Minh Vượng: Khoảng lặng sau tiếng cười!
(Giúp bạn)Nếu có ai hỏi trong làng hài Bắc ai mau nước mắt nhất, chắc chắn đồng nghiệp và đàn em đều đồng thanh: Minh Vượng. “Hình khối khổng lồ vật vã và trái tim mong manh”, đấy là chị tự nói về mình, hài hước và buồn bã.
Sợ nhất: giờ lên đèn
Chị kể, lúm đồng tiền tròn xoe, giọng khàn đặc và mắt mở to nhưng ngấn nước. “Trước nay cứ đến giờ lên sân khấu là phấn khích, còn từ ngày mẹ mất đến giờ cứ đến giờ gà lên chuồng, nhập nhoạng, thành phố lên đèn là thấy sợ. Hôm ấy vừa lên xe vào Hà Đông diễn, thấy điện thoại cậu em: “Mẹ mất rồi, chị về ngay” rồi cúp máy. Đần mặt ra một lúc mới bàng hoàng: Sao bố mất mà thằng này lại báo nhầm là mẹ nhỉ? Chả là bố chị ốm nặng cả 5-7 năm rồi. Gọi lại cho nó quát: “Sao mày báo nhầm là mẹ mất thế?”. Nó mếu máo: “Mẹ đấy, chị ơi”.
Thế là người như hóa đá luôn. Gần 50 tuổi đầu vẫn ở với mẹ, từ bé đến giờ cái gì cũng mẹ, mẹ đang chăm bố ốm liệt giường, con cái đi suốt… vậy mà mẹ đi đột ngột thế này. Cậu bầu sô gãi đầu gãi tai khổ sở: “Chị ơi, chị thương em, không có chị bây giờ thì khán giả họ sẽ bảo em lừa đảo mất!” -“Chị thông cảm với em lắm, nhưng chị không làm kép Tư Bền được đâu. Mẹ chị chết thì chị chả thiết gì nữa, xin lỗi khán giả hộ chị”.
Rồi một năm sau thì đến lượt bố.
Đêm ấy tổng duyệt vở Hà My của tôi của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Minh Vượng làm trợ lý đạo diễn kiêm diễn viên thì chiều ấy bố chị cấp cứu. “Đưa bố vào bệnh viện xong, nhìn bố bất tỉnh, dây nhợ lòng thòng khắp người mà vẫn phải gạt nước mắt đến nhà hát. Công sức tập luyện cả mấy tháng của anh em, mà Nhà hát Kịch Hà Nội thì đúng là cái nôi của mình. Cha mẹ sinh mình còn nhà hát cho mình cái nghề, cái tên, trốn sao được?!
Ngồi hóa trang mà cứ nghĩ đến bố trong phòng cấp cứu, lại sợ bố giống mẹ, đi mà không kịp nói gì với mình, thế là nước mắt cứ chảy ròng ròng, chì với phấn lem nhem hết. Vai diễn cũng lại vai hài, nhỏ thôi, nhưng là sợi chỉ làm cho chính kịch đỡ nặng nề, mọi người cứ thấy Minh Vượng xuất hiện là cười.
Đêm diễn thành công lắm, mọi người hân hoan chúc mừng nhau, khán giả ào lên tặng hoa mà mình tai ù mắt mờ có nghe có nhìn thấy gì đâu. Chạy ào vào bệnh viện với bố, may mà bố còn sống được một tháng nữa, nhưng là sống thực vật thôi, từ lúc đưa vào viện ông đã hôn mê hoàn toàn. Bố mẹ mất hết rồi, tin dữ toàn đến lúc chị sắp bước lên sân khấu. Đời chị từ đấy sợ nhất giờ lên đèn!”.
Thơ cho riêng mình
Tự nhận mình xấu, tướng thô, hình khối khổng lồ, không bao giờ vào được vai đào thương trên sân khấu, nhưng Minh Vượng không buồn vì điều đó, mỗi người mỗi nghề, ai cũng có phần trong cuộc đời này.
Chị vào các vai hài, xù xì nội tâm, gai góc mà tưng tửng ngon ơ, chọc khán giả cười lăn cười bò mà không bao giờ thô tục hay làm người ta ghét nhân vật của chị, đấy là điều chị tâm đắc nhất. Chị chỉ buồn khi cái số “không được làm đào thương” vận vào đời mình. Ba lần suýt lên xe hoa, cuối cùng vẫn ở nhà với mẹ.
