Chuyện chưa biết về ’bác sĩ tử thần’ của Đức Quốc Xã

00:33 12/02/2014

(Giúp bạn)Từ năm 1943 cho tới năm 1945, vẻn vẹn chỉ 2 năm, đã có tổng cộng 960.000 người tử vong tại trại tập trung Auschwitz do Mengele cai quản. Trong số đó, một phần lớn những người chết là do chính Mengele ra lệnh hoặc trực tiếp là thủ phạm thông qua những thí nghiệm y học kinh hoàng của mình…

Từ gã sinh viên Y khoa lập dị

Josef Mengele là con trai cả trong 3 đứa con của cặp vợ chồng Karl và Walburga Mengele, sống ở làng Bavarian, Gunzburg của nước Đức. Bố của Mengele là chủ cơ sở sản xuất nông cụ, nghiêm khắc nhưng ngay thẳng và tốt bụng.

Còn mẹ của Mengele, Walburga lại là người mà bất cứ người làm công nào trong xưởng nông cụ nhà Mengele cũng kinh sợ. Người đàn bà này cực kỳ nóng tính, thường xuyên đánh đập người làm công lười nhác và tay nghề kém, thậm chí chửi rủa các con và chồng mỗi khi không vừa ý.

Những hành vi thô bạo này của mẹ dường như để lại ấn tượng lâu dài tới cậu thiếu niên Josef. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, phương pháp giáo dục bằng đòn roi và những lời chửi rủa của bà Mengele chính là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên sự tàn nhẫn của một kẻ giết người không ghê tay như Josef sau này.

Từ khi còn nhỏ, Mengele đã luôn tạo cho mình một hình ảnh đặc biệt, khác hẳn so với mọi người. Một điểm dễ nhận thấy nhất trong các thói quen của Mengele chính là cậu ta luôn đeo đôi găng tay trắng.

chuyen-chua-biet-ve-bac-si-tu-than-cua-duc-quoc-xa-1
Josef Mengele khi còn trẻ

Cho tới tận khi đã trở thành “bác sĩ tử thần”, Mengele vẫn giữ thói quen này và những đôi găng tay trắng chính là dấu hiệu để các nạn nhân ở trại Auschwitz phân biệt Mengele với những bác sĩ Đức Quốc xã khác.

Ngay từ thời điểm đó, những tham vọng của Josef đã tỏ ra trái ngược hoàn toàn với những mong đợi của cha cậu. Trong khi ông bố mong muốn đứa con trai lớn nhất của mình sau khi trưởng thành sẽ làm việc trong xưởng sản xuất nông cụ của gia đình ở Gunzburg thì chàng trai trẻ Josef Mengele lại mơ ước một sự nghiệp vượt xa những kế hoạch kinh doanh thông thường và cả vùng quê hương Bavarian nhỏ bé và nghèo khổ của mình.

Suốt thời thanh niên của mình, Josef Mengele mong muốn được ra ngoài Gunzburg để theo đuổi và phát triển sự nghiệp nghiên cứu ngành nhân chủng học.

Josef Mengele đã có lần khoác lác với một người bạn thân rằng, rồi sẽ có ngày tên mình sẽ được xuất hiện trong Từ điển bách khoa. Mong ước của Josef khi đó sau này đã trở thành sự thực, song có lẽ không hề theo nghĩa mà cậu trai trẻ vùng Gunzburg mong muốn.

Năm 1930, Josef tốt nghiệp trường trung học ở Gunzburg và vượt qua bài thi sơ tuyển đầu vào của trường đại học Munich. Vào tháng 10/1930, Josef Mengele rời quê hương Gunzburg đến Munich để bắt đầu theo học tại Đại học Munich.

Tại đây, để theo đuổi ước mơ từ thời thơ ấu, Mengele quyết định ghi danh vào khoa Nhân chủng học và Y học. Năm năm sau, Mengele đã được trao bằng tiến sĩ cho luận án của mình mang tên "Nghiên cứu hình thái học chủng tộc".

chuyen-chua-biet-ve-bac-si-tu-than-cua-duc-quoc-xa-2
Josef Mengele (Ảnh chụp năm 1956)

Vào ngày 28/7/1939, Mengele đã kết hôn với Irene Schonbein. Hai năm sau, năm 1941, Irene có với Mengele một đứa con trai, đặt tên là Rolf Mengele, đứa con sau này đã phải chịu rất nhiều dằn vặt vì những tội lỗi mà Mengele đã gây ra.

