Công chúng bị lừa đến bao giờ?

07:49 12/02/2014

(Giúp bạn)Xin mượn lời ông hoàng thời trang Karl Lagerfeld để nói về giá trị của những chương trình truyền hình thực tế: “Cái đống rác rưởi này chỉ đáng cười trong 5 phút nếu bạn đang ở cạnh ai đó. Hoặc chẳng buồn cười tí nào nếu bạn ở một mình …”

  • 1

    Đánh tráo khái niệm

    Để kiếm tiền, các nhà sản xuất sẵn sàng chi tiền “khủng” để mua những format đang hot hiện thời trên thế giới bê về Việt Nam. Và trong quá trình “sao y bản chính” đó, họ, những nhà sản xuất, phải gia cố, bơm thổi thêm giá trị cho chương trình của mình. Đơn cử chương trình Vietnam’s Next Top Model. Xuất phát từ một đất nước có nền công nghiệp thời trang hàng đầu thế giới là Mỹ, khi bê về Việt Nam, Next Top Model đã phải bơm thổi không ít, đôi khi là quá với thực tế nghề người mẫu ở ta.

    cong-chung-bi-lua-den-bao-gio-1

    Giám khảo Vietnam's Next Top Model

    Khép lại mùa phát sóng năm 2011, để tạo giá trị cho thương hiệu chương trình, nhà sản xuất đã đưa hai cô gái xuất thân từ cuộc thi này là Tuyết Lan và Hoàng Thùy sang New York để tìm kiếm cơ hội ở thị trường người mẫu thế giới. Những hình ảnh và thông tin từ phía nhà sản xuất chương trình khẳng định Tuyết Lan và Hoàng Thùy được chào đón nồng nhiệt ở New York Fashion Week với hàng loạt suất diễn. Chuyện thật mà như mơ, bởi trước Hoàng Thùy, Tuyết Lan, người ta từng bi quan nghĩ rằng người mẫu Việt còn lâu mới đủ đẳng cấp để sải bước ở những tuần lễ thời trang danh tiếng như New York Fashion Week.

    Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi công luận khui ra thư mời đi New York của Hoàng Thùy và Tuyết Lan có thêm phần ghi chú “tự túc kinh phí”. Và thực tế thì Hoàng Thùy và Tuyết Lan có tham gia biểu diễn ở New York nhưng là trong những show diễn song song và ngay sau thời điểm New York Fashion Week (hay còn gọi là Mercedes-Benz Fashion Week) diễn ra. Tất nhiên chẳng đời nào nhà sản xuất thừa nhận mình đã ngộ nhận khi đánh đồng khái niệm New York Fashion Week thành Tuần lễ thời trang diễn ra ở New York. Lời qua tiếng lại về chuyện thực hư Hoàng Thùy và Tuyết Lan có biểu diễn ở New York Fashion Week hay không cũng đủ đánh bóng cho thương hiệu của chương trình.

    Nhận rõ sự sính ngoại của đám đông công chúng, năm nay, nhà sản xuất Vietnam’s Next Top Model lại tiếp tục cho 7 cô gái đến New York để tham gia casting cho New York Fashion Week. Nguyễn Ngân, cô gái bị loại khỏi Top 6 cuộc thi là cái tên được chiếu cố cho đi New York đã giành được một suất diễn trong show của nhà thiết kế Zang Toi thuộc New York Fashion Week xịn, tức là Mercedes-Benz Fashion Week, và nhờ đó cô được quay lại cuộc thi. Giá của Vietnam’s Next Top Model lại tăng thêm một lần nữa! Nhưng liệu cái giá này có là thật? Nên nhớ phiên bản gốc của Next Top Model tại Mỹ đã qua 19 mùa vẫn chẳng tìm ra được một người mẫu sáng giá nào cho thời trang Mỹ và thế giới. Ấy thế nhưng Vietnam’s Next Top Model lại có tham vọng lớn hơn cả chính phiên bản gốc khi muốn tìm kiếm và đào tạo ra những người mẫu Việt đủ đẳng cấp và có thể làm việc được trong làng mẫu thế giới. Phải chăng là quá ngông cuồng!

    Hẳn nhiều người thắc mắc vì sao Vietnam’s Next Top Model phải “bơm thổi” cho những chân dài của mình? Đơn giản là bởi họ càng tạo giá trị ảo cho những người mẫu bước ra từ chương trình, thì giá trị thật của họ lại càng tăng, quảng cáo năm sau nhiều hơn năm trước, nhà tài trợ xô nhau chạy đến. Nhà sản xuất thì lợi đủ đường. Nhưng những cô gái xuất thân từ cuộc thi này chưa chắc đã được lợi, bởi họ bị bơm vào đầu những ảo tưởng về bản thân, nếu không tỉnh táo thì họ sẽ chết chìm trong mớ hào quang phù phiếm đó. Còn với nghề mẫu, Vietnam’s Next Top Model làm biến dạng và làm công chúng trở nên ảo tưởng về thực tế nghề người mẫu ở Việt Nam.

