Dị nhân ngủ hàng giờ và lặn cả ngày dưới đáy biển
(Giúp bạn)Vượt trên 90 hải lý khi chiếc tàu cao tốc xuất phát từ bến cảng Rạch Giá, bồng bềnh hơn 3 giờ liền với sóng, gió và nắng của biển Tây chúng tôi đặt chân lên bến cảng Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cánh xe ôm tranh nhau hỏi khách đi đâu để đưa đường và làm hướng dẫn viên tham quan khắp nơi trên đảo.
Nghe chúng tôi hỏi về người có sở thích kỳ lạ “ngủ ngày dưới đáy biển”, nhiều người đã trả lời ngay đó là “quái kiệt” Sáu Hà. Người ta kể về ông bằng tất cả sự thán phục như 1 niềm tự hào có 1 không 2 ở vùng hải đảo này. Đơn giản, chỉ vì duy nhất ông mới có thể ngủ hàng giờ đồng hồ dưới đáy biển và lặn biển cả ngày không biết mệt, điều mà hàng vạn thợ lặn già dặn với gió biển cả đời cũng không làm được, dù chỉ 1 lần.
“Quái kiệt… khổng lồ” xứ đảo
Hoàng hôn buông dài trên mặt biển Tây chính là lúc chúng tôi xuất phát từ cảng Bãi Vòng, xã Hàm Ninh đi tìm nhà “quái kiệt” Sáu Hà. Con đường đá xuyên những tán rừng già ven bãi biển từ xã Hàm Ninh đến nhà của Sáu Hà ở Bãi Bổn gần 20 km, đường đất đỏ mưa trơn trượt rất khó đi.
Biết chúng tôi là khách phương xa mới đến với đảo ngọc, nhiều người dân địa phương đã can ngăn vì sợ đường đi khó khăn, nguy hiểm và không kịp trở về vì trời đêm xứ rừng buông xuống rất nhanh và tối mịt. “Chú đến đó chắc phải ngủ lại, vì rừng núi thâm u chạy xe vào ban đêm nguy hiểm lắm.
Ông đó thì cực kỳ hay. Nếu nói về tài chinh phục biển cả thì ở xứ đảo này chắc chưa ai qua được ngón nghề lặn của ổng”, Lê Văn Dũng, một người chạy xe ôm kiêm hướng diễn viên du lịch cho khách lẻ đến tham quan đảo Phú Quốc được mệnh danh là “thổ địa” xứ này quả quyết với chúng tôi như thế. Sau khi tìm hiểu thêm ở 1 vài người dân tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh chúng tôi quyết định băng xe gắn máy trong đêm đến nhà “ông thầy lặn”.
Ngoằn ngèo trên con đường đất đỏ uốn lượn dưới những tán rừng nguyên sinh của đảo Phú Quốc, chúng tôi đến nhà Sáu Hà cũng là lúc trời vừa tắt nắng. Nhà ông nằm bên bờ biển đối diện với đảo Hòn Ngang thuộc ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, nơi có nhiều tàu thuyền nhỏ về neo đậu sau 1 ngày đánh bắt. Bãi Bổn như 1 vịnh biển, nước trong vắt, quanh năm xào xạc rừng dừa xanh trái.
Ngồi trước hiên nhà gió biển chiều thổi mạnh từng con mát lạnh, thấy có khách lạ đến tìm, Sáu Hà niềm nở đón tiếp. Biết chúng tôi là nhà báo phương xa đến với đảo ngọc Phú Quốc, Sáu Hà tỏ ra rất nhiệt tình, cái tính cách và tình cảm của những con người xứ biển là như thế. Thế nhưng chính cái sự thật tình của ông làm chúng tôi hơi … bị bất ngờ. Thế nhưng chúng tôi vẫn còn hy vọng “đào xới” chất “dị nhân” trong con người ông.
Ông bảo những gì người ta biết về ông bây giờ đều cũ rích, cả về số đo vòng bụng trên 2 mét cũng đã thay đổi. Tôi nghĩ muốn “đãi” thêm chuyện phải cùng ông trải lòng trong rượu ấm và có lẽ phải bắt đầu bằng cách gợi lại chuyện xưa.
