Hé mở bí ẩn về xá lị của các vị cao tăng
(Giúp bạn)Lẫn trong phần tro sau khi hỏa táng thi thể các bậc cao tăng vừa viên tịch là những hạt tinh thể với đủ màu sắc, kích thước. Việc đi tìm lời giải cho những hạt vật chất kỳ bí trên vẫn đang là câu hỏi lớn của thế giới khoa học hiện đại.
- 1
Kết tinh "hồn thiêng" đức Phật?
Theo những tài liệu được chép trong lịch sử Phật giáo, hạt xá lị được cho là kết tinh hồn thiêng của đức Phật Thích Ca và đã xuất hiện từ thời xa xưa. Những hạt xá lị (hay xá lợi) đầu tiên được phát hiện trong đống tro tàn khi hỏa táng di thể của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Theo đó, sau khi vị Phật tổ viên tịch, các tín đồ của người đã đem di thể của Đức Phật đi hỏa táng. Khi ngọn lửa lụi tàn, người ta vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy trong phần tro tàn còn lại phát ra những ánh sáng lung linh huyền ảo.
Đến gần, quan sát, các đệ tử phát hiện những ánh sáng huyền diệu trên được phát ra từ những hạt tinh thể trong suốt. Chúng có hình dạng và kích thước khác nhau. Các ghi chép còn lại cũng khẳng định, trải qua nhiều cuộc khảo nghiệm, các nhà khoa học khẳng định, số hạt vật chất trên có độ cứng vô cùng lớn. Đặc biệt, các hạt này lại phát ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. Các tài liệu trên cũng ghi rõ, các tín đồ đạo Phật đã đếm được tất cả 84.000 viên và đặt tên là xá lị. Đây được coi là một bảo vật đặc biệt quý giá của Phật giáo.
Về sau, những phát hiện về các hạt xá lị ngày càng nhiều hơn. Lịch sử Phật giáo cũng như nghiên cứu của các nhà khoa học đã ghi lại khá nhiều trường hợp các vị cao tăng sau khi viên tịch, hỏa thiêu đã để lại xá lị. Theo đó, tháng 12/1990, Hoằng Huyền Pháp sư, một cao tăng đắc đạo ở Singapore viên tịch cũng được các đệ tử đem di thể đi hỏa thiêu. Trong phần tro còn lại, người ta đếm được 480 hạt cứng. Hạt to nhất bằng hạt đỗ tương, hạt nhỏ cỡ bằng hạt gạo. Chúng gần như trong suốt và tỏa sáng lấp lánh như những hạt kim cương. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu đã xác định đó chính là các hạt xá lị.
Tháng 3/1991, phó hội trưởng Hội Phật giáo Ngũ Đài Sơn - ủy viên thường vụ Hội Phật giáo Trung Quốc cũng viên tịch. Thể theo di nguyện của ngài, các đệ tử quyết định đem ngài đi hỏa táng. Sau đó, họ cũng tìm thấy lẫn trong phần tro còn lại của vị hòa thượng này là hơn 11.000 hạt xá lị. Đây được coi là kỷ lục thế giới về những trường hợp tìm thấy hạt xá lị sau khi hỏa táng các nhà sư. Sau đó không lâu, Pháp sư Khoan Năng, chủ trì Tây Sơn Tẩy Thạch Am ở huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sau khi viên tịch và được hỏa thiêu cũng để lại 3 viên xá lị có đường kính lên đến tới 3 - 4cm, tựa như những viên ngọc lục bảo.
Sau những quá trình thu thập thông tin và nghiên cứu về xá lị Phật, các nhà khoa học kết luận rằng, ngoài những hạt vật chất chưa xác định được thành phần có tên là xá lị, các bậc cao tăng đắc đạo sau khi viên tịch có thể để lại những hạt xá lị là một trong những bộ phận cơ thể của mình. Minh chứng cho nhận định trên là trái tim còn nguyên vẹn trong di thể của Pháp sư Viên Chiếu, 93 tuổi, trụ trì chùa Pháp Hoa (núi Quan Âm, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) sau khi hỏa táng. Trước đó, trong một buổi giảng kinh, ngài đã nói với các đệ tử rằng: "Ta sẽ để lại trái tim cho chúng sinh".
