Những đòn ghen giành chồng tàn độc của các bà hoàng hậu
(Giúp bạn)Hậu cung được xem là cái đích vươn tới của rất nhiều phụ nữ, đó là đỉnh cao quyền lực và cũng là địa ngục trần gian với những mưu mô thâm độc nhất mà con người ta không thể tưởng tượng được. Càng đẹp thì sự độc ác lại càng lớn...
Người Trung Quốc gọi những người đàn bà hiểm độc là “độc phụ”. Nghiên cứu lịch sử nước Trung Quốc phong kiến mấy ngàn năm, người ta thấy “độc phụ” có rất nhiều, hầu như triều đại nào cũng có.
Biến ái phi của Hoàng đế thành người lợn
Lã Hoàng hậu tên thật là Lã Trĩ, là người vợ từ thuở còn hàn vi của Hán Cao Tổ Lưu Bang, người đã sáng lập nên triều đại nhà Hán. Cũng vì là người vợ từ thuở hàn vi, vào sinh ra tử vì sự nghiệp của chồng, có lúc còn bị bắt làm con tin, sống trong cảnh nghèo khó, khổ cực nên khi Lưu Bang đánh thắng Hạng Vũ, giành được thiên hạ, Lã Trĩ được ông phong cho làm Hoàng hậu. Tuy nhiên, khi Lã Trĩ đội lên trên đầu mình chiếc mũ phượng quyền uy thì cũng là lúc bà chẳng còn thanh xuân nữa.
Trong khi đó, xuất thân là một vị tướng cầm quân, xông pha trận mạc, nay phải sống trong cảnh yên bình nhàn rỗi nên bao nhiêu sức lực và năng lượng bí bức, Hán Cao Tổ dồn hết vào những cuộc ăn chơi với những cung phi trẻ tuổi, xinh đẹp.
Sự xuất hiện của những cung tần mỹ nữ, đặc biêt là Thích phu nhân khiến cho bà cả già nua Lã Trĩ ngày càng bị Hán Cao Tổ lạnh nhạt. Người Trung Quốc có câu “Nam nhi ái hậu phụ, nữ tử trọng tiền phu” (Đàn ông thì yêu vợ sau, đàn bà thường trọng người chồng trước). Thích Phu nhân mặt đẹp như hoa, thân hình gợi cảm, hát hay múa giỏi, lại sinh được cho Lưu Bang hoàng tử Như Ý. Điều này có lẽ cũng chẳng làm Lã Hoàng hậu lo lắng lắm. Nhưng bà thực sự lo lắng khi sự việc này ảnh hưởng đến ngôi Thái tử của Lưu Doanh, đứa con trai do bà sinh ra.
Số là khi đó, Hán Cao Tổ rất sủng ái Thích phu nhân nên cũng đâm ra yêu luôn đứa con trai Như Ý do bà sinh ra. Lưu Bang ngày càng thấy Như Ý thông minh, tài cán và có khí chất đế vương hơn Lưu Doanh nên có ý phế bỏ ngôi vị Thái tử của Lưu Doanh, đưa Như Ý lên thay.
Lã Hậu biết chuyện lo sợ, không biết làm thế nào. Có người nói với Lã Hậu nên hỏi Trương Lương. Lã Hậu bèn sai em là Lã Trạch đến nhờ. Ban đầu Trương Lương từ chối nhưng Lã Trạch cố nài nên Lương nhận lời.
Nhờ Trương Lương giúp, Lưu Doanh mời được 4 hiền sĩ trong thiên hạ là Đông Viên Công, Giác Lý tiên sinh, Ỷ Lý tiên sinh, Hạ Thạch Công mà trước đó chính Lưu Bang không sao mời nổi. Sau sự việc đó, Lưu Bang nghĩ rằng, Lưu Doanh rất giống mình, dù tài năng không thực sự xuất sắc nhưng có thể thu hút nhân tài về xung quanh mình, đó là một phẩm chất cần thiết của một ông vua, vì vậy, quyết định giữ nguyên ngôi Thái tử cho Lưu Doanh còn Như Ý được Lưu Bang phong cho làm Triệu vương.