Mới chạm cốc có mấy lần, Sáu Hà đã huyên thuyên khoe: “Tui nói chú nghe, thời trai trẻ tui đẹp trai và đào hoa lắm, nhiều người thương yêu chiều chuộng. Có cô còn cơm cháo vun vén như thể mình là sở hữu riêng của cổ. Tình cảm ấy cứ đẩy đưa bước chân, càng được thương thì càng phải bày tỏ rõ ràng bằng hiện vật nơi đáy biển khơi” – dừng một lúc rồi ông kể tiếp – “Tên tôi là Nguyễn Văn Hà (48 tuổi), thứ sáu - con trai út trong 1 gia đình 5 anh chị em. Thay vì gọi tôi là Út Hà thì hàng xóm ở đây quen gọi tôi là Sáu Hà. Hết thảy 5 anh chị em đều theo nghề lặn biển, đánh lưới cào. Ngày trước, gia đình cha mẹ tôi nghèo lắm nên năm lên 10 tuổi tôi đã “làm bạn” cùng biển cả.
Kể từ đó tôi trở thành người thợ lặn thực thụ dù chỉ là 1 cậu bé lên 10 và sống với nghề, với biển cho đến bây giờ. Căn nhà này tôi xây tốn 300 triệu đồng. Hôm cưới vợ cho thằng con trai, tôi bỏ thêm 200 triệu đồng nâng cấp rộng ra, xây thêm phòng ngủ cho mấy đứa con có chỗ sinh hoạt thoải mái. Vật dụng trong nhà mua sắm cũng khá đầy đủ… Toàn bộ tiền nong chi xuất cho những công việc này đều được biển “ban tặng” từ nghề làm thợ lặn biển đánh bắt hải sản của tôi đấy”..
Sáu Hà rất vui vẻ, cởi mở và trò chuyện rất thân tình. Người có nước da rám nắng, nét sạm đặc trưng của dân lặn biển. Lúc nào Sáu Hà cũng cởi trần, trong người mặc duy nhất cái quần cụt, phe phẩy trước gió, ngồi bệ vệ rồi lúc nào cũng nói cười chẳng khác… ông Địa.
Sáu Hà cho biết, mấy chục năm qua gắn bó với đáy biển mát lạnh riết cũng quen da thịt nên lên bờ mặc quần áo thấy nóng nực khó chịu lắm. Vì vậy, dù ngày hay đêm ông cũng mặc độc nhất chiếc quần cụt. Những ngày nắng nóng, 1 mình ông ngồi giữa, 4 hướng 4 cây quạt máy thổi gió tới tấp thì ông mới ngủ được. Kể đến đây, Sáu Hà bỗng phá lên cười vì cái thân hình và tính cách kỳ dị không giống ai của mình. Có lẽ chính vì vậy, cộng với tài lặn biển có 1 không 2 trên xứ đảo nên mọi người gọi ông là “quái kiệt” khổng lồ.
Chúng tôi thắc mắc vì sao ông có thân hình to khỏe trông rất khác người thế? Sáu Hà cười thật tươi rồi bảo: “Ai biết. Cha mẹ sinh ra cũng lớn như người bình thường. Chẳng hiểu sau kể từ ngày lấy vợ về tướng tá cứ phát lên, rồi mập không cản nổi. Lúc cao điểm tôi đi cân mới giật mình, nặng trên 140 kg. Sợ mình bị béo phì hay mắc bệnh gì đó, nên mỗi tháng cứ vào đất liền tìm cân để cân mình, thử đi thử lại. Ở Phú Quốc này đâu có cây cân đồng hồ nào vượt ngưỡng 130 kg, nên mỗi lần muốn cân, tôi phải đánh tàu cao tốc vô đất liền không đó chứ.
Người thì bảo tôi chơi sang, tháng nào cũng vào đất liền “du hí”. Người lạ không biết nhìn thấy thân hình “khổng lồ” của tôi thì bảo tôi bị bệnh nhưng có bệnh hoạn gì đâu, 30 năm nay vẫn to như vậy mà”.
Ngủ gật hàng giờ dưới đáy đại dương
Nói về nghề biển thì ông Hà rành đến “sáu câu vọng cổ”. Hầu như suốt hơn 30 năm qua, không ghềnh đá, hang cùng nào dưới đáy đại dương quanh hòn đảo ngọc Phú Quốc này ông không đặt chân tới.
Bởi nghề lặn bắt hải sản biển với ông đã theo nghiệp cha truyền con nối. Sau khi được người thân huấn luyện thạo nghề lặn từ thuở lên mười, ông bị gián đoạn 1 năm khi khoát lên mình chiếc áo màu xanh quân đội.