Cha mẹ mất thì ở với em và nuôi một đàn cháu. Chị buồn vì mình yêu trẻ con đến thế mà chưa một lần được làm mẹ. Nhìn chị diễn cho trẻ con mới thấy “sức quyến rũ Minh Vượng” lớn nhường nào. Cả sân khấu tưng bừng lên khi chị xuất hiện và tất cả đều gọi chị là… Minh Vượng mà không có cô, bác… gì cả. Sau giờ diễn, ào lên cánh gà là những câu tâm tình rất riêng tư mà thay vì nói với cha mẹ và thầy cô, trẻ con tâm tình với... bạn Minh Vượng của mình: “Minh Vượng này, có bạn trai ở lớp sáng nào cũng mang cho tớ gói xôi xéo nhá, thế có phải bạn ấy yêu tớ không (?!)”.
Minh Vượng hạnh phúc âm ỉ trong cái không gian trong veo nồng ầm ấy, tưởng như nó là của mình, mình thuộc về nó, để rồi tan đêm diễn, đèn tắt, chị lại trở về một mình, đối diện với nỗi buồn của mình. Có những khi buồn đến không nói được, chị viết những vần thơ say:
Đêm nay buồn ta uống chút cay cay
Đêm nay buồn ta hút thuốc say say
Và ai nữa cũng nên lần thử
Thử uống rượu nồng thử hút thuốc say
Thử nghiêng ngả trong vòng tay không quen thuộc không tình yêu
Như ta
Rồi ngủ vùi đi trong lần mơ lạ
Ta đã say rồi ta đã phát điên
Ừ điên thật, điên rồi hóa dại
Đêm nay buồn uống chút cay cay
Đêm nay buồn hút thuốc say say
Cô học trò từng thi học sinh giỏi văn miền Bắc, mơ thành nhà văn hoặc người viết kịch bản phim truyện, nhưng số phận lại đưa đẩy làm nghề mang tiếng cười cho nhân gian đã âm thầm làm rất nhiều thơ. Giai đoạn 1978-1987, trái tim còn loạn nhịp thổn thức vì tình yêu, Minh Vượng làm đến 3-4 tập thơ, không gửi không in, chỉ để đọc một mình.
Sau này, cơm áo gạo tiền, cùng với những vấp ngã, bầm giập, sóng gió làm trái tim chai sạn, thơ “ra” không dễ nữa và nội dung cũng buồn hơn. Chị buồn thế thái nhân tình, buồn đời nghệ sĩ. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là những nỗi buồn trong trẻo, những nỗi buồn của người “biết phận mình như con tằm nhả tơ”. Chuỗi bài thơ Một mình rất đặc trưng cho giọng thơ của “nữ hoàng sân khấu hài” đất Bắc:
Chỉ còn lại một mình, ta về khi tan rạp
Chỉ còn lại một mình, ta về trong trống vắng
Ta cứ đi cứ đi, chân đếm thầm từng nhịp
Mong đường xa cứ xa, cho lòng thôi thổn thức
Cho tim đừng rạo rực
Cho mình quên hẳn nhau
Ta nào khóc đâu em
Chắc sương rơi trên má
Hạt sương sa lành lạnh
Giọt giọt rơi rơi rơi
Trên môi mình mằn mặn
Ta cứ đi cứ đi
Chân đếm thầm từng nhịp.
Mùa hè này Minh Vượng chuyển hướng sang hài với sân khấu… chèo. Mê chèo từ bé, hát chèo và múa chèo đều khá, chị sẽ vào vai Phú ông trong vở Quả táo thần mà đạo diễn Lê Hùng dựng cho Nhà hát Chèo Hà Nội. “Đó lại là vở hài cho thiếu nhi, tôi thích được làm cho các con cười suốt mùa hè này. Cuộc sống vốn bận rộn và ít niềm vui, tôi cứ làm cho trẻ con cười rồi đêm về khóc một mình cũng được” - chị nói, lúm đồng tiền tròn xoe, giọng trầm, cười mà mắt đầy nước.