Chuyện tình của Hoàng đế cuối cùng Trung Quốc

07:10 12/02/2014

(Giúp bạn)Là Hoàng hậu và Hoàng phi của Phổ Nghi, giữa Uyển Dung và Văn Tú luôn xảy ra mâu thuẫn. Uyển Dung được cho là rất hay chèn ép khiến Văn Tú bất bình: Phổ Nghi là chồng cô, nhưng cũng là phu quân của tôi!

Tháng 11/1924, cuộc đảo chính Bắc Kinh nổ ra, hạ bệ chính quyền Bắc Dương, khiến Hoàng thất nhà Thanh bị đuổi ra ngoài đường, cả gia đình Phổ Nghi rời khỏi Tử Cấm Thành, các tôn hiệu Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng phi cũng đương nhiên bị phế bỏ. Kể từ đó, hai chữ Hoàng đế đã vĩnh viễn đi vào lịch sử của Trung Quốc, và Uyển Dung cũng theo đó mà mất đi thân phận Hoàng hậu vốn hữu danh vô thực của nàng.

Tháng 2/1925, dưới sự hộ tống của đội quân Nhật Bản, Phổ Nghi cải trang thành lái buôn, đi tàu hỏa đến Thiên Tân. Không lâu sau, Uyển Dung, Văn Tú cùng những thành viên khác trong Hoàng thất cũng chuyển đến Trương Viên, Thiên Tân. Năm 1929, gia đình Phổ Nghi chuyển đến ở Càn Viên - một khuôn viên cùng dãy phố với Trương Viên. Tổng thể công trình được chia làm 2 tầng, bao gồm những tầng lầu, phòng ốc được xây dựng bằng gạch theo phong cách Tây Ban Nha. 

Sau khi đưa Uyển Dung và Văn Tú đến đây ở, Phổ Nghi đã đổi tên Càn Viên thành Tịnh Viên, bề ngoài thì nói rằng chữ "Tịnh" lấy từ ý của "Thanh tịnh an cư, dữ thế vô tranh" (sống thanh tịnh, không tranh với đời), nhưng trên thực tế ngầm ám chỉ"Tịnh quan kỳ biến, tịnh đãi kỳ thời" (Yên lặng quan sát những biến động và chờ thời cơ đến), nhằm tính toán cho sự trở lại sau này.

chuyen-tinh-cua-hoang-de-cuoi-cung-trung-quoc-1

Phổ Nghi (1906-1967), lên ngôi Hoàng đế năm 3 tuổi, là vị vua cuối cùng của nhà Thanh, cũng là vị vua cuối cùng của Trung Quốc. 

  • 1

    Chuyện tình tay ba của Hoàng đế

    chuyen-tinh-cua-hoang-de-cuoi-cung-trung-quoc-2

    Hoàng hậu Uyển Dung và Thục phi Văn Tú khi còn ở trong cung. 

    Là Hoàng hậu và Hoàng phi của Phổ Nghi, Uyển Dung và Văn Tú không thể tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Uyển Dung được cho là rất hay chèn ép, soi mói Văn Tú. Nàng vốn xuất thân cao quý, còn Văn Tú xuất thân từ bình dân, mẹ Văn Tú chỉ là người giặt đồ thuê, vì thế cách sống của hai người có sự khác biệt rất lớn.

    Ngay từ khi còn ở trong cung, giữa Văn Tú và Uyển Dung đã có những bất hòa. Sau khi đến Thiên Tân, mâu thuẫn giữa hai người không còn ngấm ngầm nữa mà trở nên công khai hơn. Có lúc Uyển Dung công kích Văn Tú ngay trước mặt, cũng có lúc nói xấu Văn Tú với Phổ Nghi. Văn Tú có tài văn chương, tính tình cứng cỏi, nên không tránh được cảnh không ai chịu nhường nhịn ai. Trong thời gian 7 năm sống tại Thiên Tân, Hoàng hậu và Hoàng phi mâu thuẫn gay gắt. Bị kẹt giữa hai người vợ, Phổ Nghi cũng cảm thấy vô cùng khó xử và mệt mỏi.

    Bị đuổi ra khỏi Hoàng cung, đối với triều đình Phổ Nghi là một kiếp nạn, nhưng đối với Uyển Dung, điều này chẳng khác gì cá được về với nước, mọi hành động của nàng được tự do hơn rất nhiều. Thiên Tân vốn là nơi nàng sinh ra và lớn lên, là thế giới thuộc về nàng. Vì thế, nàng không còn u uất như trước nữa, mà trở nên hoạt bát, tinh thần phấn chấn hơn rất nhiều.