“Tôi đi bộ đội được 1một năm thì xuất ngũ. Sau đó cũng vừa lặn vừa làm việc cho 1 cảng tàu. Làm việc không bao lâu thì tôi quay trở lại với biển, cũng bằng nghề thợ lặn. Ở làng chài Bãi Bổn này, chỉ 1 số ít ngư dân sống bằng nghề đánh lưới tôm mực, phần lớn đều lấy nghề lặn biển làm kế sinh nhai, vì nghề này trước đây cho thu nhập sống khỏe”, Sáu Hà tâm sự.
Theo Sáu Hà cho biết, Phú Quốc bây giờ cá, mực bắt được đã giảm khoảng 70% so với 10 năm về trước. Trước đây mỗi ngày lặn biển ông có thể bắt được cả trăm ký ốc nhảy, vài ký cá ngựa và cả trăm con hải sâm.
Sau khi trừ chi phí Sáu Hà kiếm được trên 500 -1 triệu đồng/ngày. Nhờ vậy mà một mình ông gánh vác nuôi một nách 7 miệng ăn trong nhà rồi còn dư giả, cất được nhà đẹp khang trang.
Không chỉ nổi tiếng là “người khổng lồ” xứ đảo, Sáu Hà còn được nhiều bạn lặn và ngư phủ quanh vùng kính nể về tài lặn bắt được nhiều tôm cá hơn người khác. Đặc biệt, ở ông còn có một biệt tài quái dị khác mà nhiều thế hệ thợ lặn không làm được, đó là nằm ngủ dưới đáy đại dương.
Khi được chúng tôi hỏi đến bí quyết của cách ngủ ngày điệu nghệ này, Sáu Hà cười sảng, bình thản nói:“Có gì đâu. Cứ làm mệt thì nằm ngủ, miễn sao giữ được ống thở trong miệng và nếu không bị đói bụng thì ngủ bao lâu chẳng được”. Tuy nói thì nghe dễ dàng như thế chứ không phải ai làm cũng được, nguy hiểm lắm.
Không khéo đang lúc mệt mỏi rã rời mà ở tận dưới đáy biển hàng chục mét, người không có “kỹ thuật” ngủ dưới nước khó giữ được ống hơi thì ngoi lên không kịp và chết là cái chắc. Theo Sáu Hà, thật ra chuyện ông ngủ hàng giờ dưới đáy biển không phải là bẩm sinh mà do ông tình cờ phát hiện chính mình.
Ông Hà kể, 1 lần rượt bắt hải sản dưới đáy biển vô cùng hào hứng. Cứ mãi mê rượt đuổi quần thảo hàng giờ dưới biển nên ông thấm mệt rồi ngủ luôn dưới biển lúc nào không hay biết. Đến xế chiều, những bạn nghề của ông sau giờ lặn đã lên thuyền chuẩn bị vào bờ nhưng chờ mãi cũng không thấy Sáu Hà ngoi lên.
Nóng ruột nhưng đành bỏ bạn lại giữa biển khơi, mọi người đến bên ghe của Sáu Hà giật giật ống hơi. Lúc này Sáu Hà mới bị đánh thức, ông giật mình và cũng hết sức ngạc nhiên vì mình có thể ngủ được dưới nước 1 cách bình thường.
Sáu Hà nói, 17 tuổi ông đã lặn được ở vùng biển có độ sâu đến 8 sải tay, tương đương gần 20 mét nước. Tuy thân hình to mập vậy chứ đừng xuống nước là Sáu Hà lanh lẹ lạ thường. Dưới đáy biển ông chạy còn nhanh hơn nhiều anh em đồng nghiệp khác, rượt cá ào ào. Vì vậy nhiều người còn gọi ông là “thuồng luồng biển”.
Theo Sáu Hà, làm nghề lặn biển thì gặp gì “lượm” nấy. Các loại mực, ghẹ, tôm chì, hải sâm, ốc nhảy, hà bao, bào ngư, hải mã, trùng biển… là gặp thường xuyên. Hiếm khi gặp được cá cúi (bò biển). Ai bắt được nó là làm giàu, vì giá thịt của nó rất đắt, nhất là “của quý của cá đực” và cặp răng nanh của nó bán giá cả lượng vàng. “Có lần tôi gặp dấu bò biển ủi đất bung lên ở gần mấy rặng san hô nhưng dò tìm mãi không ra. Chạy tìm dấu chân nó mệt đuối sức nên tôi ngã người xuống đáy biển nằm ngủ luôn 1 giấc.