Mặc dù giữ được ngôi Thái tử cho con trai song mối hận của Lã Hoàng hậu đối với Thích phu nhân thì không thể nào nguôi ngoai được. Tuy nhiên, vì Hán Cao Tổ Lưu Bang cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn một mực sủng ái Thích phu nhân nên Lã Hoàng hậu không có cách nào trả thù được.
Cơ hội đến với Lã Hậu khi Hán Cao Tổ về với tổ tiên trước bà. Năm 195 trước công nguyên, Lưu Bang mất, Lưu Doanh lên nối ngôi, tức là Hán Huệ Đế. Vì phụ thuộc vào những toan tính của mẹ từ khi còn là Thái tử, nên tuy là Hoàng đế nhưng Lưu Doanh lại không hề có chút quyền lực nào. Mọi việc điều hành trong triều đình đều do một tay Lã Hậu quyết định. Và đây chính là thời điểm mà Lã Hoàng hậu bắt đầu “phát tiết” cơn ghen đã nung nấu trong lòng từ bấy lâu nay.
Để trả thù Thích phu nhân, Lã Hoàng hậu sai người trói bà vào trục đá lớn của cối xay rồi bắt kéo. Thân là quý phi từng được Hoàng đế hết sức sủng ái, con lại được phong vương, nay bị người ta bắt kéo cối xay như trâu ngựa khiến Thích phu không cầm được nước mắt mà than rằng: “Con làm vương mà mẹ thân tù”.
Không ngờ câu nói này đến tai Lã hậu. Lã hậu cho rằng tình địch của mình có ý chống đối kích động con trai báo thù, vì vậy quyết định diệt luôn Triệu Vương Như Ý để trừ hậu họa. Lã hậu cho nhốt Thích phu nhân vào lãnh cung rồi gọi Như Ý về triều. Huệ Đế thương em, biết là mẹ có ý định hãm hại Như Ý nên thân hành ra đón rồi luôn luôn ở cạnh Như Ý ngay cả khi đi lại lẫn ăn uống khiến Lã hậu muốn giết Như Ý nhưng không có dịp nào.
Cho tới tháng 12 năm 194 trước công nguyên, Huệ Đế đi săn vào buổi sáng sớm. Triệu Vương Như Ý vì còn quá nhỏ nên không thể dậy sớm được. Lã Hoàng hậu nghe tin Như Ý ở có một mình bèn sai người mang thuốc độc đến cho Như Ý uống. Như Ý uống xong thì chết.
Sau khi đã giết được Như Ý, Lã hậu mới quay lại “xử lý” Thích phu nhân và lần này thì bà ta không còn kiêng dè gì nữa. Lã Hoàng hậu sai người chặt hết tay chân Thích phu nhân, rồi gọt đầu, móc mắt, cắt lưỡi, đổ lưu huỳnh vào tai, sau đó ném cả hình hài què cụt, mù lòa, câm điếc ấy vào chuồng lợn, gọi là “con người lợn”.
Chưa dừng lại ở đó, Lã hậu còn gọi Hán Huệ đế đến xem cho vui. Khi biết “con người lợn” đáng thương ấy chính là Thích phu nhân, sủng phi của cha mình đồng thời là mẹ của Như Ý, Huệ đế đã giật mình rồi khóc rống lên.
Sau đó, Huệ Đế vì quá đau lòng nên mắc bệnh, sai người nói với Lã hậu rằng: “Việc làm đó không phải là việc con người làm! Tôi là con của Thái hậu, không thể nào trị thiên hạ được”.
Đòn ghen ghê rợn của Lã hậu đã phải trả một cái giá đắt khi Huệ Đế cảm thấy bất lực trước sự độc ác của mẹ, không có cách nào ngăn cản được, nên ngày đêm uống rượu chơi bời dâm dật, không nghe chính sự, sinh bệnh rồi mất khi mới 22 tuổi. Và mặc dù sau đó qua đời vì già yếu nhưng tiếng xấu về một Hoàng hậu quá sức độc ác Lã Hoàng hậu thì vẫn còn được lưu truyền cho tới tận ngày nay.
