Hủ tục man rợ ở miền núi Quảng Ngãi (kỳ 2)

00:27 12/02/2014

(Giúp bạn)Sau 9 năm trốn trong rừng, dân làng phải huy động những thanh niên khỏe mạnh mới thu phục được 'người rừng' Đinh Tà Với, trả về gia đình.

  • 1
    Bị dân làng truy sát vào rừng sâu
     
    Sau 9 năm trốn trong rừng, dân làng huy động những thanh niên khỏe mạnh mới “bắt” được “người rừng” đưa về với gia đình. Vụ việc thêm một lần nữa cho thấy nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc đang là vấn đề rất đáng lo ngại.
     
    Bà Đinh Thị Rỗi (48 tuổi) và ông Đinh Tà Với (53 tuổi, trú thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà) lấy nhau và sinh được 3 người con gái. Lần lượt 3 người con gái đều lấy chồng và ra sống riêng. Nhờ khỏe mạnh và sự siêng năng của ông Với và các chàng rể, nương rẫy của gia đình càng thêm tươi tốt, cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Thế nhưng, vì nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” của đồng bào dân tộc ít người ở đây mà gia đình ông rơi vào bi kịch.
     
    hu-tuc-man-ro-o-mien-nui-quang-ngai-ky-2-1
    “Người rừng” Đinh Tà Với trở lại cuộc sống thường ngày của một người dân bình thường.
     
    Một lần, ông Với phát hiện con trâu của mình nằm chết trên vũng máu với những cây cọc nhọn hoắt của cái bẫy thú rừng đâm xuyên khắp mình. Chủ nhân cái bẫy trên là của một người dân tộc H’re sống trong làng. Qua sự việc này, không ít người trong làng xầm xì cho rằng chủ nhân cái bẫy giết con trâu đang có “đồ độc”, và tìm cách hại ông Với. 
     
    Cũng từ đó, mỗi lần gặp “chủ nhân của cái bẫy” là ông Với hoảng sợ bỏ chạy. Ông sợ đến mức phải bỏ nhà đi biệt tăm. Phải đến 5 tháng sau, ông Với được người chị ruột tìm thấy và dẫn về nhà, nhưng ông luôn sống trong lo sợ bị “chủ nhân của cái bẫy” giết hại.
     
    Năm 1999, trong lễ khánh thành về nhà mới, gia đình ông Với tổ chức tiệc khá linh đình. Cũng trong tiệc này, ông Với gặp “chủ nhân của cái bẫy” nên rất sợ, tinh thần tỏ ra hoảng loạn. Vài hôm sau, vào đêm khuya, khi mọi người trong làng đã yên giấc thì ông Với lặng lẽ bỏ nhà đi biệt tăm vì sợ “chủ nhân của cái bẫy” giết hại. 
     
    Cả trăm người dân ở làng Tà Cơm tỏa nhau đi tìm ông Với ròng rã gần 6 tháng trời, nhưng tất cả đều vô vọng. Cả làng xem như ông Đinh Tà Với "đã bị núi rừng bắt đi”. Lễ cúng Brai (kêu gọi rừng núi trả ông về) gồm nhiều lễ vật đã được già làng Đinh Văn Đâm cầu khẩn suốt mấy ngày liền, nhưng rồi núi rừng vẫn không “thả”...
  • 2
    Vây bắt “người rừng”
     
    Những năm 2006-2008, nhiều người ở các xã Sơn Thủy, Sơn Kỳ và Sơn Hải của huyện Sơn Hà đi vào khu rừng phía sau đỉnh núi Tà Cơm, phát hiện một “người rừng” râu tóc dài lõa xõa, không một mảnh vải che thân. Bị phát hiện, “người rừng” dùng dao rựa tấn công điên cuồng nên từ đó không ai dám tới khu rừng này.
     
    Sự việc đã được người dân báo lên chính quyền địa phương và không ít lần chính quyền cắt cử người đi bắt “người rừng” nhưng không được. Dân làng đã tổ chức họp và lên kế hoạch tỉ mỉ bắt “người rừng”. Sáng 4.8.2008, một nhóm 5 thanh niên khỏe mạnh nhất trong làng được chọn ra, nhận nhiệm vụ lên đường bắt “người rừng”. 
     
    hu-tuc-man-ro-o-mien-nui-quang-ngai-ky-2-2
    Chị Đinh Thị Nguyên - mẹ của hai đứa trẻ bị đau ốm chết khẳng định  - không hề có chuyện bà Thương bỏ “đồ độc” làm cho chết như dư luận đồn thổi.
     