Mấy anh em theo tàu ngồi canh ống thở tưởng tôi bị chết chìm ở dưới nên hoảng hốt, túa đi tìm. Khi đến gần họ đụng vào người tôi đang nằm bất động như con “thuồng luồng biển” tụi nó hết hồn. Khi tôi bật dậy thì mấy thằng bạn mới biết tôi còn sống.
Đó là lần thứ 2 tôi ngủ hàng giờ dưới đáy biển. Nói thật, hôm đó do nhậu hơi nhiều. Xuống biển quần thảo, rượt đuổi bắt cá một lúc thì thấm mệt và buồn ngủ không cưỡng được. Chỉ định ngồi nghỉ một chút nhưng ngủ gục lúc nào không hay. Đến khi vuột ống thở bị ngộp, tôi mới giật mình thức dậy rồi nổi lên. Từ đó bạn lặn gần xa mới phát hiện “cái tật” ngủ ngày dưới đáy biển của tôi”, Sáu Hà thật thà kể.
Nhiều bạn lặn ở làng chày Bãi Bổn đã quá quen với khả năng kỳ lạ và hết thức độc đáo của Sáu Hà nên họ nói hễ nhìn xuống chỗ ống hơi thấy bọt biển di chuyển là biết Sáu Hà đang săn bắt. Còn khi thấy bọt hơi chỉ nổi ở 1 chỗ thật lâu thì biết chắc ảnh đang… ngủ. Có lần anh ấy ngủ lâu tới mấy tiếng đồng hồ, đồng nghiệp giật dây, làm cách nào cũng không chịu thức.
Thấy trời xế chiều, anh em bịt ống hơi, Sáu Hà bị ngộp mới chịu thức và ngoi lên mặt nước. “Nói thiệt nghen, ở đảo và tất cả những người lặn biển trên cả nước chắc chỉ có Sáu Hà mới dám ngủ và ngủ được hàng giờ dưới đáy biển thôi.
Anh em đi biển ở đây có đến hàng ngàn người nhưng không ai làm được chuyện đó, mà cũng không ai dám thử. Lúc đầu, khi nghe chuyện Sáu Hà ngủ dưới biển ai cũng nghĩ là... chuyện tiếu lâm, bởi chẳng ai dại đến mức chui xuống biển mà ngủ.
Nhưng rồi sau đó, thỉnh thoảng người ta lại thấy ông “đứng hình” dưới đáy biển, bạn lặn phải đánh thức ông dậy. Có người cắc cớ thấy ông ngủ đã đến gần “cúp” ống hơi, không thở được ông lại choàng tỉnh. Lâu dần, khi xuống biển ai cũng lo kiếm “đồ” để bán, chẳng còn quan tâm nhiều chuyện bạn lặn “liều” như thế. Nhiều lúc Sáu Hà phải mất hồn khi đang ngủ trong vô thức đã nhả luôn ống hơi khỏi miệng.
Bị vuột ra, chiếc ống không đứng một chỗ mà “nhảy” khắp nơi, làm ông rất khó khăn bắt lại. Có những lần không bắt kịp ống hơi, ông được 1 phen uống đầy … nước biển”, bạn biển Dương Văn Hùng ở Hàm Ninh nói. Còn Sáu Hà thì cười khanh khách khi nhắc đến chuyện ngủ ngày dưới nước.
Ông “chia sẻ” cảm giác ngủ dưới đáy biển 1 cách ngắn gọn và súc tích: “Rất dễ chịu, mát hơn ngủ phòng có máy điều hòa và không sợ ai quấy rầy”. Tuy nhiên, trong các thợ lặn ở biển Tây, có lẽ duy nhất ông có cái “cảm giác” khác thường như thế.
Dẫu biết Sáu Hà có khả năng đặc biệt và đã là 1 “kình ngư” già dặn kinh nghiệm dưới đáy biển sâu nhưng khi biết ông có thói quen kỳ khôi như thế, người nhà cũng không khỏi lo lắng. Đến khi ông bị chứng cao huyết áp dày vò, vợ và các con ngăn không cho ông đi biển nữa.
