Bạch Thược sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội. Bố bà là cụ Phạm Hữu Ninh, từng là Tham tán phủ toàn quyền nhưng đi theo tiếng gọi của Cách mạng, cụ đã bỏ việc về mở trường tư.
Là con thứ tư trong một gia đình toàn con gái nhưng ngay từ nhỏ, bà đã được cả nhà cưng chiều hết mực. Đặc biệt, bà không sống theo khuôn phép cũ. Bà thích mặc quần áo con trai, chơi đánh bi, đánh đáo, và không hề biết đến thêu thùa, nấu ăn như nhiều thiếu nữ Hà Nội xưa.
Lớn lên được vào học trường Tây và tham gia vào phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Hà Nội, bà ngày càng chứng tỏ được sự thông tuệ của mình. Vẻ đẹp thuần khiết, mang nhiều cá tính đặc trưng của một cô gái Hà Nội đã khiến bao chàng trai ngày đó mê mẩn.
Ngoài sắc đẹp, bà còn nổi tiếng với câu chuyện "tình chị duyên em"
Bạch Thược hầu như không bao giờ tiếp xúc với con trai, thậm chí nhiều khi còn chạy trốn những cuộc chuyện trò làm quen. Tâm hồn bà tuổi 20 trong veo, không vướng bận một chút về tình yêu.
Nhan sắc của chị em Bạch Thược làm nức lòng khắp các tỉnh gần xa. Trong năm chị em gái, thì nhà Bạch Thược có 3 người đẹp, được kế thừa nhan sắc của mẹ (xưa là giai nhân của đất Nam Định).
Bà Phạm Thị Ngọc Trâm, chị gái đầu của bà cũng là một nhan sắc nổi tiếng của phố cổ đã kết duyên cùng cháu đích tôn của quan thượng thư tỉnh Hà Đông.
Người chị thứ hai của Bạch Thược, bà Kim Thoa, kết hôn với một vị bác sỹ khá nổi tiếng ngày đó, và thoát ly theo gia đình chồng, để lại một tình yêu dang dở và sau này trở thành mối lương duyên của cuộc đời Bạch Thược.
Ông Vũ Sơn, chồng của Bạch Thược trước học cùng trường với chị gái thứ hai của bà. Ông rất mê bà Kim Thoa. Đến khi bà Thoa quyết định lấy chồng, một bác sỹ từng công tác ở Phnom Penh thì Vũ Sơn buồn chán và thất vọng vô cùng.
Bố của Bạch Thược lại rất quý Vũ Sơn, cụ đã động viên chàng trai này tham gia kháng chiến và hứa hẹn sẽ gả cô con gái thứ tư cho ông.
Sau khi Vũ Sơn tham gia kháng chiến, lần đầu tiên trái tim của Bạch Thược rung lên những nhịp đập tha thiết với chàng bác sĩ quân y. Nhưng còn lời hẹn ước trước đây của bố, Bạch Thược cũng không thể vô tình. Bà đứng trong sự giằng co giữa tình yêu và một lời ước hẹn mang nặng nghĩa tình của bố.
Sau hàng tháng suy nghĩ, bà quyết định chia tay mối tình này. Hiểu được tâm trạng của người yêu nên người bác sĩ quân y ngày đó đã cao thượng hy sinh tình yêu của mình, chấp nhận ra đi. Ông đã viết cho bà một bức thư dài rất cảm động.
Tên của bà bắt nguồn từ một loài hoa rất lạ
Bạch Thược giữ kín lá thư đó trong nhiều năm trời, như một bảo vật thiêng liêng về một mối tình đầu tiên trong cuộc đời, cho đến tận ngày làm đám cưới, bà đã tự tay đốt nó đó thành tro…
Sau này, khi gặp lại người cũ trên đất Pháp, bà cũng thấy chạnh lòng vì cuộc sống riêng của người đó không được như ý muốn. Bà nghĩ ông không được hạnh phúc cũng là một phần lỗi do bà.
Nhưng âu cũng là số phận, Bạch Thược không ân hận về những quyết định đã qua, bà đã có cuộc sống có thể gọi là bình yên bên người chồng của mình. Bà theo học ngành dược, từng sang Bungari tu nghiệp, và sau này bôn ba theo chồng sang nhiều nước (chồng bà công tác trong ngành ngoại giao).
Và cho đến cái tuổi mà người đời thường gọi là “xưa nay hiếm”, giai nhân một thời vẫn giữ được nét đẹp bí ẩn như cái tên của một loài hoa quý - Bạch Thược.