Chiêu Tín: Quái vật trong triều Hán
Chiêu Tín là cơ thiếp của Quảng Xuyên Vương Lưu Khứ, cháu nội vua Hán Cảnh Đế. Chiêu Tín đẹp thế nào thì không thấy sử sách ghi, nhưng tính tình tàn nhẫn hiểm ác thì vào loại hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc.
Chiêu Tín vu cáo Vọng Ngưỡng, một ái thiếp khác được Lưu Khứ sủng ái. Nghe Chiêu Tín, Lưu Khứ cho gọi các phi tần cùng kéo đến nơi Vọng Ngưỡng ở, lột hết quần áo nàng, bắt các phi tần dùng dùi nung đỏ ép vào người nàng. Vọng Ngưỡng bỏ chạy, nhảy xuống giếng tự vẫn, Chiêu Tín lôi lên, dùng giáo đâm vào chỗ kín, xẻo mũi cắt miệng, cắt lưỡi nàng… đem nấu chín, bắt các phi tần khác xem.
Chưa hết, Chiêu Tín còn vu cáo hãm hại một cung phi là Vinh Ái. Vinh Ái sợ quá nhảy xuống giếng nhưng không chết. Chiêu Tín lôi lên, trói lại, ấn dao nung làm mù hai mắt, cắt hai tay, nung chì đổ vào miệng nàng. Vinh Ái chết, Chiêu Tín còn sai phanh thây bắt chôn mỗi thứ một nơi. Có tới 14 cung phi từng được Lưu Khứ sủng ái bị Chiêu Tín hành hạ như vậy.
Theo sử chép thì lúc đầu Lưu Khứ rất sủng ái hai nàng Vương Chiêu Bình, Vương Địa Dư, hứa hẹn lập họ làm hoàng hậu. Nhưng vốn là kẻ hoang dâm vô độ nên sau này ông ta lại quay ra sủng ái Chiêu Tín. Chiêu Bình, Địa Dư rất căm tức nên bàn mưu định hại Chiêu Tín.
Chuyện bị bại lộ, Lưu Khứ bắt Chiêu Bình ra dùng khổ hình tra khảo. Đánh roi mây, Chiêu Bình nén chịu không khai, chuyển sang dùng dùi sắt đâm, Chiêu Bình đau quá phải khai. Thế là Lưu Khứ bèn triệu tập các phi tần đến, bắt họ dùng kiếm đâm chết Địa Dư, còn Chiêu Bình thì để Chiêu Tín đâm chết. Ông ta còn cho treo cổ 3 thị tỳ, sau đó đem đốt xác hai người đẹp ông ta hằng yêu dấu thành tro rồi đổ đi.
Ghen ngược với vợ cả
Khác với thói ghen tuông của những người đàn bà thường dân, cơn ghen của các bà hoàng nhiều khi không phải vì tình mà vì quyền lợi. Nghĩa là dù chẳng yêu thương gì mấy vị vua đó nhưng người đàn bà trong thâm cung vẫn phải triệt hạ tình địch một cách tàn độc để bảo vệ địa vị của mình. Đó cũng là điều mà Võ Tắc Thiên đã thực hiện mà nạn nhân là hoàng hậu và ái phi của Đường Cao tôn Lý Trị, hai người đàn bà thế lực nhất hậu cung ở thời điểm Võ Tắc Thiên vẫn chỉ là cung phi của ông vua đã chết và đang phải làm ni cô.
Để giảm bớt ảnh hưởng của Tiêu Thục phi, người đang được Cao tôn sủng ái nhất, Vương hoàng hậu đã chấp nhận đưa ni cô họ Võ nhập cung. Vị hoàng hậu dại dột này đã đạt được mục đích: Tiêu Thục phi hết được sủng ái, nhưng bà lại gặp một đối thủ còn kinh khiếp hơn nhiều. Sau khi thành người được Hoàng đế sủng ái nhất, Võ Tắc Thiên lập tức ra tay với hai “vị tiền bối”. Vương hoàng hậu bị gán cho tội nặng và bị phế truất, đày vào lãnh cung. Ngôi hoàng hậu về tay người đẹp họ Võ. Tiêu Thục phi cũng bị kết tội và tống giam.