Sau khi thiêu Pháp sư Viên Chiếu, trong đống tro nguội, các đệ tử thu được 100 viên xá lị. Những bông xá lị hoa trông rất đẹp, lóng lánh như những bông hoa tuyết. Chung quanh còn được dính những hạt xá lị nhỏ cỡ hạt gạo, sắc đỏ, vàng, lam, nâu... Kỳ diệu hơn là trái tim của bà không hề bị thiêu cháy. Sau khi ngọn lửa tắt, trái tim vẫn còn mềm, nóng, sau đó nguội dần và cứng lại, biến thành một viên xá lị lớn, màu nâu thẫm. Khoảng 100 đệ tử có mặt trong lễ hỏa táng đã tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó. Sau đó, các hạt xá lị đã được giao lại cho hội Phật giáo tỉnh Thiểm Tây.
- 2
Đi tìm bí mật của những viên xá lị
Xá lị đã được hình thành như thế nào, thành phần của nó ra sao vẫn không có câu trả lời thích đáng. Người ta vẫn không thể xác định nó là kim loại hay phi kim... Nhiều người đặt câu hỏi, xá lị chỉ là tro cốt còn lại của người tu hành sau khi hỏa táng, vậy sao đốt nó hoài cũng không cháy, thậm chí vẫn sáng lấp lánh màu sắc. Tuy nhiên, đó vẫn là điều bí ẩn.
Những tài liệu xưa cho biết, con người sẽ không tin và chấp nhận sự tồn tại của những hạt xá lị huyền bí nếu như W.C Peppé, một nhà khảo cổ học người Pháp không tìm thấy những viên xá lị được đựng trong một chiếc hộp bằng đá khi tiến hành khảo cổ tại vùng Piprava, phía Nam Nepal vào năm 1997. Sau công tác khảo cứu, W.C Peppé khẳng định: "Trên hộp có khắc những văn tự Brahmi. Theo bản dịch dựa trên Phật quang từ điển, những văn tự có nội dung như sau: "Đây là xá lị của Đức Phật. Phần xá lị này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi phụng thờ".
Phát hiện trên đã buộc khoa học hiện đại phải tin những gì được ghi lại trong Kinh Trường A Hàm và rải rác ở những sách kinh điển của Phật khác về việc phân chia xá lị Phật thành 8 phần cho 8 quốc gia cổ đại khi Phật nhập Niết bàn là có thật. Cũng theo ghi chép của W.C Peppé, sau khi mở hộp, các hạt xá lị được cho là của đức Phật vẫn nguyên hình, nguyên sắc như mô tả trong lịch sử Phật giáo dù đã cách nay hơn 2.500 năm”.
Các nhà xã hội học cho rằng, do thói quen ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ, rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate. Những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành xá lị.
Tuy nhiên, giả thuyết này nhanh chóng bị gạt bỏ. Bởi nó không thể giải thích được việc có rất nhiều người ăn chay trên thế giới mà sau khi chết, hỏa táng không để lại xá lị. Các tín đồ bình thường của nhà Phật cũng không có xá lị sau khi viên tịch. Theo đó, các nhà y học nhận định, có thể xá lị là một hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật... Tuy nhiên, phán đoán này cũng đi vào ngõ cụt khi trong phần tro của những người mắc các chứng bệnh kể trên không hề phát hiện thấy có xá lị.
Trả lời những thắc mắc xung quanh nguồn gốc của xá lị, Phật giáo cũng đưa ra những quan điểm riêng. Theo đó, có quan điểm cho rằng, không phải bất kỳ nhà tu hành nào sau khi viên tịch cũng để lại những hạt xá lị. Mà những hạt vật chất kỳ bí này chỉ xuất hiện khi hỏa táng những bậc cao tăng đã trải qua những quá trình tu hành và khổ luyện. Một quan điểm khác lại giải thích rằng: Xá lị là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức. Nó là kết quả, là biểu tượng thiêng liêng, nhiệm màu của những bậc cao tăng có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện.
Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là giả thuyết. Việc nghiên cứu và khám phá những bí ẩn đằng sau những hạt vật chất không rõ thành phần, không bị bào mòn, biến dạng, mất màu, sáng lung linh huyền ảo vẫn là sự khát khao của thế giới khoa học hiện đại.
Tại Việt Nam, người ta cũng từng ghi nhận một trường hợp để lại xá lị sau khi thiêu. Đó là trái tim bất diệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Được biết, sau khi tự thiêu, trái tim của vị hòa thượng này vẫn còn nguyên vẹn. Về sau, những hạt này được đặt trên một cốc rượu lễ bằng thủy tinh tại chùa Xá Lợi. Giới Phật tử coi đây là một điều thiêng, một biểu tượng của lòng trắc ẩn và suy tôn ông thành một vị Bồ Tát.