    Chuyện thứ hai là The Voice – Giọng hát Việt. Đang là phiên bản hot nhất nhì thế giới nên chẳng ngạc nhiên khi đến Việt Nam, The Voice tạo nên một cơn sốt chưa từng có trong lịch sử. Ngay sau vòng Giấu mặt, công chúng, người làm nghề phát cuồng vì The Voice. Hàng loạt cái tên được nhắc đến như hiện tượng ca hát như Bùi Anh Tuấn, Phạm Hương Tràm, Đinh Hương, Đồng Lan … Họ từ những tên tuổi gần như vô danh, hoặc được biết đến ở một vài phòng trà nhỏ, được thăng hạng thành ngôi sao.

    cong-chung-bi-lua-den-bao-gio-2

    Giám khảo The Voice

    Điều gì làm họ trở thành hiện tượng? Giọng hát ư? Chẳng phải! Vị trí những giọng ca đó đang có đều đến từ hiệu ứng bơm thổi mà chương trình đã dày công vạch ra. Ở vòng Giấu mặt, các phần thi được thu lại và chỉnh sửa khiến chúng trở nên hay hơn so với giọng hát thật của thí sinh. Thêm vào đó sự thành công của các phiên bản The Voice Anh, Mỹ đã khiến công chúng và cả không ít người làm nghề bị rơi vào trạng thái ảo giác khi đón nhận Giọng hát Việt. Giờ khi hết thứ “á phiến” kia, công chúng và những người làm nghề thấy nó bất quá cũng chỉ là một gameshow.

  • 2

    Ảo từ công chúng ảo đi

    Hai câu chuyện trên chỉ là điển hình cho những câu chuyện về giá trị của truyền hình thực tế (THTT). Chưa bao giờ khán giả được chiêu đãi nhiều show THTT như bây giờ. Cơ man nào là chương trình thi thố tài năng được bày ra. Và để có đường sống, những nhà sản xuất phải tìm đủ cách để “đánh tráo khái niệm”, bơm thổi sự phù phiếm mà đôi khi làm lệch lạc những thực tế nghề nghiệp ở Việt Nam. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng nhìn rõ chân tướng sự việc. Chẳng thiếu người từ ngôi sao, nhà chuyên môn cho đến công chúng sập bẫy các nhà sản xuất THTT để mạnh miệng tung hô, sau đó là bẽ bàng vỡ mộng với những giá trị mà chúng mang đến.

    Người Việt chỉ mới làm quen với khái niệm THTT dăm năm nay, so với lịch sử 30 năm của thể loại này ở các nước Âu, Mỹ thì quãng thời gian trên chẳng thấm vào đâu. Ở các nước Âu, Mỹ mỗi năm có cả trăm trò chơi truyền hình, cái thì vô bổ, cái thì vô duyên, cái thì cảm động … nhưng ai cũng biết đó là “trò chơi”. Kết quả chung cuộc thi chỉ là một event và tạo ra niềm vui thuần túy.

     

    cong-chung-bi-lua-den-bao-gio-3

    Một trường hợp đáng thương của truyền hình thực tế

    Đó là chuyện bên Tây. Ở ta, công chúng nào được vậy. Chúng ta còn quá ngây thơ, ngây thơ đến độ những người làm truyền hình mặc nhiên cho là mình thông minh hơn khán giả, thế nên hầu hết các chương trình THTT ở ta đều bê bối không có giới hạn. Mùa Vietnam’s Got Talent đầu tiên (2011), khi vụ scandal Quỳnh Anh xảy ra, chương trình đang nhạt đến mức chẳng thể nhạt hơn bỗng hóa hot. Lượng người xem tăng vọt, nhà sản xuất mờ cờ trong bụng vì trúng lớn quảng cáo. Tiếp theo là hàng loạt scandal đình đám xảy ra trong Bước Nhảy Hoàn Vũ, Cặp Đôi Hoàn Hảo, The Voice … thế nhưng cả nhà đài lẫn nhà sản xuất vẫn bai bải nói mình không cố tình tạo scandal! Công chúng than trời sao mà lắm scandal thế? Hở ra chương trình nào là bê bối chương trình đó. Nhưng “công chúng nào thì nhà sản xuất ấy”. Ai bảo công chúng cả tin và dễ dãi trong cung cách tiếp cận những giá trị giải trí?

    Có thể thấy trong những bước tập tễnh học theo thế giới làm THTT, không ít nhà sản xuất chương trình Việt đã biến các chương trình của họ thành một mớ hổ lốn lẫn lộn vàng thau. Điều đáng buồn là truyền hình lại đang tiếp tay cho những thể loại chương trình này chỉ vì những quyền lợi béo bở về vật chất, để rồi xung quanh ta tràn ngập những cuộc vui, nhưng sau đó là trống rõng. Thật đúng như lời ông hoàng thời trang Karl Lagerfeld nói: “Cái đống rác rưởi này chỉ đáng cười trong 5 phút nếu bạn đang ở cạnh ai đó. Hoặc chẳng buồn cười tí nào nếu bạn ở một mình”.

Comments