Một lần thơ thẩn dạo quanh, vua Đường tình cờ đi qua khu giam giữ hai người đàn bà bất hạnh ấy. Nghĩ đến tình xưa, ông có vẻ ngậm ngùi thương cảm. Sợ chồng khôi phục lại địa vị cho tình địch, Võ hậu lập tức sai chặt tay chân họ, ngâm vào chum rượu cho đến chết.
Hoàng đế bị bạt tai vì dám... lăng nhăng
Hoàng đế Tống Nhân Tông Triệu Trinh làm vua thời Bắc Tống nổi tiếng là ông vua nhân đức. Tuy nhiên dù là vị Hoàng đế nhân đức cỡ nào thì trong cung cũng không thể thiếu được bóng hình các mỹ nữ. Vì thế, dù ngay sau khi lên ngôi, Triệu Trinh đã phong cho Quách thị, người vợ ông lấy từ khi còn là Thái tử lên làm Hoàng hậu song trước hàng ngàn mỹ nhân xinh đẹp, Triệu Trinh cũng có phần nào lơ là, lạnh nhạt với “bà cả”. Và điều này là nguyên nhân khiến Triệu Trinh trở thành Hoàng đế duy nhất trong lịch sử lãnh trọn một cú bạt tai của vợ mình.
Khi đó, Triệu Trinh rất sủng ái hai mỹ nhân họ Thượng và họ Dương. Khi được Hoàng đế yêu chiều, họ Thượng và họ Dương bắt đầu không coi Hoàng hậu ra gì nữa, còn hay nói xấu sau lưng Hoàng hậu với Triệu Trinh. Quách Hoàng hậu cho rằng, họ Thượng và họ Dương hỗn láo là do Hoàng đế quá yêu chiều nhưng thân là thê thiếp bà cũng không thể đem Hoàng đế ra chửi mắng đánh đập được, chỉ đành nuốt giận vào trong lòng, cố gắng chịu đựng.
Cho tới một hôm, Quách Hoàng hậu có việc tới cung của Hoàng đế. Khi tới cửa thì nghe thấy tiếng cười đùa của Hoàng đế cùng hai mỹ nhân kia vọng từ bên trong ra. Tới gần hơn, Quách Hoàng hậu mới nghe thấy rằng, họ Thượng và họ Dương đang “nói xấu mình”. Không kìm được lửa giận, Quách Hoàng hậu đẩy cửa xông về phía hai cô mỹ nữ, giống như một bà vợ xông vào bắt quả tang chồng ngoại tình.
Triệu Trinh thấy Hoàng hậu xông về phía hai mỹ nhân của mình, theo phản xạ tự nhiên mới đưa người ra che. Quách Hoàng hậu cũng không ngờ Hoàng đế lại che chở cho hai đứa con gái xấu xa kia thành ra toàn bộ cái tát với bao nhiêu căm tức phẫn nộ và uất hận dồn cả lên mặt Triệu Trinh. Ông vua nhà Tống được một phen choáng váng mặt mày vì đòn ghen của bà vợ cả.
Tống Nhân Tông có lẽ là ông vua duy nhất bị ăn bạt tai vì thói trăng hoa nhưng không phải là ông vua duy nhất bị “đánh ghen”. Từ vài thế kỷ trước đó, Tùy Văn Đế Dương Kiên, Hoàng đế nhà Tùy đã nhiều phen khóc lóc vì những đòn ghen nhẹ nhàng nhưng không kém phần tàn nhẫn của bà vợ cả.
Chặt tay tình địch gửi tặng chồng
Và khi đó, người ta sẽ được chứng kiến những đòn ghen độc nhất vô nhị trong thiên hạ mà đến tưởng tượng nhiều người cũng khó có thể nghĩ ra được. Chuyện Hoàng hậu Lý Phượng Nương chặt tay “tình địch” làm quà tặng cho đức lang quân của mình là một điển hình cho kiểu đánh ghen thuộc loại này.
