Người miền Nam đón Tết như thế nào?

00:32 12/02/2014

(Giúp bạn)Mỗi miền lại có một truyền thống đón năm mới riêng biệt, tạo nên sự đa dạng và phong phú văn hoá Việt Nam. Cùng khám phá cái Tết đặc trưng của miền Nam sông nước.

  • 1

    Chợ Tết trên sông

    Không khí Tết trong Nam bắt đầu nhộn nhịp vào khoảng đầu tháng chạp, các chợ hoa, chợ Tết chuẩn bị dựng sạp cho đến đêm giao thừa với những phiên chợ mở suốt đêm.

    nguoi-mien-nam-don-tet-nhu-the-nao-1


    Miền Nam là nơi chảy qua của con sông Mekong rộng lớn nên khắp các tỉnh giao thương trên sông là hoạt động quan trọng. Các phiên chợ Tết trên sông hoặc ở bến sông trở nên nhộn nhịp, sầm uất khác thường vào những ngày cuối năm. Các quầy hàng trên bến được trang trí đầy sắc màu với hoa, bánh mứt, củ kiệu, đu đủ, phong bao lì xì, giấy dán...

  • 2

    Chợ hoa xuân rực rỡ

    Chợ hoa thường được khai trương vào cuối tháng 12 với các loài hoa trái rực rỡ và đa dạng như mãn đình hồng, thược dược, hướng dương, hồng, sống đời, vạn thọ, cúc, thơm kiểng, ớt kiểng, đu đủ và cả những loài hoa cao cấp: tuy-líp, bát tiên, phong lan.

    nguoi-mien-nam-don-tet-nhu-the-nao-2  


    Hấp dẫn nhất là những ghe chở đầy hoa bán trên sông. Dòng sông rộng lớn bỗng trở nên xinh đẹp với những ghe thuyền chở hoa cúc vàng rực, những bông hồng, mai...

    nguoi-mien-nam-don-tet-nhu-the-nao-3  


    Đối với người Nam, hoa mai đồng nghĩa với sự may mắn. Một cành mai nở hoa vàng rực vào những ngày đầu năm là niềm vui lớn cho cả nhà, báo hiệu điều tốt lành cho cả năm.

  • 3

    Mâm ngũ quả

    Mâm ngũ quả của người miền Nam luôn có bốn thứ trái cây chính là: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là "cầu vừa đủ xài" thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng.

    nguoi-mien-nam-don-tet-nhu-the-nao-4


    Do cách phát âm gần giống với từ “chúi” (thể hiện sự nguy khó) nên chuối là thứ quả không bao giờ xuất hiện. Cũng bởi câu nói: “Cam làm quýt chịu” nên người Nam không bày những trái cam như ở ngoài Bắc. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.

  • 4

    Lễ nghi truyền thống

    Giáp tết, các gia đình sẽ tổ chức đi tảo mộ để tỏ lòng "uống nước nhớ nguồn" với những người đã khuất. Chiều 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời. Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ "rước ông bà". Cho đến khi hết Tết khói hương trên bàn thờ gia tiên luôn nghi ngút và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ "đưa ông bà".

    Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Theo quan niệm của người Nam Bộ mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới. Đêm 29-30 là lúc vui nhất, mọi người thức đón giao thừa, chơi tú, ăn uống... rất huyên náo.

    Khác với miền Bắc dành cả Tết để đi thăm chúc họ hàng và bạn bè, trong Nam mọi người coi Tết là dịp đi chơi và nghỉ ngơi cuối năm nên các gia đình, nhóm bạn thường tổ chức những chuyến đi chơi xa.

  • 5

    Mâm cỗ ngày xuân

    Miền Nam gói bánh chưng dài hay còn gọi là bánh tét và có nhiều loại khác nhau như: bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét ngọt. Bánh tét chay không nhân. Bánh tét mặn được xắt miếng và thường ăn kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm. Mâm cỗ Tết của miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu trong mấy ngày tết. Nếu món canh không thể thiếu ở miền Bắc là canh măng hay canh bóng thì trong Nam là món canh khổ qua nhồi thịt.

    nguoi-mien-nam-don-tet-nhu-the-nao-5


    Để thay đổi khẩu vị và đỡ ngấy, nhà nào ở Nam Bộ cũng nấu cháo cá ám, ăn với rau ghém, chuối cây xắt mỏng và các loại rau thơm, rau mùi, một con cá lóc nướng ăn với lá bông súng non hay đọt vừng.

    Người phương Nam đặc biệt chăm chút cho bàn tiệc ngày xuân, nó chứa đựng lòng thành kính với tổ tiên ông bà và thưởng thức trọn vẹn vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng trong từng món ăn bên mâm cơm sum vầy gia đình ngày đầu năm thêm ấm áp, an khang.

  • 6

    Kiêng kị đầu năm

    Trước lúc giao thừa, tất cả các thành viên phải có mặt đầy đủ tại nhà. Nếu ai không về kịp xem như cả năm sau người ấy phải bôn ba vì công việc làm ăn.

    Khi ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối bữa ăn, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít khi ghé chơi vào tết.

    Nếu trong ngày tết để mất chổi nghĩa là năm đó gia đình sẽ bị trộm vét sạch của, vậy nên khi quét dọn phải cất hết chổi.

    Những ngày đầu năm, người phương Nam sẽ không cối xay gạo trống vì theo quan niệm của người dân, việc để trống như vậy sẽ làm cho năm tới thất bát, mất mùa. Những ngày Tết, họ thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

Comments