    Nàng thay bộ trang phục trong cung cấm bằng bộ sườn xám thời trang và đôi giày cao gót, lại thêm mái tóc được uốn mềm mại càng tôn lên khí chất thanh cao, dung mạo xinh đẹp, sự thanh lịch và sang trọng của Uyển Dung. Còn một điều nữa  khiến nàng thích thú đó chính là việc thành phố thương nghiệp phồn hoa này đã mang lại cho nàng phương thức mua sắm và tiêu khiển vừa thời thượng vừa phong lưu rất phù hợp với nàng.

    Uyển Dung xuất thân từ giới thượng lưu, đã quen với cuộc sống xa hoa, lại theo đuổi sự Tây hóa, nàng coi những chi phí cho việc mua món đồ trang sức đắt tiền, may những bộ trang phục cao cấp, ăn yến sào hải sâm đều là những khoản phí hết sức bình thường vì sau lưng nàng tự khắc có Phổ Nghi lo việc tiền nong. Điều này khiến Văn Tú vô cùng bất bình nói "Phổ Nghi là chồng cô, nhưng cũng là phu quân của tôi".

    Và thế là hai người phụ nữ bắt đầu bước vào một cuộc ganh đua, nếu hôm nay cô mua một cái kim thì ngày mai tôi mua một sợi chỉ, cứ cái nào đắt thì ta mua cái đó. Sau vài tháng, phòng của 2 người chất đầy những vật dụng xa xỉ nhưng vô dụng như: đàn piano, đồng hồ, máy thu âm, áo vest, giày da, kính mắt… Họ thường xuyên mua mà không cần quan tâm nó có tác dụng gì hay không.

    Cảm giác phấn khích vật chất này sau này đã trở thành phương pháp tranh giành sự yêu thương của Phổ Nghi giữa Uyển Dung và Văn Tú. Trong cuốn hồi ký "Nửa đầu cuộc đời tôi", Phổ Nghi gọi việc này là "cuộc thi mua sắm", ông viết: "Uyển Dung vốn là một đại tiểu thư của Thiên Tân, những chiêu trò mua đồ đắt tiền vô dụng của nàng còn nhiều hơn tôi nhiều. Nàng mua đồ gì, Văn Tú cũng nhất định phải mua thứ đó. Tôi mua cho Văn Tú rồi, Uyển Dung lại càng phải mua, mà còn tiêu nhiều tiền hơn, cứ như là nếu không như vậy thì không thể thể hiện được thân phận Hoàng hậu của nàng".

    Lúc đó, tình hình kinh tế của triều đình không còn được như trước, tài chính thì giật gấu vá vai, có lúc phải dựa vào việc cầm cố một số vật dụng trong cung mới có thể duy trì cuộc sống xa hoa trên danh nghĩa này. Những hành động lãng phí ném tiền qua cửa sổ theo cách cạnh tranh kiểu này cần được ngăn chặn ngay lập tức.

    Như vậy, khao khát vật chất đầy hư vinh của Uyển Dung không thể được đáp ứng, nàng đương nhiên cảm thấy rất bất mãn. Nàng mang thân phận Hoàng hậu của mình ra để chứng tỏ: Hoàng hậu ở một địa vị cao hơn hẳn Phi tần, nếu có muốn tiết kiệm, thì chỉ có thể cắt giảm chi tiêu của Văn Tú, chứ không thể nào hạn chế chi tiêu của nàng. Sự tranh chấp này, một phần xuất phát từ sự ham hố hư vinh, nhưng trong tiềm ý thức của nàng, đây chẳng qua là sự tranh sủng giữa thê và thiếp.

  • 2

    "Cuộc chiến chốn hậu cung"

    chuyen-tinh-cua-hoang-de-cuoi-cung-trung-quoc-3

    Hoàng đế Phổ Nghi và Hoàng hậu Uyển Dung. 

    Uyển Dung và Văn Tú xung khắc như nước với lửa, nhưng Phổ Nghi lại không đứng giữa giảng hòa, mà luôn luôn bênh vực cho Uyển Dung, chỉ trích Văn Tú, thậm chí còn không cho Văn Tú được xuất hiện ở những dịp quan trọng.