Chuyện kể rằng, Hoàng hậu Lý Phượng Nương, vợ vua Tống Quang Tông nổi tiếng là người ghen tuông vô lối. Lại thêm, bản thân Tống Quang Tông bạc nhược, chuyện gì cũng không dám làm trái ý bà thành ra Hoàng hậu họ Lý càng được thể, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thỏa mãn cơn ghen của mình.
Bất cứ cung phi nào có ý định gần gũi hay được Tống Quang Tông có ý sủng ái là y như rằng họ gặp tai họa. Ngấm ngầm, hoặc công khai, Lý Hoàng hậu tìm mọi cách để triệt hạ đối thủ cạnh tranh với mình để độc chiếm Hoàng đế. Dường như ghen tuông với các quý phi vẫn chưa cảm thấy đủ, ngay cả đến những cô hầu gái, Lý Hoàng hậu cũng quyết không tha.
Một lần, có cô cung nữ trong cung bưng nước ra hầu Quang Tông rửa tay. Cô cung nữ này vốn cũng chẳng xinh đẹp gì nhưng đôi tay lại trắng trẻo, nuột nà như ngọc chuốt khiến Hoàng đế Quang Tông vô cùng thích thú.
Vốn là vị chúa tể của cả thiên hạ, Quang Tông hết trầm trồ rồi cầm đôi tay của cô cung nữ lên ngắm nghía, vuốt ve giống như gặp được một viên ngọc quý.
Chuyện này đương nhiên không thể qua khỏi con mắt sát sao của bà chúa trong chốn hậu cung Lý Hoàng hậu. Ngay ngày hôm sau, vua Quang Tông nhận được một món quà của Hoàng hậu đựng trong chiếc hộp rất lộng lẫy. Quang Tông hỏi cái gì ở bên trong thì thị nữ theo lời dặn của Hoàng hậu trả lời rằng đó là một vật mà nhà vua rất yêu thích. Quang Tông hăm hở mở ra xem và kêu ối một tiếng, mặt mày hoảng hốt. Trong cái hộp là đôi tay tuyệt đẹp của cung nữ xấu số nọ, đã bầm tím và vấy máu.
Sợ mất mật, Quang Tông chẳng những không dám ho he gì Hoàng hậu mà từ đó còn rụt rè hơn trong việc ái ân với các cung phi. Còn các giai nhân trong cung cũng lo giữ mạng, không dám mời mọc gì Hoàng đế cả. Thế mới biết, đòn ghen của Lý Hoàng hậu ám ảnh đối với những kẻ tình địch đến thế nào.
Chiêu “chặt tay” tình địch làm quà tặng cho chồng vẫn chưa phải là đòn ghen ghê rợn nhất từng được lịch sử ghi chép.
Hoàng hậu bắt Hoàng đế chung thủy "một vợ một chồng"
Độc Cô Hoàng hậu, vợ của Dương Kiên vốn nổi tiếng là một người phụ nữ hiền lương, nhân ái. Điều này đã được hầu hết các sử gia ghi chép lại trong sử sách. Tuy nhiên, ngoài những đức tính tốt, Độc Cô Hoàng hậu cũng là người nổi tiếng ghen tuông. Mặc dù Dương Kiên là Hoàng đế nhưng suốt cả cuộc đời gần như không nạp thêm thê thiếp nào ngoài Độc Cô Hoàng hậu bởi vì bà tìm mọi cách để bắt Dương Kiên kiên trì giữ gìn một vợ một chồng.
Tới mức, cả năm người con trai của Dương Kiên đều do một mình Độc Cô Hoàng hậu sinh ra. Trong sách “Tùy thư” có chép: “Độc Cô Hoàng hậu tính hay ghen nên trong hậu cung chẳng có ai được Hoàng thượng sủng ái đến”. Điều đó có nghĩa là, tam cung lục viện 72 phi tần trong hậu cung của Hoàng Đế Dương Kiên thực tế chỉ là bày ra cho có, chứ Dương Kiên tuyệt nhiên chẳng có người thiếp nào. Một vị Hoàng đế làm chủ cả thiên hạ, ngày ngày ăn đủ sơn hào hải vị giờ lại bắt ông ta “chung thủy” với một người vợ suốt cả cuộc đời thì quả thực là việc vô cùng khó khăn.