Vào tháng 5/1943, Mengele về nhận công tác tại trại tập trung của Đức Quốc xã ở Auschwitz, Ba Lan để nghiên cứu di truyền của con người. Mục tiêu của công việc này là mở khóa những bí mật của kỹ thuật di truyền hòng tìm ra cách xoá những gene yếu kém của con người nhằm tạo nên một “siêu chủng tộc Đức”.

Cũng tại trại tập trung này, với những thí nghiệm rùng rợn gần như mất cả nhân tính, Josef Mengele đã gieo rắc không biết bao cái chết và nỗi kinh hoàng cho những tù nhân tại Auschiwitz.

Biệt danh “bác sĩ tử thần” mà người đời gán cho Josef Mengele bắt nguồn từ chính quãng thời gian y tiến hành các thực nghiệm kinh hoàng tại đây.

Đến “cỗ máy giết người” của Đức Quốc xã

Trại tập trung Auschwitz có thể nói là một nơi tận cùng của sự đau khổ mà bằng trí tưởng tượng thông thường người ta khó có thể tưởng tượng được. Vốn là nơi dành cho những tù nhân, những chủng người “hạ đẳng”, Auschiwitz không hề được chú ý về mặt vệ sinh, vì vậy, bệnh sốt phát ban và tiêu chảy tràn làn khắp mọi nơi, hành hạ những tù nhân vốn luôn trong tình trạng đói khát và bị ngược đãi.

Tại nơi chẳng khác gì địa ngục ấy, Mengele luôn xuất hiện với vẻ thánh thiện như một “thiên sứ” với chiếc áo blue, đôi găng tay luôn trắng muốt và nụ cười thường trực trên môi.

Chính vì vẻ bề ngoài ấy nên mặc dù là một kẻ rất tàn nhẫn, song Josef Mengele luôn qua mặt được tất cả các đồng nghiệp cũng như những nạn nhân của mình, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em dù ngay sau khi cười với họ, Mengele sẵn sàng đưa họ vào phòng hơi ngạt.
 

chuyen-chua-biet-ve-bac-si-tu-than-cua-duc-quoc-xa-3
Các cặp song sinh là vật thí nghiệm của Josef Mengele

Một nhân chứng từng kể rằng, Joseph Mengele thường đi xuyên qua những hành lang, nụ cười thường trực trên môi nhìn những tù nhân đang hớn hở vẫy chào mình. Y tiến tới một phòng giam, nơi có nhiều trẻ em nhất, trong đó có những cặp song sinh.

Mengele chìa tay ra, trên tay y là những thanh socola ngọt ngào và những chiếc kẹo lấp lánh màu sắc. Lũ trẻ con thoáng ngần ngại rồi ào đến bên song sắt nhận những chiếc kẹo trên đôi bàn tay đeo găng trắng của y.

Chúng mừng rỡ nhai ngấu nghiến những thanh kẹo, còn Mengele thì khẽ nhếch mép cười rồi quay đi. Ngay sau đó, trong một căn phòng kín, Joseph Mengele đứng quay lưng về phía cửa. Những cặp trẻ sơ sinh lúc chiều mới hớn hở nhận kẹo của y đang đứng thành hàng dựa lưng vào tường.

Joseph Mengele lạnh lùng tiến đến gần chúng, y vạch lên tường nhà tù 1 vạch cách mặt đất từ 150 đến 156 cm. Những đứa trẻ vượt qua vạch này được giữ lại. Những đứa trẻ không đủ chiều cao ngay lập tức được đưa vào một căn hầm bơm đầy hơi ngạt.

Những đứa trẻ bị ngạt kêu khóc ầm ĩ nhưng ngoài Joseph Mengele ra, không một ai có thể nghe thấy tiếng của chúng, cho đến khi chúng lả đi và chết. Những đứa trẻ có đủ chiều cao số phận cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Chúng sẽ trở thành những vật thí nghiệm trong các công trình nghiên cứu của Joseph Mengele.

Môt lần khác, Mengele cố bắt giữ một người phụ nữ đang vùng vẫy thoát ra khỏi chiếc xe chuyển nạn nhân đến phòng hơi ngạt. Mengele túm lấy cổ người phụ nữ và đánh vào đầu cô khiến máu chảy tung tóe. Y tiếp tục đánh, đấm vào đầu và miệng la hét: "Mày muốn trốn hả... Mày không trốn được bây giờ đâu. Mày sẽ bị thiêu như những người Do Thái bẩn thỉu thôi”.

