Mỹ nhân trong phim kiếm hiệp Kim Dung
(Giúp bạn)Với tính phổ cập và được nhiều tầng lớp độc giả ái mộ, tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đã được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất phải nhắc tới những tác phẩm truyền hình phản ánh sinh động cốt truyện, khắc họa tinh tế đặc thù riêng của nhân vật.
- 1
Tiểu Long Nữ
Phiên bản do Lý Nhược Đồng (trái), Phan Nghinh Tử và Phạm Văn Phương thể hiện
Tiểu Long Nữ nhân vật chính trong Thần điêu hiệp lữ. Đây là một cô gái trong trắng và tinh khiết từ thể xác đến tâm hồn, ẩn dưới vẻ ngoài hiền dịu và chín chắn là những bí ẩn nội tâm sâu sắc. Tác giả không giới thiệu họ tên của cô mà chỉ cho biết rằng ngay từ nhỏ Tiểu Long Nữ đã được nuôi nấng, học võ công trong ngôi cổ mộ của phái Cổ Mộ sau núi Chung Nam. Sau này, cô đem lòng thương yêu Dương Qua - người đồ đệ kém mình 4 tuổi và trọn đời chỉ chung thủy với mối tình này.
Xây dựng hình ảnh Tiểu Long Nữ trong sáng như viên ngọc không tì vết nhưng Kim Dung vẫn muốn đột phá một lần nữa khi sắp xếp tình tiết Tiểu Long Nữ thất trinh với Âu Dương Phong. Lựa chọn này của ông đã nhấn thêm một bước nữa cho câu chuyện kiếm hiệp thời xưa nhưng phản ánh bi kịch của cuộc sống hiện đại.
Lưu Diệc Phi trong vai Tiểu Long Nữ, phiên bản năm 2006
Trên màn ảnh nhỏ, khán giả từng biết đến vai diễn Tiểu Long Nữ qua diễn xuất của Lưu Diệc Phi, Lý Nhược Đồng. Ở giai đoạn sớm hơn – những năm thập niên 80 thế kỷ trước, người xem cũng từng xao xuyến với tạo hình “trong sáng như gương, dịu dàng như ngọc” của Phan Nghinh Tử hay Phạm Văn Phương.
Đặc điểm chung của các vai nữ này là đều mặc áo trắng, ăn nói đơn giản, cốt cách như thần tiên. Với họ, trong cuộc sống này không tồn tại biên giới giữa việc nên và không nên làm, cần và không cần tránh. Bởi tất cả vạn vật xung quanh đều có thể làm bằng hữu, chứa điều thiện.
- 2
Hoàng Dung
Tạo hình Hoàng Dung do Châu Tấn đảm nhiệm
Hoàng Dung là nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu. Cô là con gái của đảo chủ đảo Đào Hoa - Đông Tà Hoàng Dược Sư và Phùng Thị Mai Hương. Hoàng Dung không chỉ xinh đẹp mà võ công còn rất cao cường, trên người lại mặc Nhuyễn Vị Giáp khiến cho những kẻ háo sắc không thể đến gần. Tính cách nổi bật nhất của cô là nghịch ngợm, thông minh và nhanh trí. Trong tình yêu, cô đóng vai trò chủ động, dễ dàng “rung rinh” bởi chàng trai thật thà, chất phác (Quách Tĩnh).
Sao Hồng Kông Chu Ân (trái) và mỹ nhân Đài Loan Lâm Y Thần cũng từng được giao phó nhân vật Hoàng Dung
Những nữ diễn viên được chọn vào vai Hoàng Dung đều là các mỹ nhân tiêu biểu của làng giải trí Hoa ngữ. Đó là Mễ Tuyết (1976), Ông Mỹ Linh (1983), Trần Ngọc Liên (1988), Chu Ân (1994), Châu Tấn (2003) và gần đây nhất là Lâm Y Thần (2008). Trong các phiên bản này, hình tượng màChâu Tấn gây dựng được đánh giá cao nhất. Vẻ ngoài nhỏ nhắn đáng yêu cùng nét biểu cảm lém lỉnh đã giúp cô chiếm được nhiều thiện cảm của khán giả.
- 3
Chu Chỉ Nhược
Châu Hải My (trái), Triệu Nhã Chi (trên) và Cao Viên Viên trong tạo hình Chu Chỉ Nhược
Chu Chỉ Nhược là nhân vật “nửa chính nửa tà” trong Ỷ thiên đồ long ký. Bản chất là người ngây thơ và lương thiện nhưng khi gặp một sức ép bên ngoài thì có thể biến đổi tâm tính. Trong tình yêu, cô gái này khá lạnh lùng và ít bộc lộ cảm xúc. Tuy nhiên, ẩn sau đó là một trái tim mềm yếu, cần sự quan tâm lớn hơn bất cứ ai. Vẻ đẹp của Chu Chỉ Nhược là tổng hợp của sự ngây thơ trong sáng, dịu hiền nữ tính và thêm một chút trầm tư, chín chắn. Các diễn viên từng thủ vai này gồm có Triệu Nhã Chi, Châu Hải My, Cao Viên Viên và gần đây nhất là Lý Cạnh.