    Gần một ngày truy tìm trong rừng, nhóm thanh niên phát hiện luồng khói bốc ra từ một hang núi nên bí mật áp sát và phát hiện đó là nơi “người rừng” sống. Bị lộ, “người rừng” không thể tấn công 5 thanh niên khỏe mạnh nên bỏ chạy. Cuộc rượt đuổi băng qua nhiều ngọn núi, con suối và đến khi mặt trời khuất về cuối dãy núi thì “người rừng” bị bắt. 

    Nhìn kỹ “người rừng”, nhóm thanh niên nhận ra đó là ông Đinh Tà Với, người mất tích 9 năm qua. “Người rừng” bị trói chân, tay và khiêng xuống núi.
     
    Về nhà, nhưng ông Với cứ gầm rú như con thú, không nói được, không ăn uống, mặc quần áo vào là ông xé toạc Trước tình hình đó, chính quyền địa phương phải dùng ô-tô của Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà đưa ông Với xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi điều trị. Nhờ sự chăm sóc tận tình của y, bác sĩ và người thân, ông Đinh Tà Với đã bắt đầu phục hồi các bản năng tự nhiên của con người.
     
    Tìm đến nhà ông Đinh Tà Với, vợ chồng ông đều lên núi làm rẫy, chăn trâu từ sáng sớm nên chúng tôi phải đợi đến tối mới gặp được. 3 người con gái đều có chồng, ở riêng nên giờ chỉ còn vợ chồng ông sống với nhau. Bà Đinh Thị Rỗi kể lại: “Sau khi bắt ông Với từ trên rừng về, tôi và các con phải chỉ dẫn, tập ông nhớ lại từng tiếng H’re, tập cách vệ sinh, sinh hoạt gia đình... 
     
    Tuy trở lại như người bình thường, nhưng ông Với vẫn nhớ rừng núi. Vợ chồng tôi làm một cái nhà trên núi Tà Cơm để hằng ngày ông lên đó làm rẫy, nuôi trâu, có đêm ngủ lại đuổi thú rừng đến phá cây”. Bà Rỗi cho biết, ngày bắt ông trên núi về, gia đình đưa đến nhà cúng nhờ thần linh bảo vệ, không để “ma rừng” lại bắt ông. Trên hai cánh tay ông Với đều đeo vòng dây của thầy cúng để đi đâu cũng biết đường về lại nhà.
     
    hu-tuc-man-ro-o-mien-nui-quang-ngai-ky-2-3
    Bị dân làng nghi kỵ có “đồ độc” nên một số người dân phải đóng cửa bỏ nhà chạy lánh nạn.
     
    Nhiều người dân ở thôn Tà Cơm cho biết, từ khi không còn làm “người rừng”, ông Với rất hiền lành, siêng năng làm việc, giúp bà con trong làng, còn chuyện vui chơi, ăn nhậu, ông không thích và lảng tránh mỗi khi trong làng tổ chức lễ. 
     
    Bây giờ, bà con trong làng bảo nhau không nhắc và nói về vấn đề “cầm đồ thuốc độc” trước mặt ông. Theo họ, nếu nhắc “đồ độc”, ông Với sẽ nhớ lại chuyện cũ và có thể phát hoảng, sợ hãi rồi lại bỏ trốn vào rừng sâu. “Gần 4 năm qua, ông Với đã yên ổn sống với tôi, nhưng tôi và các con không yên tâm nếu ông nhớ lại chuyện nghi kỵ 'đồ độc' trước đây, rồi sẽ tiếp tục bỏ vào rừng” - bà Rỗi bộc bạch đầy lo lắng.
  • 3
    "Đồ độc" là gì mà đáng sợ thế?