Và rồi đôi mắt thông minh của người phụ nữ biến mất dưới lớp máu. Một vài giây sau đó, chiếc mũi thẳng tắp cũng trở nên bẹp dí đầy những máu. Nửa giờ sau đó, bác sĩ Mengele trở lại bệnh viện. Y lấy một miếng xà phòng thơm ra khỏi túi của mình và huýt sáo, với một nụ cười hài lòng hiện trên khuôn mặt, y bắt đầu rửa tay như chưa hề xảy ra chuyện gì.

Mengele là một điển hình cho những tên đầy tớ trung thành luôn tận tâm thực thi mệnh lệnh của Đức Quốc xã, và sẵn sàng bất chấp tất cả để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chính vì vậy, từ một thanh niên ở một vùng quê nghèo, có năng lực, có ước mơ, Josef Mengele trở thành một cỗ máy giết người cho Đức Quốc xã. Người ta kể rằng, một lần, có một từ nhân Do Thái tên là Kapo đã cố gắng đẩy một số tù nhân từ hàng người thuộc diện phải sang buồng hơi ngạt sang hàng thuộc diện được lao động.

Khi phát hiện ra chuyện này, Mengele đã rất tức giận. Không hề do dự, y lập tức rút súng bắn thẳng vào đầu Kapo. Một lần khác, khi thấy trại tập trung nơi mình cai quản quá chật chội, y đã ra lệnh đào chiến hào, đổ đầy xăng và đốt cháy rồi cho ném cả người chết lẫn người sống, người lớn cũng như trẻ em xuống đó.

Một tù nhân người Nga may mắn sống sót tên là Annani Silovich Petko thì nhớ lại cảnh kinh hoàng: "Nhóm các sĩ quan Đức Quốc xã gồm cả Mengele lái xe chở tù nhân vào sân. Xe họ vòng quanh ngọn lửa đang cháy bùng bùng, và đổ những đứa trẻ trong xe vào lửa. Trẻ em bắt đầu rên la còn các sĩ quan đi bộ xung quanh đó với gậy trên tay để đẩy những đứa trẻ cố gắng thoát ra ngoài xuống hố lửa”.

Là một đầy tớ trung thành, cũng như tất cả những tên Phát xít khác, Josef Mengele có niềm tin tuyệt đối và hoang tưởng về sự ưu việt của chủng tộc Đức. Vì vậy, đối với Mengele, những tù nhân trong trại Auschiwitz chẳng khác gì những con chuột mà ông ta có thể tùy ý bắn, giết hay làm thí nghiệm.

Vì vậy, dường như Mengele không bao giờ cảm thấy ghê tay về những hành vi giết người man rợ của mình. Rất nhiều lần, người ta thấy Mengele vừa thản nhiên vừa huýt sáo theo nhịp điệu nhạc của Wagner vừa ra hiệu đưa những tù nhân người Do Thái vào phòng hơi ngạt.

Nhân danh khoa học, y đã bơm thuốc mê vào tim trẻ em, gây bệnh thương hàn cho tù nhân, tiêm axit cho ăn mòn ống dẫn trứng của phụ nữ, mổ lấy tim ở người đang sống, chặt nhỏ trẻ sơ sinh... Sau tất cả những thí nghiệm khủng khiếp đó, Mengele lại thản nhiên rửa tay rồi bước ra ngoài với nụ cười vô cùng thỏa mãn.

Tại Auschiwitz, do là một bác sĩ, Mengele còn được giao nhiệm vụ giám sát quá trình thủ tiêu các tù nhân. Khi có tù nhân mới, y chọn lựa những tù nhân ốm và yếu để đưa đi thủ tiêu trước.

Năm 1944, khi trong "Trại người Séc" phát bệnh lị, Mengele đã cho thủ tiêu toàn bộ 10.000 tù nhân của trại này bằng hơi ngạt. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của Mengele tại đây là thực hiện các nghiên cứu y học quân sự.

Tại trại tập trung, y cho tù nhân bị điện giật, gây thương tích bằng súng rồi gây nhiễm trùng bằng cách rắc đất lên vết thương. Ngoài ra, y còn thử các kỹ thuật triệt sản như: Cắt ống dẫn trứng, chiếu X-quang hoặc tiêm chất ăn mòn tử cung, cắt bỏ tinh hoàn... nhằm áp dụng đối với các chủng tộc "hạ đẳng"…

Từ năm 1943 cho tới năm 1945, vẻn vẹn chỉ hai năm, đã có tổng cộng 960.000 người tử vong tại trại tập trung Auschwitz do Mengele cai quản. Trong số đó, một phần lớn những người chết là do chính Mengele ra lệnh hoặc trực tiếp là thủ phạm thông qua những thí nghiệm y học kinh hoàng của mình.

