hàng “sao”. Ca sĩ Duy Quang đã sống như thế ở những ngày cuối đời với một trái tim cô độc. Đã thế, anh còn mang thêm chứng bệnh nan y ung thư gan thời kỳ cuối mà bản thân anh không hề hay biết.

  • 3

    Những ngày cuối cùng của Duy Quang

    Trong những ngày đầu tiên trở về Việt Nam sinh sống và tiếp tục sự nghiệp ca hát, Duy Quang luôn bận rộn với những cuộc gặp gỡ bạn bè và người hâm mộ anh. Họ là những người thuộc thế hệ trước năm 1975. Tất cả những cuộc gặp gỡ này anh đều ứng xử rất chân tình, vui vẻ dù trong lòng anh đang gặp chuyện không vui sau những mất mát lớn về tình cảm. Địa điểm mà Duy Quang lựa chọn gặp gỡ bạn bè vào buổi sáng là tầng trệt tòa nhà Sunwah nằm trên đường Nguyễn Huệ Q1, ở đây ngoài cà phê ngon còn món phở mà anh rất “mê”. Duy Quang tuy là một ca sĩ “hàng sao”, “lão làng” trên thị trường ca nhạc trong nước và hải ngoại nhưng anh lại rất khiêm tốn và kiệm lời. Hầu như trong suốt cuộc gặp gỡ bạn bè, Duy Quang đều ngồi lắng nghe người đối diện nói, chia sẻ với anh  mọi thứ buồn vui trong cuộc sống nhưng riêng anh thì mênh mang những nghịch cảnh đau buồn mà vẫn im lặng, kín tiếng.

    Khi phát hiện mình bị ung thư gan ác tính, nhiều bạn bè lo lắng còn Duy Quang thì vững vàng bảo: “Chắc không sao đâu, mình sang Mỹ sẽ có thuốc hay, rồi chắc qua khỏi thôi”. Và khi căn bệnh đã cướp dần sinh lực của Duy Quang, anh mới được người bạn thân là bác sĩ đưa sang Mỹ điều trị. Tại đây, Duy Quang nằm tại Bệnh viện Orange Coast nhưng tình trạng sức khỏe anh ngày một xấu đi. Đến 11h39 sáng ngày 19/12/2012 tại Bệnh viện Orange Coast, anh đã về cõi vĩnh hằng.

    Trong suốt cuộc đời ca hát của mình, ca sĩ Duy Quang đã hát khoảng 600 ca khúc và thu băng, đĩa khoảng 400 ca khúc, hầu hết là tình ca lãng mạn, dòng nhạc thích hợp với chất giọng trầm buồn, sâu lắng của anh. Trong số đó, những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy – thân phụ anh chiếm hầu hết. Tất nhiên trong số này có những ca khúc “đầu đời” đã đưa Duy Quang thành một tên tuổi lớn. Đó là những ca khúc nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Vũ Hữu Định.

    Nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy là nhà “ảo thuật” phổ thơ  của các nhà thơ nói trên, đã làm cho người nghe nhạc phải nhớ đến tên của các nhà thơ có thơ do ông phổ nhạc. Những ca khúc như: “Em hiền như Masoeur”, “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”, “Thà như giọt mưa”, “Ngày xưa Hoàng thị”, “Đưa em tìm động hoa vàng”, “Còn chút gì để nhớ”… cũng đã đưa giọng hát Duy Quang lên đỉnh cao danh vọng và được mệnh danh là “Giọng hát thư sinh”.

    Nhưng đối với Duy Quang, danh vọng đã có thừa, còn cuộc đời riêng quá đỗi hẩm hiu, anh từng hát ca khúc “Hai năm tình lận đận” được mọi người yêu thích nhưng riêng anh đâu chỉ có “hai năm tình lận đận” mà gần như hết nửa cuộc đời không tìm được hạnh phúc gia đình.

    Nếu thật sự có “cõi vĩnh hằng” và người ta khi chết đi là bước sang cõi ấy thì người viết mong rằng ca sĩ Duy Quang sẽ tìm được hạnh phúc cho riêng mình ở “cõi vĩnh hằng” mà ở cõi đời này anh đã không tìm được.

Comments