    Ngay từ khi còn ở trong cung nhà Thanh, Phổ Nghi đã rất ít khi xuất cung, nhưng mỗi khi có cơ hội xuất cung đều đưa Hoàng hậu và Hoàng phi đi theo. Sau khi đến Thiên Tân, việc có thể tự do đi dạo phố, ngắm nghía các cửa tiệm, đi ăn tại các nhà hàng trở thành điều xa xỉ và dư vị cuối cùng của cuộc sống Hoàng gia mà Phổ Nghi có được. Tuy nhiên, Phổ Nghi bây giờ lại luôn bỏ lại Văn Tú ở nhà, chỉ đưa Uyển Dung đi theo. Hai người đã đi qua tất cả những nơi có thể vui chơi như các trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí. Hai người gắn với nhau như hình với bóng, cùng nhau tận hưởng niềm vui. Những lúc như này càng làm tổn thương Văn Tú, càng khiến nàng cảm thấy đau khổ.

    Những khi không ra khỏi nhà thì Phổ Nghi cũng thường đặt cơm từ nhà hàng mang đến. Lần nào Phổ Nghi cũng ăn uống vui vẻ cùng Uyển Dung, nhưng lại không cho Văn Tú được ngồi ăn cùng.

    Thời gian thấm thoắt trôi, những trách móc nhỏ trong cuộc sống được tích tụ lại thành nỗi oán giận to lớn. Văn Tú hoàn toàn thất vọng về Phổ Nghi. Văn Tú nghĩ rằng nàng là kẻ yếu, kẻ bị bắt nạt, và Phổ Nghi đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ nàng. Còn Phổ Nghi thì cho rằng Văn Tú không biết an phận làm thiếp, cố ý làm khó mình, điều này khiến tình cảm giữa hai người ngày một xấu đi.

    Uyển Dung luôn không muốn Phổ Nghi yêu bất kỳ người nào khác mình. Mỗi ngày nàng đều bắt Phổ Nghi phải thề không được yêu Văn Tú. Kể từ đó, những hận thù giữa Uyển Dung và Văn Tú ngày càng sâu sắc hơn, thậm chí đến mức như nước với lửa.

    Văn Tú và Phổ Nghi đã kết hôn được 9 năm, nhưng chỉ có danh nghĩa vợ chồng, chứ không có thực chất. Nàng không chỉ chưa một lần thực sự làm vợ Phổ Nghi, mà còn phải chịu sự ghẻ lạnh đúng như thân phận của người làm thiếp. Mùa thu năm 1931, nàng quyết định ly hôn với Phổ Nghi, đưa việc này ra trước tòa. Đồng thời còn thông qua báo chí để thông báo cho mọi người được biết, tạo nên đợt sóng dư luận về một phi tần duy nhất trong lịch sử Trung Quốc dám ly hôn với Hoàng đế.

    Đây chính là "Cuộc cách mạng Thục phi" chấn động xã hội một thời. "Cách mạng Thục phi" đã làm cho Phổ Nghi phải chịu một cú sốc quá lớn, ông coi điều này là nỗi nhục nhã không gột rửa được. Phổ Nghi không hề đưa ra "Tội kỷ chiếu" (bài chiếu nói về tội lỗi của bản thân), mà đổ hoàn toàn lỗi lầm lên Uyển Dung, rồi giận lây sang nàng.

    Khi đó, dưới sự kích động của những người cao tuổi ủng hộ nhà Thanh, Phổ Nghi đã có ý muốn khôi phục lại chế độ cũ. Người Nhật Bản nhân đó kêu gọi Phổ Nghi đến vùng đất Long Hưng thuộc Đông Bắc, là nơi quân Nhật đang chiếm đóng để chuẩn bị lực lượng, mượn sức mạnh của quân đội Nhật tiến vào vào trung nguyên. Tuy nhiên Uyển Dung lại nhất mực phản đối việc Phổ Nghi đến Đông Bắc làm con rối cho người Nhật giật dây.

    Hai nguyên nhân kể trên đã khiến Phổ Nghi chán ghét Uyển Dung. Uyển Dung thích hư vinh, muốn ở lại Thiên Tân để được sống cuộc sống xa hoa như hiện tại, nhưng không ngờ lại vấp phải sự phản đối bằng cách đối xử thô bạo của Phổ Nghi. Sự nhàm chán và cô đơn đã khiến tinh thần Uyển Dung ngày càng xuống dốc, thường xuyên mất ngủ. Cuối cùng nàng mắc chứng suy nhược tinh thần, chỉ còn cách đắm chìm trong làn khói thuốc phiện, tìm kiếm sự giải thoát trong những mộng mị.

Comments