Những giai thoại quanh khu đại linh của những quan lang xứ Mường
Vượt qua những con đường dốc ngoằn ngoèo, gửi lại chiếc xe bên ngoài tại một ngôi nhà sàn của người dân, thêm gần 1 tiếng đi bộ, cuối cùng tôi cũng tìm được đến khu mộ cổ bằng đá ở xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình với sự dẫn đường của ông Bùi Văn Hoàn (70 tuổi) – một người dân bản địa.
Ông Hoàn cho tôi biết đây chính là khu địa linh với hàng trăm ngôi mộ bằng đá của dòng họ Đinh Công, một dòng họ thuộc hàng “danh gia vọng tộc” rất có uy quyền ở xứ Mường ngày xưa.
Tất cả các ngôi mộ đều được chôn tạo hình với những cột đá cao từ 1 đến 3m, phía đầu mộ đá to, chân mộ chôn đá nhỏ. Hai bên cũng được bao bọc bởi hàng rào đá xếp ken dày. Số lượng cột đá được chôn xuống nhiều hay ít tỉ lệ với danh tiếng, uy quyền của người quá cố. Những khối đá cẩm thạch nhẵn bóng, tuyệt đẹp, vững chãi có nguồn gốc ở tận Thanh Hóa, thể hiện sự bề thế và quyền lực của các dòng họ quan lang xứ Mường.
Cũng theo ông Hoàn, ở xứ Mường Động ngày xưa, các vị quan lang ở đây đã chọn khu vực núi non hình miệng rồng này làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng nhằm giữ long mạch cho con cháu đời sau mãi được thịnh vượng. Mỗi bản Mường thường có một bà mỡi (tương tự thầy mo, thầy cúng) và các bà mỡi có quyền lực rất lớn trong bản. Điều đặc biệt là các bà mỡi đều thờ Vua Hùng. Để quyền năng của mình cao hơn, các bà mỡi thường sắm lễ mang vào rừng mộ đá cúng bái.
Tương truyền, người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này là bà vợ thứ ba của vua Hùng, bà đã rời bỏ hoàng cung, dắt theo hai người con lên đây khai hoang lập bản, tạo nên vùng đất mới trù phú. Khi mất, ba mẹ con đã hóa thành ba ngọn núi dáng rồng chầu và cùng hướng về kinh đô. Vì thế hàng năm, vào dịp Tết, các bản Mường dắt trâu, bò lên núi ở khu vực Đống Thếch mổ thịt làm lễ cúng.
Người đặt nền móng cho sự phồn thịnh của dòng họ Đinh Công của xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương, vốn người Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ông Cương mồ côi cha, từ nhỏ đã đam mê võ thuật, đánh trận. Một lần khi vua Lê hành quân qua đây bị giặc phục kích, đang lúc nguy khốn, ông Cương “múa giáo, phò vua”.
Để ghi nhớ công trạng, nhà vua phong công thần và ban cho ông chữ Công, đổi tên đệm từ Đinh Văn thành Đinh Công và giao trấn giữ vùng đất Kim Bôi, Hòa Bình ngày nay. Khi ông chết, người ta dùng hàng chục con voi về Thanh Hóa chuyển đá ra làm mộ, ròng rã nhiều tháng trời mới xong. Con trai ông là Đinh Công Kỷ, một tướng giỏi được phong đến chức Quận công.
Trên một cột đá mộ ông Kỷ còn ghi văn tự: Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1582, mấy giờ Sửu, ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi (1647). Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc uy quận công. Đến ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần (1650) được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa, đoàn người đưa tiễn có đến hàng ngàn, tiếng than khóc, tiếng cồng chiêng vang dội cả một vùng rộng lớn.
Từ đó, dòng họ Đinh Công ngày càng phát triển. Chỉ những người làm quan trọng dòng họ Đinh khi chết mới được chôn trong khu mộ Đống Thếch và quanh năm có người trông coi cẩn thận. Khi một vị quan lang hoặc gia tộc có người chết thì cả làng Mường Động làm đại tang.
Dưới những ngôi mộ cổ, ngoài ngững đồ dùng sinh hoạt hàng này, những vị quan lang xứ Mường khi chết còn di chúc cho người hầu chôn sống cả các cô gái xinh đẹp còn trinh theo mình. Những trinh nữ bị chôn sống này ngoài nhiệm vụ hầu hạ các chủ nhân, còn được xem như thần giữ của.
Trước khi chôn, các cô gái được tắm rửa sạch sẽ, ăn của ngon vật lạ và ngậm sâm khi chôn. Sau này khi khai quật mộ, người ta phát hiện ra rất nhiều hình nộm người mà theo truyền thuyết, các hình nộm này đều được yểm bùa, ngâm trong thuốc độc, ai chạm vào, chất độc sẽ ngấm vào người cho đến chết.
Gắn liền với khu mộ cổ là những câu chuyện mang đầy màu sắc liêu trai, huyền bí được lưu truyền hàng mấy trăm năm qua. Người ta kể rằng, ngày trước, nơi đây còn là một thung lũng ít người sinh sống, xung quanh cây cối um tùm, ánh nắng không bao giờ lọt tới. Vào những đêm sáng trăng, ánh trăng nhảy múa trên các thân cột đá tại ra vô vàn hình thù kỳ quái, chẳng thể phân biệt đâu là cột đá, đâu là cây cối. Cộng với tiếng gió thổi ù ù trên đỉnh núi tràn xuống khu mộ đá, nghe như tiếng tù và rúc thổi lúc gần, lúc xa, đêm trời càng gió, trăng càng sáng thì tiếng tù và càng to, giống như tiếng hú.
Khu mộ cổ được xem như vùng đất thiêng, ai vào đây trót lấy dây quấn xung quanh hoặc dùng dao chém vào các cột đá sẽ bị thánh thần làm cho mê mẩn đầu óc không biết đường ra. Nếu không có người khác phát hiện và tìm cách “giải cứu” thì sẽ vĩnh viễn biến mất một cách khó hiểu trong khu mộ rộng chỉ “một tầm tiếng hú”.
Có lần, một đoàn người ngựa nghỉ đêm bên những cột đá, đến sáng hôm sau người ta chỉ còn thấy hành lý và những con ngựa nhẩn nha gặm cỏ, tuyệt nhiên không thấy một bóng người. Đến khi dân bản đánh liều vào xem thì phát hiện hành lý của đoàn người toàn là cuốc thuổng. Hóa ra bọn chúng là lũ trộm chuyên đào mộ trộm đồ cải tang.
Khu mộ cổ được xem như vùng đất thiêng, ai vào đây trót lấy dây quấn xung quanh hoặc dùng dao chém vào các cột đá sẽ bị thánh thần làm cho mê mẩn đầu óc không biết đường ra.
Người dân ở đây còn đồn rằng, có gia đình liều mạng đưa hài cốt người thân tang vào khu mộ địa này, lập tức cả nhà phát điên. Chỉ đến khi một bà mỡi lập đàn cúng tế, sai gia đình đưa hài cốt người thân ra chỗ khác, mọi người mới lại được yên. Không rõ những câu chuyện được truyền tai đó là thực hay hư, nhưng nó đã biến khu mộ này chìm nghỉm vào rừng thẳm. “Thánh địa” mộ đá này chỉ được đánh thức khi đám đào mồ cuốc mả vào đào bới tan tác khu mộ để tìm cổ vật.