Vì vậy, rất nhiều trường hợp, Hoàng đế Dương Kiên cũng cả gan vượt khỏi vòng kiểm soát của bà vợ ranh ma để ăn trái cấm. Song bất cứ cô gái nào muốn nhòm ngó long sàng của Hoàng đế hay bị Hoàng đế nhòm ngó đến thì kẻ đó chắc chắn không có kết cục tốt lành gì.
Sử sách chép rằng, Dương Kiên có một kẻ thù không đội trời chung là Uất Trì Quýnh. Khi Uất Trì Quýnh bị quân của Dương Kiên đánh bại, Uất Trì Quýnh tự sát, còn cô cháu gái xinh đẹp của y thì bị bắt làm tù binh rồi được đưa vào cung làm người hầu.
Dương Kiên đã chết mê chết mệt cô gái họ Uất Trì này ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Một hôm chẳng hiểu tinh thần phấn khích thế nào, Dương Kiên đi tìm cô cung nữ này rồi ngủ lại một đêm với cô ta. Chuyện đến tai Độc Cô Hoàng hậu và ngay ngày hôm sau, nhân lúc Hoàng đế còn đang bận thiết triều thì Hoàng hậu mượn cớ bắt kẻ gian sai người giết chết cô người hầu này.
Một cô gái xinh đẹp vừa cùng mình đầu gối tay ấp, giờ đã thành cái xác không hồn, Dương Kiên giận đùng đùng nhưng không thể làm gì được Hoàng hậu. Chẳng còn biết làm thế nào, vị chúa tể thiên hạ một mình một ngựa bỏ triều đình lên vùng núi cao rồi ở đó không chịu về. Khi quần thần tìm đến, Dương Kiên vẫn còn nước mắt nước mũi đầm đìa nói: “Ta thân là thiên tử thế mà chẳng được tự do!”. Mãi tới khi một quan đại thần tên là Cao Dĩnh nói với Hoàng đế rằng: “Bệ hạ không thể vì một người phụ nữ mà coi nhẹ thiên hạ”, Dương Kiên mới đổi ý quay trở về cung.
Đòn ghen theo lối “kìm kẹp” của Độc Cô Hoàng hậu phải nói là cực kỳ hiệu quả và có sức ám ảnh rất lớn. Chẳng thế mà ngay khi Độc Cô Hoàng hậu qua đời, Hoàng đế Dương Kiên trong một ngày đã cưới luôn 2 cô vợ trẻ. Song khi ấy, một ông lão đã bước sang tuổi 60 làm sao chịu được sự “dày vò” đó. Thế nên chẳng bao lâu sau, Hoàng đế Dương Kiên lại theo về đoàn tụ với Độc Cô Hoàng hậu để tiếp tục cuộc “sống một vợ một chồng” cho trọn tình trọn nghĩa.
Chiêu "im lặng tới chết" của Hoàng hậu Viên thị
Thực ra, đã là đàn bà, ghen tuông là chuyện thường tình. Các bà Hoàng hậu cũng như vậy. Có điều, thân là bậc mẫu nghi thiên hạ, là vợ cả của Hoàng đế, họ không được cái quyền “phát tiết” cơn ghen của mình ra bên ngoài. Chính vì thế, rất nhiều bà Hoàng hậu lựa chọn cách đánh ghen vô cùng “hiểm” mà lại phù hợp với các quy tắc của triều đình: Im lặng.
Viên thị là vợ của Lưu Nghĩa Long từ khi ông ta còn là Thái tử. Khi Lưu Nghĩa Long lên ngôi, Viên thị cũng theo đó được phong Hoàng hậu. Đồng thời, con trai do Viên thị sinh ra là Lưu Thiệu cũng được Lưu Nghĩa Long phong cho làm Hoàng thái tử. Một người phụ nữ khi lựa chọn số phận gắn bó với Hoàng đế có hai mục đích chính, khi còn trẻ, được Hoàng đế sủng ái và khi về già, con đẻ của mình được làm người kế vị.