Nhưng không đi biển thì lại buồn, lại “nóng nực chịu không nổi”, lại thêm bạn nhậu rủ rê, thế là ông lại có cớ nói với bà nhà xuống biển vừa tránh sa vào chè chén, lại kiếm được tiền. Lý do quá hợp lý, để vợ ông không cách nào ngăn ông trở lại với biển.
Lặn cả ngày dưới nước cũng không biết mệt
Trong hơi men nồng cay của rượu, Sáu Hà trải lòng về với ký ức tuổi thơ.
Có lẽ tuổi thơ mới là kỷ niệm làm Sáu Hà khó quên. Chỉ tay vào bàn thờ nghi ngút hương khói, Sáu Hà nói lúc nào ông cũng nhớ công sinh thành của cha mẹ đã chỉ dạy cho ông nghề đi biển. Trong hoàn cảnh thắt ngặt, chính cha Sáu Hà đã phát hiện ra con có biệt tài “nín thở” dưới nước.
Số là, vào những năm chiến tranh, gia đình Sáu Hà và bà con ở Bãi Bổn bị giặc ruồng bố trong 1 đợt truy tìm cán bộ cách mạng. Khi đoàn người chạy giặc đến bên con suối trên núi cao thì cậu bé Sáu Hà khóc thét lên. Để cứu người và đánh lạc hướng kẻ thù, cha Sáu Hà đã trấn đầu con mình xuống suối thật lâu. Khi bà con đã chạy khuất sau rặng cây thì người cha mới dám kéo đầu con lên khỏi mặt nước. Những tưởng con mình đã ngất lịm vì no nước nhưng thằng bé chẳng những không hề hấn gì, mà còn thét lên: “Má ơi, cứu con”.
Người cha lại quặn lòng tiếp tục trấn con xuống nước. Tiếng gọi thảm thiết của con đã khiến người mẹ không thể dứt ruột bế con người khác mà chạy giặc tiếp tục. Khi người mẹ quay lại vẫn nghe con ngọng nghịu “Má ơi! má ơi” mà ràn rụa nước mắt. Mẹ con ôm nhau ngay trước họng súng của giặc khi đoàn người đã lẫn vào rừng sâu an toàn.
Sau thời gian bị giặc tra khảo nhưng không khai thác được gì, cha Sáu Hà được thả. Từ bận ấy, mỗi lần đi biển Sáu Hà đều được cha chở theo. Sáu Hà được cha cho đu mái chèo tập bơi và hướng dẫn cách trương bụng nín thở dưỡng hơi. Cho đến khi cha Sáu Hà qua đời, câu chuyện trấn nước con từ lúc mới bập bẹ biết nói để cứu nguy cho đoàn người chạy trốn vẫn chưa ai biết.
Có lẽ cha Sáu Hà sợ con biết rồi tủi thân và trách cứ cha mẹ mình trong thời loạn lạc. Nhưng nay ngồi nhớ lại, Sáu Hà lại nhớ thương cha mẹ da diết. Uống ly rượu lễ với cha, Sáu Hà chùng giọng: “Cha tôi 1 đời bươn chải vì con, đến lúc sắp chết vẫn còn khổ”.
Với Sáu Hà thì cha là người mà ông luôn tôn thờ, người đã cho ông 1 thời tuổi thơ dữ dội trong nghèo khó nhưng nhờ nó mà ông biết sống đẹp, sống có nghĩa. 1 thời tuổi thơ mà ông chỉ được học đến hết lớp 2 để rồi lao mình xuống biển kiếm cơm. Sáu Hà nhíu mày nhìn biển rồi bất ngờ hỏi: “Chú có muốn lặn biển không, tui cũng đang nhớ biển đây”. Nói rồi ông đưa tôi đi thăm xóm bãi, nơi có hàng trăm thanh niên trai tráng cùng ông sống bám đáy biển mưu sinh.
Ông bảo đã giải nghệ nghề lặn biển mấy năm nay, nhưng vẫn thèm được ra khơi xa, nơi cách bờ hàng trăm hải lý ở Thổ Châu, Hòn Rái, Hòn Sơn, hay vùng lãnh hải xa. Nơi đó 1 thời ông đã cùng bạn lặn rong ruổi hàng giờ tìm bắt hải sâm, đi vào rừng san hô ngũ sắc mà theo ông thì trên rừng Phú Quốc tiên bồng thế nào thì dưới đáy biển cũng bồng tiên thế đó.