    Theo quan niệm và lý giải của một số già làng và đồng bào thiểu số, thì “đồ độc” là một loại bùa chú riêng chỉ dùng để hại người và có thể làm bằng nhiều cách khác nhau. “Đồ” có thể được lấy từ lông mép của con cọp rồi cắm vào măng tre và để lâu ngày trở thành sâu. Sau đó, con sâu được nuôi dưỡng bằng rau tăm. Khi sâu lớn thải ra phân, thứ phân này chính là “đồ độc”.

    Cũng có nhiều “đồ độc” gồm những vật như xương thú, mẻ chén, sành, lông đuôi heo, huyết gà... được gói lại, đem chôn vào chuồng gia súc hoặc ruộng lúa của người khác để trù, ếm. “Đồ” được chia thành 2 loại gồm: “đồ khô” là của những người giàu có; “đồ ướt” là của người nghèo. Còn “độc” được điều chế từ các loại lá, rễ, nhựa cây độc như: lá ngón; mủ của con cóc.... 

    Khi “độc” được pha vào bùa chú cũng sẽ trở thành “đồ”. Người có “đồ” phải cúng thần linh bằng huyết gà trống trắng thì mới phát huy linh nghiệm. Muốn hại người khác thì người có “đồ” chỉ cần vỗ vai, xoa đầu, nguyền rủa, cho ăn, uống...
  • 4
    Không hề có “đồ độc” giết người như truyền miệng
     
    Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 1975-2010, tại các huyện miền núi Quảng Ngãi đa xảy ra không dưới 200 vụ được cho là “cầm đồ thuốc độc”, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Riêng huyện Sơn Hà và Ba Tơ đã xảy ra khoảng 90 vụ với 122 người bị nghi và có 28 người bị đánh chết. 

    Thời gian gần đây, nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi có chiều hướng gia tăng. Cả hệ thống chính quyền cùng vào cuộc, nhưng xem ra vẫn chưa ngăn chặn hiệu quả hủ tục lạc hậu này…
     
    Thượng tá Đinh Văn Lơ, Trưởng Công an huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi là người H’re, biết rõ “cầm đồ độc” chẳng qua là những thứ không có thực, mang tính dọa dẫm thôi chứ không có tác hại. Tuy nhiên, tiếng dữ của nó vẫn âm ỉ cháy và hễ có dịp là bùng lên, khiến bà con buôn làng mệt mỏi. 

    Theo thượng tá Đinh Văn Lơ, những người bị nghi là có “đồ” này thường rơi vào bốn đối tượng: quan hệ bất chính; khoác lác, tự cao tự đại và bất chấp. Họ chỉ dọa bằng lời, thỉnh thoảng lại tung “đồ giả” ra. Can thiệp được thì may, không thì có án mạng xảy ra ngay. Khi phát hiện có “đồ”, cán bộ xã sợ không dám mở, thượng tá phải tự tay khui ra, đem phân tích, toàn thứ bậy bạ, hôi thối, có độc địa gì đâu. 

    "Giờ nghi có 'đồ', họ không đuổi ra rừng nữa mà là không thèm quan hệ. Tôi xuống tuyên truyền, mấy bà già nói 'mày nói nhiều, nó (tức đồ thuốc độc) ăn cổ mày đấy!', nghe mà ngán ngẩm", thượng tá Lơ nói.
     
    Bên cạnh đó, các đối tượng bịa “đồ độc” không thể thiếu các thầy cúng, nói láo ăn tiền, chỉ trỏ lung tung để trục lợi. Là người trực tiếp tham gia giải quyết hàng chục vụ nghi ngờ “cầm đồ độc” trên địa bàn huyện Ba Tơ, Thiếu tá Phạm Văn Ghin cũng trăn trở: “Không như nhiều người tưởng, đại đa số người bị dân làng nghi ngờ có 'đồ thuốc độc' là những đối tượng lười lao động, rượu chè bê tha, ít hòa đồng và hay gây mâu thuẫn với mọi người". 
     

    Rõ ràng, nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc vẫn còn âm ỉ dai dẳng trong tư tưởng đồng bào dân tộc thiểu số H’re. Đó là thực trạng cần phải được chính quyền địa phương và các ngành chức năng vào cuộc nhằm xóa bỏ hủ tục này, nếu không sẽ còn nhiều sự việc đau lòng xảy ra.

Comments