Những thí nghiệm kinh hoàng ở Auschwitz

Một trong những thí nghiệm rùng rợn của Joseph Mengele là nghiên cứu tính di truyền trên cơ thể của các cặp sinh đôi. Tù nhân may mắn thoát chết trong trại tập trung, Zvi Spiegel nhớ lại rằng:

Mỗi cặp song sinh khi tới trại, trước hết, phải khai rất kỹ về gốc tích, xuất thân của mình. Sau đó là một loạt các thí nghiệm, chúng bị lấy máu, đo đạc và chụp X-quang tay chân với mục đích tìm sự khác biệt giữa những cặp song sinh một trứng và cặp song sinh hai trứng.

Các sử gia ước tính có ít nhất 900 cặp song sinh đã trải qua phòng thí nghiệm này, nhưng chưa tới 50 cặp còn sống sót.

Từ năm 1942, Mengele bắt đầu tiến hành đề án tìm hiểu vì sao mà sự di truyền màu mắt không tuân thủ quy luật của thuyết Mendel. Để thực hiện đề án của mình, Mengele đặc biệt dành riêng một doanh trại cho các đối tượng sinh đôi.

Cũng giống như cho người lùn, hay "vật mẫu kỳ lạ", các cặp song sinh là đối tượng yêu thích của Mengele và y dành cho chúng những đối đãi đặc biệt như giữ nguyên tóc, quần áo riêng và nhận được khẩu phần ăn thêm.

Các lính canh trại trẻ song sinh phải hết sức nghiêm ngặt tuân thủ quy định: Không được phép lạm dụng trẻ em và phải chăm sóc chúng tốt để chúng không ốm và chết. Mengele vô cùng giận dữ nếu một trong các “vật mẫu” bị chết.

Tại trại Auschwitz, những cặp song sinh được gọi là "Trẻ em của Mengele". Tuy nhiên, việc được chăm sóc “đặc biệt” của những đứa trẻ này thực chất chỉ là chuẩn bị cho những cái chết đau đớn mà kẻ sát nhân máu lạnh Mengele sắp tiến hành với chúng.

Để xác định xem màu mắt có thể được biến đổi gen, Mengele đã tiêm thuốc nhuộm vào mắt của một số đối tượng sinh đôi. Việc làm tàn nhẫn này của Mengele khiến những đứa trẻ bị nhiễm trùng vô cùng đau đớn.

Rất nhiều trẻ em bị Mengele chọn làm vật thí nghiệm đều bị mù. Nếu cặp song sinh chết, Mengele sẽ thu lượm các đôi mắt của chúng và gắn lên các bức tường của văn phòng của hắn, giống như một mẫu côn trùng.

Chưa hết, Mengele còn tiêm mẫu máu từ người sinh đôi này sang người kia với loại máu khác nhau và ghi nhận phản ứng. Điều này đã gây ra những cơn đau đầu dữ dội và sốt cao kéo dài nhiều ngày.

Những đứa trẻ sau đó được tiêm thuốc ngủ rồi sử dụng chất gây mê chloroform để giết chết, sau đó y tiến hành mổ xẻ thi thể các nạn nhân để so sánh với các cặp sinh đôi khác. Một số cặp song sinh còn bị thiến hoặc triệt sản. Nhiều cặp song sinh khác thì bị cắt bỏ tay chân…

Ngoài những cặp song sinh, vốn là đối tượng thí nghiệm yêu thích của Mengele, những đứa trẻ nhỏ trong trại tập trung cũng thường xuyên bị đặt vào một chiếc lồng kín hơi và phải chịu một loạt các kích thích khác để tên bác sĩ máu lạnh xem phản ứng.

Một số khác lại bị tiêm với tác nhân lây nhiễm để bác sĩ máu lạnh xem cơ thể nhỏ bé của chúng sẽ chống chọi bao lâu với bệnh tật. Và rất nhiều trẻ bị Mengele phẫu thuật mà không dùng thuốc mê. Một nhân chứng kể lại rằng, một lần, anh ta đã chứng kiến một ca phẫu thuật dạ dày do Mengele thực hiện.