Viên thị được phong làm Hoàng hậu chứng tỏ Lưu Nghĩa Long rất yêu chiều bà ta, con trai do Viên thị sinh ra lại được phong làm Thái tử, như vậy, cả hai mục đích Viên thị đều đã đạt được, chẳng còn gì phải lo lắng nữa. Thế nhưng, mọi chuyện trở nên rắc rối khi có sự xuất hiện của Thục phi họ Phan. Phan Thục phi xinh đẹp, lại trẻ trung nên ngày càng được Lưu Nghĩa Long sủng ái.
Thục phi cũng vì thế mà được đà, rất hay khoe khoang sự sủng ái của Hoàng thượng và cho rằng, có ngày cô ta sẽ thay ngôi Viên thị làm Hoàng hậu. Một lần, trước mặt Viên thị, Thục phi khoe rằng, một khi cô ta cần tiền thì Hoàng đế sẽ không bao giờ từ chối, dù số tiền cô ta muốn là bao nhiêu. Thực tế thì Lưu Nghĩa Long vốn là một ông vua sống rất tiết kiệm.
Ngay cả khi tặng tiền bạc cho Hoàng hậu, mỗi lần cũng chỉ vài ba vạn đồng. Điều này, một người vợ sống cùng Lưu Nghĩa Long lâu năm như Viên thị sao lại không biết? Thế mà nay, ả Thục phi lại nói rằng, ả muốn bao nhiều tiền đều được chẳng phải là nói xằng nói bậy là gì.
Viên thị không tin nhưng vẫn muốn kiểm tra thực hư nên mới mượn danh Phan Thục phi đòi Hoàng đế cho 30 vạn đồng. Không ngờ, Văn Đế Lưu Nghĩa Long quả thực rất nhanh đưa đến 30 vạn không thiếu một đồng một cắc.
Viên Hoàng hậu nhìn 30 vạn đồng tiền ngồn ngộn trước mặt, uất nghẹn không nói nên lời. Từ đó, bà lấy cớ bị bệnh, không chịu gặp Lưu Nghĩa Long. Hoàng đế dù nắm quyền sinh quyền sát, nhưng nay Hoàng hậu nói bị bệnh, không thể gặp cũng không thể nào làm gì được, chỉ đành quay về. Những tưởng Viên Hoàng hậu “chiến tranh lạnh” một thời gian rồi “hòa bình” sẽ trở lại. Tuy nhiên, bà hậu họ Viên quyết định im lặng cho tới tận khi nhắm mắt xuôi tay.
Giờ phút Viên Hoàng hậu lâm chung, Hoàng đế nắm chặt tay bà hỏi bà có muốn nói điều gì không song Viên Hoàng hậu một từ cũng không nói, chỉ nhìn trừng trừng Lưu Nghĩa Long, sau đó tự kéo chăn trùm kín mặt, nhất quyết không nhìn mặt ông.
Cũng vì chuyện này mà Tống Văn Đế đã phải trả một cái giá cực đắt. Sau khi Viên Hoàng hậu qua đời chưa được bao lâu thì Thái tử Lưu Thiệu đã mưu phản, giết chết cả Văn Đế lẫn Thục phi trả thù cho mẹ. Nhiều người nói rằng, nếu như Viên Hoàng hậu chịu nói với Văn Đế một câu trước khi bà về với tổ tiên, có lẽ mọi chuyện đã không kết thúc thê thảm như vậy. Song, một khi các bà hậu đã nổi cơn ghen thì khó ai có thể tính trước lường sau được điều gì.
Thực tế thì không phải bà Hoàng hậu nào cũng đánh ghen theo cách “im lặng” như Viên Hoàng hậu. Đa phần các bà Hoàng hậu đều phản ứng theo hai cách, một là an phận với “kiếp chồng chung”, “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nghĩa là không có chuyện ghen tuông. Số này thường là đông hơn. Hai là ghen tuông một cách quyết liệt và đánh ghen một cách tàn nhẫn bằng tất cả thủ đoạn mà họ có thể nghĩ ra.