Ông bảo ngủ trên giường gần vợ thường không mơ mộng như khi ngủ trên cát, trên rong biển, hay lúc lim dim bị hàng ngàn con cá vây quanh. Có lúc ông còn được đối diện với mấy loài cá đuối to như thùng phuy, quạt nước vào người mát lạnh. Nhưng có một giấc mơ ông không sao quên được.
Trong giấc mơ ấy ông thấy mình và các bạn lặn ở Hàm Ninh, Hòn Thơm không còn mặc quần áo vải tả tơi lạnh giá, mà được trang bị bộ đồ lặn như người nhái làm hướng dẫn viên du lịch đưa du khách khám phá lòng biển Tây.
Đang thả hồn vào câu chuyện, Sáu Hà bỗng tặc lưỡi thở dài: “Thủy cung” ở Phú Quốc không còn như trước nữa. Người ta đánh bắt, khai thác cày xới lòng biển bằng nhiều phương tiện, tận diệt sản vật của biển.
Những rặng san hô bị cào bằng tan tác, có nơi bị ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sự sống của muôn loài. Giấc mơ nhẹ nhàng đi qua nhưng lòng tôi cứ day dứt mãi...”.
“Sao cứ mãi theo nghề lặn biển, 1 công việc cực nhọc và cũng khá nguy hiểm?”, chúng tôi thắc mắc. Sau một thoáng trầm tư, mắt nhìn ra biển, Sáu Hà bộc bạch “Bao đời gắn với biển, mới đẻ ra đã thấy biển, cả tuổi thơ gắn với biển rồi lớn lên, cưới vợ, sinh con đẻ cái, mưu sinh… cũng nhờ biển. Nhưng mà lặn biển còn có nhiều điều hay lắm...
Xuống đáy biển ta như lạc vào một thế giới kỳ ảo, tuyệt đẹp, không chỗ nào giống chỗ nào, có vùng nước sâu, vùng cạn, nắng nhiều, nắng ít, nơi có nhiều rong hay nhiều sạn sỏi đều cho những những màu nước khác nhau. Bởi vậy không lặn là tôi nhớ biển đến nao lòng”.
Nhiều người quả quyết, Sáu Hà có thể lặn dưới biển cả ngày mà chỉ lên mặt nước 1 đến 2 lần để ăn cơm vào buổi trưa và thu dọn đồ để vào bờ. Đó là một khả năng đặc biệt của 1 “quái ngư” trên đảo ngọc Phú Quốc.
“Tui ở nhà hoài bứt rứt lắm chú. Mà đã xuống biển rồi là không muốn lên bờ. Bởi vậy, tôi quý từng phút từng giờ được đắm mình trong lòng biển cả bao la nên cứ lặn liên tục dưới đảy biển cả ngày không biết mệt. Nhà không có ghe tui cũng quá giang ghe khác đi biển hà”, ông thổ lộ.
Nhìn chiếc ghe mới, Sáu Hà háo hức như đứa trẻ vừa được cho quà. Hôm chúng tôi đến, ông nói vậy là mình sẽ được trở lại đáy biển. Lần này, ông sẽ lặn cả ban đêm, là lúc nhiều sinh vật biển ra khỏi nơi ẩn nấp để lại được nhìn được đi thăm, khám phá khắp nơi dưới đáy đại dương bao la này. Chiều xuống nhanh.
Mặt trời dát vàng mặt biển. Sáu Hà đẩy xuồng cùng chúng tôi ra khơi, rồi nhảy ùm xuống biển như 1 cậu bé lần đầu được đùa nghịch với biển sâu. Tôi bấm giờ và đếm 1, 2, 3, đến trên 60 giây ông mới trồi lên mặt nước. Tay nắm con sao biển đưa cho con gái, miệng phì cười giục tôi: “Xuống nhanh đi, biển trông đẹp lắm”. Lời gọi mời từ người đàn ông yêu biển nghe thật hồn nhiên, hấp dẫn hơn cả lời chào mời của các hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp mà tôi thường gặp.
Đắm mình trong dòng nước biển xanh rì mát lạnh, chúng tôi cùng Sáu Hà thả hồn vào đại dương, ngắm nhìn thiên nhiên, non nước hữu tình ở một góc trời Tây.