Tên “ác quỷ đội lốt người” Mengele đã gỡ bỏ các phần của dạ dày, nhưng không có bất kỳ chất gây mê nào được sử dụng. Thậm chí, khi phẫu thuật tim cho một bệnh nhân khác, Mengele cũng không sử dụng thuốc mê, cứ để bệnh nhân kêu la như vậy mà mở lồng ngực của anh ta ra.

Và hành trình hơn 30 năm chạy trốn tội ác

Năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin, toàn bộ hồ sơ mật về các công trình nghiên cứu dã man này đã bị thủ tiêu, những kẻ chủ mưu đã trốn sang Nam Mỹ.

Bản thân Mengele cũng "lặn" mất tăm. Người ta đã treo thưởng 1 triệu mark Đức để bắt Mengele. Lệnh truy nã của cơ quan tư pháp Đức năm 1959 đã buộc tội Mengele sát hại tù nhân "một cách dã man như súc vật".

Trong suốt hơn 30  năm sau đó, Mengele liên tục phải chạy từ nơi này sang nơi khác để trốn tránh tội ác mà y đã gây ra. Đầu tiên Mengele trốn đến một nông trang gần quê hương Gunzburg. Y sử dụng chứng minh thư giả và lao động chân tay ở nông trường để kiếm sống.

Mặc dù vậy, Mengele vẫn luôn nắm được thông tin các sự kiện bằng cách bí mật liên lạc với một người bạn ở Gunzburg. Nhưng sau đó thấy rằng không thể an toàn nếu ở lại Đức, Mengele đã tìm cách di cư sang Nam Mỹ.

Mengele quyết định chạy trốn tới Buenos Aires vào năm 1949. Đó cũng là năm người vợ của y, Irene phát hiện ra những việc làm khủng khiếp của chồng và nhất định đòi ly dị với y. Sau 19 năm lang thang một mình ở Achentina, đến năm 1959, Mengele chuyển tới Paragoay và cuối cùng y quyết định dừng chân tại Braxin cho tới khi chết.

Mengele chết ngày 07/02/1979 trên bãi biển tại Bertioga, Embu, Braxin, do bị một cơn đột quỵ trong khi đang đi bơi ngoài bãi biển. Y được chôn cất ở Embu das Artes với tên ghi trên bia mộ là "Wolfgang Gerhard".

Y đã trốn chạy suốt 30 năm trời dưới những tên giả như Fritz Fischer, Walter Hasek, Tiến sĩ Helmut Gregor, Jose Aspiazi, Friedrich Edler von Breitenbach, Tiến sĩ Henrique Wollmann… và cuối cùng là Wolfgang Gerhard.

Ngay cả đứa con trai duy nhất của Mengele sau này nhớ lại cũng nói rằng, ông ta chỉ gặp cha mình 2 lần trong đời, nhưng mỗi lần, Mengele lại mang một cái tên khác nhau.

Tới năm 2009, 20 năm sau cái chết của “bác sĩ tử thần”, tại Braxin, người ta phát hiện ra một ngôi làng chỉ toàn người sinh đôi rất kỳ lạ. Cứ 5 bà mẹ mang bầu tại thị ngôi làng Candido Godoi thì có một người mang trong mình một cặp song sinh.

Điều kỳ lạ là hầu hết những đứa trẻ đều có mắt xanh, tóc vàng khi sinh ra. Những người dân cao tuổi sống trong ngôi làng cho biết, Mengele thường xuyên ghé thăm nơi đây vào những năm 60 của thế kỉ trước.

Lúc bấy giờ, Mengele thường giả danh là cựu chiến binh đến khám bệnh và cấp thuốc cho những người phụ nữ trong làng. Có lẽ, chính những thứ thuốc mà Mengele đưa cho họ uống đã dẫn tới hậu quả như ngày nay.

Như vậy, rõ ràng là đang trên đường chạy trốn, song Mengele vẫn chưa chịu từ bỏ những thí nghiệm và nghiên cứu của mình đối với trẻ sơ sinh.

Đến nay không ai dám chắc Mengele đã đến ngôi làng Candido Godoi từ khi nào nhưng cặp song sinh đầu tiên xuất hiện năm 1963, năm mà người ta được nghe nói rằng có sự xuất hiện của Mengele tại ngôi làng đó.

Có lẽ thật may mắn cho nhân loại khi Mengele đã chết từ 20 năm trước vì một cơn đột quỵ, nếu không khó ai có thể biết tên “bác sĩ tử thần” này có thể làm những gì để gây hại cho nhân loại.

Comments