Lý Cạnh thành công khi xây dựng hình ảnh nàng Chu Chỉ Nhược nửa chính nửa tà
Nhắc tới vai diễn trong phiên bản Tân Ỷ thiên đồ long ký năm 2009, khán giả có lẽ không thể quên được ánh mắt của Lý Cạnh trong những cảnh phim quan trọng: đám cưới trong mơ của Trương Vũ Kỳ, đứng trước “tình địch” Triệu Mẫn. Ở đây, người xem đã có được không gian tưởng tượng phong phú khi đạo diễn đã tái hiện rất chân thực từng chi tiết cảm xúc mà nhà văn Kim Dung đã miêu tả trong truyện.
- 4
Triệu Mẫn
Nhan sắc của Triệu Mẫn như bông hoa hướng dương rạng rỡ, lúc nào cũng sẵn sàng khoe vẻ tự tin và kiêu hãnh
Triệu Mẫn cũng góp mặt trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung. Với thân thế là con gái duy nhất của Nhữ Dương Vương Sát Hãn Đặc Mục Nhĩ nên nàng có tính cách rất ngang bướng, tự kiêu và ích kỷ trong chuyện tình cảm. Tuy nhiên, đằng sau sự nổi loạn đó là một trái tim lương thiện, sẵn sàng hy sinh vì người khác. Nhan sắc của Triệu Mẫn như bông hoa hướng dương rạng rỡ, lúc nào cũng sẵn sàng khoe vẻ tự tin và kiêu hãnh.
Triệu Mẫn do An Dĩ Hiên thủ vai được đánh giá rất cao
Những nàng Triệu Mẫn được biết đến trên màn ảnh Hoa ngữ gồm có: ngôi sao TVB Hồng Kông Uông Minh Thuyên (1979 và Lê Mỹ Nhàn (1986), Trương Mẫn (1993), Diệp Đồng (1994), Lê Tư (2000), Giả Tịnh Văn (2002) và gần đây nhất là An Dĩ Hiên ( 2009).
Với diễn xuất “cương – nhu” biến hóa linh hoạt, vai diễn người phụ nữ “dám yêu dám hận” đã được An Dĩ Hiên lột tả thành công, cuốn hút người xem dõi theo từng cử chỉ hành động. Trong tạo hình quận chúa xinh đẹp dịu dàng, đôi mắt to tròn long lanh của cô được ống kính “cưng chiều”, tôn lên vẻ đẹp thiên thần hút hồn. Khi cải trang nam nhi tỉ thí võ nghệ, cặp mày ngài và đôi môi căng mọng “khiêu khích” lúc nói chuyện lại khiến hàng triệu trái tim phải xao xuyến, không nỡ rời mắt dù chỉ 1 giây.
- 5
Nhậm Doanh Doanh
Hứa Tịnh (trên), Viên Vịnh Nghi (trái) và Phạm Văn Phương trong tạo hình Thánh cô Nhậm Doanh Doanh
Nhậm Doanh Doanh là nhân vật nữ trong Tiếu ngạo giang hồ được hầu hết độc giả yêu truyện Kim Dung đánh giá là xinh đẹp và giỏi giang nhất. Cô là con gái của giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhâm Ngã Hành, được người trong giáo phái này kính trọng gọi là Thánh cô. Doanh Doanh hội tụ nét trong sáng, mưu trí và cả tấm lòng nhân ái nhưng lại có một nhận định khá lạ lùng về tình yêu: ai không chung tình với quá khứ thì sẽ không chung tình với hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, cũng chính bởi suy nghĩ này nên cô đã rất độ lượng với Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh Sang.
Trên màn ảnh Hoa ngữ từng xuất hiện nhiều phiên bản Nhậm Doanh Doanh như Trần Tú Châu (1984), Lưu Tuyết Hoa (1985), Quan Chi Lâm (1992), Viên Vịnh Nghi và Phạm Văn Phương (2000), Hứa Tịnh (2001). Lướt qua danh sách này, bạn đã có thể nhận ra đặc điểm chung của các nhân vật vào vai Thánh cô xinh đẹp. Đó là những mỹ nhân sở hữu gương mặt thanh tú, thân hình ngọc ngà quyến rũ và đặc biệt là đôi mắt to tròn nhạy bén.
- 6
A Châu
Lưu Đào thả hồn vào vai diễn A Châu
A Châu là nhân vật chính trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ - người được đánh giá có số phận đau thương nhất trong hàng trăm nhân vật nữ của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. A Châu không đẹp rực rỡ, võ công cũng không cao cường và mưu trí thì lại không thể so sánh với thiên hạ. Tuy nhiên, đạo hiếu và mối tình trong sáng dành cho Kiều Phong của cô thì không người phụ nữ nào sánh kịp.
Để làm nổi bật A Châu dịu dàng, nhân hậu và chung tình, đạo diễn Thiên long bát bộ năm 2004 đã lựa chọn diễn viên Lưu Đào – mỹ nhân cổ trang được ví với nhan sắc Tây thi. Ngoài ra, ở một phiên bản khác, “vạn người mê” Trần Hảo cũng lột tả được nét đặc sắc của nhân vật với diễn xuất tinh tế thuyết phục.